Sự vụ một Thiếu tá cảnh sát giao thông chặn xe nhân dân làm lá chắn sống để bắt ma túy ở Long An, hệ quả là cảnh sát này và hai người dân vô tội đã bị kẻ tình nghi chở ma túy đâm xe gây tử vong. Liền sau đó, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện chia buồn và đề nghị phong danh hiệu Liệt sĩ, thăng quân hàm Thiếu tá lên Trung tá cho cảnh sát giao thông bị xe đâm chết, nhân dân cũng được ăn ké lời chia buồn, chấm hết. Điều này thực sự ám ảnh và nó gợi lên biết bao câu hỏi trong tôi, cái câu hỏi: Còn chỗ nào cho nhân dân? Có lẽ là câu hỏi lớn nhất lúc này!
Trước nhất, nhân dân có phải là con người? Bởi là con người, thì phải được đối xử như một con người. Bởi con người thì ai cũng có ước mơ, có kì vọng, có tương lai và có gia đình, bà con, họ hàng, có thân phận, có tự do, có quyền làm một con người và được quyền đánh cược hoặc trả giá, thế giá các quyền ấy để nhận một thứ gì đó theo ước nguyện bản thân, được tưởng thưởng, tri ân xứng đáng, nhằm khẳng định tên tuổi hay khẳng định giá trị của một con người. Thế nhưng nhân dân Việt Nam thì sao?
Có bao nhiêu nhân dân đã “được” lùa ra Biển Đông làm lá chắn sống cho an ninh biển đảo, nhân dân chạy hộc xì dầu, nhân dân chạy trối chết, nhân dân bị bắt, bị đánh đập, nhân dân bị cướp bóc, nhân dân bị bạt tai, nện báng súng, đấm hộc máu, gãy răng, phù não… Nhân dân đón và gánh chịu mọi đau đớn do kẻ thù gây ra và nhân dân trở về, nhân dân chết đi trong im lặng, trong lãng quên, trong vô nghĩa.
Giả sử không có nhân dân làm lá chắn sống thì biển đảo sẽ ra sao một khi kẻ thù ngày đêm xâm lăng, tàu cảnh sát biển Việt Nam vừa bận nghỉ ngơi, ăn chơi vừa bận chia chác tiền tham nhũng, cho đến bây giờ, cả hải quân và cảnh sát biển Việt Nam đã lún quá sâu vào chuyện tham nhũng. Mà đã có tham nhũng thì có ăn chia, chơi bời, bê trễ công việc, tắc trách và cẩu thả. Nếu không có nhân dân làm lá chắn sống trên biển, thì cảnh sát biển hay hải quân Việt Nam đã làm được gì? Biển Việt Nam bây giờ hình thù ra sao? Câu hỏi ấy là có thật, chứ không phải bịa đặt!
Và có bao nhiêu nhân dân được phong anh hùng hay liệt sĩ? Không có nhân dân nào cả, những cái chết lặng lẽ, chìm khuất và oan uổng. Thậm chí, ngay cả những cái chết được tính toán, cũng qui về cái chết của nhân dân trong nhiều chục năm qua, mãi cho đến khi truyền thông lên tiếng, cái chết mới được vinh danh.
Ấy là cái chết của 64 chiến sĩ trên bãi Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, những cái chết ấy bị chôn vào im lặng, không được vinh danh vì tổ quốc, và sự im lặng này kéo dài mãi cho đến khi truyền thông tự do đụng vào, lên tiếng, lúc đó, nhà nước, chính phủ mới có những động thái cầm chừng, gọi là cho có. Biết bao nhiêu năm nay, linh hồn của 64 chiến sĩ ấy về đâu? Rồi linh hồn của nhiều chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 nay về đâu? Mãi mãi là im lặng, mãi mãi chuyển hóa thành nhân dân và Nhân Dân mãi mãi là bãi cát phẳng lặng trên cuộc chơi quyền lực và chính trị.
Khi cần, người ta ném nhân dân vào hầm tai vạ, người ta kinh doanh và kiếm lãi trên sinh mạng nhân dân. Chuyện vẫn còn mới, rất mới, nhân dân bị lùa ra thành từng đoàn rồng rắn, từng chợ người, từng đám đông để chọt mũi, cách ly, nhân dân bị xâm phạm tự do, xâm phạm thân thể, xâm phạm đời sống trắng trợn, nhân dân bị khóa tay, chọt mũi, nhân dân bị đối xử như súc vật… nhân danh chống dịch. Nhưng việc chống dịch ấy thật - giả, đúng - sai ra sao? Ai đứng ra trả lời câu hỏi ấy? Đến giờ vẫn là một sự im lặng phi lý và man rợ!
Đến lúc này, có ai đứng ra hỏi và trả lời câu hỏi về hàng chục ngàn cái chết oan ức nơi trại cách ly Covid-19 mà nhân dân đã gánh chịu? Có ai đứng ra trả lời về những đợt chọt mũi tìm F0 gây lây lan hàng loạt và cuối cùng là đẩy vào những trại cách ly? Có ai đứng ra trả lời, giải thích về sự đúng, sai, khoa học hay phi khoa học trong việc thiết lập trại cách ly dũng như chất đàn chất đống nhân dân vào đấy? Lẽ nào nhân dân chết đi cũng như trâu bò, gà vịt, chết là xong, chết là chôn, mọi thứ vẫn cứ diễn ra như mọi ngày?
Vậy đâu là quyền sống của nhân dân, đâu là quyền tự do, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân? Và những kẻ đã gây ra nợ nhân mạng trước nhân dân đã đền tội chưa, hay được miễn trừ vì có liên quan đến quyền lực lãnh đạo?
Mọi thứ vẫn chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, mọi thứ vẫn chìm khuất và nhân dân sống chết như một bãi cát phẵng lì, câm lặng và chịu đựng!
Câu chuyện cảnh sát giao thông chặn nhân dân đứng lại làm lá chắn sống đột ngột giữa đường, giữa thế kỉ 21 này, nó nói lên điều gì? Thứ nhất, lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp, xe công vụ, xe an ninh chuyên dụng, những chiếc xe đã dùng trong chặn đứng biểu tình chống phá hội môi trường, rồi lực lượng an ninh chuyên nghiệp, lực lượng dân quân tự vệ… các lực lượng liên đới, ăn lương nhà nước (trích từ thuế của nhân dân) ở đâu? Tại sao không huy động họ chặn đứng xe tội phạm mà bắt nhân dân phải làm việc này?
Và một việc làm hết sức nguy hiểm, có nguy cơ chết người lại ném những con người chưa bao giờ được đào tạo kĩ năng phòng chống cũng như chưa bao giờ biết mình sắp làm gì vào làm lá chắn sống đó, nó phản ánh lên điều gì? Phải chăng nhân dân là cái bao tải, khi cần sử dụng thì ném nó vào đường đi, để nó thụ động chắn đường và có thể thụ động nhận cái chết.
Trong tình huống vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã gửi điện chia buồn đến cả công an và nhân dân, nhưng, phải đặt hai giả thiết mà Thủ tướng chưa hề đề cập:
1. Nếu như anh cảnh sát giao thông có giải thích để nhân dân đứng lại chung tay chặn đường kẻ buôn ma túy, thì công trạng phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia của hai người dân và anh cảnh sát giao thông ngang nhau, vì họ đã chết với ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, cả ba người đều xứng đáng được phong Liệt sĩ!
2. Nếu khi chặn đường, anh thiếu tá công an giao thông không giải thích với nhân dân về việc họ sắp phải thực hiện, họ bị đón lại trong hoang mang, không biết mình bị lỗi gì trong tham gia giao thông, thì bản thân anh cảnh sát giao thông phải chịu kỉ luật và chỉ được đền nhân mạng ngang với hai người dân chết oan kia, thậm chí anh phải chịu kỉ luật giáng hàm một bậc vì để xảy ra man trá, rủi ro, chết người trong lúc tác nghiệp.
Nếu không trả lời được hai câu hỏi trên, thì chí ít, phải trả lời trước nhân dân rằng Nhân Dân đang ở đâu trên đất nước này và còn chỗ nào (yên ổn, có thể thở tự do và sống tự do) cho nhân dân?!
Bài bình luận gần đây