You are here

340 ngày của "Cuộc chiến 3 ngày"

Ảnh của nguyenhuuvinh

Như vậy, cuộc chiến xâm lược của Nga tiến hành trên lãnh thổ Ukraine đã bước qua ngày thứ 340.

So với kế hoạch lúc đầu của Putin khi xua quân tràn vào trên toàn tuyến biên giới Nga –  Ukraine - Belarus  là cuộc chiến sẽ chỉ cần 3 ngày, để rồi sau đó đội quân nhạc và duyệt binh đi theo sẽ bắt đầu cho việc duyệt binh mừng chiến thắng của quân đội Nga tại Kyiv đã trễ so với kế hoạch đến hơn 113 lần thời gian đã định.

Mặc dù vậy, thì đến nay, đội quân xâm lược ấy đã không còn cái thế chẻ tre và khí thế ban đầu, trái lại đội quân đó đã thể hiện sự yếu nhược, rệu rã sau khi đã có những trận thua với danh nghĩa “Rút lui thiện chí”, “tái bố trí lực lượng”… hoặc chỉ đơn giản là “rút quân chiến thuật” và đang rút về phòng thủ bị động.

Trái lại, dù bị tổn thất rất lớn trong chiến đấu giữ nước, thì quân đội và nhân dân Ukraine đã bước đi những bước ngoạn mục, khơi dậy cho cả thế giới những cảm hứng đầy phấn khích và sự cảm phục đến mức ngạc nhiên, qua đó thu được nhiều thắng lợi không chỉ trên chiến trường, mà trên mọi mặt trận khác từ chính trị, ngoại giao, nội trị và cả những vấn đề hiện tại lẫn tương lai của đất nước.

Cuộc chiến đã thể hiện rất nhiều dấu ấn khác nhau về nhiều mặt, ở đó có những điều mà cả thế giới không ngờ, cả những điều mà thế giới bất ngờ, cũng như có những điều mà người ta không thể tưởng tượng được nếu như cuộc chiến không kéo dài theo chừng đó năm tháng.

Trong tất cả những điều gây sự ngạc nhiên đối với cả thế giới mà chỉ có qua thực tế cuộc chiến, người ta mới nhận ra sự thật khác xa những lời lẽ tuyên truyền của hệ thống tuyên truyền Nga được thừa kế theo đúng nguyên lý của hệ thống tuyên truyền Xô viết cũ để lại.

Người ta thấy sự thay đổi đến chóng mặt từ phía nhà cầm quyền Nga, từ lãnh đạo cao nhất của Nga là Tổng thống Vladimia Putin cho đến bộ sậu tay chân của Putin ở Điện Kremlin về lý do, mục đích, thành công, thất bại… của cuộc chiến.

Tất cả đều thay đổi như chong chóng trước gió.

Trước hết, là những tuyên bố của Nga về việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, con bài tẩy, con ngáo ộp mà Nga luôn quan niệm rằng sẽ làm cho cả thế giới kinh sợ.

Những lời đe dọa

Người ta nhớ rằng:

Ngay khi xua hàng trăm ngàn quân qua biên giới, tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022 với sự tự tin đến mức thái quá, Putin đã hành động ngỗ ngược và trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tê và coi thường chủ quyền mọi quốc gia với lời tuyên bố ngạo mạn: Hãy tránh ra, nếu không muốn nhận những hậu quả chưa bao giờ có. Một ngầm ý rất rõ về sự đe dọa hạt nhân.

Những tưởng đội quân xâm lược sẽ được đón chào, những tưởng người dân và quân đội Ukraine sẽ quay mũi súng để “đầu hàng nước Nga vĩ đại” – một cường quốc với sức mạnh quân sự tự xưng đứng thứ 2 thế giới. Và nhất là với lực lượng như chẻ tre, đội quân hùng hậu đó của một “đại cường quốc” có thể nhanh chóng nghiền nát đội quân Ukraine và bắt sống chính quyền Ukraine để hoàn thành cái gọi là “Phi quân sự hóa” và “Phi phát xít hóa” đất nước Ukraine.

Thế nhưng ngay từ khi bắt đầu bước chân đến đất nước Ukraine, đội quân xâm lược đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Ukraine.

Những tưởng rằng Tổng thống Ukraine, một Tổng thống non trẻ sẽ hoảng sợ mà bỏ chạy trước một Putin cáo già, một cộng sản nòi và là một sĩ quan KGB khét tiếng. Nhưng không, thay vì những cuộc bỏ chạy khi yếu thế như đã từng xảy ra ở Afganistan, ở Miền Nam Việt Nam năm 1975, chính phủ Ukraine mà đứng đầu là Tổng thống Zelensky đã từ chối “những chuyến xe đi nhờ” để bỏ chạy, mà yêu cầu vũ khí để chiến đấu.

Và chính sự quật cường, anh dũng của Chính phủ và nhân dân Ukraine đã làm nên những bất ngờ, sửng sốt với toàn thế giới.

Để rồi sau sự bỡ ngỡ ban đầu, cộng đồng quốc tế bừng tỉnh và bày tỏ thái độ rõ ràng trước hành động xâm lăng trắng trợn của chính quyền Putin. Chính vì thế, một phong trào đoàn kết với người dân Ukraine, căm phẫn hành động xâm lăng của Nga đã dâng lên khắp thế giới.

Thế nên, chỉ mấy ngày sau, ngày 28/2, Putin đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của Nga chuyển sang "chế độ tác chiến đặc biệt", tình trạng báo động cao.

Sự đe dọa hạt nhân này đã đặt cả thế giới trước sự lựa chọn khá khó khăn. Bởi một bên là đất nước và người dân Ukraine dưới họa xâm lăng, một bên là một kẻ bất chấp luật pháp quốc tế với hàng loạt bom hạt nhân trong tay mà chỉ cần một cái bấm nút, thì cả thế giới bỗng chốc tiêu tan.

Trước những lời lẽ hung hăng đe dọa đó từ Nga. Những cường quốc hạt nhân trên thế giới, các quan chức Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã nói thẳng rằng: “Một lãnh đạo đất nước có bom hạt nhân mà sử dụng những lời đe dọa bừa bãi như vậy là sự vô trách nhiệm”.

Hai tháng sau, Nga cho thử hệ thống đạn đạo mới loại tên lửa Sarmat có thể mang tới 15 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 35.000 km (22.000 dặm) với những lời lẽ đầy sự đe dọa với cả thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ rằng: Tên lửa mới có thể đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và nó sẽ khiến các quốc gia đe dọa Nga phải "suy nghĩ lại".

Ngày 24/4 ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavrov tuyên bố rằng sự hỗ trợ thêm cho Ukraine có thể gây ra căng thẳng có thể dẫn đến một kịch bản Thế chiến III liên quan đến kho vũ khí đầy đủ của Nga - tức là hàm ý Nga sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử.

Rồi để phản ứng lại việc Đức có thể triển khai xe tăng vũ trang tới Ukraina, Putin tuyên bố rằng Nga sẽ đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ bên ngoài Ukraina bằng các hành động khẩn cấp chỉ có thể với kho vũ khí hạt nhân duy nhất của Nga.

Thế nhưng, những lời đe dọa tưởng chừng làm thế giới hoảng sợ, đã không hù dọa được ai. Cả thế giới vẫn đứng bên cạnh Ukraine trong cuộc chiến chính nghĩa, chống xâm lược và bảo vệ nền dân chủ non trẻ của mình.

Thế rồi đến khi Putin sáp nhập 4 vũng lãnh thổ vừa chiếm cướp được của Ukraine vào Nga. Ngày 21/9, trước sự phản ứng giận dữ, sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, Putin một lần nữa chơi con bài của Chí Phèo: Đe dọa “sử dụng vũ khí hạt nhân—để bảo vệ lãnh thổ của đất nước”. Putin nói rằng Nga "sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi" - được nhiều người hiểu là mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.

Không chỉ Putin, những người có trách nhiệm khác ở Nga đã thi nhau hù dọa bằng bom hạt nhân. Trong đó có thể kể đến Medvedev – nguyên Tổng thống Nga – hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Liên bang Nga. Medvedev đã liên tục đe dọa việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp cần thiết đối với việc khuất phục cả thế giới với cơn giận dữ của họ trước những hành động ngang ngược và trắng trợn của Nga.

Thế nhưng, trước sự hù dọa rất bừa bãi của giới lãnh đạo Nga, cả thế giới mới thấy rằng không thể đùa bỡn với một quốc gia có dàn lãnh đạo với bản chất Chí Phèo này, cả thế giới đã nghiêm khắc cảnh cáo đối với lãnh đạo Nga. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc nhở rằng Nga đừng đùa với chuyện muốn đưa cả thế giới vào địa ngục. Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rằng: Những hậu quả đối với Nga nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine đã được chuyển tải tới ông Putin.

Như vậy là đã rõ, cả thế giới không hoảng sợ trước con ngáo ộp vũ khí hạt nhân của Nga và sẵn sàng đối đầu không khoan nhượng nếu Nga cắn càn.

Như vậy là mảnh vỏ chai trong tay Chí Phèo đã không dọa được ai và mất tác dụng ở trường hợp này.

Trước những sự cứng rắn của cả thế giới, Nga đã thấy rằng con bài Chí Phèo sử dụng ở thời buổi này quả là không mấy có tác dụng khi mà cả thế giới đồng lòng, cảnh giác.

Và đến khi đó, thì ngày 27/10/2022, Tổng thống Nga Putin đã lập tức đổi giọng mà tuyên bố rằng: “Moscow chưa bao giờ “cố ý nói bất cứ điều gì” về việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Và Medvedev cũng lập tức đổi giọng, ông ta cho rằng: “Những điều mà Phương Tây nói về sự de dọa vũ khí hạt nhân của Nga là sự hoang tưởng”.

Nghĩa là phía Nga đã phủ nhận và nói ngược lại những điều mà chính họ đã sử dụng từ đầu cuộc chiến đến nay.

Và cả thế giới lại được cơn ngạc nhiên mới. Người ta thấy lạ.

Sự lạ đó, nếu chỉ bởi sự thay đổi này thì chưa hẳn, bởi cả thế giới đã quen sự lật lọng của Nga trong những lời nói của mình được chứng kiến từ đầu cuộc chiến cho đến nay. Nhưng điều lạ, là ở chỗ: Vũ khí hạt nhân, là hy vọng cuối cùng của Nga trong cuộc chiến xâm lược. Nếu không được sử dụng thực tế, thì ít nhất cũng có tác dụng dọa nạt mà ép Ukraine vào bàn đàm phán.

Nhưng ngược lại, Tổng thống Ukraine đã lập tức giải tán nhóm đàm phán khi Putin tuyên số sáp nhập, cướp lãnh thổ Ukraine. Và bây giờ họ chỉ còn có một quyết tâm: Chiến đấu đến cùng cho nền độc lập, tự do của đất nước.

Và đến đây, thì Putin  vào thế bí.

Bí lối khi mà quân đội thì thất bại liên tục trên chiến trường và tốc độc tiêu hao quân số đến mức kinh hoàng.

Bí lối khi cả thế giới quay đầu lại với Nga, coi quốc gia này như một nhóm khủng bố và điên cuồng bạo lực, là tội phạm quốc tế. Mọi cửa ngõ làm ăn đã bị bịt kín.

Bí lối, vì vũ khí đạn dược đã cạn kiệt, sự sĩ diện hão của một Cường quốc quân sự cũng đã rơi mất từ khi muối mặt đi mua vũ khí của Iran.

Và từ chỗ cao ngạo rằng: Ukraine chỉ có một con đường là hạ vũ khí đầu hàng mới được đàm phán với Nga, nếu không thì càng ngày yêu cầu của Nga càng cao. Cho đến nay, Putin nhiều lần cầu cạnh muốn đàm phán đã không được Ucraine đếm xỉa đến.

Thế rồi cuộc chiến xâm lược của Nga đã được chuyển hóa thành cuộc chiến khủng bố bằng những trận tấn công vào công trình dân sự và dân chúng Ukraine. Putin tưởng rằng với những cuộc bắn phá, khủng bố đó, người dân Ukraine sẽ khuất phục.

Nhưng không, điều đó, chỉ làm cho cả thế giới thấy rõ hơn bộ mặt thật của nước Nga và người dân Ukraine thêm ý chí chiến đấu giải phóng đất nước mình.

Những sai lầm không lối thoát

Một điều mà ai cũng nhận thấy, rằng Nga đã đánh giá hết sức sai lầm không chỉ về khả năng của mình, mà còn là sự tính toán khôn lỏi, láu cá vặt về lợi ích ích kỷ của mình mà không hiểu rằng: Thế giới ngày nay đã khác xưa, và thế giới còn lại khác nước Nga, cả người dân và chính phủ.

Thậm chí, Medvedev còn nói: "Tôi tin NATO sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột trong kịch bản này. Sự an toàn của Washington, London, Brussels quan trọng hơn là số phận của một Ukraine vô dụng, đang diệt vong".

Đó là sai lầm lớn nhất của Nga đã không lường được sự đoàn kết chặt chẽ, đồng lòng chung sức với người dân Ukraine trước việc ngang ngược bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế để giở cái trò cá lớn nuốt cá bé.

Và hàng loạt những khối vũ khí, tiền của, những sự ủng hộ về tinh thần, vật chất đổ về Ukraine trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ và cô lập đối với Nga đã làm cho những lãnh đạo Kremlin ngấm đòn của sự nhục nhã và đau đớn.

Thế rồi, cả thế giới đã dần dần bước qua và xóa đi những cái gọi là “lằn ranh đỏ” mà Nga đã bao lần vẽ ra, để đe dọa và chỉ để đe dọa mà thôi. Bởi ai cũng biết được thực lực và khả năng của Nga đến đâu sau gầ/n một năm trên chiến trường Ukraine – Một cái cối xay thịt những thanh niên Nga trong đội quân xâm lược của Putin.

Và đến hôm nay, những gói viện trợ vũ khí hạng nặng, xe tăng, đạn pháo, tên lửa và các loại vũ khí hiện đại của NATO, của Châu Âu và Hoa Kỳ đã được các quốc gia ngang nhiên tuyên bố sẽ đưa đến Ukraine để giúp họ đuổi quân xâm lược.

Và đến đây, thì cả thế giới đang đẩy Putin vào góc cuối của con đường, đối diện với những khó khăn mà Putin khó có thể vượt qua nổi.

Mới đây, Medvedev, cựu Tổng thống Nga, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã tuyệt vọng nói rằng: “Một quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ thua trong cuộc chiến”.

Điều này thể hiện cái thói kiêu ngạo cộng sản vốn đã ngấm vào xương máu của Putin và dàn lãnh đạo Kremlin vốn là điều khó khăn nhất để Putin và tay chân của Y có thể quay đầu.

Vâng, Nga không chỉ là một “Quốc gia có bom hạt nhân” mà còn là một “Cường quốc quân sự đứng thứ 2 thế giới”, còn là đàn anh trong khối các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vốn quen bắt nạt các quốc gia độc lập yếu thế lân cận.

Vậy thì con đường trở lại của Nga là vô cùng khó khăn.

Mà đường đi phía trước, thì đang hứa hẹn nhiều thất bại to lớn và nhục nhã trước sự anh dũng và quyết tâm của toàn thế giới tiến bộ.

29/01/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh