Đại hội Thể thao Đông Nam Á Seagame 31 đã khép lại.
Những kỳ Seagame
Đó là cuộc đua thể thao không mấy ấn tượng dù Việt Nam dẫn đầu với tổng số huy chương nhiều nhất, huy chương vàng cao nhất, bóng đã vô địch cả nam lẫn nữ…
Dù cho những màn đi bão, chào mừng chiến thắng đến mức các cô gái cởi truồng chạy dọc phố như những đứa tâm thần hay tai nạn do đi bão là con số kinh hoàng với hàng trăm người chết và bị thương, thì ấn tượng về thành tích thể thao qua một kỳ Sea Games vừa qua là không lớn, không rõ ràng.
Sở dĩ nói rằng, nó không mấy ấn tượng, bởi thực tế rất cay đắng và không mấy tạo hưng phấn: huy chương nhiều nhất, tổng sắp toàn đoàn cao nhất cũng chưa hẳn đã nói lên thực chất trình độ của nền thể thao của đất nước đó là phát triển nhất.
Sở dĩ các cuộc đua tài về thể thao tại các kỳ Sea Games không đủ để xác nhận trình độ thể thao của đất nước đó, chỉ đơn giản là chúng ta nhìn vào cách tổ chức, sắp xếp các kỳ Sea Games thì thấy rất rõ.
Không cần biết nhiều, chẳng cần chi tiết việc quy định thể lệ, nguyên tắc cũng như cách tiến hành các cuộc thi ở đó ra sao. Chỉ cần nhìn bản Tổng sắp huy chương, ghi nhận kết quả từng kỳ của Seagame, chúng ta thấy rất rõ một quy luật: Bất cứ trình độ ra sao, cứ nước nào tổ chức, thì nước đó sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương và đạt thành tích cao nhất, dù đó là Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Việt Nam…
Và qua đó, người ta thấy rằng cái trò gán ghép đưa vào nội dung thi đấu, cách tổ chức thi đấu cũng như những tiểu xảo khác để chủ nhà đạt thành tích cao nhất, bất chấp thực tế năng lực, trình độ thể thao của đất nước đó ra sao… thì đều là những trò hài hước, biến những cuộc đua tài thành những cuộc tụ bạ, hội ngộ tập trung đông người kém ý nghĩa và thiếu đi tinh thần thượng võ, sự khách quan của thể thao.
Và điều đó, cũng chính là nguyên nhân làm cho cái vùng trũng, vũng lầy về thể thao ở Đông Nam Á không thể vươn mình đứng dậy với tầm thế giới.
Nó chẳng khác mấy cái trò luyện gà nòi để đưa học sinh đi thi học sinh giỏi Quốc tế và đạt những thành tích vang dội như Toán, Vật Lý… hàng năm xưa nay. Nhưng, nền giáo dục Việt Nam thì vẫn cứ bí bét, đi đẹt đi đằng sau cả thế giới đến hàng chục năm, thậm chí không còn là lạc hậu mà là lcj hướng.
Bóng đá chiến thắng
Như vậy, bằng kết quả 1-0, đội tuyển Việt Nam lại đoạt chức vô địch bóng đá tại Sea Games lần thứ 31. Việc Việt Nam giữ được chức vô địch tại giải bóng đá ở kỳ thi thể thao này là một điều đáng ghi nhận, bởi đây là lần thứ 2, bóng đá Việt Nam thỏa mãn với giấc mơ vươn lên hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Và thế là những đêm qua, cả đất nước Việt Nam lại nhuộm đỏ màu cờ, màu đỏ máu và những màn ăn mừng sôi động, hào hứng, thậm chí hết sức quái đản để chào mừng thắng lợi này của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Người ta thấy những dòng người “đi bão” xuyên đêm bằng xe máy, bằng những màn rượt đuổi, bằng hò hét, bằng đốt cháy… thậm chí cả những cô gái cởi hết tất cả y phục giữa công cộng một cách điên loạn để ăn mừng chiến thắng.
Nhìn khung cảnh những cuộc mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam những đêm qua, người ta mới thấy những điều ít khi thấy trong xã hội Việt Nam.
Đó là sự cuồng nhiệt với bóng đá, một môn thể thao có thể tác động rất mạnh mẽ đối với nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
Đó là tinh thần gọi là “tự hào dân tộc” mà thật sự là chính là máu ăn thua, hơn kém của người dân Việt Nam trong lĩnh vực thể thao này.
Đó là những màn cố vũ, tự sướng và nhất là sự đoàn kết hiếm có trong những hoạt động tập thể của người Việt trong một khối hỗn độn, tự phát, nhiều khi điên loạn, cực đoan nhưng không nhiều bạo lực với nhau.
Và đằng sau đó, là sự làm ngơ không ngăn chặn, thậm chí “dung túng” cho những hoạt động tập thể này từ phía nhà nước, dù điều đó là ngoài “sự lãnh đạo của đảng”.
Mặc dù đã rất nhiều người nói, đã rất nhiều bài viết chỉ rõ ra rằng: Đông Nam Á, Sea Games, vẫn là vùng trũng của thể thao thế giới, chỉ là cái vũng lầy của thể thao bởi muôn vàn điều tiếng từ hệ thống, tổ chức, kỷ luật và thành tích… chứ chẳng phải cao lớn ghê gớm gì so với thành tích thể thao của thế giới. Thế nhưng, dù ở đâu đi nữa, để đạt được thành tích đứng đầu một cách xứng đáng, cũng là một quá trình cố gắng và đáng được động viên.
Mặt khác, dù nhiều người chỉ ra rằng: Bóng đá, chẳng phải là toàn xã hội, nó không phản ánh được khả năng, khí thế và tầm vóc của một xã hội trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện mà mọi mặt còn đang ở mức độ tụt hậu, thì cứ cố gắng được mặt nào, cũng là tốt mặt đó và hy vọng mọi mặt cuộc sống xã hội sẽ tốt lên, sẽ tốt hơn…
Do vậy, trong câu chuyện ngắn hôm nay, chúng ta bàn qua mấy khía cạnh liên quan đến bóng đá Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á Sea Games 31.
Người tổ chức và lãnh đạo thắng lợi?
Nhìn lại nền bóng đá Việt Nam những năm qua, điều có thể khẳng định được rằng đã có những bước tiến bộ lớn, thậm chí phải nói là rất lớn so với chính mình.
Ai cũng biết rằng, trước đây, khi chạm mặt các đối thủ ngoại quốc, nghĩa là thi đấu với nước ngoài, đội tuyển Việt Nam mặc định cho mình một vị trí hết sức khiêm tốn và một tư thế rất tự ti. Những đội tuyển nhưng Indonesia, Malaysia… là những đối thủ nặng ký và Thailand là những bức tường thành khó, thậm chí không thể vượt qua. Những lần tham dự giải bóng quốc tế, dù chỉ là trong khu vực, hệ thống tuyên truyền vốn giỏi nghề tự sướng của Việt Nam đều phải vắt óc suy nghĩ những lời lẽ phù hợp để an ủi, động viên thậm chí tìm được đủ mọi khía cạnh để qua đó, sự lãnh đạo của đảng với bóng đá, với thể thao nước nhà lại đúng đắn và to lớn…
Thế rồi khi huấn luyện viên Pak HangSeo được thuê để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, thì cũng với dân số Việt Nam mấy chục triệu người đó, với những cầu thủ đó, những nguồn lực đó, bóng đá Việt Nam dần dần bước vững chắc hơn những bước đầu tiên tiến bộ trên các giải đấu khu vực, tiến tới đoạt chức vô địch tại Sea Games 30 và nay là 31.
Và khi đó, người ta mới ớ người nhận ra điều này: À, thì ra thế, sự lãnh đạo, dẫn dắt và chiến thuật, chiến lược, tầm nhìn là quan trọng cho một đội bóng đạt được kết quả tốt nhất.
Và lãnh đạo xã hội?
Người ta đặt câu hỏi: Vậy thì thời gian qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, sáng suốt của đảng với mọi mặt xã hội, trong đó có bóng đá, bằng những con người mà đảng cử ra và được ca ngợi là có tài, có đức để lãnh đạo, dẫn dắt đội bóng… thì tại sao lại có những kết quả thảm hại như vậy ở Bóng đá Việt Nam.
Nói rộng hơn, đằng sau những thành công của đội bóng thời gian qua, người dân Việt Nam cần phải biết rằng: Bóng đá cũng như xã hội, muốn tiến bộ, muốn có thành tích, đạt đỉnh cao và tiến bộ, thì sự lãnh đạo xã hội và người dẫn đầu hết sức quan trọng.
Thế nhưng, đằng sau những màn ăn mừng, những hoạt động có tính chất tự phát, cuồng nhiệt và nhiều khi mất kiểm soát kia của đám đông, thiếu đi sự nhìn nhận, sự trầm tĩnh để suy nghĩ rộng hơn cho xã hội ngoài bóng đá. Rằng, tại sao xã hội vẫn cứ tụt hậu, lụn bại trong cái vũng lầy của chính mình, của đất nước, của cả khu vực và nhất là trên bình diện thế giới? Trong khi đó, người Cộng sản Việt Nam lại luôn tự ca ngợi rằng là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm”?
Tại sao bản chất, tư cách người lãnh đạo vốn có tầm quan trọng trong việc dẫn dắt đất nước đi lên thì người dân Việt Nam lại thờ ơ, phó mặc cho cái đảng sâu mọt, tham nhũng và lấy cướp bóc làm đầu, lấy sự vinh thân phì gia cho hàng ngũ lãnh đạo là mục đích hành động?
Tại sao đường lối chiến lược phát triển đất nước vốn quan trọng trong việc hướng dẫn xã hội hướng tới sự bình đẳng, công lý và hạnh phúc và hòa bình, yêu thương thì người dân Việt Nam lại kệ cho đảng CS cứ ôm lấy mớ lý thuyết Mác – Lenin đầy bạo lực cướp bóc và đưa xã hội đến chỗ tụt hậu, diệt vong vì đi trái ngược với quy luật phát triển xã hội loài người?
Và đằng sau những câu hỏi đó, là câu hỏi lớn hơn rằng: Tại sao người dân Việt Nam có thể đốt phá, đi bão xuyên đêm, thậm chí những cô gái sẵn sàng điên rồ cởi quần áo nơi công công để thể hiện sự nhiệt tình và cuồng nộ với bóng đá nước nhà… lại im lặng trước những bạo tàn của xã hội do đảng gây ra trong những vụ cướp bóc tài sản, đất đai và thành quả của người dân Việt Nam?
Tại sao người dân Việt Nam có thể bị kích động bởi những pha bóng trong cái vũng lầy bóng đá Đông Nam Á hôm nay, lại không hề có cảm xúc trước những hành động bạo tàn khi công an đạp vào mặt những người yêu nước?
Tại sao những người dân Việt Nam có thể đổ ra đường với ngập tràn sắc máu những đêm nay chỉ vì một quả bóng vào lưới đối phương, lại im thin thít đóng cửa trong nhà khi Tổ Quốc bị xâm lăng, lãnh thổ đang dưới gót giày quân xâm lược và đảng ngang nhiên bán cả giang sơn, Tổ Quốc cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc này?
Và tại sao, người dân Việt Nam sẵn sàng gây gổ, sẵn sàng dùng bạo lực khi không được mang một tấm áo, một lá cờ vào sân bóng đá để cổ vũ, để kích động, để hò hét… Nhưng lại im lặng nhẫn nhục trước những chiếc dùi cui mà công an của đảng sẵn sàng vung loạn xạ vào bất cứ ai trong đời sống xã hội hàng ngày, nhất là vào những người yêu nước tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược? Hoặc cố tình không chú ý đến những cuộc tấn công, giết người cướp của trên biển mà đảng không dám chỉ mặt, vạch tên thủ phạm mà chỉ gọi là “Tàu Lạ”?
Để trả lời những câu hỏi đó quả là không dễ nếu chúng ta căn cứ vào lịch sự dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm qua của dân tộc Việt Nam vốn anh hùng, bất khuất và không lùi bước trước ngoại xâm.
Nó sẽ không dễ trả lời nếu nhìn rộng ra thế giới bên ngoài, nhìn sang những quốc gia tiên tiến, dân chủ và tiến bộ khi con người được sống đúng với phẩm giá của mình. Và quan trọng hơn, là ở đó, họ - những người dân – hiểu được họ là con người, có đủ những quyền mặc định cho con người mà Tạo hóa đã sinh ra và nghiễm nhiên ban tặng.
Nhưng, câu hỏi đó, sẽ rất dễ trả lời, nếu chúng ta nhìn vào những trang trại nuôi gà chiến hoặc những màn thi đấu của môn đấu bò tót. Ở đó, chúng ta sẽ thấy màn đào luyện các chiến binh, những chú gà chọi, những con bò tót chỉ biết say máu chiến đấu mà không hề biết bản chất cuộc đấu của chúng là vì ai, và tại sao phải lao vào những màn đấu vô nghĩa.
Và qua đó, chúng ta mới thấy được thành quả, hay hậu quả của quá trình lãnh đạo, giáo dục của người cộng sản ra sao trên đất nước Việt Nam.
Cũng qua đó, cần phải khách quan để xác nhận điều này: Muốn cho đất nước tiến bộ, xã hội phát triển, dân tộc trường tồn và đời sống người dân tốt đẹp, đất nước có thể sánh vai các cường quốc trên thế giới, thì chế độ độc tài, phản dân hại nước, đi ngược lại quy luật phát triển, lợi ích dân tộc cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.
23.05.2022
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây