Sinh ra trong một làng quê nghèo vùng Công giáo thuộc miền Trung. Vùng đất có vị trí tự nhiên ngặt nghèo về mọi mặt, cộng thêm thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt.
Cuộc chiến Việt Nam bắt đầu và kết thúc khi tôi còn quá nhỏ để phân định, để tìm hiểu được những chuyện đúng, sai hoặc bản chất cuộc chiến là gì.
Chúng tôi biết đến cuộc chiến, đối diện với cuộc chiến đó khi đang ở lứa tuổi chỉ biết nhìn, biết chấp nhận, biết học hỏi và quan sát mà thôi. Đến khi chúng tôi bắt đầu cảm nhận, tò mò tìm hiểu về những vấn đề xảy ra quanh mình, thì khi đó, cuộc chiến đã chấm dứt.
Cứ vậy, chúng tôi được biết đến một cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, cả nước hò hét nhau “Vì miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai”. Rồi “Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.
Những dấu ấn về cuộc chiến
Ấn tượng của cuộc chiến Việt Nam để lại trong thế hệ chúng tôi thật rõ nét, đó là thời kỳ của bom đạn chiến tranh.
Ở cái tuổi bắt đầu đi học, chúng tôi cảm nhận chiến tranh qua những buổi học đầu tiên ở lớp vỡ lòng. Lớp học là vườn cây của nhà cô giáo, bàn ghế là những gốc cây cọ từ lâu đời đã nhẵn thín không còn những cánh tay và được dùng làm bàn, nơi kê vở để tập viết. Học sinh là một đám láo nháo bất kể tuổi nào, chênh lệch nhau dăm bảy tuổi trong một lớp là chuyện bình thường. Có những đứa học ba bốn năm không vượt qua lớp 1 cũng không phải là chuyện hiếm.
Những buổi học vỡ lòng như vậy không được lâu, chúng tôi bắt đầu những năm học phổ thông là những năm chiến tranh bắt đầu với bom đạn, với pháo phòng không, với ca nông từ biển có thể bắn vào bất cứ lúc nào, với bom tọa độ với máy bay không người lái… đi vào sinh hoạt hàng ngày, vào bữa ăn, giấc ngủ của thế hệ chúng tôi.
Quả là nói rằng những âm hưởng của chiến tranh đi vào trong cuộc sống chúng tôi thì đúng là không ngoa. Bởi trong bất cứ lúc nào dù đang chơi, dù đang ăn hoặc làm bất cứ việc gì, cứ nghe tiếng máy bay từ xa, là đã cảnh giác ra xem là có mấy chiếc, loại gì, và từ hướng nào để đoán xem nó sẽ ném bom ở đâu, mục tiêu nào là chính. Bởi nhà tôi ở gần một chiếc cầu chiến lược quan trọng trên con đường quốc lộ 1A vào Thành phố Hà Tĩnh, vốn là mục tiêu bắn phá hàng ngày của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn việc chuyển tiếp tế cho miền Nam. Thế nên bom đạn thường xuyên ném xuống đó và nhiều khi chẳng phải chỉ có chỗ mục tiêu.
Rồi từng đoàn quân, từng đoàn bộ đội khi thì hành quân bộ, khi thì di chuyển bằng xe, rồi đạn dược, rồi xe cộ và các loại phục vụ chiến tranh, các loại phụ tùng thay thế xe cộ, pháo đạn, lương thực thực phẩm quân trang quân nhu… không thiếu thứ gì.
Cả miền Bắc được hệ thống loa hò hét kêu gọi “Vì miền Nam ruột thịt” đi “giải phóng đồng bào Miền Nam đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược”. Khi đó, chúng tôi chỉ biết đến một Miền Nam đau đớn khổ sở và rùng rợn bởi bọn xâm lược ăn thịt người. Chúng đang mổ bụng moi gan trẻ em, hãm hiếp phụ nữ và đủ mọi trò ma quỷ để biến người dân miền Nam thành nô lệ.
Khi đó, mỗi buổi sáng đến trường, ngồi trong chiếc lán được làm bằng tre và bốn phía đắp bằng đất thành lũy cao để tránh bom, chúng tôi gân cổ lên hát thật to: “Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt Đế Quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan, máu rơi, lòng hận thù ngất trời…”
Những bài ca, tiếng hát đó là hành trang cho thế hệ chúng tôi bước vào đời trong “Thiên đường Xã hội chủ nghĩa”.
Dù khi đó còn ở lửa tuổi thậm chí nhiều đứa chưa mặc quần hoặc chẳng có quần mà mặc, thì chúng tôi cũng đã biết loại máy bay đang vào là loại gì, và khi nào thì máy bay chuẩn bị ném bom, thậm chí bom đã nổ ở xa hay gần, pháo phòng không bắn lên là loại gì, là pháo 12,7mm hay pháo 37mm, 57mm hay 85mm… chúng tôi phân biệt rất rõ.
Thời đó, giai đoạn từ 1965 đến trước 1972, hầu hết bom đạn ném xuống là loại không điều khiển, nghĩa là “bom ngu”. Và mỗi lần máy bay bay đến mục tiêu, ngắm kỹ mục tiêu bằng vài vòng lượn quanh ngó nghiêng là lùi ra xa lấy đà và ngóc đầu lên cao, rồi mới bổ nhào nhắm mục tiêu và cắt bom. Và khi máy bay đã cắt bom, thì cứ nhìn vào những quả bom ném ra mà biết có cần tránh hay không. Nếu quả bom ra khỏi máy bay mà hình thon dài như hạt lúa, thì có nghĩa là nơi mình đứng an toàn, bởi nó đang đi hướng khác. Còn nếu bom ra khỏi máy bay mà hình tròn như viên bi, thì liệu mà vào hầm trú ẩn ngay lập tức, bởi bom đang lao chính diện xuống nơi mình đứng.
Những ngày trời âm u, máy bay thường không hoạt động ném bom như bình thường được, thì Hạm Đội 7 thường dùng máy bay không người lái vào do thám rồi sau đó dùng máy bay vào ném bom mà chúng tôi hay gọi là “ném bom tọa độ” – nghĩa là ném bom căn cứ theo tọa độ định sẵn. Và loại bom này là hết sức nguy hiểm vì không chính xác dễ vào khu dân sinh. Mẹ tôi đã một lần suýt bị trận bom tọa độ vùi mất vào năm 1972 khi bà đang trên đồng đi cấy thêm vào buổi trưa.
Về bom bi, những năm 1968, quê tôi nhiều người chết vì bom bi rải thảm, những quả bom bi mẹ đổ ra hàng loạt bom bi con và nổ ra những loạt bi bắn tứ phía gây sát thương khủng khiếp. Tuy nhiên bom bi hồi đó, chỉ sát thương khi rơi vào hầm trú ẩn hoặc vào nhà.
Nhưng những năm sau, khoảng 1972, thì Mỹ dùng loại bom “bi dứa”. Đó là loại bom có chong chóng phía sau có khả năng xuyên qua lớp đất khoảng 1 mét rồi mới nổ, loại này để tấn công hầm cá nhân. Mỗi buổi sáng dậy sau khi một trận bom bi rải thảm, thì trên các cánh đồng, nghĩa địa hoặc vườn nhà, những hố đào như con chồn hoặc con cáo đào hàng khoảng sâu 1 mét là lỗ của loại bom bi này. Năm 1972, gia đình tôi nằm trong tâm điểm của một trận ném bom bi, nhà tôi bị hai quả hai đầu nhà đã xé tan hai đầu cột gỗ. May mắn là cả nhà xuống hầm rất kiên cố mà gia đình tôi đã đắp trước đó ngay cửa nhà.
Có lẽ, nguy hiểm nhất là những trận pháo kích từ biển vào ban đêm. Bởi khi đó, người dân đang trong giấc ngủ, và khi nghe tiếng nổ thì mọi chuyện đã xong. Chúng tôi quen tiếng nổ này và gọi là Ca nông. Sau tiếng nổ đầu nòng, kèm theo một tiếng nổ khác rồi tiếng gió rít của đạn bay, và sau đó là tiếng nổ của đầu đạn.
Những đêm ngủ nửa chừng nghe tiếng Ca nông từ biển bắn vào, cả nhà nháo nhào chui xuống hầm trú ẩn… Những trận bom bi rải thảm những hăm 1968 để rồi chỉ nghe tiếng kêu, tiếng rên vang lên và sớm hôm sau, bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết bảo nhau: Đêm qua, mấy người trong làng đã chết.
Có những người làng, tôi vừa gặp đi từ dưới xóm dọc đê đi lên, một lúc sau nghe tiếng bom nổ và tin đưa về là ông ấy đã chết ngay ở đầu đê lên cầu Cày.
Rồi có cả người bạn rất thân của tôi mà sau khi chiến tranh kết thúc đã gần chục năm, thì vẫn chết bởi bom bi. Nhưng nguyên nhân là lại bởi chính bố cậu ta thường lấy mìn về cho con nổ ở sông bắt cá những năm chiến tranh. Thế rồi đến khi anh ta đi học thì lấy bom bi về mở lấy thuốc nổ đánh cá, và tai nạn xảy ra.
Đó là những kỷ niệm vẫn in đậm trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ về bom đạn, về chiến tranh.
Tôi còn nhớ rất rõ những khát khao của người dân khi đó được sống trong hòa bình và không lo sợ chiến tranh, bom đạn. Trong một buổi tránh bom dưới chiếc hầm chữ A trước cửa nhà, tôi còn nhớ mẹ tôi nói rằng: Nếu mai hết chiến tranh, tôi sẽ mổ ngay con lợn to nhất để cả làng ăn mừng.
Hẳn nhiên, đó là nói lên nỗi khát khao hòa bình. Chứ lúc bấy giờ, con lợn là cả cơ nghiệp quý giá của người nông dân quê tôi lúc đó nghèo khổ đến mức chẳng ai dám mổ để ăn mừng ngay cả khi vui mừng nhất.
Hiệp định Paris
Những câu chuyện về hội nghị Paris về lập lại Hòa bình ở Việt Nam đến với chúng tôi qua những chiếc loa của nhà nước, qua đó thì chỉ có đảng mưu trí, dũng cảm, tài tình và bọn “Đế Quốc Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn”thì tàn ác, mâu thuẫn và đang bị đồng bào Miền Nam đứng lên lật đổ.
Là trẻ con, những câu chuyện hóng hớt của những người lớn được dự các lớp nói chuyện thời sự rồi nói lại, đã đem lại cảm giác rằng đất nước ta được những lãnh tụ tài ba, được những nhà lãnh đạo sáng suốt như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… là hồng phúc lớn. Tôi còn nhớ rõ câu này trong một buổi nói chuyện thời sự của một cán bộ mà tôi đi nghe lỏm: “Bây giờ vấn đề là ở chỗ phải đấu tranh với Mỹ, chứ còn ngụy quyền Sài Gòn, thì ông chủ đã ký thì đám đầy tớ sao cãi lại được”.
Và chúng tôi, không chỉ chúng tôi là trẻ con mà hầu hết những người dân miền Bắc đã không hề biết được những mưu đồ, những ý định và kế hoạch “Xoay trục” của người Mỹ, kế hoạch bỏ rơi Miền Nam với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa để bắt tay với Trung Cộng – Một hành động mở đầu cho một giai đoạn làm sống dậy con rồng bá quyền Trung Quốc, mà mấy chục năm sau, tận cho đến gần đây, người Mỹ mới thấy được sự nguy hại với hành động của chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ với đường lối ngoại giao của Kissinger.
Khi đó, chúng tôi chỉ được biết về một Kissinger tài ba, học hành cao, đỗ đạt, thông thái mà đành phải bó tay chịu trận trước tài đàm phán như thần của Lê Đức Thọ.
Thế rồi cuộc chiến dừng lại sau những ngày bom đạn tơi bời cuối 1972 mà báo chí ra rả tố cáo tội ác Đế Quốc Mỹ với trận B52 ném bom Hà Nội. Ngày 27/1/1973 Hiệp định được ký kết.
Khắp nơi miền Bắc vui mừng, hệ thống loa trên các cột điện ra rả ngày đêm về chiến thắng quan trọng trong: Đã ký kết được hiệp định ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam.
Thế nhưng cũng chính những lúc đó, chúng tôi đã nghe thấy những lời lẽ rằng: Như vậy là “Mỹ đã cút”, nhưng cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục cho đến khi “Ngụy nhào” như lời “Bác Hồ” đã căn dặn. Điều đó, cũng có nghĩa rằng, những văn bản, những chữ ký chưa ráo mực kia, chỉ là để ký, để có lợi cho cuộc chiến của Bắc Việt vẫn tiếp tục để “Giải phóng miền Nam”.
Nghĩa là với suy nghĩ của những người Cộng sản, thì những lời lẽ trong Hiệp định, ngay từ khi mới ký đã không phải là những điều để thực hiện trong thực tế.
Và sau cái Hiệp định đó, bom đạn lùi khỏi Miền Bắc, nhưng Hòa bình chẳng thấy tăm hơi. Cuộc chiến chuyển vào Miền Nam Việt Nam, bất chấp mọi hiệp định, mọi nguyên tắc.
Và công cuộc “Giải phóng Miền Nam” vẫn cứ tiếp tục, quân đội Miền Bắc vẫn ngày đêm tự do đi lại để vào “Giải phóng Miền Nam” khỏi thảm cảnh “Phồn vinh giả tạo”, cho cả Miền Nam được hưởng một thời kỳ dài là “Nghèo đói, nhưng là nghèo đói thật”.
Kỷ niệm 50 năm ngày Ký Hiệp định Paris về Việt Nam, nửa thế kỷ trôi qua, mà vẫn còn như mới.
30.01.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây