Vẫn những tranh cãi về cuộc chiến
Những ngày này, khi mà cả đất nước đang lại loa đài ầm ĩ, lại nhảy múa tưng bừng, lại pháo hoa rợp trời, cờ quạt đọt ngột đường làng… để “Mừng chiến thắng” thì người ta nghĩ đến nhiều vấn đề. Người ta nghĩ đến một quá khứ, kẻ thì cho là “hào hùng chống Mỹ”, người thì cho là một cuộc chiến “nồi da xáo thịt” giữa người Việt Nam.
Hẳn nhiên là tùy theo góc nhìn và quan niệm của mỗi người.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, người dân Việt vẫn chưa dứt được cơn tranh cãi về những cái được, cái mất, cái đúng, cái sai của một cuộc chiến. Chỉ biết rằng: Những người dân Miền Nam trung thành với chế độ Việt Nam Cộng Hòa và những người suy nghĩ độc lập, khách quan, vẫn quan niệm hoặc phân tích và cho rằng đó là một cuộc xâm lược của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) vào Việt Nam Công Hòa (Nam Việt), một quốc gia có chủ quyền được quốc tế công nhận.
Những người lên án cuộc chiến thì lập luận: Là một quốc gia độc lập, có chính quyền do người dân bầu lên hẳn hoi, được nhiều quốc gia công nhận, việc Bắc Việt đưa quân vào cưỡng chiếm Nam Việt bằng vũ lực là một hành động xâm lăng. Những người ủng hộ cuộc chiến thì nói rằng: Sở dĩ phải đưa quân giải phóng Nam Việt, là bởi họ đã đưa tay cứu vớt Miền Nam đang dưới ách kìm kẹp và đang rên xiết, thống khổ dưới chế độ Mỹ - Ngụy bạo tàn:
Tất cả nói một lời: Giải phóng!
Cứu miền Nam! Cứu miền Nam!
Ôi cửa Phật cũng dầu sôi lưa bỏng
Dẫu thiêu mình làm đuốc, vẫn cam!
(Tố Hữu – Miền Nam – 1963)
Trong số đó, những người kịp nhận thức ra điều hết sức ngớ ngẩn, vô lý là một quốc gia nghèo đến mức cùng cực, lạc hậu mọi mặt như tách ra khỏi loài người văn minh, lại đi “Giải phóng” một quôc gia văn minh, dân chủ với đời sống phồn hoa, như nhà văn Dương Thu Hương, là không nhiều. Hẳn là với tầm nhìn ấy, khả năng nhận thức độc lập ấy mà có một nhà văn Dương Thu Hương nổi tiếng hôm nay vừa nhận giải văn chương Cino Del Duca mà Việt Nam im tịt không dám đưa nửa dòng tin.
Nhưng, những con người như bà Dương Thu Hương là không nhiều, thậm chí là rất ít. Rất nhiều người vẫn không muốn do không thể tư duy được sự vô lý ở cuộc chiến đó, vẫn đang bị ngộ độc bởi những lời tuyên tuyền, Kể cả khi có cái ví dụ nhãn tiền là Kim Dâng Un vài năm trước đã hô hào Giải phóng Hàn Quốc.
Thế rồi cuộc tranh cãi mãi mãi không dừng cho đến hôm nay. Có thể nói rằng với những người đó việc giải thích, lý luận để chứng minh là không thể có tác dụng. Họ luôn cho rằng, thì là con đường Giải phóng dân tộc để đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và bác đã chọn là con đường đúng đắn nhất, tốt đẹp nhất mà dân ta phải đi, đất nước ta phải đến. Chấm hết, không tranh cãi.
Và để thực hiện điều đó, đã có súng.
Thế nên, chắc chỉ có những tấm gương cụ thể, may ra họ mới hiểu hơn đôi chút.
Những liên minh và các mối quan hệ
Lịch sử cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc ngày 30/04/1975, có mối quan hệ chặt chẽ với các mối liên minh, các quốc gia phe phái trên thế giới.
Trong lịch sử phát triển của thế giới, có nhiều mối quan hệ, nhiều liên minh được thành lập, tồn tại hoặc tan rã. Có những liên minh tạo ra những sức mạnh, những động lực thúc đẩy tiến bộ, văn minh thế giới, những liên minh đó đem lại những giá trị làm thay đổi đời sống con người trên thế giới tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, cũng không thiếu những liên minh đã làm suy đồi thế giới, đã đẩy thế giới vào những đại nạn. Những năm gần đây, người ta đã nói đến nhiều mối quan hệ như thế. Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/1/2002, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã nêu lên một thành ngữ là "Trục ma quỷ" Iran, Iraq, và Bắc Hàn là những nước ủng hộ khủng bố.
Có những mối quan hệ dai dẳng tồn tại như thách đố xã hội loài người, tạo ra những nhức nhối, những cản trở, ngăn chặn xã hội, đất nước từng nơi nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung tiến bước lên mức cao hơn, xứng đáng với đời sống con người được nhận. Điển hình của những mối quan hệ đó, là mối quan hệ giữa một vài quốc gia hiếm hoi, là tàn dư còn sót lại của Cái gọi là Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa hoặc phong trào Giải phóng dân tộc, là những đất nước như Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam, Venezuela…
Chưa nói đến mối quan hệ Việt Nam – Bắc Hàn, dù cũng có những nét tương đồng với nhau.
Ở đó, cũng có một cha già dân tộc Kim Dâng Un lên ngôi kế nghiệp cha và ông nội của cha già để lại khi mới 28 tuổi. Ở đó cũng có một Miền Bắc xác xơ nghèo đói và tụt hậu đến mức cùng cực, người dân ăn cả cỏ khô để mong vượt qua cái đói, để cho lãnh đạo sống trong xa hoa, nhung lụa với hàng loạt biệt thự, cung điện và sống trong một thế giới khác của sự trụy lạc với hàng ngàn cung nữ và thiết bị đắt tiền, hiện đại nhất. Nhưng, ở đó, đàn thần dân vẫn chấp nhận tất cả, họ tôn thờ, coi lãnh đạo là Thiên sứ, là Thánh, là Thần, còn thần dân chỉ là cái kiến, con sâu bên cạnh một miền Nam giàu có, văn minh, hiện đại cả thế giới phải nể phục. Nhưng, Kim Dâng Un vẫn đòi “Giải phóng miền Nam” khỏi sự giàu có và văn minh.
Đó là những mối quan hệ dựa trên sự tương đồng ở bản chất cực đoan kết hợp sự nghèo đói và cai trị người dân bằng chế độ độc tài, hà khắc, biến cả dân tộc, cả đất nước thành một trại súc vật không hơn.
Nhìn sang Cuba anh em
Cuba đã có một thời nằm trong niềm tự hào của người dân Việt Nam khi nói đến Cuba. Những người dân Việt Nam coi Cuba như một đất nước thân thiết, ruột thịt là hình mẫu của sự phồn thịnh và thành công, là tấm gương sáng để Việt Nam cùng sát cánh, kề vai làm tròn nhiệm vụ của những “tiền đồn trong phe Xã hội Chủ nghĩa”.
Đã có một thời, nhớ đến Cuba là nhớ những câu thơ tuyên truyền:
“Em ạ Cu-ba ngọt lịm đường
Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương
Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại
Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương” (Tố Hữu – 8/1964)
Thậm chí, người ta vẫn còn nhớ khi Nguyễn Minh Triết khệ nệ mang mấy ngàn tấn gạo sang làm quà cho Cuba rồi vung tay chém gió: “Việt Nam Cuba, như trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây cùng canh giữ hòa bình thế giới. Việt Nam thức thì Cuba ngủ, Cuba thức, thì Việt Nam nghỉ”.
Câu nói này và điệu bộ của Nguyễn Minh Triết đã tạo nên một cơn sốc trong làng văn nghệ Việt Nam lúc bấy giờ. Dân gian đã truyền miệng lẫn nhau rằng, phen này thì đám văn nghệ sĩ hài đua nhau bỏ nghề về bán bột giặt, nước giải khát, nhặt ve chai chứ làm sao mà địch nổi vai hài trứ danh mang danh Chủ tịch nước này.
Một Cuba anh hùng, kiên định một lòng sắt son với Chủ nghĩa Xã hội, bởi đó cũng là mục tiêu và con đường mà đảng và Phiden đã chọn cho dân tộc và đất nước Cuba. Tôi còn nhớ câu nói của Phiden Caxtro đã nói khi nghe tin Liên Xô có nguy cơ tan rã, rằng: “Ngay cả ngày mai, khi thức dậy nghe tin Liên Xô, thành trì của Chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ, thì Cuba vẫn mãi mãi đi theo con đường này đến thắng lợi cuối cùng”.
Và Cuba đã đi theo con đường đó thật. Cùng đồng hành trên con đường ấy, Cuba có vài người bạn ruột như Bắc Hàn, Bắc Việt và Venezuela…
Ở đó, tại Việt Nam, Có một Hồ Chí Minh tự xưng là cha già dân tộc, được đám đàn em tuyên truyền, tô vẽ bằng mọi cách, tạo nên một thần tượng để cai trị dân chúng cho đến khi lìa đời. Thế rồi đàn em cũng cứ tiếp nối truyền thống lừa bịp và bạo tàn với dân chúng, vẫn cứ bám chặt vào mớ lý thuyết bạo lực, lật đổ và “Chuyên chính cách mạng” tận diệt đến cùng những quyền con người của người dân, mặc cho đất nước lạc hậu, mặc cho cơ đồ bị lấn chiếm, mặc cho tương lai bị hủy hoại từng ngày.
Bên kia đại dương, cũng một nhà nước theo mô hình cộng sản Liên minh Công – Nông tương tự đã ngồi trên đầu trên cổ người dân Cuba cả mấy chục năm nay, biến hơn chục triệu dân Cuba trở thành đàn cừu, đàn bò muốn dẫn đi lên núi, xuống biển hoặc vào sa mạc tùy thích.
Ở đó cũng có một “Cha già dân tộc Phiden Caxtro” cũng chỉ giữ cái chân thủ lãnh Cuba tròn nửa thế kỷ, bởi chính ông ta nói rằng ông ta “không tham quyền cố vị”.
Đất nước đó, chỉ cách bọn “Tư bản giãy chết” là Hoa Kỳ chỉ có một quãng biển mà thậm chí người dân Cuba còn kết bè để chạy sang được nếu không bị chính quyền Cuba ngăn cản. Vậy nhưng nếu như bên kia bờ biển là một Hoa Kỳ, là “thiên đường” là niềm mơ ước của cả thế giới, thì ở đó, bên bờ biển của hòn đảo Cuba, là một trang trại chăn nuôi không hơn không kém. Ở đó, đàn người không quyền con người, trở thành đàn súc vật dưới cây gậy chăn nuôi của đảng Cộng sản và gia đình nhà Phiden anh truyền, em nối…
Ở đó, mặc dù Cuba là hòn đảo được ca ngợi là vùng đất giàu có màu mỡ và thiên nhiên ưu đãi đủ mọi điều kiện, nhưng cảnh đói rách đến tàn tệ với những con đường nhấp nhổm, những ngôi nhà cũ nát và những gương mặt người dân Cuba thất thần vì đói.
Và 60 năm đã trôi qua khi Tố Hữu đến Cuba để thấy Cuba “ngọt lịm đường”, thì Cuba đã tiến được đến đâu trên con đường XHCN?
Mới đây, Vương Đình Huệ, chủ tịch cái gọi là Quốc hội Việt Nam lại mang 5.000 tấn gạo sang Cuba để viếng thăm và hò hét: “Chúng ta nhất định thắng”.
Người ta không biết Vương Đình Huệ định thắng ai? Có nhiều người bảo: Đểu đến thế là cùng. Giờ đây Cuba cứ như một con rối, thình thoảng Việt Nam ném cho mấy túi gạo là tha hồi hò hét những điều mà đến những nơi khác trên thế giới không hề dám mở mồm. Bởi nếu đi nơi khác mà nổ như vậy, là có nguy cơ bị đuổi cổ, đóng cửa và quét nhà như Braxin đã làm với Nguyễn Phú Trọng hơn 10 năm về trước: Từ chối thẳng thừng không tiếp sau khi Nguyễn Phú Trọng rao giảng về Chủ nghĩa Xã hội ở Cuba, dù trước đó, hai bên đã thông báo trọng thể rằng Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị Brazil "theo lời mời của Tổng thống Dilma Rousseff" từ 13/4-15/4/2012.
Mặc những lời chém gió, hò hét, hô hào… những lời tán tụng tự sướng lẫn nhau rằng Chủ Nghĩa xã hội nhất định thắng, rằng Đảng và nhà nước Cuba tài tình, sáng suốt, cũng trong sạch vững mạnh, cũng là trí tuệ nhân loại. Đủ cả. Nhưng chỉ cần thấy điều này, thì chúng ta hiểu được đằng sau những ngôn từ đó là điều gì.
Đó là cứ mỗi lần lãnh đạo Cuba xách bị sang Việt Nam, hoặc lãnh đạo Việt Nam sang Cuba để gọi là thăm viếng, thì lãnh đạo đảng CS ngang nhiên bốc của dân dăm bảy ngàn tấn gạo sang cho Cuba đỡ đói. Gạo của dân đi theo chân từ thời Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, rồi Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, và hiện nay là Vương Đình Huệ, mỗi lần sang Cuba, món quà đó cũng tăng dần theo thời gian mà nó từ 3.000 tấn đã tăng lên 5.000 tấn mỗi lần. Chắc là do lạm phát, hoặc do nạn đói ở Cuba tăng lên.
Đã có thời kỳ cứ thấy các đồng chí Cuba sang “thăm hữu nghị” thì Đảng lại bảo nhau chuẩn bị để móc luôn cả chục ngàn tấn gạo của dân cho Cuba. Người ta giật mình khi thấy rằng: Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi 6 tháng, Đảng CS Việt Nam lại bốc của dân dăm ngàn tấn gạo để nuôi Cuba.
Đây là hành động vén tay đốt nhà táng của đảng. Tiền bạc, gạo cơm đó là của dân bởi đảng chẳng làm ra hạt gạo, củ khoai nào và mặc dù dân Việt Nam còn nhiều nơi đứt bữa.
Vấn đề tương trợ, giúp đỡ những nơi khó khăn, thì không phải là điều mà người dân Việt hẹp hòi. Mà vấn đề lại là ở chỗ vì sao Cuba anh em cứ mãi mãi kêu gào cứu trợ?
Vấn đề là ở chỗ một đất nước tươi đẹp, giàu có, trù phú và đủ mọi thuận lợi như Cuba, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ vẫn cứ loay hoay vắt mũi không đủ đút miệng. Lý do là ở đâu?
Người ta thấy, tương tự ở Việt Nam, thể chế chính trị quái đản, độc tài, đảng trị là nguồn gốc của mọi vấn đề xã hội mà ai cũng nhìn thấy rõ.
Mối quan hệ giữa Cuba và Việt Nam, là mối quan hệ điển hình giữa hai quốc gia bị hai đảng độc tài cộng sản cướp chính quyền, lãnh đạo. Mục đích chỉ nhằm cho sự tồn tại một cách quái gở trên đầu, trên cổ người dân ở mỗi quốc gia, phục vụ đám lãnh đạo đảng cộng sản mặc sức tung hoành, bòn rút máu xương và mồ hôi nước mắt của người dân.
Và điều mà cha ông ta đã nói từ ngàn xưa, đó là thông thường, cứ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, thế nên các chế độ độc tài vẫn cứ liên kết, tung hứng lẫn nhau một cách sống sượng và vô duyên đến hài hước.
Nhưng, điều quan trọng hơn, hiện tình của hai đất nước chứng minh một điều rằng: Con đường mà “Đảng và bác đã chọn” ở cả hai nước, chỉ dẫn dắt dân tộc đến đói nghèo và bị thế giới văn minh bỏ lại phía sau.
Và bất cứ ai, bất cứ cá nhân, đảng phái nào đưa đất nước theo hướng đó, là những kẻ, những tổ chức phản động, là đi ngược lại xu thế thời đại.
29.04.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây