Lại chuyện công an đi trộm cắp
Ngày 26/6/2023 mạng xã hội nổi sóng với một loạt video Clip chiếc xe Vinfast nhãn hiệu Fadin màu đó bị tháo hết hơi, xẹp lốp và đóng kín cửa trên đường tại Cầu Ái Nàng, xã An Phú huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
Hàng loạt dân từ nhiều nơi trong các làng xung quanh đổ đến xem sự kiện xảy ra ở đó: Người dân chặn bắt được một chiếc xe chở ba sĩ quan Công an Hà Nội, mang theo quân trang, quân dụng đủ cả quân hàm Đại úy, Thượng úy và cả còng số 8, một khẩu súng kèm theo mấy con dê bỏ trong bao tải ở trong cốp xe.
Sự phẫn nộ dâng tràn đám đông, khi mà ở đây người dân đã nói rõ rằng từ rất lâu, đàn dê của đồng bào nuôi ở vùng này đã mất rất nhiều, bà con rất cảnh giác, nhưng chẳng ai ngờ rằng chính Công an, lực lượng mà mỗi khi mất tài sản, gia súc, gia cầm, người dân vẫn đến khai báo và nhờ đi tìm, nhờ họ bảo vệ.
Trong khi sự phẫn nộ của người dân lên đến đỉnh cao, thì ba sĩ quan gồm một đại úy và hai thượng úy, vẫn cố thủ trong chiếc xe khóa kín cửa chờ “cứu viện”.
Chuyện công an đi ăn cắp, ăn trộm tưởng là chuyện hiếm, thì giờ cũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng mấy làm người dân ngạc nhiên. Thời gian qua, biết bao vụ việc phạm tội hết sức trắng trợn, man rợ và biết bao vụ trộm cắp, lừa đảo mà thủ phạm chính lại là các sĩ quan, chiến sĩ công an gây ra.
Mới cách đây chưa lâu, báo chí nhà nước đưa tin: Ngày 18/10/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an huyện Yên Khánh (Ninh Bình) bắt giữ 2 đối tượng trộm cắp xe ôtô trên địa bàn huyện Yên Khánh. Hai đối tượng này là Nguyễn Đình Hoàng Anh, sinh năm 1993, và Bùi Thúc Quyết, sinh năm 1992 (cùng là công an Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Với thủ đoạn bán xe cho người khác nhưng không làm thủ tục sang tên mà chỉ có giấy viết tay, Chiếc xe được bán đã cài định vị để rồi khi xác định được xe ở nơi nào, sẽ đến trộm xe đi bằng chìa khóa đã được làm thêm.
Không chỉ có một vụ, hàng loạt những vụ lừa đảo của bọn tội phạm là công an hết sức trắng trợn và ghê tởm như Thượng úy Nguyễn Thị Vững, công tác tại Cục chống buôn lậu đã bày mưu cài ma túy vào xe người khác rồi báo cảnh sát phòng chống ma túy nhằm để đưa họ vào tù tội hoặc cái chết để chiếm đoạt tài sản – Một thủ đoạn tội phạm mà chỉ có công an mới nghĩ ra.
Không thể kể hết những trường hợp công an là tội phạm từ bắc đến nam. Mà chẳng cần nói đến những việc lặt vặt như trộm cắp, lừa đảo ở đám sĩ quan hay lính tráng trong lực lượng công an. Ngay cả những sĩ quan cấp tướng, các anh hùng lực lượng vũ trang hẳn hoi đua nhau vào tù với tội danh được gọi là tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn như Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Nguyễn Thanh Hóa, thiếu tướng, Đỗ Hữu Ca, thiếu tướng hay Nguyễn Đức Chung hoặc hàng loạt tướng khác đang rủ nhau ở tù … thực chất cũng là những hành động cướp đoạt của người dân, của nhà nước bằng hình thức khác mà thôi.
Ngay như ở Hà Nội mới vài tháng qua, thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã bị bắt vì hối lộ và lừa đảo trong vụ chuyến bay giải cứu sắp được đưa ra vành móng ngựa, là những ví dụ sinh động nhất.
Tướng đã vậy, nói chi lính tráng, quân cán. Cả đội quân đông đúc ấy, lúc nhúc ấy diễn đủ trò sáng tối trong mọi mặt đời sống xã hội.
Một sự “nhầm lẫn” hiếm có
Chuyện mấy sĩ quan đi bắn trộm dê của dân chắc cũng sẽ đi vào im lặng hoặc sẽ được coi là bình thường, bởi những chuyện công an đi ăn cắp, ăn trộm, tham nhũng, cướp đoạt… đã trở thành chuyện không lạ. Hoặc cũng có thể sẽ trở thành một đề tài để thiên hạ bàn tán, thán phục và ca ngợi sự nhanh chóng, quyết liệt của Công an Hà Nội, sự kiên quyết xử lý “công khai, minh bạch” “không có vùng cấm, bất kể người đó là ai”… như quan chức cộng sản thường thề thốt.
Nhưng, câu chuyện ba sĩ quan Công an đi bắn trộm dê của dân bỏ xe ô tô bị dân bắt, một chuyện “lặt vặt” như vậy lại trở nên ồn ào, thành câu chuyện truyền khẩu và tạo nên sự phẫn nộ trong dân chúng, trong dư luận, lại có nguyên nhân từ Công an Huyện Mỹ Đức, cấp trên trực tiếp của các sĩ quan ăn trộm kia.
Chẳng là khi trả lời về sự việc, lãnh đạo công an huyện nói rằng: Ba sĩ quan đi bắn chim, nhưng lại bắn nhầm dê của dân.
Và chỉ cần như vậy cũng đã đủ tạo nên con sóng dư luận xã hội.
Có lẽ người dân Hà Nội và cả nước cũng chẳng đủ kiên nhẫn để có thể cười trước màn hài kịch về chữ nghĩa mà đám lãnh đạo công an đã vận dụng để gỡ tội cho cấp dưới ở đây. Bởi người ta đủ thông minh để hiểu bản chất sự việc là gì, cũng như lời phân bua, thanh minh của đám quan chức nhằm mục đích gì.
Dư luận xã hội sôi sục lên rằng: Có đời nào mà con dê của dân lại có thể nhầm được thành con chim?
Có thể nào khi nhầm rồi lại bỏ bao tải chuẩn bị sẵn trong cốp xe? Và có thể nào đi bắn chim lại chuẩn bị những khẩu súng có thể bắn chết dê dễ dàng đến vậy?
Và nếu nhầm lẫn, chẳng lẽ nhầm lẫn cả 3 con dê mà tưởng là 3 con chim?
Và dư luận xã hội phẫn nộ lên tiếng, phẫn nộ dùng những hình thức ngôn từ phản ứng làm cho Công an Hà Nộ lúng túng và hoảng hốt phải bắt giữ 3 tên sĩ quan “bắn nhầm” đồng thời khởi tố ngay vụ án, Giám đốc Công an Hà Nội ngay lập tức phải có động tác xoa dịu dư luận bằng cách đuổi cổ 3 sĩ quan ra khỏi ngành Công an và ngày hôm sau thì huyện ủy đình chỉ sinh hoạt đảng của 3 đồng chí sĩ quan đã “bắn nhầm” dê của dân.
Nhưng, lãnh đạo công an Hà Nội dù có hành động nhanh, dứt khoát trong vụ này, thì cũng đã là rất muộn, bởi lời lẽ của Công an Mỹ Đức còn nhanh hơn và đã kịp loan ra khắp thế giới, rằng thì các sĩ quan công an Hà Nội đã nhầm dê thành chim, nên bắn cả ba con dê của dân.
Và đó cũng trở thành đề tài, thành câu chuyện để người dân bàn tán và phẫn nộ.
“Bắn chim nhưng nhầm vào dê”. Nguyên nhân từ đâu?
Thật ra, để vụ việc bị đẩy đến mức độ này, là có sự đóng góp lớn của lãnh đạo công an Mỹ Đức. Bởi anh ta đã học cấp trên của mình là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc từ thời làm người phát ngôn, đã sáng tác ra khái niệm “gạt tay trúng má” để thay cho việc công an tát méo mặt và “Giơ chân hơi cao” để thay cho việc “đá cho vẹo sườn” phóng viên phải đi viện. Hoặc công an nhiều nơi cũng đã đua nhau sáng tác ngôn ngữ dành riêng cho ngành mình như “dân tự húc đầu vào gậy Cảnh sát giao thông”, “Công an dùng chân tác động vật lý vào nhân dân” hay CSGT “cầm những vật giống tiền của người tham gia giao thông, cầm vật giống súng để bắn dân”… hay nghi can tự tử bằng cách treo cổ ngồi, hoặc tự đập đầu xuống đất để chết do được giác ngộ… Đủ cả mọi ngôn từ riêng mà chắc chỉ còn ngành công an hiểu, chỉ có công an dám dùng, còn xã hội thì người ta hoặc phẫn nộ, hoặc lấy làm một trò tiêu khiển khi nhắc lại.
Tìm hiều căn nguyên nào, để lãnh đạo công an Mỹ Đức có thể nói với cả xã hội rằng con người, nhất là các sĩ quan công an trẻ lại nhìn con dê thành con chim, mà nhầm đến 3 lần, bắn chết 3 con và thậm chí, nhầm không chỉ khi bắn mà còn nhầm cả khi cho vào bao tải bỏ vào cốp xe.
Thì câu trả lời mà người ta chỉ có thể giải thích hợp lý nhất rằng: Bởi đó là Công an.
Ở đây, Công an Mỹ Đức đã sử dụng cái gọi là “ngôn ngữ công an” chưa được nhuần nhuyễn, nên đã tạo nên cơn sốc cho xã hội. Bởi cách giải thích trước công luận, cách biện bạch của lãnh đạo Công an, đã nói lên sự coi thường dư luận, coi thường nhân dân đến mức muốn nói gì thì nói, bất chấp chuyện dân nghe có được hay không.
Nhưng, họ đã không ngại. Bởi đó là Công an, nếu phản ứng, đã có đủ mọi điều luật để kết tội, nặng, nhẹ, phạt tiền hay phạt tù tùy thích.
Nhầm lẫn
Có thể nói rằng: Trong cuộc sống, chắc chẳng có ai tránh được nhầm lẫn. Có thể là sự nhầm lẫn lớn hoặc nhỏ, có thể gây hậu quả nặng nề hoặc đơn giản. Sự nhầm lẫn là điều không ai muốn và thường xảy ra một cách khách quan ngoài ý thức của người gây ra. Chính vì vậy, người đời vẫn nói: “Thánh nhân còn có khi nhầm” huống chi con người ta vốn không ai hoàn hảo nên chuyện nhầm lẫn là thường xảy ra.
Nói về sự nhầm lẫn, có thể kể đến nhiều lĩnh vực, nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh mà sự nhầm lẫn gây những hậu quả to lớn đối với cá nhân và đời sống xã hội.
Thế nên, có những lĩnh vực, sự nhầm lẫn gây hậu quả hết sức tai hại và ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do vậy, người ta đặt ra những quy định khắt khe, ngặt nghèo và những quy tắc cần tuân thủ, nhiều khi máy móc nhưng vẫn cứ phải thực hiện để tránh những sự nhầm lẫn không đáng có. Và thậm chí, có những lĩnh vực, công việc không được phép nhầm lẫn. Bởi hậu quả của nó khó có thể khắc phục.
Chẳng hạn, người ta đặt ra một nguyên tắc khi mổ cho người bệnh, là phải đếm số kìm, kéo, dao, panh… đã đưa sử dụng cho ca mổ cả trước và sau khi mổ. Điều này buộc phải làm, để nhằm tránh sự thất lạc, sự sai sót mà bỏ lại dụng cụ trong người bệnh nhân. Hoặc việc kiểm tra người bệnh, hồ sơ bệnh nhân, đối chiếu… trước khi mổ để xác định đúng người, đúng bệnh.
Vậy là vẫn có khi người ta quên luôn cả cây kéo, cả cái panh trong bụng bệnh nhân do sơ ý, do cẩu thả. Thậm chí, đã có rất nhiều vụ đã mổ chân phải thay cho chân trái cần mổ…
Những nhầm lẫn đó, là do tắc trách, do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm nguyên tắc cần thiết khi làm việc mà gây ra.
Nhưng cũng có những sự nhầm lẫn hoàn toàn cố ý, điều này mới tạo ra nguy hại cho xã hội không chỉ một sự việc, một lúc, một giai đoạn.
Trong xã hội Việt Nam thời gian qua, đã có những vụ “nhầm lẫn” cười ra nước mắt, bởi những vụ nhầm lẫn này, chắc chỉ có ở Việt Nam. Có thể kể ra hai vụ như sau được báo chí Việt Nam đưa lên như những hình mẫu dùng sự “nhầm lẫn” để bào chữa rất “Việt Nam”:
Chuyện Hồ Ngọc Chính Bí thư đảng ủy xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nửa đêm chui vào giường ngủ của vợ người khác, sàm sỡ với chị của sui gia mình, bị bắt quả tang thì giải thích là do “nhầm lẫn”.
Thấy có vẻ phù hợp khi sử dụng lý do “nhầm lẫn”, thế nên, sau đó, Phạm Minh Xem, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Kon Tum, Chủ tịch HĐND TP Kon Tum đã ngang nhiên quan hệ với một phụ nữ đã có chồng và đang sống với gia đình cùng chồng và con. Khi bị người chồng tố cáo, ông ta biện minh rằng: Sở dĩ ông ta có quan hệ với bà này, là do “nhầm lẫn”.
Có thể kể ra nhiều sự “nhầm lẫn cố ý” đã từng được quan chức vận dụng trong xã hội Việt Nam, nhưng đến vụ nhầm lẫn dê thành chim này, thì có lẽ đã là đỉnh điểm.
Đó là đỉnh điểm của sự dối trá, trí trá và là sự coi thường công luận, coi thường người dân.
Nghe chuyện này, một cụ già chậm rãi: Có sao, thời nay quan chức muốn nói sao chẳng được. Chuyện nhầm lẫn này làm sao so được với sự nhầm lẫn đến mức cả gần một thế kỷ đã trôi qua, đảng vẫn cứ gân cổ kêu gào “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội” để cả đất nước, cả dân tộc đổ biết bao máu xương, mồ hôi và sức lực, tính mạng để đi con đường mà “đảng và bác đã chọn”.
Thế mà đến nay thì Tổng bí thư nói ráo hoảnh: “Đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã thấy bóng dáng của Chủ nghĩa xã hội”.
Đó mới thực sự là sự nhầm lẫn không thể tha thứ.
Nhưng, chẳng ai thú nhận là đã nhầm lẫn, chẳng ai nhận lỗi là đã đọa đày đất nước đến điêu linh vì sự nhầm lẫn đó. Thậm chí lại vẫn cứ hô hào “đi lên Chủ nghĩa Xã hội” theo kiểu “đâm lao thì phải theo lao”.
Nhưng có sao, đảng ta sáng suốt, tài tình nhưng những điều đó, phải đi theo súng và nhà tù.
28/06/2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây