Tháng Tư là thời điểm để nhớ rất nhiều việc trong lịch sử Việt Nam. Nhưng gần nhất đó là sự kiện nhà máy Formosa xả chất độc ra biển, gây hại cho hàng triệu con người Việt Nam tại 4 tỉnh miền Trung, nhưng tội ác này, lại được chính quyền Việt Nam bao che.
Đã 6 năm, kể từ khi những con cá chết đầu tiên xuất hiện ở bờ biển Hà Tĩnh, Nghệ An… Cuộc đời của những người ngư dân quanh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… vẫn kéo dài sự cơ cực của mình mà không tìm thấy được hỗ trợ vật chất cần thiết, cũng như là tinh thần mang tình đồng bào của chính quyền đối với những nạn nhân. Nhiều người cố gắng sống lây lất vì không còn biết cách nào khác để tồn tại. Còn những người khác thì kẻ buộc phải bỏ nghề bỏ nghề, người phải bỏ quê cha đất tổ để đi làm lao động thuê mướn ở phương trời xa nào đó, nhằm thoát cảnh nghèo đói do thảm họa này gây ra.
Vài năm nay, Vẫn có nhiều nạn nhân của thảm họa Formosa kiên trì đệ đơn lên Tòa án tối cao ở Đài Loan, để đòi công bằng. Nhưng chuyện yêu cầu thực thi uật pháp ấy, không hề đơn giản ở Đài Loan cũng như ở Việt Nam, mà qua cuộc trò chuyện với linh mục Nguyễn Văn Hùng - người đang ở Đài Bắc, Đài Loan trực tiếp trợ giúp cho các nạn nhân của Formosa, đã cho biết thêm nhiều chi tiết.
Lm Nguyễn Văn Hùng: Công việc kiện công ty mẹ của Formosa tại Đài Loan đến giai đoạn quan trọng, đó là tòa án ở Đài Loan đòi hỏi là phải có nhân chứng đứng đối chất ở tòa trực tiếp, hoặc là phải công chứng đơn ủy quyền từ Việt Nam, cho luật sư ở Đài Loan. Điều này có nghĩa những người đang đứng đơn kiện phải ra mặt ngay tại địa phương họ cư ngụ, công chứng ủy quyền cho luật sư và có đóng dấu của cơ quan hành chính địa phương và nhiều cơ quan khác nữa – nhưng rõ ràng đây là điều khó khăn, vì chuyện kiện thẳng công ty mẹ ở Formosa là điều mà chính quyền không thích. Thậm chí những người đi kiện ra mặt cũng bị nguy hiểm.
Hơn nữa, những việc kỳ lạ khác cũng xảy ra trùng hợp, là những người có thể trợ giúp cho các nạn nhân hay người lên tiếng cho Formosa như cô Phạm Đoan Trang (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Tĩnh)… đều bị bắt.
Điều đáng nói là Tòa án ở Đài Loan hình như có sự tác động nào đó, nên họ vẫn kéo dài thời gian về chuyện cần nhân chứng và công chứng, chứ không tuyên bố hết hạn, nên vẫn có hy vọng trong chuyện kiện này. Hiện phía chúng tôi (Linh mục Nguyễn Văn Hùng và các luật sư, tổ chức đang tham gia vụ kiện) đang có thêm một cách làm khác. Nhưng chúng tôi xin lỗi là lúc này chưa thể tiết lộ vì muốn tránh các bất trắc không cần thiết.
Tuấn Khanh: Thưa linh mục, nhưng nói về nhân chứng, thì vẫn có những người từ các địa phương đi kiện đã đào thoát ra nước ngoài vì bị đàn áp, đi lao động ở ngay chính Đài Loan như báo chí đưa tin, vậy mình có thể tận dụng các nhân chứng này được không?
Lm Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều đó, và may mắn là chúng tôi tìm thấy một số người đã chạy qua Thái Lan, Âu Châu và chính ngay Đài Loan, nhưng bản thân vấn đề hành chính khiến họ cũng cần có một thủ tục ở Việt Nam. Vì vậy cũng có cái khó của nó.
Tuấn Khanh: Đài Loan và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ ngoại giao khá mong manh, với cái bóng của Trung Quốc luôn đứng giữa. Liệu vụ kiện Formosa này, với tầm lức lớn lao của nó cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của Hà Nội, thì tòa án của Đài Loan có e ngại trong việc xử thẳng tay và sẽ làm bẻ mặt nhiều quan chức Hà Nội?
