Báo chí trong nước đưa tin: Ngày 24/3/2022, Công an Sài Gòn đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Bà Hằng bị bắt về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành khám xét nơi ở của bà Phương Hằng.
Cũng báo chí Việt Nam đưa tin rằng: Nguyễn Phương Hằng đã “lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Và trong quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn Sài Gòn và các địa phương khác... Trước đó, Công an đã tạm hoãn xuất cảnh đối với Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16/2/2022 đến ngày 29/4/2022...
Như vậy, cuối cùng thì Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam cũng bị bắt.
Và cũng như vậy, những đòn phép, những bàn tay đen nâng đỡ, những thế lực đằng sau cặp vợ chồng được gọi là “đại gia” này cũng đã “bỏ của, chạy lấy người” theo cách nói của dân gian Việt Nam xưa nay.
Thời gian qua, kể từ đầu năm 2021, Nguyễn Phương Hằng nổi lên như cồn trong dư luận, mạng xã hội và các nền tảng Internet bằng những buổi họp báo, phát ngôn, những cuộc livestream.. với hàng trăm ngàn người xem. Để rồi sau đó, là sự bàn tán, là những cuộc điều tra, là mạng xã hội nóng lên với những thách thức, những lời qua tiếng lại giữa nhiều nhân vật mà bất lâu nay dùng sự ảnh hưởng của mình để lộng quyền, để hành xử côn đồ và xưng hùng xưng bá.
Ở đó, nhiều người thích, bởi lần đầu tiên trên mạng xã hội, có một “đại gia” bất chấp tất cả để bới móc đời tư, để không ngần ngại nói theo cách dân dã là “Cởi truồng trên mạng” khi cần tranh cãi hoặc chửi thẳng, réo tên cụ thể từng người như các ca sĩ, kịch sĩ, hài sĩ, thần y, nhà báo… mà xưa nay người ta vốn né tránh vì ngại va chạm, ngại thế lực…
Đặc biệt, cái đám ca danh hài kịch sĩ kia, vốn xưa nay chẳng mấy được người dân ưa chuộng bởi những sự nhố nhăng, nịnh bợ và là công cụ trong bộ máy “chiến sĩ văn nghệ của đảng” chẳng mấy tác dụng khi dân đói khổ cơ hàn. Nay bị người khác không ngần ngại lôi ra trước thiên hạ thì dân ta lại… khoái.
Và những cuộc réo tên, bới móc kia, đã lôi ra và làm cho khá nhiều tên tuổi, làm liểng xiểng cái gọi là uy tín mà bấy lâu nay họ cố giữ vì chẳng ai có đủ gan và thời gian, tiền bạc để đối đầu mà móc ra những khuất tất đằng sau.
Cũng những cuộc réo tên đó đã lôi ra và trả về đúng chỗ hàng chục tỷ đồng tiền “từ thiện” của bá tánh đã bị hài sĩ bỏ quên sau khi quyên góp. Nó cũng lật mặt tay “thần y” đã từng làm mưa làm gió trên đất nước và ra nước ngoài bằng mấy trò chữa bệnh chẳng giống ai mà cũng chẳng có tác dụng gì nhưng lại được đám quan chức cung nghinh kính trọng.
Và hẳn nhiên là hệ thống công an, hệ thống an ninh và quan chức đã khấp khởi mừng thầm và hồi hộp chờ đợi thời cơ.
Thời cơ, đó là những cuộc điều tra, những lệnh khởi tố, những giấy triệu tập, những buổi làm việc… hầu hết đều với những nhân vật mà các cán bộ điều tra có cơ hội để mặc cả, các quan chức có cơ hội để bị nhờ vả… và đó cũng là cơ hội cho những dòng tiền đi ra từ những túi tiền được tích lũy bằng nhiều cách cả chính danh và không chính danh bấy lâu nay.
Chính vì vậy mà nhân vật Nguyễn Phương Hằng được chú ý, kéo theo mạng xã hội tập trung nhiều kẻ cơ hội được bám theo sự kiện, hiện tượng này. Và chính cái đám này, đã tạo nên hiện tượng Nguyễn Phương Hằng như một thế lực, tạo nên nhiều sự kiện vui, buồn, hài hước và cả sự lộm nhộm.
Phía cơ quan công an, ra sức lợi dụng thời cơ của cuộc “trâu bò đánh nhau” để thực hiện được những việc công, tư trọn vẹn.
Về việc công: Sự tố cáo, chỉ đích danh các nghệ sĩ, các cá nhân, nhà báo… ăn chặn từ thiện, tạo dư luận xã hội phẫn nộ và nghi ngờ các cá nhân ngoài nhà nước tổ chức từ thiện, vốn là điều mà cơ quan tuyên giáo, cơ quan công an và nhà nước muốn xưa nay mà không thể ngăn chặn.
Bởi người dân xưa nay vốn đã không còn lòng tin vào các cơ quan ôm tiền từ thiện của người dân với điển hình là những vụ tham nhũng mỗi khi có thiên tai, địch họa. Do vậy, khi các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước đứng ra quyên góp, giúp đỡ đồng bào khi thiên tai, thì cơ quan nhà nước thành ra rỗi việc, thừa thãi và cái chính là… mất ăn.
Và họ cay cú, họ cạnh khóe, họ ra luật lệ, quy định nọ kia nhưng không mấy tác dụng.
Nay bỗng nhiên Nguyễn Phương Hằng dẹp hộ đám tư nhân, tổ chức ngoài nhà nước thì còn gì bằng. Thế là châu lại về hợp phố từ nay, tiền dân lại chảy vào túi quan như xưa nay vẫn chảy.
Về việc tư: Được điều tra, làm việc với những nhân vật này là những cơ hội để các đồng chí nhiều cơ hội để phong bao.
Thế rồi, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận các nghệ sĩ này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời Công an Sài Gòn cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.
Điều này cũng dễ hiểu. Trong một xã hội lộm nhộm mà đồng tiền biết chỗ để đến, biết nơi để đi là có tác dụng, thì việc Bộ Công an kết luận không có chuyện ăn chặn từ thiện là việc được coi là khôn ngoan. Bởi nếu có việc ăn chặn, chiếm đoạt ở đây được mang ra trị tội, thì cái đám Mặt Trận, Chữ Thập đỏ xưa nay vẫn ôm tiền đi đâu ai sẽ trả lời và ai xử ai? Thế chẳng hóa ra hỏng cả việc tư mà hư cả việc công sao?
Tuy nhiên, như chúng tôi - người viết bài này - đã vài lần cảnh báo: “Coi chừng nói dai, nói dài thành ra nói dại”.
Thế nhưng, Nguyễn Phương Hằng rất xứng với biệt danh: “Cuồn cuộn”. Hằng tiếp tục livestream với ngôn từ quyết liệt hơn, tổ chức đến "thăm nhà" nhiều người đang có mâu thuẫn với mình kéo theo đám con nhang, đệ tử cuồng nộ nhưng thiếu hiểu biết, để rồi gây ra những sự náo loạn.
Bởi Nguyễn Phương Hằng, vốn được sự tán tụng, sự chú ý đến mức thành hiện tượng, đã không còn giữ được sự tỉnh táo cần thiết rằng đó là cơ hội cho đám công an lấy cớ ra tay.
Và Nguyễn Phương Hằng đã không hiểu rằng vai trò của bà ta đã hết, công việc mà cơ quan công an, nhà nước muốn, bà ta đã hoàn thành xuất sắc. Kể từ nay, dù bão lụt, dù thiên tai hay thảm họa, ngoài mấy cơ quan ban bệ nhà nước, liệu mấy ai dám đứng ra tổ chức giúp đỡ người dân?
Để rồi tiếp tục có những hành động mà nếu không ngăn chặn, không khéo có ngày Hằng lôi quân đến nhà Bí thư tỉnh ủy không chừng.
Thế nên, công an phải ra tay ngăn chặn hậu họa.
Nhân cơ hội đó, các ca sĩ, kịch sĩ, hài sĩ và các nhà báo liên kết ra đòn. Nguyễn Phương Hằng lại bị Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên,Vy Oanh, Võ Hoàng Yên, Hoài Linh, và các nhà báo như Hàn Ni, Đức Hiển, hay Đinh Thị Lan... tố cáo.
Thế nên, dù trong Đại Nam vẫn chễm chệ cái tượng Hồ Chí Minh ngồi cùng Phật, Thánh và các tiền nhân, thì cũng không còn đủ cái vía ngăn đám quan chức, tay chân đưa Nguyễn Phương Hằng vào trận tỉ thí, đưa con mồi béo bở vốn khoe giàu, khoe lắm tiền nhiều của lên giàn thiêu.
Và có thể đến khi đó, khi đã ngồi trong căn phòng tạm giam, hẳn nhiên Nguyễn Phương Hằng sẽ hiểu ra một vài điều cơ bản mà cha ông đã dặn như: “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ” và người ta thướng “Bám kẻ có tóc chứ mấy ai bám thằng trọc đầu”.
Vì vậy “Chớ khoe giàu với kẻ cướp”.
Bởi, dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối và sáng suốt của đảng” thì dù là nền kinh tế thị trường, cái đuôi “định hướng XHCN” vẫn luôn tồn tại, vẫn là chiếc thòng lọng không thể gỡ ra mà chỉ chờ ngày thít lại.
Và đó là khi mà “kẻ đi săn biết ăn thịt chó”.
28/03/2022
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây