Cho đến lúc này, mặc dù có xuất phát điểm cùng lúc và có nhiều điều kiện để phát triển hơn thanh niên dân chủ các nước khu vực, nhưng gần như tình trạng dân chủ của Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ và ngày càng bị câu thúc, đi vào chỗ khó khăn, thúc thủ tứ phía. Và để nói về dân chủ Việt Nam, đến lúc này, có thể nói rằng rơi vào tình trạng “không có gì” bởi quá nhiều xung lực phản dân chủ trong chiếc áo dân chủ. Vậy những xung lực đó là gì?
Đầu tiên, nói về các tiêu chí dân chủ tại Việt Nam, phải nhắc đến các quyền tự do như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập hội, đoàn, tự do tôn giáo… và đặc biệt là thiết lập quyền sở hữu về đất đai. Đây chính là đầu mối, giềng mối cho một nền dân chủ vững chãi về sau. Nhưng, các tiêu chí này tại Việt Nam gặp các lực cản của chính lực lượng tưởng là “dân chủ” và nhanh chóng rơi vào tình trạng phản phé, bị dán mác “mượn hoa cúng Phật”. Một phần vì cái mác vô lý này, phần khác vì chính các hoạt động thiếu khoa học của nhóm mượn màu dân chủ này nên tình trạng dân chủ tại Việt Nam có nguy cơ rơi vào bế tắc.
Vậy những thành phần “mượn hoa cúng Phật”, phản phé này là ai? Nếu nói một cách công tâm, họ là những người phản dân chủ số một, họ cũng có tham vọng, ý đồ tư lợi nặng nề chẳng kém giới lợi ích nhóm, tư bản thân hữu, nhưng họ lại không nằm trong hệ thống trên và họ có một lượng tri thức vừa đủ để múa may dân chủ, mượn màu dân chủ và tấn công vào cả giới hoạt động dân chủ và nhà độc tài. Khi cả hai phía này bị tổn thương, họ phần nào đắc lợi.
Vì sao họ công kích cả hai phía? Bởi về phía nhà độc tài, theo luật chơi lịch sử, bất kì triều đại, chế độ, thể chế chính trị nào thay thế một triều đại, thể chế, chế độ chính trị cũ đều mở ra một trang lịch sử mới của họ (có thể là trang tươi sáng, cũng có thể là trang u ám) và trong quá trình mở trang sử mới ấy, các vấn đề về chủ quyền, đất đai, an ninh, giáo dục, y tế, truyền thông đều phải nằm trong tay của họ, nó được đánh tráo và khái quát thành Hiến Pháp, và dù muốn hay không muốn, đúng sai, hay dở chưa bàn đến, Hiến Pháp là bản tuyên ngôn khác của một chế độ chính trị, trong đó hàm chứa cả ý chí chung của nhân dân và ý đồ của nhà lãnh đạo. Và nó sáng sủa hay u ám lại tùy thuộc vào nhà lãnh đạo.
Sự chuyển bước của lịch sử, sự thay thế vai trò dẫn dắt lịch sử của một chế độ chính trị mới luôn đụng chạm, thậm chí cắt đứt mọi ý chí của thể chế, chế độ chính trị cũ. Điều này dẫn đến sự mất mát không nhỏ ở một bộ phận nhân dân sau khi họ bị lấy đi quyền lực, các giá trị và quyền lợi, rời bỏ quê hương, bản quán để đi tìm tự do, đi tìm đời sống dễ thở hơn, đi tìm các giá trị mới hơn so với chốn họ đang sống và tìm nguồn hi vọng. Giữa hàng trăm cái mất, đất của những người còn tin vào quyền lợi từ thời phong kiến, tin vào quyền lực phong kiến bị mất đi, nó có thể trở thành sự mặc nhiên lịch sử, nhưng cũng có thể quay đầu, biến thành một thứ lợi ích nhóm bên lề khi có cơ hội.
Và đương nhiên các nhóm này cũng không tin vào lực lượng dân chủ, nhưng họ rất biết vận dụng chiêu bài dân chủ. Chắc chắn họ không thể là các nhà dân chủ đích thực, bởi vấn đề bình đẳng nam nữ, chống gia trưởng, chống bạo lực gia đình, chống mạ lỵ và xúc phạm nhân phẩm của giới dân chủ không bao giờ phù hợp với nhóm này, đấu tranh cho nó họ càng không. Họ vì mục đích của bản thân họ, và có thể mục đích bản thân có đụng chạm, giằng co với các nhóm lợi ích hoặc không đụng chạm đến các nhóm này nhưng lại đụng chạm đến quyền dân sinh của các thế hệ sau. Và họ đứng riêng một cõi trên danh nghĩa Dân Chủ.
Cái danh nghĩa dân chủ này được lợi dụng ra sao? Đó là một mặt tỏ ra chống đối nhà độc tài, chống đối ở mức độ vừa phải, đủ để cho cộng đồng thấy rằng họ không ưa nhà nước độc tài, không chấp nhận nhà cầm quyền nhưng họ không có bất kì hoạt động nào nhằm đưa ra các giá trị dân chủ phổ quát, đồng thời họ ngại đụng chạm, từ chối đụng chạm đến mọi tác phẩm có liên quan đến giá trị dân chủ. Nói khác đi, họ là loại nhà dân chủ trùm mền làm anh hùng, chẳng ảnh hưởng gì đến chính quyền, nhưng tạo ra được mối tương đồng với giới dân chủ và cả những người dân thấp cổ bé miệng, vốn không chịu được các áp lực tiêu cực từ chính quyền, từ tư bản thân hữu và các nhóm lợi ích. Họ một mặt cổ xúy chống chính quyền bằng kiểu hành động ngoài lề, nghĩa là nói bâng quơ, nêu ra mọi cái tệ của giới cầm quyền, bỏ lửng câu chuyện, đương nhiên bên cạnh đó, họ cổ xúy cho cái bóng phong kiến, trọng nam khinh nữ, bài bác nữ quyền và bài bác mọi vấn đề có liên quan đến các giá trị hiện đại. Mục đích của họ không gì khác là tạo một bước đệm, một hành lan riêng trên giao lộ dân chủ, để qua đó, thực hiện các mục đích được giấu kín.
Khi đủ thời cơ chín muồi, họ bắt đầu tấn công, những phát súng tấn công của họ, chung quy nhắm vào hai vấn đề: Đất đai và Tôn giáo.
Ở khía cạnh đất đai, họ liên tục tấn công vào các quy định về đất đai của nhà nước, kỳ thực, họ tấn công vào hệ thống các qui ước đã ổn định, trong đó có giấy xác nhận chủ quyền đất lâu dài được cấp từ những năm giữa thập niên 1990 thế kỉ trước, theo tinh thần Khoán 10. Bởi với giới dân chủ trùm mền này, những phần chủ quyền được cấp sau năm 1975 làm tổn thương không nhỏ đến họ. Trên thực tế, trong quá trình giữ gìn, canh tác liên tục trên diện tích cũ (trước 1975, gồm có bằng khóan và không có bằng khoán), họ đã bỏ đi, bỏ hoang, không có mặt, thậm chí không có bất kì sự kết nối nào với đất đó, hay nói khác đi, họ đã bỏ, đến khi đất đai trở nên đắt đỏ, họ lại tiếc nuối, nổi lòng tham, muốn chiếm đoạt. Và, xúi giục nhiều người không chấp nhận, coi thường các qui định về đất đai vốn liên quan đến quyền lợi của đại bộ phận nhân dân nhằm làm mọi sự đảo lộn lên, làm cho mọi thứ gái trị hiện hành trở nên bất tín… là mục đích của họ.
Bởi, cơ hội để chiếm lại phần đất vốn dĩ đã thuộc về những số phận mới, đã thuộc về chủ mới và nằm cố định trên các văn bản pháp luật, không có gì khác là làm cho các quy định này mất giá trị, làm cho mọi chuyện rối tung lên, làm cho người ta ngộ nhận về quyền hạn, về sở hữu cái gọi là “của ông bà, tổ tiên”. Đương nhiên, lòng tham của con người thì vô cùng, và bất kì sự xúi giục nào tác động đến vật dục đều có sức mạnh riêng của nó. Điều này nhanh chóng làm cho xã hội đảo lộn, băng hoại và máu lạnh. Người ta vẫn cứ nhầm tưởng đây là hành vi phản kháng, hành vi dân chủ, hành vi phản tư trước nhà cầm quyền… Nhưng kỳ thực, bên trong nó là một thứ âm mưu lợi ích nhóm cũ kĩ, nó không những làm cho xã hội vốn dĩ thiếu ổn định trở nên mất ổn định, rối tung rối mù và tình cảm con người giảm xuống đến mức thấp nhất có thể. Nhà cầm quyền có cớ để đàn áp dân chủ.
Tiến trình dân chủ đụng phải trái núi khủng khiếp này, nó khiến cho nhà cầm quyền mạnh tay hơn với giới dân chủ, đàn áp, bố ráp, vì cho (hoặc cố cho) rằng chính quá trình dân chủ hóa đã truyền nhiễm thói quen tao loạn này vào nhân dân. Hay nói cách khác, quá trình dân chủ bị định nghĩa nhầm với hoạt động mạnh nhất, manh động nhất, nhưng thực ra, quá trình này không những không mở mang tư duy con người mà còn đẩy còn người vào chỗ tham lam, bất chấp và tàn khốc. Những kẻ mượn màu dân chủ vẫn giấu mặt, chỉ có những dân đen là chịu trận đầu tiên và ngừng đau khổ ở điểm cuối cùng với ảo giác về chỗ ở, đất đai.
Và đáng sợ hơn là các nhóm lợi ích còn mạnh tay hơn để ủng hộ nhà cầm quyền đàn áp giới dân chủ, mạnh tay hơn trong vơ vét ngay vào những nơi có tranh chấp bằng hình thức cải tạo, phúc lợi xã hội, thu hồi đền bù, giải tỏa vì mục đích quân sự… Có một ngàn lẻ một lý do và cái cớ để nhân dân phải chịu một cổ đến ba, bốn tròng, đụng đâu cũng thấy bẫy. Và tiến trình dân chủ thực sự vẫn còn chìm khuất, vẫn còn đau đáu, thậm chí ngay cả những cuộc cách mạng nông điền mang dấu ấn dân chủ đậm đặc và đích thực cũng bị bẻ gãy, bóp méo trong một mớ tả pí lù có tên dân chủ nhưng kì thực là một thứ mượn màu, thời cơ và đẩy dân đến chỗ rối rắm, thủ đoạn của nhóm này cũng lạc hậu và manh tâm chẳng kém những kẻ trong nhóm lợi ích hay đám tư bản thân hữu.
Bên cạnh đó, một số nhà dân chủ trùm mền làm anh hùng vừa đóng vai người sáng lập giáo phái hoặc nhà tu chính thống, vừa giấu đi lớp vỏ phản gián, cán bộ an ninh ngầm… Mọi thứ trở nên khó xác định. Và, khi nền dân chủ non trẻ, mới manh nha hình thành vấp phải hai trái khổng lồ vừa kể trê thì sẽ rất khó để giữ trọn sự thanh sạch hoặc giả giữ trọn chí hướng, đường đi nước bước. Mà giả sử có giữ trọn mọi ý hướng ban đầu, thì việc chịu bóp nghẹt bởi những kẻ thời cơ luôn làm cho mọi thứ trở nên lệch lạc.
Không có gì đáng sợ cho dân chủ hơn là những kẻ phản phé dân chủ đang mượn lời dân chủ để rao giảng về lợi ích của họ - một thứ lợi ích nhóm phi chính quyền, và bất chấp ổn định nhân sinh.
Bài bình luận gần đây