Lm Nguyễn văn Hùng: Dù tòa án ở Đài Loan là độc lập, nhưng nếu nhìn rõ khung cảnh hiện nay, thì rõ là có nhiều quan hệ và quyền lợi đan chéo nhau, nên riêng tôi nghĩ, tòa án chỉ có thể đáp ứng ở mức 70 hay 80% mà thôi. Tôi đoán như vậy.
Tuy nhiên, Đài Loan đang là điểm nóng trong tầm nhìn của thế giới, nên đảng cầm quyền vẫn muốn hành động với những giá trị mang tính biểu trưng về một đất nước Đài Loan đang tiến bộ và văn minh trong nên dân chủ pháp trị. Nên trong sự cầm quyền của Đảng Dân Tiến, tôi nghĩ vụ kiện của người Việt Nam lúc này cũng có những phần lợi thế nhất định.
Tuấn Khanh: Đã hơn 3 năm theo đuổi vụ kiện này, thưa, linh mục có nhận xét ra sao về thái độ của chính quyền Việt Nam. Cụ thể như Đại sứ quán Việt Nam ở Đài Loan chẳng hạn. Đã có đề nghị nào về việc ngừng vụ kiện hay cao hơn, là đe dọa chẳng hạn?
Lm Nguyễn Văn Hùng: Phải nói rằng họ rất kín đáo trong các biểu hiện. Bởi họ biết rằng bất kỳ hành động lộ liễu nào cũng sẽ phát động các sự phản đối của các tổ chức nhân quyền hay môi trường ở Đài Loan. Nhưng tôi tin rằng họ theo dõi, luôn theo dõi rất kỹ. Sở dĩ có nhiều khó khăn trong việc người Việt phản ứng hay đi kiện Formosa, tôi nghĩ đó là chuyện ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp, do tôi tin rằng có các quan chức CSVN đầu tư hay có phần hùn trong hoạt động của Formosa ở Việt Nam. Do đó họ luôn để ý đến các tiến triển của vụ kiẹn này.
Tuấn Khanh: Về phần báo giới ở Đài Loan thì sao? Họ có hoàn toàn đứng về những nạn nhân?
Lm Nguyễn Văn Hùng: Những tờ báo trung thực và độc lập ở Đài Loan thì họ rất giới hạn về tài chánh. Còn lại là phần lớn là báo sống với sự tài trợ kinh tế. Như năm ngoái, Formosa có lợi nhuận đến 8 tỷ Mỹ kim, nên chuyện đó cũng là một thế lực. Báo chí sống và không cần đến sự trợ giúp kinh tế của giới doanh thương không nhiều nên tiếng nói vì nạn nhân cũng ít. Ngay tại Đài Loan, cũng có một làng ung thư liên quan đến Formosa nhưng kiện tụng cũng kéo dài và khó khăn, tiếng nói yểm trợ cũng ít. Bằng tiền và quyền Formosa đang thao túng mọi thứ, độc đoán, không khác gì nhà nước Cộng sản Việt Nam cả. Dùng tiền của mình, Formosa tác động đến truyền thông nên bài vở về các nạn nhân của họ cũng bị giới hạn.
Tuấn Khanh: Nhiều nhà binh luận cũng như tranh đấu cho sự kiện thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam nói rằng đây không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là chuyện về nhân quyền. Trong cuộc theo đuổi vụ kiện ở Đài Loan, linh mục đã có bao giờ nhờ đến sự trợ lực của các tổ chức quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty… ?
Lm Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi gần đây cũng liên hệ với các tổ chức như Green Peace, Amnesty… và gần đây thì có thêm vài tổ chức để nhờ cậy họ đưa thông tin về vụ kiện này lên các diễn đàn quốc tế. Chúng tôi biết rõ mọi việc không thể nhanh chóng được, mà đó là một cuộc đấu tranh rất dài lâu. Chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục không ngừng để cố gắng đạt đến một phần nào công lý cho các nạn nhân ở Việt Nam. Khó khăn thì còn nhiều, nhưng nhìn vào những mất mát của người dân trước thảm họa này, chúng tôi biết là mình phải tiếp tục, bất luận như thế nào.
Xin cám ơn linh mục.
Bài bình luận gần đây