You are here

ĐÂU CHỈ CÓ CHÓ MỚI SỢ PHÁO

Ảnh của nguyenhuuvinh

Còn vài ba tiếng nữa, giờ phút Giao thừa đã đến trên quê hương Việt Nam.

Những ngày Tết đến, chúng ta lại nhớ đến da diết tiếng pháo giao thừa.

Truyền thống đốt pháo có từ hàng ngàn năm nay của người dân Việt Nam. Nhất là những khi tết đến, xuân về hay có những việc dịp hội hè, lễ lạt hoặc sự kiện hiếu hỉ.

Tiếng pháo ngày tết, đã trở thành thiêng liêng trong tâm hồn người Việt Nam, nó đi vào ca dao, tục ngữ, nó đi vào thói quen, tiềm thức của người Việt: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

“Thủa bé tôi đeo chiếc khánh vàng,
Quần đào xẻ đũng, áo hàng lam,
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo,
Nhộn cả nhà lên tiếng hát vang!”

(Lam Sơn)

Tiếng pháo có mặt nhiều khi, nhiều lúc trong cuộc sống người dân Việt xưa nay, như lễ lạt, hội hè, hiếu hỉ…

Nhưng, đặc biệt vẫn là pháo Tết.

Tiếng pháo đêm giao thừa náo nức không chỉ con trẻ mà mọi người dân Việt Nam như một điều tất yếu khi tiễn biệt một năm cũ và tiếng pháo rộn ràng báo hiệu mùa xuân đã về, một năm mới lại đến…

Tiếng pháo như xua đi mọi điều không may mắn, những sự rủi ro, khó chịu hay những hiềm khích, thắc mắc giữa các thành phần trong gia đình, họ hàng, xã hội… để bắt đầu một năm mới với những điều cầu mong tốt đẹp hơn.

Tiếng pháo làm nô nức mọi người, mọi nhà, mọi làng quê đến thành phố đất Việt từ ngàn đời nay.

Tiếng pháo chiều ba mươi tết báo hiệu những bàn thờ, mâm cỗ đã bầy xong và cháu con hậu thế đang cung kính trước Tiền nhân với tấm lòng hiếu thảo, tôn nghiêm mời tổ tiên về cùng đón xuân với con cháu.

Tiếng pháo xuân, cũng là tiếng mời gọi những người con xa xứ, những người đang xa quê nhớ về nguồn cội, nơi mẹ già trông ngóng, nơi đàn em nhỏ đang mong chờ.

Ngày xuân, chắc hẳn sẽ chẳng mấy ai khi xa quê không mủi lòng khi bên tai vang lên tiếng hát: “Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui. Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng. Trông bánh chưng ngồi chờ sáng. Đỏ hây hây những đôi má đào”.

Tiếng pháo ngày mừng xuân, đón tết như một điều ắt hẳn phải có, để cháu con mừng tuổi ông bà, bố mẹ và báo hiệu một năm mới đầm ấm, đoàn kết.

Để từ đó, con người trầm tĩnh hơn, sâu lắng hơn, suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về xã hội, về trách nhiệm của mình trước cuộc sống, trước con người, xã hội và quê hương, đất nước.

Đó là những điều tưởng như chẳng bao giờ có thể thay đổi được trong truyền thống của người Việt, trở thành một nét văn hóa tự ngàn đời để lại.   

Chó sợ pháo

Cha ông ta thường ví những người sợ hãi một việc gì đó với câu: “Khiếp như chó khiếp pháo”. Chuyện chó khiếp pháo là câu chuyện đã từ lâu thành ngạn ngữ trong dân gian Việt Nam.

Tôi còn nhớ: Trong tác phẩm “Lên ngàn” của một nhà văn nào đó mà tôi đã đọc qua hồi còn nhỏ, có câu chuyện đêm ba mươi tết, anh chàng nhà nghèo chẳng có gì đón tết ngoài đàn con đói, đã đi rình đánh chó sợ pháo. Nhưng kết quả là anh bị đám dân làng rình đánh cho một trận khi chưa bắt được con chó nào. Thế rồi do xấu hổ anh đã dọn cả gia đình đi khi còn sớm. Sáng ngày mùng một tết, cả làng không còn thấy gia đình anh ta và chẳng biết đi đâu và họ nói với nhau: Có lẽ lên ngàn.

Câu chuyện đó, ám ảnh tôi ở một điểm: Khi mà chúng tôi cứ náo nức những ngày còn trẻ mỗi khi tết đến với bánh pháo tét màu hồng điều, xúm xít bên tràng pháo đêm giao thừa, sáng mùng một tết tiếng pháo xua đi những điều xui xẻo một năm qua, khói pháo đẩy lùi những ảm đạm của mùa đông vừa qua để đón mùa xuân mới xác pháo hồng như mời gọi những may mắn đến với mọi nhà, mọi người… Nét văn hóa đó, đã tồn tại từ xa xưa.

Thì có những con chó lại sợ pháo.

Quả thật, khi nghe những tiếng nổ liên hồi, quan sát lũ chó trong làng, chúng ta mới hiểu được sự sợ hãi của chúng đến mức nào. Trước hết là chúng giật mình nghe ngóng và khi tiếng nổ giòn liên tục, nó hoặc chui vào xó nhà, gậm giường hoặc nơi nào thật kín. Hoặc cũng có thể chúng bỏ chạy không định hướng, càng xa tiếng nổ càng tốt.

Và không chỉ có chó mới sợ pháo

28 năm trước, ngày 8/8/1994, Võ Văn Kiệt, Thủ tướng chính phủ CSVN ban hành Chỉ thị: Kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước.

Quyết định này gây nên một phản ứng dữ dội trong nhân dân. Bởi tiếng pháo đã là máu thịt của người dân. Và đó mới là được “hun đúc từ ngàn đời, đậm đà bản sắc dân tộc” chứ không phải là một trận cầu thắng được nước láng giềng như lời tự huyễn hoặc của ông Thủ tướng chính phủ VN.

Thế nên, dù bị nghiêm cấm, bị chặn bắt, bị bỏ tù… thì hàng năm vẫn có những người mua bán, chế tạo và… nổ pháo.

Cũng từ đó, hàng năm, số người vào tù vì buôn bán, nổ pháo hoặc sản xuất pháo không hề ít. Nhưng con số đó không hề giảm.

Và hàng năm, những khi giao thừa, khi tết đến, tiếng pháo vẫn rộn lên khắp mọi làng, mọi thành phố đến nông thôn, như biểu thị sự coi thường một chính sách hoảng hốt mà có, từ nhà cầm quyền Việt Nam.

Kể từ đó, đã hơn ¼ thế kỷ đã qua đi, nhưng tiếng pháo vẫn không thể tắt trong lòng dân Việt.

Nhiều người sẽ không hiểu vì sao, tự nhiên với những lý do hết sức mơ hồ, cái nghị định kia của Võ Văn Kiệt lại ra đời. Cái nghị định kia đã chặn lại tất cả, chặn lại một truyền thống tự ngàn đời. Chặn đứt một nghề nghiệp với hàng vạn con người ở những làng pháo từ bao đời nay như Bình Đà ở phía Bắc, Nam Ô ở Đà Nẵng và nhiều địa danh khác.

Điều người ta đặt ra và thắc mắc là tại sao, bỗng nhiên nhà cầm quyền lại nổi hứng cấm pháo? Rất nhiều lý do, được đưa ra giải thích rằng thì là do lãng phí, do nguy hiểm....

Thực ra, nguyên nhân chính của việc cấm pháo đâu phải là vì lãng phí. Hàng năm, quan chức chính quyền cộng sản tổ chức những cái vô bổ gấp vạn lần đâu có sao. Nào là lễ hội, đại hội, phong trào... hoặc tham nhũng cả chục, trăm ngàn tỷ đâu có sao. Những vở bi hài kịch vừa qua như Đại hội đảng, như bầu cử các cấp với hàng chục ngàn tỷ đồng tiền xương máu người dân, chẳng là gì.

Rồi đủ thứ lễ hội đi ngược truyền thống như phát ấn đền Trần, Đền Hùng và đủ mọi thứ đền đua nhau kinh doanh tâm linh bát nháo mượn danh Phật Giáo, nhưng thực chất là báng bổ và phá hoại giáo lý Nhà Phật.

Rồi những đền đài, lăng tẩm, nhà tưởng niệm, tượng đài… hàng trăm, hàng ngàn tỷ hàng năm đốt tiền dân hơn cả lá rừng. Những điều đó còn lãng phí gấp bội.

Và người dân cũng chỉ ra rằng: Tai nạn do pháo, chỉ là phần rất nhỏ so với tai nạn giao thông, hoặc những cái chết do chính lực lượng cộng an đánh người tử vong, sử dụng nhục hình trong các đồn công an mà có.

Nhà nước dẫn chứng: Tại Trung Quốc, người ta cũng đã cấm pháo nổ trước đó như là một chứng minh sự đúng đắn của cái nghị định này.

Thì đã hẳn, người dân biết thừa rằng khi quan thầy cộng sản Bắc Kinh làm gì, thì đám cộng sản Việt Nam chỉ biết nhắm mắt làm theo, từ Cải cách ruộng đất cho đến Cách mạng văn hóa và mọi thứ có thể. Chính vì vậy, ở Việt Nam mới có câu thành ngữ rằng: “Nếu thấy Hà Nội cầm ô, có nghĩa là Bắc Kinh đang mưa”. Nhưng, điều đó chưa phải là lý do có thể thuyết phục.

Thật ra, cái nguyên nhân chính vẫn là: Người Cộng sản đã và đang sợ người dân lợi dụng tiếng pháo nổ sẽ là cơ hội để bất ngờ tấn công lực lượng công quyền, nhà nước.  

Chỉ bởi rất đơn giản, những điều mà người cộng sản đã làm, đã có kinh nghiệm, họ sẽ triệt để ngăn chặn người khác. Việc kích động biểu tình, bãi công, bãi thị, bãi khóa… là nghề của cộng sản trước đây, thì nay họ cấm.

Người ta còn nhớ rõ: Tết Mậu Thân 1968, khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, thì đêm giao thừa, thay tiếng pháo vang lên, là tiếng súng của người Cộng sản khắp miền Nam nổ rộ, dìm cả miền Nam đón xuân trong biển máu để tiến hành một tội ác trời không dung, đất không tha trong lịch sử dân tộc.

Và ngày nay, khi nhà cầm quyền CSVN đang ngày càng hiện rõ trước mắt người dân bản chất của mình là hèn với giặc, ác với dân, coi nhân dân là “Thế lực thù địch” thì họ biết, họ là đích ngắm của người dân trong chính những ngón đòn bạo lực mà họ đã sử dụng.

Chính vì thế, họ sợ, sợ sự phẫn nộ của người dân sẽ biến thành hành động, sợ sẽ bị chính người dân quật ngã bằng những ngón đòn của chính họ.

Và họ cấm từ pháo nổ, rồi dần cấm cả pháo hoa, cấm tụ tập đông người, cấm phát biểu tự do không theo định hướng của đảng… Cấm tuốt.

Người ta thấy rằng, ở một đất nước như Hoa Kỳ, mà nhà cầm quyền cộng sản luôn rêu rao là đất nước không ổn định, là dân chúng bị bóc lột thậm tệ, là phồn hoa giả tạo… Thôi thì đủ mọi thứ xấu xa dưới bộ máy tuyên truyền của cộng sản.

Thế nhưng, với hơn 300 triệu người dân Mỹ, theo thống kê, hiện có 310 triệu khẩu súng các loại đang lưu hành trên thị trường và  trong dân chúng.

Thế nhưng, chính phủ Hoa Kỳ không hề sợ dân chúng sử dụng súng để tiêu diệt hoặc lật đổ họ. Không có chuyện cấm mua, cấm sử dụng súng để bảo vệ chính mình. Càng không có chuyện cấm cả pháo nổ, pháo hoa hay tiếng động.

Bởi, chỉ có một chính quyền của dân, từ người dân xây dựng nên thật sự mới dám đối diện với họng súng của người dân mà không sợ hãi.

Còn một chính quyền phản dân, hại nước, trở thành kẻ thù của nhân dân mới sợ hãi sự uất hận và phản đối của người dân bằng mọi cách.

Chính nỗi sợ hãi của người cộng sản hôm nay, đã nói lên một điều rất rõ ràng: Họ đang là ai trước mặt người dân Việt Nam.

Đặng Ngọc Viết, đã mang súng vào UBND Thành phố Thái Bình nhằm đúng đầu mấy cán bộ bóp cò, làm 5 người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, đến chiều thì một người tử vong. Hoặc Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, chỉ với chiếc bình ga và khẩu súng tự chế đã làm chao đảo, hoảng loạn cả hệ thống quân đội, công an đó thôi.

Thử tưởng tượng xem. Nếu ở Việt Nam không cần đến hàng trăm triệu khẩu súng, mà chỉ cần có dăm bảy ngàn khẩu súng, thì hệ thống quan chức tham nhũng, cướp bóc, trấn lột, hà hiếp người dân tồn tại được bao lâu trong xã hội?

Và khi đó, thì nói như Nguyễn Sinh Hùng là “lấy đâu ra cán bộ mà làm việc”.

Và mặc dù, nhà cầm quyền VN đã thu hết không chỉ tất cả súng, đạn, mìn bom mà cả những vật dụng gọi là “Công cụ hỗ trợ” mà họ vẫn không yên tâm.

Và đêm đêm, họ vẫn giật mình thon thót với những tiếng nổ. Và họ cấm.

Thế nên, không chỉ có chó mới sợ pháo.

Ngày 30/1/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh