You are here

VỤ HỒ HỮU HÒA: CHUYỆN LẠ Ở GIÁO PHẬN VINH

Ảnh của nguyenhuuvinh

Những thông tin từ Giáo phận Vinh đã ngay lập tức gây sốt không chỉ ở trong Giáo phận mà cả Giáo hội công giáo Việt Nam nói riêng, Giáo hội hoàn vũ nói chung đã “sốc” với trường hợp Hồ Hữu Hòa được thụ phong linh mục.   

Niềm vui không có, chỉ là sự hoài nghi

Lẽ ra, một tin như vậy là một tin vui cho mọi tín hữu công giáo Việt Nam nói chung, người Công giáo Giáo phận Vinh nói riêng.

Bởi đó đã là một thời đó là mơ ước, là mong mỏi của mọi người tín hữu Công giáo ở một Giáo phận đã trải qua những năm tháng mà mỗi linh mục phải coi sóc cả chục ngàn giáo dân thời kỳ sắt máu của cộng sản, khi mà Đại chủng viện bị giải tán, các linh mục, chủng sinh đua nhau đi tù.

Tôi đã từng chứng kiến ở quê tôi – Giáo phận Vinh - một thời kỳ kéo rất dài chuyện thiếu linh mục coi sóc giáo dân. Những năm đó, một linh mục quản đến 5,6 xứ khác nhau cả vài chục ngàn giáo dân là chuyện thường. Mỗi năm đến lễ Noel quê tôi phải “Chia” linh mục làm lễ mỗi năm một nơi. Đến mức mấy đứa trẻ quê tôi đã viết trên nền nhà thờ rằng: “Có cha mà không có lễ ở nhà thì đề nghị bán nhà thờ”.

Tôi cũng đã từng chứng kiến những Giáo phận chỉ có “một linh mục rưỡi” như ở Bắc Ninh. Để dự được một Thánh Lễ Chúa nhật, giáo dân đi tàu hỏa từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, rồi từ Ga Hàng Cỏ chờ tàu đi ngược lên ga Bắc Ninh, đi bộ vào Nhà Thờ để rồi ngủ vạ vật qua đêm chờ sáng mai đi lễ xong lại hành trình ngược lại. Nhà thờ Bắc Ninh lúc đó phải sắm cả kho chiếu để cho bà con nơi xa về đi xem lễ Chúa Nhật mượn mà ngủ qua đêm ở trong hoặc sân nhà thờ.

Tôi cũng đã tham dự và hiểu được sự nô nức của giáo dân Hải Phòng khi Đức Giám mục Nguyễn Tùng Cương phong chức cho hai linh mục đã nhiều tuổi. Một trong hai vị đó là cha Cha Đaminh Nguyễn Chấn Hưng vào ngày 26/8/1984, khi ngài đã 40 tuổi. Họ kéo từ khắp nơi về nhà thờ lớn mặc dù trời mưa, mặc dù mọi thứ đều khó khăn vào thời kỳ đó.

Trong các Thánh lễ thụ phong Linh mục, người giáo dân Công giáo cảm nhận được sự linh thiêng, sự nghiêm cẩn, sự thiêng liêng cao cả và sự tin tưởng gần như tuyệt đối ở Bí tích Truyền chức Thánh này. Vì thế mỗi khi tiếng hát “Đời con Chúa ơi, sao quá mọn hèn, mà Chúa đã gọi con bước lên…’ thì trong tôi lại rưng rưng niềm xúc động.

Xúc động vì ơn Chúa đã thương tiến chức, xúc động vì cuộc thánh hiến và hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa không hề phân vân mọi thứ ở đời của Tiến chức khi bước lên bàn Thánh.

Có thể nói, bất cứ lúc nào, có thêm được một ơn gọi Linh mục, đều là niềm vui, niềm tự hào và là sự hãnh diện của người Công giáo nói chung.

Thế nhưng, khi tin linh mục Hồ Hữu Hòa được thụ phong linh mục tại Philippines bay đến Giáo phận Vinh, ngay lập tức như một cơn sốc của toàn giáo phận. Dư luận xã hội, dư luận trong Giáo phận đồn đãi, choáng váng.

Hồ Hữu Hòa là ai?

Cách đây cỡ chục năm, chúng tôi đã nghe nói về một giáo dân ở vùng Cầu Giát, thuộc xứ Thuận Nghĩa chẳng hiểu cơn cớ nào mà hành nghề bói toán khá nổi tiếng. Điều đó làm cho chúng tôi chú ý, bởi thường thì với người Công giáo việc đi xem bói toán đã là chuyện cấm kỵ, chưa nói là hành nghề bói toán.

Điều lạ hơn và được chú ý không chỉ ở chỗ cái nghề bói toán của anh ta được các quan chức cộng sản ở Trung ương rất trọng dụng mà còn có thông tin rằng ngay cả các đấng bậc trong giáo hội Công giáo cũng thân thiết và trọng dụng anh ta.

Khi đó, chúng tôi cũng chỉ nghe nói vậy và lấy làm lạ thôi, chứ chưa hề biết anh ta tên tuổi là gì và nhân thân ra sao.

Thế rồi thời gian trôi đi, đến khi sự việc về Hồ Hữu Hòa nhanh chóng gây sốc với cả Giáo Hội, thì chúng tôi mới được biết về nhân vật này tường tận hơn.

Hồ Hữu Hòa, được sinh ra ở Tân Lập. Đây là một giáo xứ mới được tách ra từ Giáo xứ Thuận Nghĩa, thuộc Cầu Giát, Quỳnh lưu. Tôi đi qua Cầu Giát nhiều, hay vào Thuận Nghĩa nhưng giáo xứ Tân Lập thì chỉ biết. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì trước đây, cha Võ Thanh Tâm đã nhờ bố tôi thiết kế ngôi nhà thờ Tân Lập này từ ngày ngài còn quản xứ, quản Hạt Thuận Nghĩa nên đã nghe nói đến Giáo họ này.

Người dân ở đây cho biết rằng từ khi mới lớn, Hòa thường xem bói cho người khác và nhiều người đến xem khi lớn lên. Bố Hòa là một ông Trùm họ, mẹ chợ búa bình thường, chẳng có gì là khá giả đến mức nổi danh.

Nếu bình thường, ở vùng công giáo, thì việc một đứa bé lớn lên mà theo chuyện bói toán lăng nhăng, sẽ lập tức được người lớn, bố mẹ chấn chỉnh ngay từ đầu. Bởi với người Công giáo, đó là điều cấm kỵ. Nhưng đối với Hòa, thì việc lại không dừng ở chỗ đó.

Nhiều nguồn tin nói rằng: Hồ Hữu Hòa gọi Hồ Mẫu Ngoạt bằng chú ruột. Và nguồn tin đó còn khẳng định là nhờ đó mà Hòa được ưu ái từ xa xưa rồi leo lên quen biết dần. Điều này cũng có cơ sở để nhiều người tin, bởi không dễ mà một đứa làm nghề bói toán dù có tiếng tăm đến đâu, thì chưa hẳn đã được ưu ái đến mức đám quan chức cộng sản, mang bề ngoài là vô thần, nhưng lại là các đầu mối mê tín dị đoan trọng dụng như vậy.

Và nếu đây là tin chính xác, thì điều rất rõ ràng là Hồ Hữu Hòa có vai vế khá lớn. Bởi Hồ Mẫu Ngoạt, là một quân sư hết sức tâm phúc của Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn việc xem bói toán. Người ta nói rằng, Nguyễn Phú Trọng có thể không nghe bất cứ ai, kể cả vợ và Bộ Chính trị, nhưng Hồ Mẫu Ngoạt nói thì nghe răm rắp.

Thế rồi mấy năm trước, vụ án Vũ nhôm ra tòa vì tội hối lộ Nguyễn Duy Linh, chúng tôi lại chú ý. Bởi Nguyễn Duy Linh là con trai của Nguyễn Văn Hưởng, một thứ trưởng Công an mà nếu ai đã qua thời kỳ Tòa Khâm sứ, Giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm… thì đều biết đến cái tên này. Ngay cả khi đã về hưu và nán lại làm cố vấn cho Nguyễn Tấn Dũng về mặt tôn giáo, thì Hưởng vẫn ghi nhiều tội ác với giáo dân.

Nguyễn Văn Hưởng cũng là người đã từng ghi nợ với giáo dân Công giáo vụ hai vườn hoa Hàng Trống và Thái Hà. Ở đó, sự quay quắt, lừa đảo giáo dân trong vụ lừa Tòa TGM Hà Nội đưa Thánh Giá về rồi làm thủ tục trả lại đất đai của Giáo hội, sau đó trở mặt là một tội ác của Hưởng. Vì thế khi con trai Hưởng ra Tòa, đã có nhiều người nhắc lại rằng đến lúc con Hưởng phải uống nước vì bố nó ăn quá mặn.

Thế rồi khi nghe tin Hòa bị bắt trong vụ này, thì mọi chuyện lại được bới ra, và thậm chí chúng tôi và những người biết vụ việc còn nói với nhau rằng: Lạ thật một giáo dân đi làm nghề tướng số, phong thủy mà lại nổi danh đến thế, quen biết khủng khiếp đến thế.

Đặc biệt là khi báo chí khui ra số tài sản của Hòa, thật sự mọi người đều thấy choáng, nhưng không lạ mà chỉ khẳng định thêm rằng việc đồn đoán rằng Hòa đã phục vụ quan chức cấp cao Cộng sản là có thật. Khối tài sản gồm “hơn 4,2 tỉ đồng tiền mặt, hơn 785.000 USD, 18.000 euro, 48 nhẫn và 8 miếng vàng, 1 vật trang trí bằng ngà voi, 1 sổ tiết kiệm 10 tỉ đồng, 2 “sổ đỏ”, 20 điện thoại di động và iPad các loại, ô tô Mercedes) (Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 25/06/2021).

Thế rồi Hòa đi tù, và khi vụ án được đưa ra xét xử, thì Hòa bị tuyên 7 tháng tù và trả tự do tại Tòa.

Thế rồi tin tức về anh ta chẳng còn mấy được chú ý.

Cho đến khi anh ta nghiễm nhiên thành linh mục công giáo với tốc độ “thần tốc” và để lại muôn vàn dị nghị và phản ứng.

Đúng hay sai Giáo luật

Trả lời chúng tôi, Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh vào ngày 10/2/2023 đã xác nhận rằng: Ngài là Giám mục riêng, đã không hề cung cấp thư giới thiệu cho Hồ Hữu Hòa được phong chức tại Philippines.

Giáo luật của Giáo hội Công giáo Việt Nam quy định hết sức chặt chẽ với việc Truyền Chức Thánh trong Giáo hội, nhiều trường hợp được dự liệu để nêu ra những nguyên tắc buộc phải tuân theo nhằm bảo đảm cho việc phong chức Thánh được công khai, bảo đảm đúng người, đúng tính chất của việc lựa chọn người mang chức Thánh trong Giáo hội.

Do vậy, trường hợp Hồ Hữu Hòa với những tình tiết đã nêu, có những điều gì không phù hợp giáo luật?

Những điều luật sau đây của Bộ Luật Công giáo 1983 nêu rõ như sau:

Trước hết, đó là tư cách của ứng viên được Bộ giáo luật quy định:

Ðiều 1040: Những người vướng mắc một ngăn trở nào đó hoặc vĩnh viễn, - luật gọi là "điều bất hợp luật" -, hoặc đơn thường, phải bị loại trừ không được lãnh chức thánh.

Khoản 2 của Ðiều 1041: Những trường hợp "bất hợp luật" để chịu chức là quy định rõ:

2. người phạm tội bội giáo, lạc giáo hay ly giáo.

Như vậy, với một người hành nghề bói toán, địa lý, phong thủ, tâm linh cho quan chức cộng sản, hẳn nhiên là vi phạm khoản này rõ ràng.

Về trình tự bắt buộc để được phong chức Thánh, Bộ Giáo luật quy định như sau:

“Ðiều 1051: Việc điều tra về những tư cách cần thiết của người được tiến chức phải theo những quy luật sau đây:

1. phải có chứng thư của giám đốc chủng viện hay giám đốc cơ sở huấn luyện về những tư cách luật buộc để chịu chức, nghĩa là về giáo thuyết ngay thẳng, lòng đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ của ứng viên, chứng thư về tình trạng sức khỏe thể lý và tâm lý sau khi đã được khám nghiệm kỹ lưỡng;

2. để thực hiện việc điều tra cách thích hợp, Giám Mục giáo phận hay Bề Trên cao cấp có thể xử dụng những phương thế khác xét là hữu ích, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn; chẳng hạn các chứng thư, bố cáo hay những hình thức thông tin khác”.

Trong trường hợp Hồ Hữu Hòa, những điều này đã bi bỏ qua, hết sức mơ hồ về việc lãnh nhận chức Thánh, thậm chí ở ở quê hương của Hồ Hữu Hòa, người dân hết sức ngạc nhiên về vụ truyền chức này đã không được thông báo rao tại nhà thờ như bao nhiêu người khác, lại thụ phong ở Philippines mà không hiểu tại sao.

Đặc biệt, một điều hết sức quan trọng cho việc truyền chức Thánh, đó là quy định về việc Thư giới thiệu.

“Ðiều 1022: Khi đã nhận được thơ giới thiệu, Giám Mục truyền chức không được truyền chức trước khi chưa hoàn toàn chắc chắn về tính cách xác thực của thơ ấy”.

Ở trường hợp này, thư giới thiệu được tuyên bố là giả mạo, là ngụy tạo. Bởi Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long đã không hề có văn thư này. Thậm chí, hai tháng sau khi truyền chức, thì ĐGM Giáo phận Vinh đã khẳng định là ĐGM đã thụ phong cho Hồ Hữu Hòa, hoàn toàn chưa liên lạc với Giáo phận Vinh.

Trong khi đó, lễ phong chức, được linh mục Chưởng Ấn GP Vinh là Gierado Nguyễn Nam Việt trực tiếp tham gia và giới thiệu Hồ Hữu Hòa.

Vậy, sự thể sẽ ra sao, Hồ Hữu Hòa có là linh mục không? Và sự việc sẽ được giải quyết ra sao?

Đó cũng là những thắc mắc và chờ đợi của giáo dân Gp Vinh và cả giáo hội Công giáo mà Đức Giám mục Alf. Nguyễn Hữu Long không thể thoái thác hoặc chần chừ.

Bởi Giáo hội mạnh mẽ tông truyền và Thánh thiện hay không, chính là ở chỗ chấp hành nghiêm nhất mọi điều do Giáo luật đã quy định.

Và những người phải tuần thủ chặt chẽ nhất, là chính các chức sắc, là Giám mục, các linh mục và tu sĩ.

Chúng ta hãy chờ xem.

Video Đức Cha Long trả lời phỏng vấn J.B Nguyễn Hữu Vinh:

 

 

13/02/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh