Câu chuyện ban nhạc Hàn Quốc được một công ty Trung Quốc đưa đến Việt Nam biểu diễn, nó mở ra những thách thức mới đối với nhà nước Việt Nam về vấn đề đối phó toàn diện với cả một hệ thống tuyên truyền rộng lớn tinh vi và kiên trì của Trung Quốc từ suốt nhiều năm nay.
Cần nhớ chính sách của Trung Quốc luôn nhất quán bảo vệ quan điểm của mình - họ đã chính thức áp dụng trên toàn thế giới và công khai - nghiêm khắc với cả người bên ngoài Trung Quốc.
Đã từng có những ngôi sao lớn của phương Tây vấp phải nguyên tắc này như Brad Pitt, Keanu Reeves, Kenny G… thậm chí có người đã phải nói lại, quy phục, thậm chí ra mặt nịnh bợ để có thể tiếp tục khai thác thị trường Trung Quốc như John Cena. Bắc Kinh rất rõ ràng: "không đi với tôi, tức là kẻ thù của tôi".
Nhưng với Việt Nam thì bối cảnh có nhiều khác biệt so với Trung Quốc. Những người trong nước ra mặt chống đường chín đoạn, và thậm chí đeo đuổi những suy nghĩ chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, đòi lại phần đất của tổ quốc mình bị cưỡng chiếm như Hoàng Sa hay Gạc Ma, thì hầu hết gặp rắc rối không thể kể hết, bao gồm cả tù tội.
Nhưng những nghệ sĩ Trung Quốc công khai lên tiếng ủng hộ đường chín đoạn lại luôn được chào đón ở Việt Nam, được báo chí ca ngợi và vuốt ve, và được cố ý xóa nhòa về quan điểm chính trị chống Việt Nam.
Có ý kiến rằng hình ảnh đường chín đoạn của công ty IMe có thật sự quan trọng và đáng để lên tiếng không? Thật khó mà trả lời bằng một cái nhìn đơn giản như vậy. Nhưng tôi chỉ tự hỏi rằng liệu một nghệ sĩ Việt Nam mặc áo chống đường chín đoạn của Trung Quốc hay công khai bày tỏ quan điểm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, liệu họ có được tự do và dễ dàng đi vào Trung Quốc tổ chức những chương trình biểu diễn rộng lớn hay không?
Về mặt chống tuyên truyền với đường chín đoạn của Trung Quốc, lâu nay có vẻ như nhà nước Việt Nam đã sử dụng đến 70% sức mạnh của mình để chỉ kiểm soát người dân trong nước, nhằm không cho những tổ chức hay cá nhân nào lên tiếng phản đối, và chỉ sử dụng khoảng 30% mang tính ứng xử ngoại giao đối ngoại với Trung Quốc về việc này mà thôi.
Có thể thấy rõ nhà nước Việt Nam dường như muốn khẳng định rằng tất cả những câu chuyện của đất nước như vậy, chỉ có những cơ quan chức năng mới được quyền lên tiếng, hoặc thỉnh thoảng ủy quyền cho một vài tổ chức dân sự - được chỉ định - lên tiếng.
Vấn đề của nhà nước Việt Nam, không thể là cứ đối phó lần lượt với từng câu chuyện như với cty IMe mà phải có một chính sách kiên định và rõ ràng như luật: Bất kỳ ai ủng hộ những quan điểm tổn hại đến quốc gia, dân tộc thì sẽ bị cấm triệt để, không được bước vào đất nước này. Trong trường hợp Bắc Kinh đã từng cổ xúy cho giới văn nghệ sĩ hô hào ủng hộ đường chín đoạn, Hà Nội cũng cần đáp trả bằng cách công bố công khai cấm với cả danh sách những nghệ sĩ Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ đường chín đoạn.
Trong các sự kiện ở Việt Nam từ văn hóa cho đến kinh tế, luôn có những điều chồng chéo từ luật pháp cho đến những mối làm ăn riêng lẻ của các quan chức, và những thỏa thuận ngầm. Chuyện công ty IMe bị vạch trần vào giờ cuối là một công ty ủng hộ đường chín đoạn của chính quyền Trung Quốc, cũng có thể bị coi là từ chuyện không hài lòng nhau trong hậu trường qua vụ làm ăn.
Hiện tại, chuyện ứng xử đối với công ty IMe đang kèm những rắc rối đang dắt dây với nhau, bao gồm từ bộ mặt quốc gia cho đến việc chất vấn lại trong nội bộ đã ra giấy phép, và nói bằng cách nào đó thì có thể dự đoán rằng cú làm ăn lớn này khó có thể dừng lại: Nó ắt sẽ được xoa dịu công chúng bằng cách nào đó.
Đừng quên chương trình nhóm Black Pink đến Việt Nam biểu diễn được hớn hở chào đón một cách đặc biệt, rất sớm trên trang fanpage Thông tin Chính phủ, một điều mà chưa có nhóm nhạc nào trên thế giới đến làm show ở Việt Nam, được vỗ tay hân hoan sớm như vậy.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chính thức có thông tin, ra vẻ rất cao thượng, nói rằng không nên đặt những vấn đề chính trị vào các sự kiện văn hóa. Nhưng điều Bắc Kinh rúng động lên tiếng, có vẻ không phải là nhắm vào nhà nước Việt Nam mà là muốn ngụ ý đến thái độ luôn luôn quan sát, hành động chính danh và quyết liệt của người dân Việt Nam đối với tất cả mọi âm mưu và những phương thức lập lờ của Bắc Kinh. Đối phó với các quan chức và các hệ thống hành chính tại Việt Nam dường như bao giờ cũng dễ dàng hơn so với quan điểm và sức nóng của người dân.
Nói về lợi dụng văn hóa để lồng chính trị vào thì Trung Quốc là bậc thầy. Nhiều năm nay họ dùng nhiều tiền của để can thiệp vào các kịch bản của Hollywood cũng như các sản phẩm giải trí vô hại khác. Một người bạn trẻ ở Úc gửi cho tôi hình trái bóng tròn của trẻ con, in hình địa cầu cũng có kèm cả đường chín đoạn.
Những vụ cấm đoán điện ảnh phương Tây chứa hình ảnh đường chín đoạn của Việt Nam gần đây, có thể nói là đã gửi những thông điệp rất cụ thể đến với Trung Quốc, nhưng vẫn là gián tiếp. Lần này đối tượng cụ thể là một công ty Trung Quốc ủng hộ chính sách của nhà nước cầm quyền. Tôi cũng như những người dân Việt Nam khác cũng đang chờ đợi xem nhà nước Việt Nam sẽ ứng xử trực tiếp và chính danh như thế nào, với nơi đã xác nhận treo tấm bản đồ có đường chín đoạn phi pháp này, nhưng lại lý giải là "không chủ đích nhằm vào người Việt Nam".
Thưởng thức văn hóa và hâm mộ thần tượng là câu chuyện phi biên giới của các thế hệ. Câu chuyện của Black Pink ở Việt Nam hôm nay phức tạp hơn, vì họ đến Việt Nam với người dẫn đường có giắt sau lưng tấm hải đồ chà đạp chủ quyền Việt Nam.
Bản thân Black Pink là một hiện tượng văn hóa và không có gì sai khi giới trẻ Việt Nam đam mê những nghệ sĩ này. Vấn đề là sự ứng xử của ban tổ chức có đủ thông minh và ý thức về danh dự tổ quốc hay không.
Hãy tưởng tượng, chẳng hạn chương trình biểu diễn này vẫn được diễn ra, nhưng tất cả những vé bán ra cho chương trình của Black Pink đều có một mặt in hình đường chín đoạn phi lý bị gạch bỏ, với chú thích rõ là dù công ty tổ chức biểu diễn chương trình này có quan điểm không đúng, người Việt Nam không chấp nhận, nhưng hoan nghênh và chấp nhận và chào đón nhóm Black Pink.
Tôi có nhận được những thông điệp bất bình của một số bạn trẻ về việc lên tiếng "làm quá" chuyện công ty IMe. Nhưng thật ra, những người trẻ đó không có lỗi khi sân khấu chính của đất nước này vẫn đang trình diễn những điều bất cập không có lời giải chạy dài theo suốt nhiều thập niên, mà họ là những khán giả bị ám thị.
Ở miền Bắc đã từng có những giai đoạn những thanh niên tụ tập hát nhạc Beatles, bị chính quyền địa phương đến răn đe. người hát nhạc tiền chiến bị đi tù. Miền Nam có những giai đoạn sách vở băng đĩa nhạc bị lôi ra đường đốt và đấu tố.
Nhiều năm tháng, những người trẻ được khuyến khích chỉ nên thụ hưởng là chính, đừng quan tâm gì bên ngoài tầm mắt của mình, và chỉ nên nghĩ đến những điều gần gũi với họ nhất, hơn là những vấn đề chính trị lẫn khuất sau đó, và hãy tin vào phán quyết của truyền thông dòng chính. Họ tin, và họ hẫng.
Tôi đọc trên các trang mạng, đâu đó có câu hỏi rằng liệu có thể chấp nhận được giới trẻ hôm nay hay không, khi họ đặt quyền giải trí ích kỷ của họ lên cả những giá trị đất nước. Nói vậy thì thật oan và một chiều. Thật ra cũng cần phải đặt thêm một câu hỏi từ một góc độ khác là, liệu Nhà nước Việt Nam có vì tình hữu nghị cam kết với Bắc Kinh, mà nhân nhượng sự kiện hôm nay, không muốn làm lớn chuyện như việc cấm đoán các bộ phim phương Tây, bất chấp một hiện thực về giá trị chủ quyền đang bị xóa nhoà và lạm dụng tuyên truyền?
Cuối cùng, cũng cần nhắc lại rằng việc cấm bộ phim Barbie, đã được hãng sản xuất Warner Bros chỉ ra rằng là vô lý, vì bản đồ giả tưởng trong phim không liên quan gì đến hiện thực Việt Nam. Tuy nhiên bằng sự quả quyết và kiên định, phía kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam vẫn quyết không rút lại lệnh cấm.
Bài bình luận gần đây