Tranh cãi
Nhân vật Hồ Chí Minh vốn là một nhân vật gây tranh cãi từ lâu nay không chỉ giữa những người chống Cộng sản và những người phò Cộng sản. Mà nó còn là câu chuyện gây tranh cãi ngay giữa những người vốn tôn sùng Hồ Chí Minh xưa nay nhưng vẫn có những nhận thức mới, tìm hiểu về nhân vật đã một thời họ coi là thần tượng của mình.
Một con người, một nhân vật được cả hệ thống nâng lên thành thần tượng, thành điểm ngắm, thành đích đến của mọi con người, mọi thế hệ trong một dân tộc, hẳn phải là nhân vật hoàn hảo đến những chi tiết nhỏ nhất và sự hoàn hảo đó phải vượt yếu tố thời gian để mãi mãi trường tồn, đặng làm ngôi sao sáng dẫn đường cho đất nước, dân tộc đi theo.
Thế nên, mọi chi tiết về đời sống, nhân cách, thành quả, trí tuệ cũng như sâu xa hơn là nguồn gốc, xuất thân của Hồ Chí Minh phải được rõ ràng, chứng minh cụ thể bằng những sử liệu không thể thay thế, chẳng thế nghi ngờ. Đặc biệt, trí tuệ, đạo đức của nhân vật đó phải trỗi vượt mọi mặt so với đời sống xã hội bình thường.
Có vậy, thì mới có thể buộc cả đất phải “học tập và làm theo” và buộc dân tộc phải “mãi mãi đi theo con đường bác đã chọn”.
Thế nhưng, nhân vật Hồ Chí Minh đã không có được những yếu tố đó, và đó là nguyên nhân gây tranh cãi dai dẳng trong xã hội Việt Nam.
Sự tranh cãi đó, gây nên sự vô ích, tốn thời gian, và nhất là tạo ra sự mất đoàn kết trong xã hội.
Vậy thì điều đơn giản nhất để xóa bỏ những hệ lụy từ sự thiếu nhất trí, đoàn kết trong xã hội đó là gì?
Có lẽ không có gì khó khăn, nếu tất cả mọi điều về nhân vật này được minh bạch và được đánh giá đúng tầm mức, không tô lục chuốc hồng và cũng không bị bôi đen.
Bởi như lời Kinh Thánh đã chỉ ra: “Chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.
Thế nhưng, người cộng sản đã không hành động theo hướng đó, ngược lại, họ đã tạo ra xung quanh Hồ Chí Minh những đám mây mù, những uẩn khúc, những ẩn số… nhằm tạo ra sự huyền áo, hư thực để lôi cuốn những kẻ ưa chuyện âm mưu, trinh thám và thiếu tính thực tế.
Nhưng điều họ không biết, hoặc không cần biết, là những sự hư ảo đó, ngay nay rất dễ dàng để có thể bị bóc trần trước thiên hạ. Và đến khi đó, lòng tin chính thức bị phản bội, lòng người sẽ thay đổi.
Họ cũng không chịu suy nghĩ xem trong lòng người dân Việt Nam hôm nay, trừ những kẻ bị liệt kháng với khả năng nhân thức, phần còn lại trong xã hội, họ nghĩ gì về Hồ Chí Minh.
Rất có thể những người cộng sản nghĩ rằng: Chẳng cần, miễn là cần một số đông những kẻ chỉ cần nhắm mắt đi theo, dỏng tai nghe ngóng để làm theo mà bộ não không cần suy nghĩ là đủ.
Thế nhưng, oái oăm thay, là xã hội vận động và phát triển lại không nhờ đám bò đỏ thừa cơ bắp nhưng thiếu trí tuệ đó, mà xã hội muốn tiến bộ và phát triển, lại do những bộ óc ưu việt trong xã hội hướng dẫn mà đi lên.
Người ta cũng không hiểu là ngay cả những người đứng đầu hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản, những kẻ như Hoàng Chí Bảo khi thao thao bất tuyệt những câu chuyện bịa đặt, sáo rỗng và mùi mẫn nhằm lấy nước mắt mấy kẻ khó tiếp thu kiến thức nhưng dễ xúc động và mau nước mắt, là nạn nhân của những quả lừa, thì bản thân họ có tin điều mình nói ra hay không?
Điều mà hệ thống tuyên truyền đảng không chịu hiểu, hoặc có thể hiểu nhưng không chịu suy nghĩ và sửa chữa, hoặc là muốn sửa chữa nhưng không thể làm, là để Hồ Chí Minh thật sự được người dân yêu mến, kính phục, thì điều cần thiết hơn cả, là sự minh bạch, sự rõ ràng những thông tin về Hồ Chí Minh để thuyết phục những con người dù khó tính nhất, dù xét nét nhất, nghi ngờ nhất.
Hẳn nhiên, sự minh bạch, sự rõ ràng không thể đến bằng cách cả vú lấp miệng em, không thể theo kiểu nói lấy được, bất chấp mọi lý luận, tư liệu và nhân chứng sống hay đã chết. Sự minh bạch chỉ có thể từ các căn cứ khoa học, từ các tư liệu và nhân chứng cụ thể, chỉ vậy mới thuyết phục được tuyệt đối đa số nhân dân mà thôi.
Nhưng, xem chững hệ thống này không muốn vậy.
Và cứ vậy, câu chuyện về Hồ Chí Minh vẫn cứ bao trùm những lớp mơ hồ, những điều bất minh để mỗi lần nói đến, là mỗi lần trở thành cơn phẫn nộ, chia rẽ cũng như làm cho thần tượng Hồ Chí Minh của một số người bị hạ bệ nhanh chóng.
Và vậy là cả hệ thống lúng túng, bao biện, suy diễn rồi bịa đặt để vớt vát lại những điều đã trót bịa đặt theo kiểu “đã đâm lao phải theo lao”.
Vậy Hồ Chí Minh là ai? Người này có thật không?
Hẳn nhiên, theo hệ thống tuyên truyền nhà nước, thì Hồ Chí Minh không chỉ có thật, mà còn là một lãnh tụ thiên tài, là một người đủ mọi thứ tốt đẹp nhất trong mọi thứ tốt đẹp nhất. Điều không đầy đủ duy nhất ở Hồ Chí Minh, điều mà khi nào hệ thống tuyên truyền của đảng cũng thấy thiếu. đó là những cái xấu. Và không chỉ là thiếu những cái xấu, cái bẩn, mà còn là cả những cái đời thường nếu không được điển hình hóa, không được tiêu chuẩn hóa… để đáp ứng cho được tính chất cần có của một thần tượng, một ông thánh cho cả dân tộc, cả đất nước cứ nhằm vào đó mà noi theo, mà học tập. Mà điều cần học nhất, là “luôn luôn đi theo đảng và trung thành với đảng” trong khi “là đảng cầm quyền”.
Và để xây dựng lên một tấm gương, một hình mẫu cho Hồ Chí Minh, thì hàng đống hàng núi tiền dân đã đổ ra để nặn, để vẽ, để tô và để… cung cấp cho bộ môn “nổ” về những điều có thể gán cho Hồ Chí Minh nếu thấy đẹp nhất.
Thế nhưng, sự đời là vậy, nhiều khi cứ nghĩ là lừa bịp thiên hạ một số lần thì sẽ được mãi mãi, mà không hiểu rằng trong cơn say máu bịa đặt và nói nhiều đến mức chính bản thân mình cũng tẩu hỏa nhập ma, thì các nhà tuyên truyền về Hồ Chí Minh cũng để lộ cái đuôi của hệ thống đằng sau đó một cách rất tự nhiên và lộ liễu.
Đã có nhiều tờ báo nhà nước, kể cả những tờ báo như “Quân đội Nhân Dân” hô hào rằng: Báo chí nhà nước cho rằng: Hồ Chí Minh chỉ là một huyền thoại.
Trên trang mạng của Ban Quản lý Lăng Hồ Chí Minh có bài viết: “Huyền thoại Hồ Chí Minh trong trái tim các nhà báo quốc tế” khẳng rằng Hồ Chí Minh là một “Huyền thoại”.
Trang báo mạng Tuyên Giáo, trong bài viết: “Không bao giờ đánh đổ được huyền thoại Hồ Chí Minh” ngày 16/5/2011 đã khẳng định rằng: “Huyền thoại Hồ Chí Minh là thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX”. Bài viết đăng lại bài trên tờ Quân Đội Nhân Dân của Quân ủy Trung Ương, của Bộ Quốc phòng.
Điều đó có nghĩa rằng: Hồ Chí Minh là một huyền thoại được cả hệ thống Việt Nam dựng lên, và coi là thành quả vĩ đại của hệ thống tuyên giáo.
Hẳn nhiên là cũng cần biết điều này: Theo định nghĩ Tiếng Việt, thì: “Huyền thoại, nghĩa là câu chuyện không có thật, mang vẻ thần bí, kì lạ và hoàn toàn do tưởng tượng” - Nghĩa là Hồ Chí Minh, chỉ là những câu chuyện được đảng và bộ phận chuyên môn bịa của đảng đã tưởng tượng ra, bịa ra về một nhân vật mang tên Hồ Chí Minh để buộc cả nước lấy đó làm đích để “học tập và làm theo”.
Đương nhiên rằng đã là những câu chuyện tưởng tượng, thì được cấp lương, cấp tiền và đủ mọi phương tiện, các nhà tưởng tượng học của đảng tha hồ mà “Nổ” – nói theo cách nói dân gian – để vẽ ra một Hồ Chí Minh không tì vết, nhưng không có thật.
Xin đừng có ai nói rằng đó là cách dùng từ chưa chuẩn của báo chí nhà nước. Bởi với hệ thống tiến sĩ dày đặc, lại nhất là khi nói, viết về Hồ Chí Minh thì chuyện không hề là chuyện đùa và sự nhầm lẫn, sai sót về ngôn ngữ là điều không thể xảy ra.
Ngẫm lại, điều đó cũng rất có lý. Bởi người ta nhớ lại rằng, với hệ thống tuyên giáo hùng hậu, với lực lượng ăn theo Hồ Chí Minh “đông như quân Nguyên”, thì việc tưởng tượng ra một Hồ Chí Minh không có thật là điều không hề khó khăn.
Bởi chỉ một mình Hồ Chí Minh thôi, cũng đã có thể ngồi tưởng tượng ra một Hồ Chủ tịch rất lâm ly mẫu mực trong bộ sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để tự ca ngợi mình, nhưng lấy tên Trần Dân Tiên.
Có vậy, Hoàng Chí Bảo mới thao thao bất tuyệt, ngậm ngùi kể lại câu chuyện Hồ Chí Minh ở Pháp mà còn đi ra ngoại thành để mua bằng được con gà về làm giỗ cúng mẹ. Chuyện kể như thật và nếu ai không tìm hiểu sẽ ngồi khóc tỉ ti như hàng ngũ cán bộ đã khóc khi nghe Hoàng Chí Bảo kể chuyện này.
Nhưng, họ sẽ thôi khóc và đứng dậy ra về ngay, nếu có ai đó đứng lên hỏi: Vậy chứ “bác” có hiếu vậy, thương mẹ như thế, mà sao mấy lần “bác” về quê, mộ mẹ nằm ngay đó trên núi Đại Huệ, mộ anh chị, ông bà chỉ cách mấy bước chân, mà tịnh không hề thấy “bác” bước chân đến mộ thắp cho họ một nén hương. Còn nếu “bác bận việc nước” quá, thì sao khi đến quê nội và quê ngoại, “bác” cũng chỉ giương mắt nhìn, mà không hề nhắc đến tên của ông bà, tổ tiên chứ đừng nói thắp một nén nhang trước ban thờ tổ tiên nội ngoại?
Tất cả đối với Hồ Chí Minh đều là những câu chuyện bịa đặt, kể cả chuyện Hồ Chí Minh có đầy đủ, ngập tràn lòng yêu thương quê hương, đất nước, hay khiêm tốn, bản lĩnh… cũng chỉ là chuyện huyền thoại, nghĩa là những câu chuyện do thêu dệt mà có.
Thế rồi, có nhiều người quả quyết rằng: Hồ Chí Minh là nhân vật không hề có thật, đó chỉ là một câu chuyện hư cấu.
Bởi đơn giản một điều: Một con người mà mọi thứ để xác định nhân thân từ tên, tuổi, quê quán, dòng tộc, họ hàng, ngày sinh, ngày chết, di chúc để lại… tất cả đều giả. Điều đó, nếu ai chưa hiểu thì cứ lên mạng Internet mà tìm tư liệu.
Vậy, thì làm sao có thể coi là đã có một con người!
19.05.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây