You are here

Hệ thống đánh hội đồng một phụ nữ? Cuộc chơi sẽ về đâu?

Vụ việc của cô Hiệu trưởng Lê Thị Dung ở Nghệ An, đến nay, có thể nói rằng hiệu ứng dây chuyền của nó đã đến độ không thể dừng lại được, bởi ngọn hỏa hoạn đã chính thức thiêu rụi căn nhà niềm tin vào lẽ phải, cũng như sự tử tế còn sót lại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa này. Hay nói khác đi, sự cố chấp, lấp liếm và gắng gượng lấy tay che khuất mặt trời của giới quan lại địa phương ở đây đã đẩy tình huống, sự vụ đến chỗ tiến thoái lưỡng nan…

Trong vụ án này có gì khuất tất? Bởi người ta không thể viện lý do cô Dung làm thất thoát số tiền gần 50 triệu đồng trong vòng 10 năm để phạt người ta 5 năm tù giam, và trước đó, cố tình tạm giam cô Dung 13 tháng, vượt thời hạn tạm giam cho phép theo luật Tố tụng hình sự đến 9 tháng. Bởi thời hạn tạm giam cao nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ 4 tháng theo luật này.

Nếu viện lý do như vậy, không cần bàn tới chuyện lý lẽ, mà trong đời sống xã hội, chẳng ai dám thò mặt ra để làm chuyện ấy, bởi nó chỉ đủ để sỉ nhục kẻ đang phanh phui, làm người ai làm thế! Nếu xét về công lý (một loại công lý mang đậm màu sắc chính trị Cộng sản) thì lại càng không nên làm thế, đặc biệt không nên kéo dài thời hạn tạm giam một cách bất chấp pháp luật, bởi nó chỉ làm bôi nhọ thể chế và xóa mất niềm tin sót lại trong nhân dân về thể chế chính trị hiện hành.

Như vậy, phải có một thứ “lý lẽ “ nào đó đủ mạnh, đủ khiến cho người ta nhắm mắt đạp qua rất nhiều thứ. Và đương nhiên, cái thứ khiến người ta nhắm mắt đạp qua rất nhiều thứ ấy phải được bảo bọc, chống lưng bởi một thế lực đủ mạnh để đạp bằng và thách thức pháp luật, thách thức lương tri và công lý.

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ trên Văn Việt: “Cách đây hơn 3 năm, Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26 /9/2019 đã đăng bài viết “Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Tại sao lại “bới lông tìm vết” để thi hành kỉ luật bà Lê Thị Dung”? (https://ngaymoionline.com.vn/huye-n-hung-nguyen-tinh-nghe…). Từ bài báo của Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26 /9/2019 có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với bà Nguyễn Thị Phương Thuý, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà.

Cơ sở để TAND huyện Hưng Nguyên kết tội cô giáo Lê Thị Dung là ở mục thanh toán trùng. Như cáo trạng đã viết:

“Như vậy, việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền phụ cấp cấp ủy cho bà Lê Thị Dung hàng tháng; thanh toán tiền công tác phí, hỗ trợ đi học là đúng quy định.

-Tuy nhiên, ngoài các khoản đã thanh toán nêu trên, bà Lê Thị Dung còn tiếp tục quy đổi các nội dung trên sang tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho cá nhân mình là thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) cho cùng 01 nội dung… Từ việc thanh toán trùng nêu trên đã gây thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng”.

Ở đây, cái cớ đưa ra để đi đến lệnh bắt và tạm giam suốt 13 tháng nghe cứ tưởng như trò đùa trẻ con, trò trốn tìm và bắt bớ của đám trẻ trâu ngoài đồng ruộng chứ không phải của những người lớn có chữ nghĩa và biết lẽ phải. Nhưng, nó cũng phản ánh một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay là hầu như tất cả giới quan chức đều rất lơ mơ về quyền hạn, giới hạn trong chức vụ của mình và hết sức mơ hồ, mù mờ về luật pháp, thích thì làm, thích thì bỏ. Viện dẫn điều lệ đảng, viện dẫn quyền lực đảng và chụp mũ chính trị trong hành sự, công tác là chính chứ hiếm khi nào vận dụng luật pháp. Mà có muốn vận dụng thì cũng không biết vận dụng ra sao, bởi tri kiến có vấn đề, bởi bằng giả, bởi lương tâm bị kiến tha quạ bắt…

Chưa rõ cáo trạng đã chính xác, đã nêu đúng hay chưa. Ở đấy có lắm vấn đề để bàn cãi. Và người bị nêu cáo trạng đã chấp nhận cáo trạng là đúng, đã tâm phục khẩu phục về cáo trạng hay chưa, đây là ẩn số. Nhưng, giả định số tiền chi sai gần 50 triệu đồng là đúng sự thật, thì ở đây, có thể viện dẫn Nghị định số 63/2019/NĐ-CP để xử lý.

Nội dung Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019), Điều 55 quy định:

“Điều 55. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp).

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng;

b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt định mức chi về số lượng, giá trị;

c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi) (https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-dinh-63-2019-ND-CP-xu…).

Trường hợp của bà Lê Thị Dung tương ứng với các mục a), c), khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-C: a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng; c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi)”. Chiếu theo các mục a), c) khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-CP” thì cô giáo Lê Thị Dung bị phạt hành chính “từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” và phải hoàn lại số tiền gần 50 triệu đồng như cáo trạng đã nêu”.

Nhưng trường hợp cô Dung, thay vì viện dẫn nghị định, người ta cố tình đẩy sự vụ đến chỗ hình sự, biến một người vi phạm hành chính thành tội phạm hình sự nhằm đẩy người đó vào tù. Mục đích để làm gì, có lẽ đến đây cũng đã rõ được ít nhiều.

Tác giả Nguyễn Ngọc Chu bức xúc: “Làm thất thoát 15 000 tỷ đồng thì bị xử 3 năm tù treo. Làm thất thoát 53, 6 tỷ đồng thì ở Hà Nội xử 3 năm tù giam. Còn làm thất thoát chưa đến 45 triệu đồng, thì ở Nghệ An bị xử phạt 5 năm tù. Có phải người Nghệ An thấp kém hơn nên phải chịu hình phạt nặng hơn?

Cũng chẳng phải riêng Nghệ An. Dường như quan sát thấy khuynh hướng, rằng các tỉnh càng nghèo thì “đối đãi” với “thần dân” của mình càng khắt khe.

Lấy vài thí dụ. Ăn trộm 1 con vịt mà toà án ở Kiên Giang xử phạt 7 năm tù (https://dantri.com.vn/…/mot-thanh-nien-lanh-7-nam-tu-vi…). Ăn trộm 2 con vịt, toà án ở Kontum xử 09 tháng và 13 tháng tù (https://vkskontum.gov.vn/…/Linh-an-tu-vi-02-con-vit-574/0. Còn ở Lâm Đồng, ăn trộm 2 con vịt bị xử tổng cộng 13 năm tù cho 3 nông dân (https://plo.vn/lam-dong-vi-hai-con-vit-ba-nong-dan-bi-13…). Thiết nghĩ, ở vị trí lãnh đạo thì phải cố mang về nhiều lợi ích nhất cho người dân của mình, chí ít thì cũng không kém địa phương khác. Đằng này, ngược lại, dân đã nghèo mà đối đãi lại khắt khe, hình phạt thì nặng nề.”.

Sắp tới đây sẽ là phiên tòa phúc thẩm vụ cô giáo Dung. Nhưng, người ta đoán rằng hết mười phần sẽ có những chỉ định, tạo sức ép nhằm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bởi ở đây đã có cuộc chiến ngấm ngầm giữa giới chức cộm cán địa phương với gia đình cô Dung, xa hơn một chút là cuộc chiến giữa sự trơ tráo, bất chấp và chân lý, giữa tiểu xảo và sự thật, giữa đen và trắng, giữa những âm mưu hại người và nạn nhân, giữa tà ý và chính tâm, giữa sự đánh tráo và công lý… Đây là cuộc chiến mà từ cổ chí kim, dường như sức mạnh nghiêng hẳn về phía những kẻ bày cuộc, trừ khi công luận và lương tri nhân loại lên tiếng.

Những thao tác bưng bít thông tin, cấm đoán bàn luận về phiên tòa cô Dung sắp tới, những chỉ định miệng và các thông báo ngầm trong “cuộc chơi” gắt máu này cho thấy sự việc không ngoài dự đoán của công luận. Vấn đề là những kẻ bày cuộc đã đi quá đà, cuộc chơi gian lận của họ không chỉ chạm đến số phận một cá nhân (cụ thể là cô Dung) mà đã chạm đến danh dự và số phận của đảng cầm quyền. Bởi, cuộc chơi bây giờ là cuộc chơi giữa quyền lực nhóm (trực thuộc đảng) và công lý. Liệu cán cân sẽ nghiêng về đâu? Câu chuyện còn dài lắm!