Trong đời sống xã hội Việt Nam xưa nay, phàm khi đã giữ trọng trách trong xã hội, dù bằng cách nào, thì khi đã ngồi trên ghế quyền lực, con người vẫn cẩn trọng trước những hành động của mình.
Trong bất cứ chế độ nào, dù là “thời phong kiến thối nát”, dù là “bọn đế quốc, tư bản sài lang”… thì quan chức vẫn giữ sĩ diện của con người, của quan chức.
Vài nhân vật trong Truyện Kiều
Trong Truyện Kiều, nhân vật Hồ Tôn Hiến, một chức quan Tổng đốc trọng thần quyền sinh quyền sát trong tay, khi đã lừa được Từ Hải sa cơ thất thế, thì nảy sinh tà ý muốn lấy nàng Kiều.
Có thể nói rằng, khi đó, thế của Hồ Tôn Hiến quyền lực vô biên, muốn gì được nấy huống chi chỉ việc cỏn con là lấy nàng Kiều làm vợ lẽ. Đơn giản chỉ là quan Tổng Đốc này vẫn:
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào
Để rồi sau đó, ông ta đã bỏ ý định riêng tư của mình.
Điều đó, chứng tỏ một điều: Ông ta, dù là quan chức của chế độ thối nát, thì vẫn còn giữ được chữ “sỉ” khi làm quan.
Cũng trong Truyền Kiều cuộc đời nàng Kiều có trăm ngàn mâu thuẫn, đầy sự thăng trầm của số phận một con người, nhất là người phụ nữ dưới chế độ Phong kiến. Nhưng, với người đàn bà, có lẽ mâu thuẫn lớn nhất, để lại nhiều suy nghĩ của người đọc, người mê Truyện Kiều là mối thù của Thúy Kiều với Hoạn Thư.
Hoạn Thư con nhà họ Lại danh gia. Thúc Sinh chồng nàng vốn là một tay “ăn tục nói phét” là chính, chẳng làm được gì hơn bằng những trò tiêu khiển tửu sắc bỏ bê người vợ danh giá của mình. Thế nên, cơn ghen tức, cơn giận hờn của Hoạn Thư càng dâng cao, càng chồng chất.
Chính vì vậy, khi biết Thúc Sinh có nàng Kiều là vợ bé, Hoạn Thư đã trừng trị cái thói “thăm ván, bán thuyền” của Thúc Sinh một cách hết sức sâu cay:
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đọa, ngóc đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay.
Và kế trả thù của Hoạn Thư đã đẩy chồng mình và Kiều đến một bi kịch hiếm có trong đời:
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Còn nàng Kiều, không chỉ là hậu quả của một chế độ thối nát, coi thân phận người đàn bà như một tài sản, một món hàng, mà Kiều còn là nạn nhân của thói trăng hoa của Thúc Sinh – một người đàn ông nhu nhược và hèn nhát – thậm chí, là đối tượng để trả thù tàn khốc và cay độc của Hoạn Thư.
Tất cả những điều đó, hun đúc trong Kiều một mối thù, một ý chí trả thù cho thỏa mối hận về những ngày nhục nhã, đau khổ của đời mình.
Thế rồi vật đổi, sao dời cho đến một ngày, Kiều lại là người ngồi để nắm “Cán cân công lý” và quyết chí trả thù, đền ơn những người có ân oán suốt quãng đời đã qua của mình.
Và Hoạn Thư được điểm danh.
Khỏi phải nói đến sự hoảng sợ của Hoạn Thư khi đã “trót đà gây việc chông gai” làm cho cuộc đời Kiều đớn đau không thể quên được mối hận thù bao năm tháng đến nay mới có dịp để ân đền, oán trả.
Thế nên, Hoạn Thư đã “liệu điều kêu ca” rất logic, hợp lý.
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…
Người đàn bà họ Hoạn cũng nói rằng dù ghen tuông là vậy, nhưng vẫn tạo những điều kiện để cho Kiều trốn đi mà không truy đuổi như một sự gia ân.
Rồi thì:
Lòng riêng, riêng những kính yêu
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai…
Và với những lý lẽ hợp tình, hợp lý và nghe xuôi tai ấy, đã tác động đến Kiều, làm tiêu tan ý chí trả thù mà Kiều nung nấu bấy lâu nay trên mọi bước đường lưu lạc của mình.
Và rồi, người đàn bà ấy, Nàng Kiều đã nghĩ rằng: Đây là một con người khôn ngoan, nói năng phải lời và biết nhận lỗi lầm của mình. Thế rồi Kiều quyết định tha bổng cho Hoạn Thư, chỉ vì “làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen”.
Đơn giản là bởi, lòng căm hận thì vẫn còn đó, sự ghen tuông vẫn tồn tại, nhân vật gây oán thù thì đang dưới tay mình, sẵn sàng để bị trả thù tàn khốc nhất, thậm chí Kiều không có chút thương hại hoặc động lòng. Và Hoạn Thư đã gây nên đau đớn cho thân phận Kiều khi bước chân đến nhà họ Hoạn.
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Nhưng, điều Kiều nghĩ đến, không chỉ có vì Hoạn Thư mà chính là vì: Nếu mình trả thù khốc liệt cho hả giận, cho xứng đáng với lòng hận thù, cho rõ ràng rằng ta đây cũng chẳng kém cạnh về sự sắc sảo, tinh khôn và mưu kế, thì thiên hạ sẽ nghĩ gì về mình.
Và Kiều cũng đã suy nghĩ rằng Hoạn Thư cũng chỉ vì ghen tuông mà gây nên sự tình. Bởi thiên hạ công nhận rằng Hoạn Thư là người đàn bà thông minh, sắc sảo và hành xử rất sâu sắc dù mưu sâu thì kế hiểm.
Nhưng, nếu chỉ vì lòng hận thù mà trả thù riêng với Hoạn Thư, nàng Kiều sẽ bị coi thường trong hành xử, sẽ bị coi là vì mối tư thù nhỏ nhen mà gây thêm tội ác. Bởi
Tha ra, thì cũng may đời
Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen.
Và nàng đã không ngần ngại “truyền quân lệnh xuống trướng liền tha ngay”.
Như vậy, nàng Kiều cũng đã nghĩ đến chữ “sỉ” khi hành xử.
“Sỉ” là sự hổ thẹn của con người có tâm, biết tự xấu hổ với xung quanh, với xã hội khi chính mình thấy mình làm những việc, có những điều không xứng đáng.
Đó là chuyện xưa.
Chuyện quan thượng thư ngày nay
Câu chuyện quan thượng thư Cộng sản Tô Lâm nổi tiếng với nhiều vụ việc từ trong nước ra quốc tế chẳng ai lạ. Bởi Việt Nam luôn được xếp đứng đầu thế giới về những thành tích như vi phạm nhân quyền, tự do báo chí, tước đoạt các quyền lợi cơ bản của công dân, ngang nhiên vi phạm luật pháp không chỉ quốc gia mà cả quốc tế, nhất là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh làm nổi sóng dư luận thế giới…
Thế nhưng, những thành tích ấy cũng là truyền thống xưa nay như căn bệnh mãn tính của những chế độ cộng sản. Mà chính “Cú đớp thế kỷ” của Tô Lâm tại nhà hàng Anh với món thịt bò dát vàng đã làm danh tiếng Tô Lâm nổi lên như cồn.
Cũng sẽ không sao, nếu “Cú đớp thế kỷ” kia của Bộ trưởng Tô Lâm và Chánh văn Phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cứ chìm đi như biết bao cú đớp xưa nay vẫn diễn ra, vẫn cứ ngọt ngào trôi vào im lặng.
Cái dở ở đây, là cú đớp ấy được tay Thánh rắc muối lấy làm tự hào đưa lên mạng khoe khoang rằng: Này nhé, cái món này vốn nổi tiếng không chỉ ở châu Âu, mà nó còn vang đến tận Việt Nam, cái nơi mà đang dịch dã, bệnh tật nghèo đói đến mức dân còn không đủ cả gói mỳ tôm mà ăn, rủ nhau chết hàng loạt hoặc chạy tá hỏa tứ tán về quê, thì vẫn thu hút cả ngài Thượng thư mò sang tận đây đớp bằng được món thịt bò dát vàng bằng mấy tấn lúa có thể cứu đói được cà ngàn dân đấy nhé.
Và vậy là… toang.
Vậy là cư dân mạng chuyền nhau cái video với cái mồm ngoác ra tạo nên cú đớp thế kỷ.
Khỏi phải bàn về những lời ta thán, những câu hỏi được cư dân cả nước gửi đến ngài Thượng thư triều đình làm ngài tối tăm mặt mũi trước thiên hạ. Khắp nơi nơi hình ảng của ngài với cái mồm há hoác và miếng thịt bò dát vàng bằng cả gia tài của một con dân quan Thượng thư chui tọt vào cái mồm ấy.
Và khắp nơi, người ta học cách… rắc của Thánh rắc muối đã phục vụ quan thượng thư.
Cũng may, là ngài có lớp da mặt rất dày và cái mũ phớt rất hiệu nghiệm.
Thế nên, ngài vẫn cứ lên rao giảng về đạo đức làm người cách mạng, về những điều đảng viên không được làm, về học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân đến khi nhân dân hết đồng cắc cuối cùng…
Thế nhưng, ngài vẫn thù, ngài vẫn bực bội và dễ cáu gắt nếu ai vô tình hay hữu ý nhắc đến miếng thịt bò hoặc lỡ miệng nói đến chuyện dát vàng hay rắc muối.
Thì bỗng nhiên tại miền Trung, một đứa chủ quán lại học đòi làm Thánh, dù không rắc muối mà chỉ “rắc hành”.
Nhưng, khi ngài thượng thư đã kiêng, thì cứ rắc là không được, bất kể muối hay hành cái từ “rắc” đã trở thành từ kỵ, húy của ngài Thượng Thư. Ngày xưa, khi nhân vật A.Q của Lỗ Tấn đã chẳng kiêng những từ bắt đầu là sáng, rạng… rồi sau đó là đèn đuốc hoặc những cái tương tự đều kiêng tuốt đó sao.
Thế nên, quan lại và dân chúng khi tiếp xúc hoặc nói đến ngài Thượng Thư nhất nhất đều phải kiêng bằng được những từ húy đó, nếu không muốn nói nhận hậu quả cay đắng.
Có điều, ngày xưa Nguyễn Công Hoan mô tả rằng: “Hoặc cái mặt của nạn nhân, hoặc cái mặt bàn đều phải chịu những cú vả đôm đốp”. Còn ngày nay, ngài Thượng Thư triều đình không cần vả, chẳng cần đấm, mà đã có tay chân ngài nhận chỉ thị để trị tội cho thiên hạ biết mà kinh, mà tởm, mà sợ, mà chừa từ xa.
Thế mà tận cái miền Trung xa xôi kia, anh chàng chủ quán bùn bò Huế mang hiệu “Ba cô gái” muốn câu view, câu khách để kiếm tiền nuôi ba cô con gái nên lại tìm cách học “rắc hành”
Và thế là sinh chuyện.
Trả thù
Và thế là cái lệnh khởi tố vì đã dám “bôi nhọ, phỉ báng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cũng khỏi cần bàn về cái sự xử xét ra sao, sự minh bạch và thuyết phục thế nào. Bởi xưa nay cha ông vẫn đã chẳng bảo: Chữ rằng ngứa ghẻ, hờn ghen” là khó chịu lắm đó sao.
Bởi ngài thượng thư triều đình có chức, có quyền, muốn làm gì chẳng được. Nhưng, người dân thấy cách hành xử như vậy của ngài Thượng thư ngày nay, thua xa nàng Kiều khi xưa. Bởi khác với nàng Kiều, ngài Thượng thư không có chữ “sỉ”.
Thế nên ngài không cần biết thiên hạ kháo với nhau rằng: Quả thật, lòng ngài thượng thư quá nhỏ nhen và hèn hạ khi đi trả thù một anh chủ quán chỉ vì cái tội dám “rắc hành”.
Vậy ra là tấm lòng của ngài Thượng thư ngày nay không quảng đại bằng Nàng Kiều của hơn 200 năm trước.
Mà đó chỉ mới là Nàng Kiều – một con đĩ, vợ một tướng cướp ngày xưa chưa chưa cần so sánh cái tầm của quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến khi xưa.
Đúng là khôn, lại "Bới lên mà ngửi"
30.05.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây