You are here

Ai đã tiếp tay cho dạy thêm?

Cho đến lúc này, có ba thứ trở thành bản chất, đặc trưng của giáo dục Việt Nam, đó là Chủ Nghĩa Mác - Lê, Tham Nhũng và Dạy Thêm. Đương nhiên để có ba đặc trưng cơ bản này, giáo dục Việt Nam còn có thêm rất nhiều thứ, rất nhiều đặc tính liên đới và đóng vai trò nhân quả cho nó. Nhưng, có một điều bất di bất dịch, đó là ba yếu tố, ba đặc trưng vừa nêu trên như một tam giác đều, nó là những phần tử bổ khuyết lẫn nhau, cho nhau và một khi thiếu một trong ba phần tử, thì các phần tử còn lại sẽ rất khó tồn tại.

Tuần rồi, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin và bình luận của tác giả Thái Hạo về vấn đề dạy thêm, tác giả đã bàn về việc một cô giáo ở Hà Nội có thu nhập trên 120 triệu đồng mỗi tháng từ việc dạy thêm và một số giáo viên khác có thu nhập 80 triệu đồng mỗi tháng cũng từ việc dạy thêm. Trích:“Báo chí đưa tin, dạy thêm, một cô giáo Hà Nội thu nhập 120 triệu, một cô khác ở Phú Thọ kiếm 80 triệu/tháng; không bàn chuyện tiền bạc, nhưng con số này một lần nữa mở toang cánh cửa để nhìn vào bức tranh nhức nhối của giáo dục Việt Nam…”

(Nguồn: https://nongnghiep.vn/may-cau-hoi-ve-hoc-them-hay-su-bat-luc-cua-hoc-chinh-d346847.html)

Có một nghịch lý bấy lâu nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo càng cấm việc dạy thêm bao nhiêu thì nó bằng cách này hay cách khác, vẫn tiếp tục tồn tại, lách luật, dạy chui, dạy lén lút… Chỉ ngay việc dạy và học ngay từ đầu đã dạy cho học sinh cách sống chui nhủi, lách luật, mờ ám, bất tuân qui định của cơ quan quản lý, thử nghĩ, nhân cách học sinh sẽ ra sao với một sự chuẩn bị, một bước đà, một nền tảng giáo dục như vậy? Và để trả giá cho cái nền tảng giáo dục đầy mờ ám suốt mười hai năm từ tuổi thơ cho đến niên thiếu, cha mẹ học sinh đã phải vô cùng vất vả, vô cùng cay đắng để đáp ứng sự phi lý này, nhưng nếu không đáp ứng thì thiệt thòi, vì sao?

Vì với chính sách liên tục thay đổi giáo trình, hết năm này cải cách lại năm khác cải cách, chương trình giáo dục ngày càng nặng nề và không thực tế, học sinh cấp tiểu học phải mang một chiếc cặp dày cộm, nặng hàng chục ký lô vì sách vở, dụng cụ học tập và bình nước uống nho nhỏ thì việc dạy thêm không thể không tồn tại. Bởi với thời lượng học tám giờ đồng hồ mỗi ngày, giả sử như giáo viên có dạy nhiệt tình, dạy hết sức mình vẫn không kịp để truyền đạt kiến thức. Vì trong lớp học đâu phải học sinh nào cũng thông minh, nhanh hiểu, nắm bắt được bài học, mà yêu cầu thành tích từ phía nhà trường lại là sức ép hết sức ghê gớm lên giáo viên.

Đây cũng chính là nguyên nhân và cũng là cái cớ để việc dạy thêm tồn tại, nó vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp thu giáo trình dài lằng nhằng của Bộ Giáo dục lại vừa đáp ứng được nhu cầu thu nhập để cải thiện đời sống của giáo viên. Đương nhiên có những giáo viên khôn lanh, giỏi giang có thể thu hút nhiều học sinh hơn và thu nhập của họ nhanh chóng phình to. Từ những năm 1990 của thế kỉ trước đã có nhiều giáo viên thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và thậm chí còn tổ chức cho vay tín dụng đen, nhanh chóng trở thành “đại gia”, đi xe hơi hạng sang, giá tiền tỉ… Thì hiện tại, thu nhập của giáo viên ở Hà Nội với 120 triệu đồng mỗi tháng chẳng có gì là lạ cả.

Nếu chịu khó bước vào thế giới học đường của học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, bạn sẽ thấy khủng khiếp biết nhường nào khi chứng kiến những lớp học thêm, học kèm diễn ra vào lúc 12h đêm hoặc 4h sáng. Tôi từng chứng kiến những lớp dạy kèm lúc 12h đêm và 4h sáng như vậy. Điều khiến tôi ngạc nhiên là không hiểu giáo viên kia dựa vào nguồn năng lượng nào mà có thể thức dạy tới 12h đêm, ngủ vài tiếng rồi lại dạy ca 4h sáng, sau đó ăn sáng qua quýt lại đi dạy ở trường theo giờ hành chính, chiều vừa về đến nhà lại dạy thêm ba ca nữa, thẳng tới 12h đêm. Ở đây động lực tiền bạc quá mạnh, nó cung cấp nguồn năng lượng vô biên cho cô giáo này chăng?

Và khi nhắc tới nguồn năng lượng có từ động cơ tiền bạc, không thể không nhắc tới chủ nghĩa Mác - Lê trong giáo dục nói riêng và trong thể chế xã hội chủ nghĩa nói chung. Chính cái chủ nghĩa vật dục, mọi thứ triết lý được bàn xoay quanh vấn đề vật dục, lấy vật dục làm trung tâm phát triển xã hội và nhân loại của nó đã nhanh chóng biến con người trở thành một thứ biểu trưng vật dục, sự hiện hữu của con người đồng nghĩa với hiện hữu của giá trị vật dục, một con người tồn tại trong thứ chủ nghĩa này sẽ nhanh chóng trờ thành cái bóng mờ và vô hình khi anh không có sức mạnh vật dục.

Vật dục như một thứ động cơ gốc của xã hội và nó là máu huyết của con người xã hội chủ nghĩa. Đây chính là nguyên nhân mà cũng là hậu quả của một nền giáo dục bệ rạc, thiếu nhân phẩm và thiếu lương tri hiện nay. Đây cũng là động cơ để hiệu trưởng sẵn sàng đẩy nữ sinh trong trường do y/thị quản lý đi bán dâm cho quan chức (bởi quan chức cũng là một tập hợp vật dục có tính tương hỗ với nhà trường) và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có tiền, từ cắt xén bữa ăn của trẻ em nghèo vùng cao đến gian lận trong xây dựng nhà trường bất chấp hậu quả chết người (những vụ sập cổng chết học sinh, trường nứt toác sau khi nghiệm thu và còn hàng ngàn vụ khác không được đưa ra ánh sáng), từ mua bán bằng giả cho đến hối lộ tình dục trong ngành giáo dục, từ bày trò biên soạn sách cho đến ép học sinh phải học sách cải cách… Mọi thứ đều xoay quanh một động cơ chẳng liên quan gì đến giáo dục: Tiền!

Một nền giáo dục mà động cơ phát lực của nó lại là Tiền chứ không phải Tri Thức, và tri thức chỉ đóng vài trò bình phong, áo khoác, trang trí cho giáo dục, thậm chí tri thức bị biến thành món hàng trao đổi, mua bán, thậm chí cho vay nặng lãi, thì có vẻ như rất khó để mơ ước hay lý tưởng hóa nó cho dù có cố gắng khắc phục cách gì đi nữa. Mà với kiểu cố gắng khắc phục hiện nay là Đảng kêu gọi, yêu cầu khắc phục, các ban ngành liền khắc phục bằng các đề án tiền tỉ, muốn khắc phục phải tốn tiền tỉ, cũng giống như một quan chức nọ nói muốn điều chỉnh lương tâm công chức thì phải tốn vài ngàn tỉ… thì câu chuyện đã xám xịt càng thêm đen tối.

Hiện tại, muốn khắc phục tình trạng xô bồ của nền giáo dục là một chuyện hết sức nan giải, bởi mọi thứ đã ăn dầm trong máu huyết, trong cơ thể chế độ và trong xã hội. Muốn giải quyết từng bước, thì phải giải quyết từ gốc, Bộ Giáo dục và đào tạo phải dẹp ngay ba cái trò cải cách sách và càng tinh giản giáo trình bao nhiêu thì càng giảm bớt cường độ căng thẳng của giáo dục bấy nhiêu. Hơn nữa, khi giáo trình được tinh giản, có tính khái quát cũng là lúc giáo dục chính thức khai mở tư duy suy luận của học sinh, bớt đi tính máy móc, thụ động trong tư duy học sinh, bởi giáo dục cũng giống như ẩm thực, phải ăn ít, ăn vừa, ăn có chất thì mới đảm bảo bổ dưỡng, nếu tọng liện tục thức ăn vào mồm thì dẫn đến bệnh tật, thức ăn không tiêu hóa được mà trở thành ác mộng cho sức khỏe sinh học cũng như sức khỏe tinh thần. Vấn đề ung thư ngày càng nhiều tại Việt Nam phần lớn là do ăn nhiều, ăn không khoa học và ăn không đảm bảo chất lượng.

Điều này, trong giáo dục cũng vậy, áp dụng cơ chế vật dục là một sai lầm, cứ tọng kiến thức vào đầu học sinh, liên tục tọng, chưa kịp tiêu hóa món này đã tọng món khác vào thì tư duy học sinh sẽ trở nên chai lì, mụ mẫm và không tài nào mở rộng hay suy luận kịp, chỉ có thụ động tiếp nhận, trong một số trường hợp tư duy yếu, sẽ dẫn đến chứng ung thư tinh thần. Chắc chắn là vậy rồi. Và trong một cơ chế giáo dục có quá nhiều bất thường, việc đầu tiên là phải hãm cái miệng, muốn hãm cái miệng thì đừng bày biện quá nhiều thức ăn. Việc này chỉ có bộ Giáo dục và đào tạo có thể điều chỉnh. Mà phải điều chỉnh bằng hành động tinh giản giáo trình, rút gọn giáo trình chứ không thể xài bát như bấy lâu nay rồi cấm dạy thêm, bởi bấy lâu nay, về mặt chiến lược giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo đã hành động sai khoa học. Phải làm lại từ đầu nếu muốn tốt đẹp, không có lựa chọn nào khác!