Kỷ niệm lần thứ 48 biến cố 30.04.1975
Ngựa quen đường cũ
Ngày hôm nay, báo chí đồng loạt tung hô màn bắn pháo hoa được mô tả là rực rỡ, mãn nhãn tại Hà Nội và Tp HCM để mừng “lần thứ 48 Chiến thắng 30/04”.
Như vậy, sự kiện 30/04 đã đi qua được 48 năm.
Không chỉ đến hôm nay, những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông Việt Nam thi nhau tung hứng cái gọi là “Chiến thắng 30/4/1975”, một sự kiện mà lãnh đạo Cộng sản Võ Văn Kiệt đã nói: “Có triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.
Những người buồn, vẫn tiếp tục tổ chức những ngày Quốc hận, Tháng tư đen. Mới đây, ngày 27/04, Thượng Viện California vừa thông qua nghị quyết Ngày Nhân Quyền Việt Nam do Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg giới thiệu, với số phiếu tuyệt đối.
Nghị quyết này đã chọn ngày 11/05 là Ngày Nhân quyền Việt Nam để ủng hộ những cố gắng nhằm đạt tự do và nhân quyền cho người dân Việt Nam. Nghị quyết khuyến khích người dân California kỷ niệm ngày này với các hoạt động bao gồm, nhưng không giới hạn, tuần hành, tổ chức nghi lễ, và thảo luận.
Còn “những người vui” – Bên thắng cuộc – vẫn lại là những màn hò hét, nhảy múa, cờ xí rợp trời bất chấp đời sống người dân vẫn đang lầm than sau những trận đại dịch khủng khiếp bởi thiên tai, kết hợp với đại nạn Nhân tai do đảng và nhà nước giáng xuống trên đầu người dân bằng những Việt Á, Chuyến bay Giải Cứu, Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và muôn vàn trò đấu đá nội bộ đảng.
Không chỉ ngày hôm nay, mà cả tháng trước, hệ thống báo đảng đã móc lên những câu chuyện đủ thể loại vừa mơ hồ, vừa bịa đặt và những điều người ta có thể tưởng tượng ra về những trận đánh “Oanh liệt” “Giòn giã”, những chiến công kiểu Nguyễn Văn Trôi, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé…với đủ thứ ngôn từ ca tụng về ngày kết thúc cuộc chiến cách đây gần nửa thế kỷ trước.
Những cuộc chiến phân biệt
Người ta đặt câu hỏi: Lý do nào, hàng năm, cứ đến những ngày này, nhà cầm quyền CSVN lại tiếp tục lải nhải điệp khúc cũ đã diễn đi diễn lại mấy chục năm đã qua?
Phải chăng vì họ tự hào vì cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975?
Phải chăng họ tự hào vì những cái gọi là “Những cuộc chiến tranh do đảng lãnh đạo”?
Phải chăng dư âm và sự luyến tiếc chiến tranh đến nay vẫn còn chưa thể đi qua trong tâm khảm người cộng sản? Và họ đang tự hào về những cuộc chiến mà người dân đã buộc phải cầm súng ra trận trong thời hiện đại có “sự lãnh đạo của đảng”?
Có lẽ chưa hẳn vậy.
Bởi cũng có những cuộc chiến gần đây hơn, rõ nét hơn, không chỉ là nửa nước dồn tâm lực, mà là cả nước từ Nam đến Bắc đã chung tay, quyết chiến và quyết thắng.
Nhưng, nhà cầm quyền CSVN đã cố tình giấu nhẹm không chỉ trong sử sách, trên truyền thông mà cả trong đường lối, trong những lời lẽ mà quan chức CSVN vẫn thường không dám nhắc đến. Điển hình như cuộc chiến Biên giới Phía Bắc, cuộc chiến năm 1988 tại Trường Sa hay cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc chiến trên đất Campuchia, nơi mà Việt Nam đã nướng hàng trăm ngàn quân và đóng quân tại đó hơn chục năm trời.
Những cuộc chiến đó, đã có một thời gian dài biến mất trong ngôn ngữ và tài liệu của người CSVN. Họ không dám nhắc đến kẻ thù trực tiếp đã gây nên những cuộc chiến tàn khốc đối với người dân Việt Nam, hòng xâm lấn lãnh thổ và nô lệ hóa dân tộc.
Chỉ riêng việc phân biệt đối xử với những cuộc chiến mà người thất bại chính là nhân dân Việt Nam, vì nhân dân là nơi mà xương, máu, mạng sống, tài sản cảu cải bị nướng vào cuộc chiến không biết xót và chẳng cần tính toán, người ta đã đọc thấy rõ bản chất của những cuộc chiến.
Cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào 1975 đã qua đi 48 năm, nghĩa là đã gần tròn nửa thế kỷ, đã có ít nhất hai thế hệ được sinh ra sau cuộc chiến đó. Nhưng, hầu như hàng năm, hệ thống truyền thông vẫn không dứt cơn “tự sướng” và tiếp tục nhai đi nhai lại những luận điệu tuyên truyền rẻ tiền. Chỉ vì, họ chỉ sợ lớp con cháu không còn bị ngộ độc như những thế hệ trước đó đã bỏ mình vì những lời tuyên truyền của đảng.
Cho dù, những lớp người đã tham gia cuộc chiến, và cả những lớp người lớn lên sau khi cuộc chiến kết thúc, đã dần dần nhận ra sự thật của cuộc chiến đó có bản chất gì.
Và nhiều người đã đọc rõ ràng rằng, đó thực chất là một cuộc tấn công xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền mang tên Việt Nam Cộng Hòa.
Quốc gia đó được xác lập sau Hiệp nghị Geneve 1954.
Quốc gia đó, có một chính quyền dân chủ, do chính người dân lập nên và tôn trọng.
Cần nhớ, năm 1966, đã có 60 quốc gia trên thế giới công nhận chính thể VNCH và năm 1957 đã từng đệ đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc. Còn nhà nước VNDCCH phía Bắc, thì đến 1969, Thuỵ Điển mới là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận.
Quốc gia đó, có đời sống kinh tế, văn hóa và có nền dân chủ ở mức cao hơn nhiều lần một quốc gia mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc vẫn là điển hình của sự nghèo đói, lạc hậu và độc tài, phản dân chủ.
Và điều oái oăm, là cái quốc gia man rợ hơn, lạc hậu hơn đã hò hét “Giải phóng” quốc gia văn minh.
Và điều hài hước của lịch sử, là đám man rợ đã thắng trận.
Nửa thế kỷ đã trôi qua.
Và câu trả lời hôm nay: Hòa giải
Sau cuộc chiến, những cuộc “bỏ phiếu bằng chân” nói “Không” với cộng sản bằng những cuộc bỏ nước ra đi, trốn chạy khỏi thiên đường cộng sản bằng mọi cách… đã chứng minh sự trớ trêu của lịch sử, sự đau đớn của vận mệnh một dân tộc.
Nửa thế kỷ sau cuộc chiến, những “người chiến thắng cầm quyền” đã quay trở lại xẻ thịt chính con dân mình theo đúng lý thuyết: “Khi thỏ hết, thì chó săn phải lên mâm”.
Những người con dân Việt buộc phải bỏ nước ra đi, tiêu tán khắp nơi trên thế giới, vẫn chưa hết là nạn nhân của đảng khi ngày đêm lao động để gửi về Việt Nam hàng chục tỷ mỹ kim một năm. Để rồi đảng lại ra sức “vén tay đốt nhà táng” hoặc mua thiết bị, vũ khí trấn áp lại nhân dân.
Và đảng gọi họ là “Khúc ruột ngàn dặm” của đảng. Và đảng kêu gọi “Hòa hợp, Hòa giải”.
Nhưng, người cộng sản hòa giải bằng cách nhảy nhót, reo vui và tung hứng lẫn nhau, đào lại, xới lên những vết thương khó chữa lành, khó hàn miệng của bên chiến bại. Người cộng sản vẫn xới tung, bịa đặt, bêu xấu, làm cho sự nhục nhã của bên chiến bại dâng cao trong lòng mỗi người, chỉ nhằm để thỏa mãn sự kiêu ngạo, sự “tự hào” và che lấp đi sự bất chính, sự tàn bạo đằng sau và thực chất của những “chiến thắng” đó.
Kinh tởm hơn, những người cộng sản đã “Hòa giải” bằng cách đưa một số bù nhìn mang danh "Cựu sĩ quan” “Luật sư”, “quân nhân”, “học giả”, “nhà nghiên cứu”… thuộc VNCH” về thăm đất nước để làm cái loa thay cho đảng tiếp tục lừa bịp đồng bào và kêu gọi “Hòa giải, hòa hợp” với cộng sản.
Vài năm gần đây, một đoạn video được đưa lại, cho thấy Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao CSVN đã đưa một đoàn thăm nghĩa trang quân đội Biên Hòa – nơi có đến 18.000 quân nhân VNCH tử nạn - để nói về “sự nhân đạo” của nhà nước cộng sản đối với quân nhân VNCH.
Nhìn qua, người ít não nhất cũng thấy ở đó là những ụ đất mới được cày xới, vun lại như những luống khoai chưa kịp trồng, cỏ chưa kịp nảy mầm, vài ngôi mộ được quét vôi vội vàng như một phim trường cẩu thả. Tất cả chỉ được dựng lên sơ sài lừa bịp người xem. Trong khi mấy chục năm qua, nhà cầm quyền CSVN đã không cho phép người dân đến sửa sang, thăm viếng và cả nghĩa trang quân đội Biên Hòa đã trở nên hoang tàn, sập sệ… và giờ là “lỗi ở chính những người thân của họ” theo như Nguyễn Thanh Sơn.
Thế nhưng, ở đó, người ta thấy những bộ mặt dài thườn thượt, mếu máo nước mắt nước mũi dàn dụa “vì ân hận, vì xấu hổ” trước sự khoan hồng, khoan dung của đảng cộng sản và cũng vì căm hận chế độ VNCH của cha ông họ, căm thù những người từng là đồng ngũ, là chiến hữu của họ đã bị thua cuộc mà không chịu “quy hàng chánh nghĩa cộng sản” để “Hòa giải, Hòa hợp” như họ.
Nhìn những bộ mặt đó, người có ít liêm sỉ nhất cũng không khỏi phải tởm lợm và khinh bỉ, dù là những người chưa bao giờ có mối quan hệ với VNCH.
Ôi, những giọt nước mắt hoặc vì đểu, hoặc vì ngu, hoặc vì “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” để phản bội lại cha ông, bán cả danh dự, liêm sỉ và coi thường chính đồng đội, bạn bè nhằm kiếm mội mối lợi nào đó, hoặc vật chất hoặc tự sướng cho bản thân.
Và, đó mới thật sự là bi kịch của bên thua cuộc. Đó cũng là cách “Hòa giải” của người Cộng sản.
Ai cũng biết, khi người Cộng sản chưa thể hòa giải được với chính tâm hồn họ khi tính người trong mỗi người sẽ day dứt, ân hận với những nhiệm vụ, công việc họ làm mà họ biết là phản dân, hại nước!
Khi người cộng sản chưa thể hòa giải được với chính đồng đội, đồng chí của mình trong những tội ác họ đã thực hiện như với đảng viên Lê Đình Kình 60 năm tuổi đảng, như với dân Đồng Tâm hoặc những đồng chí khác phe nhóm bị tận diệt trong đảng qua các cuộc “Đốt lò”. Đó là chưa nói đến những đồng chí từng là Công thần chế độ, xả thân với để xây nên chế độ này bằng tất cả tài sản, năng lực, gia đình, thậm chí cả tôn giáo như gia đình Vũ Đình Huỳnh, Đăng Kiến Giang, Trần Độ, Hoàng Minh Chính… dù họ đã đi khỏi thế giới này từ lâu, nhưng những oan ức và ấm ức của họ chưa hề giảm xuống chứ đừng nói mất đi.
Khi người Cộng sản chưa thể hòa giải được với nhân dân, những người đã nuôi nấng họ bằng máu xương và mồ hôi nước mắt, giờ đang bị họ phản bội.
Thì làm sao, họ có thể hòa giải được với những người đã biết họ từ bản chất, đã bât chấp mạng sống, gia đình, của cải và mọi thứ để thoát khỏi “sự lãnh đạo tài tình, tuyệt đối” của người cộng sản?
Thế nên, điều mà người cộng sản cần hơn, là hãy hòa giải với chính bản thân mình, với tâm hồn mình, đồng đội mình, người dân của chính mình.
Chiều 30/04/2023.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây