You are here

Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi

Ảnh của nguyenhuuvinh

Những cuốn sách gây hại cho chủ

Trong lịch sử các danh nhân thế giới, hiếm có lãnh đạo nước nào để lại nhiều dị nghị, lắm nghi ngờ và điều tiếng về sự mập mờ, không minh bạch như lãnh đạo Việt Nam thời cộng sản.

Những vấn đề mà người lãnh đạo cộng sản Việt Nam bị cho là mập mờ, là đánh lận con đen, là giấu diếm, là thiếu sự đàng hoàng thì vô khối. Từ lý lịch không rõ ràng, xuất thân không minh bạch, hành tung đáng ngờ, tuổi tác thì gian lận, học lực thì khai khống… cho đến những sản phẩm, tác phẩm của họ thì vay mượn, đạo văn, lấp liếm… đủ bệnh.

Trong số các vấn đề đó, vấn nạn lãnh đạo tung ra các sản phẩm văn hóa như sách vở, tuyển tập, hồi ký hoặc “Những mẩu chuyện về đời hoạt động”… là nỗi kinh hoàng nhất của người dân quan tâm đến văn hóa và tri thức.

Khác với những cuốn sách, hồi ký của các cựu lãnh đạo thế giới, sách vở của họ phát hành ra được đón chào, chờ đợi từ người dân. Người dân Việt Nam nghe những con số, những thông tin sau đây hẳn sẽ cho là chuyện bịa.

Một ngày sau khi cuốn hồi ký A Promised Land ra mắt công chúng, nhà xuất bản Penguin Random House - đơn vị phát hành của sách - cho hay tác phẩm này đã bán được 887.000 bản. Theo USA Today, con số này đã bao gồm những đơn đặt hàng trước đó, trên tất cả định dạng sách ở Mỹ và Canada.

Cuốn My Life của cựu Tổng thống Bill Clinton bán được khoảng 400.000 bản trong ngày đầu tiên phát hành. Hồi ký Decision Points của George W. Bush bán được khoảng 220.000 bản. Doanh số của hai tác phẩm này đến tháng 11/2020 lần lượt là 3,5 và 4 triệu bản.

Ở Việt Nam, người dân tá hỏa khi nhìn thấy “Tuyển tập Đỗ Mười” với 5 tập sách dày cồm cộp, được giới thiệu là gồm các “bài nói, bài viết, bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười”.

Hẳn nhiên là điều này không thật. Bởi dù làm đến chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản, nhưng chẳng ai tin rằng Đỗ Mười không thể viết nổi một bài viết nào trong đó. Thế nên, nói rằng gồm các bài viết là không chính xác. Còn về bài nói, bài phát biểu? Thì hẳn nhiên, vấn đề là những bài nói chuyện thì Đỗ Mười chỉ là cái loa, còn nội dung là của người khác.

Nhưng có lẽ chẳng ai thèm đọc xem trong đó những bài nói, bài phát biểu của Đỗ Mười thì có kèm với những từ nói tục, những cái vung tay chém gió như bão, nước bọt bắn tứ tung như thực tế cuộc sống Đỗ Mười hay không.

Rồi ngay cả lãnh đạo như Nông Đức Mạnh cũng có bộ Tuyển tập đến 4 cuốn.

Thế nhưng, người dân chỉ kháo nhau một chi tiết rằng ở trong đó lần đầu tiên, có hình ảnh “con – vợ” của Tổng Bí thư. Sở dĩ gọi là “con – vợ” không hẳn vì sự bất kính với Tổng bí thư. Chỉ vì dân tình đồn đại rằng cô vợ của ngài Tổng bí thư, vốn là bồ nhí của cậu con trai của ông ấy. Thế nên nhà thơ Mai Hồng Niên đã viết: “Chuyện tình tang có từ lâu. Mang danh “con”,  vợi nỗi sầu lòng “cha””. Và để rồi tạo nên gia cảnh:

“Để rồi con từ mặt cha

Chỉ vì một chiếc lá đa đổi chiều

Đồng tiền đắp điếm và yêu

Thong dong cảnh chợ chó mèo vờn nhau

(Chuyện tình Tổng Cóc)

Và người dân chú ý đến Tuyển tập họ Nông, bởi ở đó, lần đầu tiên, Bí thư họ Nông chụp ảnh với cô vợ hai này.

Cũng hoàn toàn khác với thế giới, sách của các lãnh đạo Việt Nam được sản xuất bằng tiền dân, sản xuất với chi phí lớn nhất, đẹp nhất, nhưng chỉ để cấp không làm chật chỗ trong các nhà kho. Thậm chí có người còn cam đoan rằng những bộ sách đó, con số người đã đọc trong cả nước chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Điều đó, cũng có nghĩa là những bộ sách kia chẳng có tác dụng gì, ngoài cái danh hão, cái mốt của lãnh đạo cộng sản để chứng tỏ rằng ta cũng không mù chữ, cũng để lại sách vở mà thôi.

Và trên thực tế, những cuốn sách đó gây hại cho chủ mình.

Bởi thời gian qua đi, những thực tế cuộc sống chứng minh rằng những cuốn sách đó không chứa đựng sự thật, trái lại nó bao gồm mọi sự hoang tưởng, ngáo đá, dối trá và bịa đặt. Dù có thể nó lừa bịp được một số người nào khi đó, thì thời gian sẽ bóc trần sự thật đằng sau.

Và khi đó, tác dụng của nó sẽ là tác dụng ngược.

Trong lịch sử Việt Nam, cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chú Tịch” của Hồ Chí Minh, lấy bút danh Trần Dân Tiên làm tác giả là một ví dụ điển hình về tác dụng ngược cho chính tác giả của nó.

Thêm hiện tượng Trần Dân Tiên

Có lẽ lãnh đạo khoái sản xuất sách của mình nhất, phải kể đến Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều người nghĩ rằng, chắc bởi xuất phát từ sinh viên văn khoa, nên Nguyễn Phú Trọng khoái viết lách và để lại sách vở chăng. Thế nhưng, cũng có người nói lại rằng: “Chẳng biết cái nhãn sinh viên văn khoa nó có thật không, chứ nghe những bài thơ ông ta làm, thì biết ngay khẩu khí của… con cóc. Vậy thì viết lách cái gì, ai đọc.

Thế nhưng, ai đọc hay không là chuyện thiên hạ, mình có quyền, có thế, có sở thích để lưu danh vạn đại thì mình cứ viết thôi.

Mới đây, cuốn sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng được báo chí Việt Nam rầm rĩ tán tụng, bày đủ trò có thể để tung hô, nịnh bợ và đề cao một cách hết sức sống sượng về một đề tài chẳng ai thèm cãi vì chỉ cần đọc qua tên sách, người ta đã phán một câu: “Tâm thần”. Đó là cuốn sách có tựa đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Sở dĩ như vậy, bởi chỉ cần nói đến các cụm từ “Chủ nghĩa xã hội”, “đi lên Chủ nghĩa xã hội”… thì nói theo cách nói của đảng, là “tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân Việt Nam” đã lập tức có hiện tượng tăng xông lên tận não.

Bởi chẳng ai lạ gì cái Chủ nghĩa xã hội mà đảng đã ra sức kêu gào cả xã hội: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc” lên đó đã gần một thế kỷ nay.

Bởi chẳng ai không nhớ cái Chủ nghĩa xã hội đó đã tạo nên một thời đại đau khổ nhất, man rợ nhất của thế giới: Đày ải nửa quả địa cầu vào đòi nghèo, mọi rợ và bất công, bóng tối.

Bởi chẳng ai không thấy những tấm gương, những điển hình của Chủ nghĩa xã hội trên cả thế giới được thể hiện ở đủ mọi sự mục nát ở những đỉnh cao trí tuệ, ở những quốc gia thành trì như Liên Xô, Trung Quốc…

Bởi không ai không rùng mình khi nhìn thấy những quốc gia mang danh Chủ nghĩa Xã hội hoặc Tiến lên Chủ nghĩa xã hội ở trên thế giới những năm qua, bây giờ vẫn hiện nguyên hình diện mạo Chủ nghĩa Xã hội như Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Việt Nam… Ở đó, chỉ riêng chuyện được có đủ miếng ăn đút vào miệng đã là mơ ước. Ở những đất nước đó, đời sống vật chất được so sánh với một trại chăn nuôi đói khát, đời sống tinh thần, ở đó được ví như những trại tập trung.

Tại Việt Nam, cái nhãn hiệu Xã hội Chủ nghĩa đã được tự gắn cho nhà nước, quốc gia này đã nửa thế kỷ nay và đảng đã định hướng, hò hét, kêu gọi đi lên cả gần một thế kỷ và đến nay vẫn cứ khăng khăng: “Đó là con đường đúng đắn, duy nhất mà đảng và bác đã chọn cho cả dân tộc”.

Hỡi ôi, cái đảng đã chọn ấy, là cái đảng của những năm mông muội đầu thế kỷ trước cho đến nay khi mà đã hơn 100 năm trên thực tế chỉ rõ rằng đó là một trò lừa bịp vĩ đại và tàn nhẫn nhất trong lịch sử thế giới.  Tổng kết lại, Chủ nghĩa Xã hội, từ lâu đã trở thành một nỗi kinh hoàng, sự sợ hãi của những người đã từng sống ở thời kỳ nó xuất hiện, và nó cũng là nỗi bất hạnh của những khu vực, những vùng đất, những cộng đồng xã hội mà nó đã được du nhập đến.

Thế nên, khi biết Nguyễn Phú Trọng bới lại cái “con đường đi lên Chủ Nghĩa xã hội” bằng một cuốn sách gọi là “Lý luận và thực tiễn” người ta thấy rùng mình và kinh sợ.

Và không chỉ rùng mình, kinh sợ mà người ta nhìn hiện tượng đó với một cái nhìn không mấy bình thường, cái nhìn đối với một hiện tượng quái dị, một bệnh nhân tâm thần, một trường hợp quái gở trong xã hội.

Thế nhưng, cái bệnh nhân tâm thần ấy, cái trường hợp quái gở ấy, lại là kẻ đang nắm chức, nắm quyền sinh, quyền sát tại Việt Nam.

Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi

Trong dư luận nhân dân, người ta đã “điển hình hóa” việc dối trá, lừa bịp thiên hạ bằng cách viết sách để tự ca ngợi mình bằng cách gọi những việc ma mị đó là “hiện tượng Trần Dân Tiên”.

Khi đời thường gặp phải mọi trò lừa mị, dối trá, người dân Việt chỉ cần nói: “Lại trò Trần Dân Tiên”, thế là đủ hiểu.

Cứ tưởng rằng căn bệnh đó sẽ giảm đi khi các lãnh đạo cộng sản sau này sẽ lấy tấm gương Trần Dân Tiên để mà tự răn mình, đừng để chuốc lấy những câu chửi bới độc địa của thiên hạ động đến long mạch tổ tiên.

Thế nhưng không.

Trở lại trường hợp Nguyễn Phú Trọng với cuốn sách của mình. Cuốn sách ra đời trong sự hờ hững, sự coi thường và ghẻ lạnh, kinh sợ của cả xã hội. Có lẽ sẽ không ngoa, nếu nói rằng: Theo đánh giá chung, thì trừ mấy người đọc bản thảo để xuất bản, để dịch… nghĩa là những người đọc cuốn sách đó để kiếm tiền. Còn lại hiếm có ai trên đất nước này bỏ thời gian trong thời buổi gạo châu củi quế này để đọc cuốn sách đó, kể cả khi thừa thời gian hoặc buồn chán thế sự.

Thế nên, đảng đã tự ý lấy cả đống tiền dân để sản xuất cuốn sách này. Rồi sau đó, xuất bản hàng loạt, bằng giấy tốt, bằng bìa đẹp, bằng hết mọi khả năng của lớp quần thần để cho Nguyễn Phú Trọng thấy sự tận tâm, sự cung cúc của đám tay chân của mình. Để Nguyễn Phú Trong thấy rằng vẫn có lớp đàn em đã bất chấp sự xấu hổ, bất chấp sự thật là sự khinh bỉ của xã hội mà làm những việc không chỉ vô bổ mà còn có hại.

Đám tay chân ấy, đã hò nhau xuất bản cuốn sách. Chưa đủ, còn đem cuốn sách đó để tổ chức đủ mọi trò như hội thảo, phát biểu cảm tưởng. Để rồi sau đó, những bài viết cò mồi khen tặng theo kiểu “mẹ hát con khen” kia lại tập trung thành một cuốn sách khác rằng là tính cảm của nhân dân đối với Nguyễn Phú Trọng… Nghĩa là đủ trò diễn ra khi có thể nghĩ được mà không cần xấu hổ.

Và Nguyễn Phú Trọng được lợi mọi bề, được dịp để đàn em cung phụng, được những món khổng lồ tiền nhuận bút, bởi sách ghi giá bìa thật cao, thì cũng chỉ để cất vào kho nhà nước chờ ngày ra đồng nát mà thôi.

Tưởng đến thế đã là xong, đã là đủ để Nguyễn Phú Trọng cảm thấy được tôn vinh, được đề cao và đảng đủ thấy rằng việc vén tay đốt nhà táng đến vậy đã là quá đáng.

Thế nên, khi người dân đang ngồi tiếc đống tiền bỗng dưng bị đảng đưa ra vén tay đốt sạch bằng cuốn sách này, và qua đó vài quan chức lại kiếm được những mớ bẫm từ mồ hôi và máu của người dân đen. Thì ngạc nhiên chưa, họ lại nhận được tin rằng: Đảng đã xuất bản cuốn sách kia ra 7 thứ tiếng nước ngoài với hàng chục ngàn bản.

Người ta không hiểu hành động này của đảng nhằm mục đích gì với hàng chục ngàn bộ sách bằng tiếng nước ngoài đó khi mà ngay trong nước chẳng ai để tâm đếm xỉa đến? Bởi chắc chắn rằng nó chỉ gây hại mà chẳng có một chút giá trị nào trong thực tế.

Và đến đây, thì sự bùng nổ không chỉ ở trong lòng dân âm thầm, mà trên mạng xã hội, trong dư luận quần chúng đã tạo nên một làn sóng dữ dội về thói ngông cuồng và muôn vạn cách phá tiền dân của đảng.

Và cũng đến đó, người ta mới thấy được hậu quả khủng khiếp của cái thói tôn sùng cá nhân, tự nâng cao bản thân đã gây hại cho đất nước, xã hội ra sao.

Đó cũng là cách mà Nguyễn Phú Trọng học hỏi ở trong cuốn sách: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch Chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh, sau khi ông ta đã tự viết sách ca ngợi mình.

Và người ta thấy bóng dáng một Trần Dân Tiên đã và đang dẫn dắt Nguyễn Phú Trọng. Tựa như, cách đây hơn 200 năm, Nguyễn Du đã từng nói:

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi

(Kiều)

26.05.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh