You are here

“BÁC HỒ” CỦA TÔI KHI TRƯỞNG THÀNH

Ảnh của nguyenhuuvinh

Với thế hệ chúng tôi, “Bác Hồ” đã trở thành một đề tài, một vấn đề không dễ dàng để nhận thức cho đúng, cho đầy đủ. Một quá trình lớn lên được tiêm nhiễm đến mức ngộ độc thông tin, trong đó có vấn đề “Bác Hồ” là ai, là như thế nào.

Chúng tôi đã có bài viết “Bác Hồ của chúng tôi ngày xưa” để nói về một thời thơ ấu sống với thần tượng Hồ Chí Minh.

Trong vòm sắt thông tin và tư tưởng

Chúng tôi lớn lên trong giai đoạn được bao bọc bởi chính sách đóng cửa với thế giới. Thời đó, nếu cánh cửa quốc gia có được mở ra cho ai ra khỏi biên giới, thì chỉ có thể là những quốc gia trong “Phe Xã hội Chủ nghĩa” như Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Bungaria… Đa số thanh niên lớn lên đi sang đó, hầu như là đi xuất khẩu lao động với cái tên khá mỹ miều là “Công nhân kỹ thuật nước ngoài” hoặc sau này gọi là “Hợp tác lao động”, còn lại thỉ số ít con cái cán bộ hoặc một số đi học tập, nghiên cứu sinh ở các nước XHCN mà thôi. Con đường đi sang các nước “tư bản giãy chết” là vô cùng hiếm hoi và hiểm trở.

Kể cả đi sang các nước XHCN thì cũng không hẳn là “cứ xách balo lên là đi” như ngày nay, mà phải đi qua hết lớp này đến lớp khác quá trình học chính trị. Rồi được phân nhóm, phân tổ, phân loại nhằm để luôn luôn có tổ chức theo dõi, hướng dẫn về tinh thần, về ý thức mà cảnh giác với “các thế lực thù địch luôn tìm cơ hội để nói xấu đảng và nhà nước quang vinh của chúng ta”.

Người dân thì khó mà mơ đi ra nước ngoài là tư bản. Nhưng, thậm chí là linh mục, Giám mục Công giáo, sau 1980 khi đi sang Roma học hành hoặc hội họp, thì công an cũng gọi lên gặp gỡ trước khi cho phép ra đi. Nội dung cuộc gặp gỡ, ngoài mục đích, nội dung việc ra nước ngoài, thì còn là sẽ gặp ai, gặp làm gì, và nếu gặp, người ta hỏi về Việt Nam thì sẽ nói như thế nào, sẽ trả lời ra sao… Chỉ đến khi những câu trả lời được cơ quan công an chấp nhận, thì mới được cấp phép ra đi.  

Còn đa số thanh niên ở lại học tập và làm việc hoặc thất nghiệp trong nước, thì vẫn cứ chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng không chỉ về đời sống vật chất, mà cả tinh thần, tư tưởng cũng như đường lối, chủ trương, cho đến cách sống, cách ăn mặc, đầu tóc… đúng tiêu chuẩn “Thanh niên Cộng sản”.

Nếu như thời nay, lớp trẻ ngạc nhiên khi nghe thông tin rằng: Ở Bắc Hàn, thanh niên chỉ được cắt tóc theo mẫu nhà nước cho phép, bao gồm 18 kiểu tóc dành cho phụ nữ và 10 kiểu tóc dành cho đàn ông. Chính quyền Bình Nhưỡng nói rằng những kiểu tóc nói trên, có thể ngăn được các tác động xấu của chủ nghĩa tư bản và là những kiểu tóc “thoải mái nhất”. Thì những người thuộc thế hệ chúng tôi cảm thấy chẳng có gì là lạ trong Thiên đường XHCN.

Những năm sau 1975, đã có thời công an đứng ở các ngã tư đường phố, làng quê với cái kéo cầm tay, cái tông đơ sẵn sàng để hớt trụi những mái tóc dài mà thanh niên ưa chuộng mà nhà nước không ưa, gọi là tóc “đít vịt” hoặc Hippie, là những thứ rác rưởi của chủ nghĩa Tư bản du nhập vào làm hỏng thuần phong mỹ tục của chế độ Cộng sản tươi đẹp.

Với một xã hội như vậy, thì việc nhận thức về “Bác Hồ” vẫn cứ như ngày xưa, rằng thì là bác yêu nhân dân, yêu tổ quốc và hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Rằng thì là bác đã đi bôn ba khắp thế giới, qua nhiều đất nước để tìm đường cứu nước và nói thành thạo đến tận… 29 ngoại ngữ.

Rằng thì là bác có bạn bè là những nhà lãnh đạo tài giỏi trứ danh của thế giới và thân thiết, kính phục bác như luật sư Lodobi dù biết bác là cộng sản vẫn mến bác và bào chữa miễn phí cho bác thoát nhà tù đế quốc, thực dân.

Rằng thì là công lao bác lớn lao đến thế, nên cả thế giới đã mang ơn bác và phong bác làm “Danh nhân văn hóa thế giới”, “Anh hùng giải phóng dân tộc”..

Mọi thông tin từ bên ngoài, nếu có chỉ là những tờ họa báo Liên xô được in thật đẹp, hoặc cho đến sau 1975 vài năm thì còn có từ Trung Quốc. Nhan nhản tại các góc phố, quán cóc vỉa hè là những câu khẩu hiệu: “Nghe đài, đọc báo của ta. Chớ nghe đài địch, ba hoa, nói càn”. Thậm chí, có những người đã bị công an đến bắt đi không cần lệnh nào, chỉ vì dám bí mật nghe radio BBC trong nhà.

Bức màn sắt thông tin được khép kín với những biện pháp cặn kẽ, tỉ mỉ, ngăn chặn bằng mọi cách, mọi thông tin ngoài ý đảng. Thế nên, những nhận thức về “Bác Hồ” cũng chẳng mấy thay đổi so với thời niên thiếu, kể cả khi chúng tôi đã thoát ly khỏi gia đình, đã là cán bộ, là Kỹ sư nhưng nhận thức về bác Hồ và những lãnh tụ của đảng vẫn cứ “tròn vành vạnh” như những lời đảng đã công bố, đã đưa vào sách giáo khoa, được báo đài triền miên, liên tục nhắc đi nhắc lại thành một lối mòn trong não của mỗi người.

Và chúng tôi vẫn thấy “bác” hiển hiện trong mọi người, mọi nhà, trên ban thờ, giữa ngã ba đường, ở các quãng trường, tượng đài… như là một vị thánh, là việc hiển nhiên.

Một “Bác Hồ” khác

Có lẽ, sẽ không có gì thay đổi trong tư tưởng, trong đời sống chúng tôi, nếu như không có mạng Internet.

Kể từ khi mạng Internet được đưa vào Việt Nam, bắt đầu bằng việc kết nối bằng giao thức đơn giản qua số 1260 và 1269, chúng tôi như được mở ra trước mắt một chân trời mới. Lạ lùng, hấp dẫn với nguồn kiến thức vô tận đã thu hút ngay từ đầu khi tiếp cận mạng Internet toàn cầu, mặc dù khi đó, sử dụng Internet ở Việt Nam là một hành vi “ăn chơi” tốn kém.

Đặc biệt, khi mạng internet tốc độ cao được phổ biến, thì việc tìm kiếm các thông tin không còn khó khăn như trước.

Và chúng tôi đã không cưỡng được những điều mới, lạ, những mặt thật đằng sau những thần tượng, những hiện tượng, những nhân vật hiển hiện hàng ngày trước mắt chúng tôi.

Trong đó, có “Bác Hồ” của chúng tôi.

Những thông tin đầu tiên khi tiếp xúc với những thông tin về “Bác Hồ” của chúng tôi, bước đầu đã làm chúng tôi choáng váng.

Choáng váng, bởi đơn giản là chúng tôi không thể ngờ rằng một vị Thánh, một Lãnh tụ, một thần tượng của nhiều lớp người Việt Nam, thần tượng đó được tạo ra bằng hàng hàng lớp lớp những thủ thuật tuyên truyền của nhà nước. bỗng dưng sụp đổ khi sự thật được vạch trần.

Hẳn nhiên là ban đầu chúng tôi chẳng mấy tin những thông tin nói về Hồ Chí Minh. Bởi đơn giản là những điều được học, được biết về “bác” đã hằn sâu trong trí não chúng tôi trở thành “phản xạ có điều kiện”. Tuy nhiên, những chứng cứ, những số liệu, những vấn đề được nêu ra, khi sắp xếp lại theo một thứ tự logic, thì hẳn nhiên nhiều người thấy rằng đó là những tài liệu, những thông tin có cơ sở.

Qua những thông tin được chứng minh, chúng tôi mới thấy được những điều “mới lạ” về “bác” của mình.

Khi đọc cuốn sách “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, một cán bộ, con một công thần của chế độ và cũng là nạn nhân của chế độ Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều xáo trộn. Những dòng chữ ông viết về suy nghĩ của bà vợ ông Vũ Đình Huỳnh khi chứng kiến đàn em Hồ Chí Minh bắt chồng minh đi tống vào tù và thái độ của Hồ Chí Minh với sự kiện đó làm tôi thấy lạ.

Bởi ông Vũ Đình Huỳnh là người bạn thân thiết của Hồ Chí Minh -  thân thiết đến mức Hồ Chí Minh vẫn trốn khỏi Phủ chủ tịch để đến nhà ông ngủ khi mới cướp được chính quyền - Người mà cả gia đình, cả vợ chồng con cái đều một lòng theo đảng và theo Hồ Chí Minh đến mức không chỉ bỏ tất cả tài sản và công sức, cuộc đời, mà còn bỏ cả tôn giáo, cả niềm tin của mình để theo đảng như bức thư được cho là của bà Phạm Thị Tề gửi Trung ương Đảng sau này mà chúng tôi có dịp đọc.

Lẽ nào “Bác Hồ – một tình yêu  bao la” lại đối xử với chính những người thân thiết, tâm giao của mình đến mức độ đểu cáng đến thế ngay khi ông ta đang đầy quyền lực trong tay. Đó là sự phản bạn, lừa thầy

Bởi đơn giản là ngay trong đời thường, bạn bè với nhau dù là trẻ chăn trâu, cũng chẳng ai đối xử “cạn tàu ráo máng” và bất nhân như vậy. Huống chi đây là Hồ Chí Minh là người được coi là đạo đức, là lãnh tụ thiên tài, là người chỉ vì dân, vì nước.

Câu chuyện làm tôi choáng hơn, là chi tiết về vụ án Nông Thị Xuân, rồi sau đó, là bức thư và những tư liệu về những người chị em của Nông Thị Xuân, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên không phải ở mức độ tàn khốc của câu chuyện, mà ngạc nhiên là hình ảnh “Bác Hồ” mà chúng tôi tôn thờ hiện lên qua những sự việc đó ra sao.

Hẳn nhiên là khi đọc những tư liệu đó, dù là chuyện có “người thật, việc thật” vẫn đang tồn tại, nhưng để tin chắc vào câu chuyện đó, chỉ khi những tư liệu khác, nhiều khi là những tư liệu ở nơi khác đã bổ sung để chứng minh rằng đó là những câu chuyện có thật.

Vậy thì “Bác Hồ” của chúng tôi làm sao có thể yêu đồng bào, yêu nhân dân được khi mà chính vợ con mình còn không dám bảo vệ để dẫn đến cái chết thê thảm “giết người diệt khẩu” chỉ để nhằm giữ cho bác cái danh xưng “Cả một đời vì nước, vì non”?

Chúng tôi cũng đã nghe Hoàng Chí Bảo – người được phong GS-Ts hẳn hoi với chuyên ngành “Bịa”để tuyên truyền về Hồ Chí Minh – kể về việc Hồ Chí Minh sống ở Pháp ra sao. Ở đó, ông ta đã lừa đảo người giàu có bằng cách làm hàng giả và nhận tiền rồi bỏ trốn ra sao. Và theo lời Hoàng Chí Bảo thì chính Hồ Chí Minh đã xác nhận chuyện đó.

Vậy thì cái gọi là đạo đức của “Bác Hồ” là gì khi ngang nhiên lừa đảo người khác như đám lừa đảo ngoài chợ giời Hà Nội?

Cũng Hoàng Chí Bảo đã kể về việc Hồ Chí Minh ở Pháp đã đi tìm được đồ cúng để về cúng giỗ mẹ… với câu chuyện lâm ly bi đát lấy nước mắt mấy ả đàn bà ngồi dưới hội trường.

Vậy nhưng chẳng bao giờ người ta thấy Hồ Chí Minh thắp một nén nhang cho Tổ tiên, ông bà nội ngoại, hoặc bươc chân đến ngôi mộ của bà mẹ hay là anh, chị của mình, dù phần mộ của họ chỉ cách chỗ ông ta về quê có một đoạn ngắn và đường sá thì đẹp đẽ, sạch sẽ chứ không phải lội ruộng leo bờ.

Phải chăng Hồ Chí Minh không biết mẹ mình nằm ở đó? Hay Hồ Chí Minh buộc phải bất đắc dĩ về quê sau hơn nửa thế kỷ xa quê, dù đã về nước cách đó gần hai chục năm và làm Chủ tịch nước muốn đi đâu thì đi chứ đâu phải như cán bộ phải xin phép?

Những câu hỏi đó, không chỉ vạch mặt tay Giáo sư Cuội mang tên Hoàng Chí Bảo, mà nó nói lên rằng, cái gọi là “Đạo đức Hồ Chí Minh” cũng là sự bịa đặt.

Bởi chẳng thể có một ai được gọi là đạo đức khi không biết đến mẹ mình, ông bà tổ tiên, anh chị em mình là ai.

Và không chỉ có thế.

Nhiều điều khác nữa mà đảng cố gán ghép cho Hồ Chí Minh như “Danh nhân Văn Hóa thế giới”, là “Anh hùng Giải phóng dân tộc” được UNESCO vinh danh… đều là bịa hết.

Nhiều tài liệu đã chứng minh một điều rằng: Thì ra, những điều mà đảng tuyên truyền, vẽ lên một Hồ Chí Minh mà “Tên người đẹp nhất” là một trò bịa đặt hết sức vĩ đại và công phu.

Oái oăm thay, sự thật đã được chứng minh, đã làm sụp đổ trong chúng tôi một niềm tin, một quãng đời đã dư thừa lòng tin một cách bất đắc dĩ vào những điều không có thật.

Người ta nói rằng: Khi sự tin tưởng đã đến mức tuyệt đối, khi đã trao lòng tin tuyệt đối của mình vào một cá nhân, một thần tượng, một vấn đề nào đó mà phát hiện ra đó là sự dối trá, thì sự tin tưởng sẽ biến thành nỗi thất vọng nặng nề.

Và điều còn đọng lại ở trong vấn đề Hồ Chí Minh với chúng tôi, là một bài học kinh nghiệm. Rằng, nếu như ở Việt Nam vẫn gặp, vẫn còn có những người cuồng Hồ Chí Minh, coi Hồ Chí Minh là thần, là Thánh… thì họ chỉ đáng thương vì đã không chịu cập nhật thông tin, chứ không nên kỳ thị bản thân họ.

Bởi sự ngộ độc đó, là hậu quả của một quãng đời tăm tối của nọ sống trong Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa.

Ngày 27/04/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh