You are here

MẶT VÀNG NHƯ NGHỆ, CÁI GIÁ CHO SỰ KIÊU NGẠO

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một cuộc xâm lược trắng trợn

Đến hôm nay, cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine đã qua 250 ngày, bước sang tháng thứ 9.

Những hình ảnh từ chiến trường Ukraine được hệ thống Internet đưa lên, đã cho thấy sự khốc liệt của máu, tính mạng và vũ khí khủng khiếp ra sao trên một quốc gia châu Âu trong thế kỷ thứ 21. Điều mà khó có ai tin nổi.

Đó là một cuộc xâm lược trắng trợn và bất chấp lẽ phải, biểu hiện của thói côn đồ, hung hãn và kiêu ngạo của Putin.

Hùng hổ, hung hăng đầy sắt máu, tuyên bố những lời lẽ đe dọa hết sức ngang ngược và những luận điệu tuyên truyền hết sức tự tin, ngày 24/2/2022, Putin đã bất chấp tất cả mọi lý lẽ trên đời, mọi điều phải trái trong đối xử quan hệ quốc tế để xua 200.000 quân xâm lược đất nước Ukraine độc lập, có chủ quyền.

Cuộc xâm lược Ukraine đã bộc lộ nhiều điều lợi bất cập hại cho Nga trên mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự cũng như kinh tế trên trường Quốc tế.

Những vấn đề bộc lộ qua một quãng thời gian kể từ 24/2/2022 đến nay, đã cho thế giới thấy những sự thật mà chẳng bao giờ nhà cầm quyền Moscow mong muốn cho thế giới được tường tận.

Trước hết, là sự chính nghĩa, là lẽ phải trong một cuộc chiến.

Có lẽ trên thế giới, trừ những người ngu độn nhất và những kẻ cuồng tín một cách mê muội với Putin, chẳng mấy ai có thể tin vào những lý lẽ mà Putin đã đưa ra biện minh cho hành động đem quân đi xâm chiếm một nước khác một cách ngang nhiên bất chấp luật lệ quốc tế và cả những nguyên tắc đơn giản nhất trong thế giới hiện đại. Ở đó, không mấy ai chấp nhận quy luật cá lớn nuốt cá bé và xài luật rừng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia độc lập và có chủ quyền với nhau.

Sử dụng “cái lý của người Mèo”, Putin biện hộ cho hành động xâm lược rằng đây chỉ là nhằm để “phi quân sự hóa Ukraine” và buộc Ukraine không được tham gia NATO, đe dọa đến an ninh của Moscow, đồng thời để “bảo vệ người dân "khỏi việc bị đối xử tồi tệ và nạn diệt chủng do chính quyền Kiev gây ra trong 8 năm qua".

Rõ ràng, đây là hành động của những kẻ cậy dựa sức mạnh trên họng súng mà bỏ qua mọi nguyên tắc của thế giới văn minh là cùng tồn tại hòa bình. Bởi chẳng có ai chấp nhận một quốc gia này ngang nhiên sang buộc quốc gia láng giềng không được trang bị vũ khí, không được phát triển quân sự hoặc tham gia bất cứ tổ chức nào.

Thực chất, cái giọng điệu “bảo vệ người dân khỏi nạn diệt chủng” người Việt Nam và cả thế giới nghe quen quen như đang trở lại thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô đưa quân sang Afghanistan và Việt Nam đưa quân sang Campuchia. Những giọng điệu đó thường được nghe rất quen từ những miệng lưỡi của những người cộng sản.

Bởi trong cuộc chiến này, năm 2014, cả thế giới đã có bài học rất thực tế trước đó trên bán đảo Cremia. 

Và vì vậy, những lời Putin ba hoa tuyên bố vào sáng 24/02/2022 đã không hề làm cho thế giới mất cảnh giác. Dù khi đó, Putin thề thốt rằng: “nước này đã, đang và sẽ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia mới được thành lập trong không gian hậu Xô-viết”.

Những lời lẽ đó, sự dối trá ngang nhiên đó trước cả đất nước Ukraine, đã làm khơi dậy tinh thần dân tộc của đất nước Ukraine, tạo nên sự đoàn kết, sự kiên cường đứng lên chống xâm lăng.

Thậm chí, những lời lẽ đó cũng không đủ khả năng để có thể lừa bịp và nâng cao được khí thế, tinh thần của quân đội Nga trong cuộc chiến xâm lược này.

Chống lại cả thế giới và hậu quả

Và nó làm cả thế giới nổi giận.

Cả thế giới đã thể hiện thái độ của mình bằng những đòn trừng phạt mà Putin chưa hề có thể tưởng tượng rằng hậu quả hành động của mình khủng khiếp đến thế.

Cả thế giới đã đoàn kết, đứng bên cạnh người dân Ukraine kiên cường, anh dũng và sẵn sàng hy sinh cho quyền độc lập, tự do của đất nước, dân tộc Ukraine, của nền dân chủ non trẻ ở đây.

Và đến khi đó, sự chính danh, chính nghĩa của nước Nga chỉ là một tấm màn che bẩn thỉu bị xé toạc. Những cuộc bỏ phiếu, những cuộc lên án, tẩy chay của toàn thế giới đối với nước Nga, là một sự kiện lịch sử chưa từng xẩy ra trên thế giới để cho Putin và bè lũ xâm lăng thấy được cái giá phải trả cho sự dối trá và bạo tàn.

Sự cô lập dành cho Nga hiện nay, sự nhục nhã trên trường quốc tế trong các cuộc họp ĐHĐ Liên Hợp Quốc với những lời lẽ lên án đến mức đoàn đại biểu Nga chỉ dám bước vào Hội trường khi đến lượt phát biểu và chạy ngay khỏi đó khi phát biểu xong để khỏi nghe những lời chỉ trích đã nói lên tất cả.

Không chỉ trên phương diện ngoại giao, mà cả trên các lĩnh vực khác như thể thao, nhân quyền, khí hậu… tất cả mọi mặt, Nga vẫn như một tội đồ bị đối xử phân biệt hết sức thẳng thắn phũ phàng mà cả thế giới không thèm ngại.

Cũng chính vì vậy, trong việc giao thương, liên hệ, làm ăn với Nga, các đối tác trên thế giới luôn luôn cảnh giác như cẩn thận kẻo dây với… hủi. Kể cả anh bạn vàng đã tuyên thệ với nhau “đoàn kết không giới hạn” ở Trung Nam Hải.

Về Kinh tế: Có lẽ chưa bao giờ có những cuộc tẩy chay, trừng phạt nặng nề ghê gớm đến vậy với bất cứ một đất nước nào, kể cả với “Trục ma quỷ” gồm những đất nước có những thể chế độc tài quái gở như Triều Tiên, Cuba, Iran…

Chưa bao giờ một nền kinh tế bị cô lập đến mức cùng cực trên tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga, trong khi cả thế giới cùng hòa nhập với nền kinh tế quốc tế kỹ thuật số, thì Nga trở thành một ốc đảo cấm giao tiếp với thế giới văn minh. Mọi giao thương, buôn bán, thanh toán, đi lại… đều nằm trong vòng trừng phạt.

Và qua đó, người ta mới thấy một điều mà người Nga không  bao giờ muốn bộc lộ. Đó là đất nước Nga rộng lớn nhất thế giới, giàu có với trữ lượng khổng lồ về năng lượng, khoáng sản và lương thực. Vậy nhưng, thực chất nền kinh tế Nga vẫn là một nền kinh tế què quặt và đời sống người dân vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Những cuộc cướp phá, những “chiến lợi phẩm” là máy giặt, bồn cầu… mà lính Nga tìm mọi cách vơ vét chuyển về quê hương đã nói lên điều đó.

Điều đó, cũng có nghĩa là ở đất nước vốn giàu có nhiều tài nguyên khoáng sản này, có một chính phủ độc tài và phá hoại, chỉ biết chăm lo tham nhũng, phá hoại, tập trung cho mưu đồ bành trướng và xâm lược, gây thù chuốc oán với thiên hạ. Hoàn toàn không biết chăm lo đời sống người dân.

Và người ta đang suy nghĩ rằng với kinh tế bị cấm vận, trừng phạt và bao vây như hiện nay, liệu nước Nga sẽ trụ được thời gian bao lâu trước khi bị đẩy đến thời kỳ đồ đá.

Về quân sự:

Từ rất lâu, qua các phương tiện tuyên truyền của Nga cũng như các quốc gia cộng sản và cả hệ thống các hãng truyền thông lớn trên thế giới, thì Nga là một cường quốc quân sự, là một thành trì quân sự vững chắc làm chỗ dựa cho rất nhiều quốc gia khác nhau.

Vũ khí Nga được ca tụng lên mây xanh về những tính ưu việt và tiến bộ vượt bậc, cũng như khả năng ghê gớm của nó. Những thành tựu được ca ngợi là vượt bậc, hiện đại mà cả các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… nhiều khi còn phải sợ, phải gờm chứ chưa nói đến mấy đất nước lạc hậu và kém phát triển.

Và thế là hệ thống vũ khí Nga từ xe tăng, bom đạn, phòng không và máy bay cho đến tàu chiến, từ không quân đến hải quân… đều trở thành những hàng quý hiếm mà rất nhiều quốc gia đã phải bỏ tiền tỷ để mua bằng được. Thậm chí cả những quốc gia khổng lồ như Ấn Độ, Trung Quốc… cũng là những khách hàng tiềm năng.

Tất cả đều được mua về để cất vào kho rồi lạc hậu rồi mua thứ khác.

Thế rồi cuộc chiến Ukraine đã bóc trần tất cả sự thật về tính hiện đại, tiên phong, năng lực cũng như khả năng của nền quân sự Nga, của quốc gia là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới ra sao.

Và cả thế giới sụp đổ niềm tin vào vũ khí nga khi mà hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay và trực thăng, pháo binh… đều là những thứ hiện đại nhất thế giới, đều là những khí cụ ưu việt nhất đều đã nhanh chóng biến thành sắt vụn ở trên chiến trường Ukraine. Ở đó, chỉ cần vài ngàn quả Javerlin, mấy hệ thống HIMAS thì vũ khí Nga đã bị lính Nga vứt lại hàng đống để bỏ chạy.

Và giờ đây, giới quân sự Nga, hệ thống bán buôn vũ khi Nga lại tiếp tục “ngồi mơ nước Nga” của ngày xưa.

Sự sa lầy không lường trước và chưa có ngày kết thúc

Thế rồi, cuộc chiến dự tính trong 3 ngày, đã kéo dài đến hơn nửa năm nay và chưa hẹn ngày kết thúc đã lôi nước Nga vào vũng lầy không lối thoát. Cho đến khi Putin đã phải “cởi truồng” trước thiên hạ khi bước qua lời nguyền “Không xâm lược” để trắng trợn sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào nước Nga với lời đe dọa cả thế giới rằng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Xem xét cách hành động của Putin, người dân Việt Nam nhớ đến nhân vật Chí Phèo ở làng Vũ Đại với mảnh chai vỡ luôn đe vạch mặt ăn vạ.

Trong khi trên chiến trường, xu hướng chấp nhận thua cuộc là không thể đảo ngược, thì Tổng thống Ukraine đã ký quyết định đóng cửa con đường đàm phán để quyết chiến đến cùng.

Và như vậy, tình trạng “Đi thờ cũng dở, ở không xong” cộng với thói kiêu ngạo Cộng sản, Putin khó tìm đường rút khỏi bãi lầy hiện tại. Và Putin lâm vào tình thế: “Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào”.

Những ngày gần đây, nhiều lãnh đạo của Nga đã nhắc đến việc “đàm phán”. Thậm chí người phát ngôn của Điện Kremlin Dimitry Peskov đã nói rằng không loại trừ cuộc gặp gỡ đàm phán giữa Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky. Điều mà trước đây, khi mới bắt đầu cuộc chiến, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần mong muốn nhưng Nga đã lờ đi. Thì nay Nga mong muốn, đã bị phía Tổng Thống Ukraine thẳng thừng rằng: Chỉ có thể bàn bạc với Nga khi không phải là Putin.

Và thế trận trên chiến trường là một thách đố cho Putin khi mà quân đội Nga đã không thể giải quyết được vấn đề, mà ngày càng sa lầy không lối thoát. Chỉ riêng thiệt hại về quân số, đã là một nguy cơ cho sự tồn tại của Putin, và là một tội ác với không chỉ người dân Nga mà cả nhân loại.

Đó cũng là cái giá mà Putin phải trả cho thói kiêu ngạo cộng sản của ông ta mà thôi.

31/10/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh