Một văn bản lạ
Chúng tôi nhận được một văn bản có chữ ký ghi là của Đức Giám mục Alf Nguyễn Hữu Long và con dấu của Giáo phận Vinh. Văn bản này gửi Bề trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế và Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam.
Nội dung của văn bản là “Mong cha Bề trên cả và cha Giám Tỉnh giải thích, nhắc nhở” hai linh mục của dòng này “về những hành động sai trái của họ” vì những hành động đó “thực sự gây chia rẽ, phá hoại sự hiệp nhất trong giáo hội và xói mòn niềm tin nơi người tín hữu”.
Hai linh mục được nhắc tên vì đã bàn bạc và “Dẫn dắt công luận” trên facebook khi Đức Cha Alf. Nguyễn Hữu Long huyền chức cha Đặng Hữu Nam.
Văn bản này kết luận hai linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế “theo đuổi chống cộng cực đoan và bạo lực trong khi tôi đối thoại cởi mở với chính quyền cộng sản”.
Lời bàn:
Trước hết, chúng tôi xin khẳng định là chúng tôi nhận được qua mạng Internet, nhưng không khẳng định có đúng là Thư của Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long hay không?
Bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Rất có thể văn bản này cũng bị làm giả. Bởi thời buổi bây giờ thật giả lẫn lộn, đến văn thư của Giáo phận Vinh phong chức linh mục, phong chức Thánh, hẳn nhiên là trong văn thư đó không chỉ có chữ ký của ĐC Long mà còn con dấu, lại còn cha Chưởng Ấn ký tên. Vậy mà còn bị làm giả, thì thử hỏi cái gì có thể không làm giả ở đây?
Và chuyện đó đã được khẳng định trong nội dung như trong văn bản này.
Thứ hai: Trên Website của Giáo phận Vinh không thấy có văn bản này.
Thiết nghĩ rằng Giáo hội cũng đã có những quy định, hiến chế để dạy rằng việc dùng phương tiện truyền thông đem thông tin, đem sự thật đến với cộng đồng dân Chúa một cách nhanh chóng, để tránh những điều nhầm lẫn không cần thiết cũng là trách nhiệm của Tòa Giám mục. Thế nên khi Website của Giáo phận không có văn bản này, buộc chúng tôi phải đặt nghi ngờ tính chính danh của nó.
Thứ ba: Có thể chưa hẳn đây là thư thật của Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long. Bởi theo thiển nghĩ của chúng tôi, thì rất có thể Đức GM Alf. Nguyễn Hữu Long không viết một bức thư có nội dung như vậy. Bởi đơn giản, ngài là một Giám mục chứ không phải là mấy bà ngoài chợ để ăn miếng trả miếng với những hiện tượng trên mạng.
Cũng bởi, nếu Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long chú ý các ý kiến trên mạng, tôi tin rằng Ngài sẽ có nhiều văn bản gửi đến giáo dân, giải thích những vấn đề liên quan đến giáo lý, giáo hội, đến hàng ngũ linh mục, tu sĩ của Giáo phận chứ không chỉ có vài việc lẻ tẻ lặt vặt mấy ông cha ở đâu đâu nói đến mình mà đã nhảy cẫng lên.
Đó là những vấn đề mà tác động trực tiếp đến đời sống cả tinh thần, đạo đức và cả đời sống vật chất, luân lý của giáo dân cũng như lương dân mà ngài có trách nhiệm với họ, bởi ngài đã nhận trách nhiệm đó trước Chúa, trước Giáo hội.
Đó là những vấn đề lên quan đến đời sống linh mục, những hiện tượng tha hóa, hiện tượng Giáo sĩ trị, hiện tượng trục lợi và rất nhiều vấn đề nữa, quan trọng hơn việc chú ý đến mấy ông linh mục hoặc ông nào đó xa xa nói về vấn đề của mình.
Bởi chúng tôi nghĩ rằng, là linh mục, khi đã nằm xuống đất để chịu lấy chức Thánh, nghĩa là chấp nhận chịu chết, chịu bỏ đi để phục vụ thiên hạ, phục vụ tha nhân, chứ chưa nói là “Giám mục”.
Bới Giám mục, là người đã nhận lãnh chức Thánh trước mặt Chúa, đã thề hứa chăm sóc đàn chiên của Chúa, hy sinh mạng sống vì đàn chiên, mang lấy mùi chiên, thì xá gì sự hôi hám, sự đau khổ, sự xúc phạm hoặc kể cả những điều thị phi.
Ngày xưa, khi bị xỉ vả, nhiếc móc, nhạo cười và đủ mọi trò đánh đập thế xác, rồi đóng đinh treo trên thập giá, thậm chí, chúng còn bắt thăm chia nhau chiếc áo của Người… thì hình như Chúa Giesu cũng chẳng kêu, chẳng chửi lại một câu nào, càng không có văn bản nào gửi đến cấp trên của bọn quân dữ đã hành hình ngài. Trái lại, ngài còn cầu xin rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì.” (Luca 23:34).
Thiết nghĩ, những đoạn Kinh Thánh đó, Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long biết nhiều hơn các giáo dân.
Mặt khác, khi chu toàn sứ mệnh của mình, thì chắc chẳng phải lo lắng, chẳng cần thanh minh, chẳng cần ca ngợi khoa trương, bởi Sự thật có sức sống mãnh liệt của nó.
Miễn là mình luôn sống không hổ thẹn với chức năng và trách nhiệm của mình không phải trước mặt thế gian, mà là trước mặt Chúa. Mà trước mặt Chúa thì không cần phải “trình bày” chẳng cần văn thư hay đôi co gì cho mệt.
Bởi Giám Mục – nghĩa là người coi sóc đàn chiên, người chăn nuôi đàn chiên thay mặt Chúa. Thế nên, theo cách nói dân gian, để làm Giám mục, thì cần phải “Dám mục” – nghĩa là chấp nhận sự mục nát vì “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác” (Ga 12, 20-33).
Thế nhưng, dù chưa chắc chắn bức thư này có phải của Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long hay không, nhưng đã có văn bản, có dấu và chữ ký hẳn hoi, thì việc xác định có đúng, có là văn bản thật hay giả, là trách nhiệm của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh.
Và chúng tôi đã chờ đợi những phản hồi về văn bản này, nhưng đến nay vẫn không có tín hiệu nào khác, nên chúng tôi tạm bàn về văn bản này cho đến khi nào có thông tin mới.
Văn bản nói gì?
Có lẽ không cần bàn nhiều quá vì nội dung bức văn bản cũng đơn giản thôi. Nhưng chứa đựng nhiều điều mà trong đó người giáo dân khi đọc văn bản đó, sẽ càng bị chia rẽ nhiều hơn. Chúng ta chỉ bàn qua vài nét như sau:
- Không rõ Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long căn cứ vào đâu, để kết luận rằng: Hai linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế được nhắc tên đã “theo đuổi chống cộng cực đoan và bạo lực”?
Liệu Đức Giám mục Alf. Long có hiểu rằng với vai trò của một Giám mục, lời kết án của Ngài có sức nặng ngàn cân đối với số phận của một con người, chứ chưa nói đến một linh mục hay không?
“Cực đoan và bạo lực” là hai trạng thái khó chấp nhận với kể cả người thường chưa chưa nói đến linh mục. Vậy Đức Cha Long đã nhìn thấy, hoặc có tư liệu về hai linh mục này nổ bom, hoặc kêu gọi đặt mìn, đặt bẫy giết người như chính quyền Cộng sản đã làm với nhiều nơi mà mới đây mấy năm như ở Mỹ Yên, Con Cuông hoặc nhiều năm trước như Quỳnh Lưu, … trong giáo phận của ngài?
Hoặc hai linh mục này đã tổ chức xã hội đen chặn đường, đánh đập những người bất đồng chính kiến, bắt bớ, bỏ tù họ bất chấp lý lẽ, luật lệ như chính quyền cộng sản Nghệ An đang làm với những người yêu nước, nhưng người đã xả thân làm nên Giáo hội hôm nay, để có Ngai tòa Giám mục cho Ngài ngồi đó mà cởi mở, mà đối thoại?
Hay hai linh mục này cũng chỉ bình luận, nói lên những ý kiến mà với đường lối “đối thoại cởi mở với chính quyền cộng sản” thì gọi là “chống cộng cực đoan và bạo lực”?
Thiết nghĩ với trình độ của một Giám mục, ngài rất hiểu điều ngài nói và hậu quả của nó sẽ ra sao. Cha ông ta đã dặn: “Lời nói, đọi máu là vậy”. Phải chăng có câu nói của Đức Chúa Giesu rằng:
- Một điều suy nghĩ nữa, là nếu thật sự Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long sợ rằng những điều mà hai vị linh mục kia đã nói sẽ “thực sự gây chia rẽ, phá hoại sự hiệp nhất trong giáo hội và xói mòn niềm tin nơi người tín hữu” thì e rằng ngài đã lo quá xa.
Bởi trước khi lo lắng cho sự xói mòn niềm tin nơi người tín hữu, gây chia rẽ phá hoại sự hiệp nhất, thì xin Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long nhổ tận gốc rễ những vấn đề đang gây không chỉ xói mòn lòng tin, mà mất luôn Đức Tin nơi người tín hữu và không ở đâu xa xôi khác, mà ở ngay ở Giáo phận Vinh, nơi ngài đang có trách nhiệm lớn nhất về mọi thứ xảy ra ở đó.
Đó là việc thiếu minh bạch trong đường lối, xử sự gây bức xúc trong giáo phận với nạn Giáo sĩ trị, nạn lạm dụng đời sống linh mục làm những việc không phù hợp với đấng bậc mình.
Đó là việc nhiều linh mục, thậm chí là cả Giám mục đã từng dựa vào cái gọi là Doanh nhân Công giáo – bất kể họ làm giàu bằng cách nào, miễn lấy được tiền bạc để dâng cúng hoặc tiêu xài đáp ứng nhu cầu của mình.
Nếu Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long chưa rõ điều này, xin xem lại những tấm hình của các Đức Giám mục và cả Hồng y đã đến ăn uống thỏa thuê ở nhà đại gia, để đặt một câu hỏi rằng: Liệu có gia đình giáo dân nào nghèo khó được các giám mục hạ cố đến thăm vậy lần nào trong đời chưa? Vậy có phải Giáo hội công giáo ngày nay đã trở thành giáo hội của người giàu có mà thôi?
Đó là việc xây cất các công trình quá sức chịu đựng của giáo dân, để rồi phải bán đất đai của Giáo hội gây bức xúc cho giáo dân. Bởi với quan niệm của giáo dân có ý thức xây dựng, thì đất đai mới khó, còn nhà cửa, trung tâm mục vụ chưa xây thì xây sau chẳng chết ai. Chỉ những kẻ bóc ngắn, cắn dài mới nghĩ đến cách bán đất đai để xây nhà ở cho sướng thân, mặc cho con cháu sau này không còn chỗ để tồn tại.
Đó là nạn linh mục, giáo sĩ hoạt động chính trị công khai trong chế độ cộng sản vô thần của một số linh mục trong cái gọi là Hội đồng Nhân dân, Ủy ban đoàn kết công giáo mà ai cũng đã xác nhận là những tổ chức của Cộng sản vô thần. Trong khi Giáo luật quy đinh rõ ràng các linh mục trở lên đều không được tham gia tổ chức chính trị. Hẳn là Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long có biết những người này.
Đó là việc cụ thể như vấn nạn vụ việc linh mục phạm tội cách rõ ràng là giả mạo giấy tờ, con dấu, làm văn thư giả vụ phong chức Thánh. Nếu so sánh việc đó với việc linh mục không làm vừa lòng chính quyền cộng sản – một chế độ vô thần chống đối giáo hội đến cùng – thì thử xem việc nào cần xử lý hơn và việc nào nghiêm trọng đến Đức Tin tín hữu hơn?
Ngài Giám mục có coi rằng việc giảng dạy những sự thật nên chính quyền không ưa làm cho ngài khó xử với chính quyền cộng sản mà ngài đang đối thoại, đang cởi mở, có nặng hơn việc làm giả văn thư Giám mục để phong chức Thánh?
Việc nào gây chia rẽ và xói mòn niềm tin nơi tín hữu hơn?
Và thử xem cách xử sự của Đức Giám mục trong các sự việc ấy, thì niềm tin nơi người tín hữu lấy cơ sở nào để tồn tại?
Vậy sao Đức Giám mục không lo việc cụ thể trong nhà mình, trong giáo phận mình có trách nhiệm? Ở đó chỉ có huyền chức, chỉ có dung túng, chỉ có phạt vạ… mà thiếu đi tình yêu thương. Phải chăng, chính Đức Giesu đã biết đến tình trạng này và nói đến điều này trong Kinh Thánh: “Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc”.
Và ngài lại lo lắng cho việc các linh mục nơi xa xôi nào đó “cực đoan và bạo lực”.
Hình như trong Kinh Thánh có điều này: “Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”. (Kinh Thánh Luca).
Còn rất nhiều điều suy nghĩ, muốn nói về vấn đề này với tư cách một giáo dân, một lời bàn bạc, một lời tham gia. Nhưng không rõ liệu có điều gì để tin rằng những góp ý, để xây dựng, để gìn giữ những điều tốt đẹp của Giáo hội thì sẽ được tiếp nhận, sẽ không bị coi là “Cực đoan và bạo lực”?
Thật xót xa khi cha con chẳng đủ lòng tin vào nhau, đàn chiên phải cảnh giác với ngay chủ chăn của mình. Đó là suy nghĩ của các giáo dân khi tiếp xúc với văn bản mang tên của Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long nói trên.
Vậy thì lòng tin của Giáo dân nên đặt vào đâu trong thời buổi hiện nay, khi mà ngay cả nghe Giám mục, linh mục nói ra bằng lời, viết ra bằng văn bản cũng buộc phải nghi ngờ?
Thiết nghĩ, rất có lý khi người xưa đã dạy: “Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, nhưng mất lòng tin là mất tất cả”.
Giáo hội Công giáo tồn tại hơn 2.000 năm qua, từ khi những người giáo dân đầu tiên tụ họp nhau dưới những hang toại đạo đến nay trải qua bao thăng trầm và đau đớn, đã sống vững vàng vinh quang. Giáo hội Công giáo được truyền vào Việt Nam 500 năm qua, máu tử đạo đã tuôn đổ như suối để hôm nay giáo hội vẫn vững vàng trước sóng gió. Tất cả những điều đó, có được, chỉ duy nhất nhờ một nguồn cội, một cơ sở: Đức Tin.
Đức Tin đó, niềm tin son sắt vào Chúa, vào giáo hội đó đã được tôi rèn, đã phải trả bằng giá máu, mạng sống, tù tội của biết bao lớp người là cha ông chúng ta, nhất là dưới thời Cộng sản sắt máu nhất. Những đoàn giáo dân, linh mục, chức việc công giáo đã bỏ mạng trong biết bao cuộc đàn áp, biết bao “phong trào cách mạng”, trong các nhà tù như “Trại Giam Cổng Trời, Cán Tỷ”… không phải để đến hôm nay, bị tan rã nhanh chóng như bọt xà phòng chỉ vì những “mục tử” của chúa đang không đấu tranh với đàn sói mà trở lại để tranh đấu với chính đàn chiên.
Cũng cần phải nói thêm điều này:
Chúng tôi không hiểu được đối với các Đức Giám mục Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh cũng như các Giám mục trong Hội Đồng GMVN, kể cả Giám mục đã nghỉ hưu, các ngài có cảm giác ra sao trước hiện tượng không bình thường này. Khi mà mọi cái, kể cả những điều mà xưa nay với giáo dân Việt Nam chỉ có chắc như đinh đóng cột, rằng các Linh mục, giáo sĩ chứ chưa cần nói đến các Giám mục, đều là những người thánh thiện, đạo đức và là những “Đức Kito thứ hai nơi trần thế”.
Và họ kính trọng các ngài như chính đối với Thiên Chúa. Và họ sẵn sàng hy sinh mọi điều, kể cả mạng sống của mình nhiều khi chỉ vì một lời nói của các ngài, nhiều khi chỉ vì lòng tin rất mù quáng theo kiểu “Cha là Chúa”.
Họ sẵn sàng chấp nhận, dâng cho các ngài cái quyền uy tuyệt đối trong đời sống của họ không phải chỉ có tâm hồn, mà cả đời sống vật chất, xã hội – Điều mà lẽ ra ngay từ đầu, các ngài phải từ chối, nhưng các ngài đã lạm dụng nó quá nhiều.
Thế rồi, các hành động, lời nói và thực tế đời sống của các ngài đã để lại điều gì trong lòng giáo dân mà lẽ ra có nhiều giáo sĩ, linh mục, giám mục, thì đời sống đạo đức phải được nâng lên một tầm cao mới, danh Chúa được sáng láng hơn, tỏ rạng hơn cho thế gian. Thì ngược lại, các ngài đã để lại những bóng tối khổng lồ trong niềm tin của giáo dân, để lại nỗi đau không dễ hàn gắn trong lòng những giáo sĩ, những linh mục chân tu khi các ngài biến việc tu hành, dấn thân cho tình yêu Thiên Chúa thành một nghề kiếm ăn, thậm chí là vinh thân phì gia.
Và khi đó, câu nói của Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. (Mt-22,28) đã trở thành câu nói hài hước(!)
Để đến hôm nay, mọi cái đều phải nghi ngờ, kể cả khi có chữ ký, con dấu của các ngài, kể cả khi các ngài đứng đó nhân danh Chúa mà nói những điều phải trái.
Có lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn của Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay khi lâm vào tình trạng ngày nay mà Giáo Phận Vinh đang là điển hình.
Ai đã làm nên thảm trạng này của Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng?
Do giáo dân ư, giáo dân thì muôn đời vẫn là giáo dân, vẫn là tầng lớp ít học hành và vì thế mới cần hàng ngũ giáo sĩ, linh mục, mới cần Giám mục coi sóc, dạy dỗ và chăm bẳm. Xin đừng trách đàn chiên, đàn bò của mình nghịch ngợm, phá phách, bởi bản chất của chiên, của bò là phá phách và không đi đúng đường hướng, Vậy mới cần một đấng chăn chiên.
Vấn đề là cũng đàn chiên đó, đã qua những quãng thời gian dài thử thách, điều họ chứng minh được và sử sách của Giáo hội đã ghi lại: Họ là những anh hùng Đức Tin, dám xả thân làm chứng cho Chúa và sẵn sàng chết vì các mục tử, vì Giáo hội.
Vậy sao bỗng dưng đàn chiên trở chứng? để Giám mục phải nhọc lòng, để người chăn chiên phải đuổi ra khỏi chuồng? Để mục tử phải kêu la rên xiết rằng đàn chiên hỗn láo không chịu im lặng để đấng bản quyền ngủ ngon giấc, giao lưu vui vẻ với đám cáo chồn bên ngoài?
Thực ra, chẳng cần nói nhiều, thì ai cũng thấy rằng, chính các ngài đã phá nát niềm tin đó nơi dân chúng, nơi những giáo dân Việt Nam vốn thánh thiện và vững vàng Đức Tin. Để rồi hôm nay những giáo dân từng kiêu hãnh được làm con cái của chủ chăn, lại đứng lên đòi hỏi, vạch vòi, yêu sách và coi thường cả uy quyền Giám mục.
Mới đây, khi vụ Hồ Hữu Hòa bị “lộ sáng”, mà nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại là “bung, toang” – nghĩa là không thể giấu nhẹm được nữa, thì một cơn sóng dữ dội trong lòng giáo dân không chỉ Giáo phận Vinh mà cả giáo hội Công giáo trong và ngoài Việt Nam đã dâng lên mạnh mẽ.
Khi đó, người ta mới thấy được một điều rằng: Những cái gọi là Đức Tin, là Tình yêu Thiên Chúa, là lề luật Hội Thánh mà các Giám mục từ Cựu đến tân, đã dày công rao giảng, đe nẹt, sử dụng… chỉ dành cho Giáo dân. Còn các đấng bậc, coi những điều đó là những trò đùa?
Và giáo dân phẫn nộ đòi hỏi một câu trả lời thích đáng. Thế nhưng, đáp lại đòi hỏi chính đáng đó của giáo dân, là một thái độ trịch thượng, lúng túng và ẩn chứa những sự khuất tất.
Bởi dù cựu Giám mục Vinh có trả lời rằng: “Hồ Hữu Hòa đã về Philippines có gì đâu mà hỏi”, còn Tân Giám mục Giáo phận Vinh nói rằng: “Đã báo cáo Tòa Thánh điều tra” và coi như đã hết phận sự. Thì xin thưa vẫn còn nguyên ở đó, trong lòng giáo hội Việt Nam những tiếng khóc tức tưởi, xót xa. Những tiếng khóc đó, những ấm ức đó, vẫn là những con sóng ngầm dữ dội giết chết dần, chết mòn niềm tin nơi họ.
Những con sóng đó là những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng kêu đau đớn của những giáo dân Việt xưa nay vốn chấp nhận mọi khó khăn, mọi đau khổ dù dưới thời vua chúa phong kiến hay thời cộng sản sắt máu. Tất cả đều được giáo dân vui vẻ chấp nhận, thậm chí đã để lấy đó như một niềm vui tử đạo, như một lẽ sống để chứng minh tình yêu của mình với Thiên Chúa, với Giáo hội.
Thế rồi nay bỗng dưng bị những kẻ mang danh “Thay mặt Chúa” làm cho ố danh sự đạo, làm gương mù, gương xấu cho mọi giáo dân và tăng thêm niềm hoan lạc cho những kẻ thù của Giáo hội.
Đã đến lúc những điều đó cần được giải quyết.
Những điều đó đặt ra cho các vị một trách nhiệm rõ ràng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất” (Is, 49, 6). Phải “dẫn chiên đến nguồn nước sự sống và sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ” (Kh 7, 17).
“Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt, các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm".
Còn nếu không, xin hãy để lời Chúa được ứng nghiệm. Rằng: “Ðây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa”.
Ngày 29/06/2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây