You are here

10 VẤN ĐỀ ĐÁNG NHỚ CỦA VIỆT NAM NĂM 2021

1./ Đại dịch với số người chết tại Việt Nam đã hơn 33,000 người. Trong đó phần lớn là dân miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, theo cách tính của nhiều tổ chức quốc tế, con số này nếu tính đúng theo hiện trạng y tế bất lực và các chính sách chống dịch không khoa học và duy ý chí của chính quyền, số người chết thực tế còn cao hơn nhiều.

2./ Lượng kiều hối đổ về Việt Nam, từ người Việt khắp nơi trên thế giới đã lập kỷ lục với hơn $18 tỷ. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Theo World Bank, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay chiếm 4.9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

3./ Yếu kém và bất nhất, thủ đoạn và bất minh…, đó là những từ mô tả về cách mà nhà nước CSVN hành động chống dịch COVID-19, từ vận động quỹ quyên góp mua vaccine từ người dân, cho đến việc lập trại cách ly và bỏ mặc người dân sống chết trong trại. Đó là chưa nói đến các gói cứu trợ được quảng bá ầm ĩ với cách phân bổ nhập nhèm nhưng không có quan chức chính quyền nào chính thức chịu trách nhiệm.

4./ Năm 2021 đánh dấu các cuộc bắt bớ và kết án tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN. Nhiều người lên tiếng ôn hòa – dù chỉ là những nông dân cho đến trí thức đô thị – đều bị chụp mũ với những điều luật bị cả thế giới lên án như điều 117, 331… Năm 2021 cũng là năm mà nhà cầm quyền CSVN tập trung kết liễu các cá nhân tranh đấu cũng như các tổ chức cuối cùng đang hoạt động công khai ở Việt Nam để hoàn tất tiến trình xây dựng chế độ độc tài toàn trị núp bóng xã hội cởi mở vì kinh tế.

5./ Bóng đá Việt Nam sau năm 1975 lần đầu tiên đã trở lại đấu trường quốc tế với phong độ cao, lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Sự xuất hiện của một lớp cầu thủ trẻ với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo đã làm nức lòng người yêu thể thao Việt Nam. Bên cạnh sự vượt trội của bóng đá, cũng là sự phát sinh của việc chính trị hóa bóng đá, đẩy chủ nghĩa dân tộc vào đường chạy của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa gây bất mãn cho không ít người theo dõi.

6./ Tình trạng bạo lực và băng nhóm trong hệ thống quân đội Việt Nam bị lộ diện với nhiều trường hợp quân nhân trẻ bị tra tấn đến chết trong các trại huấn luyện. Hầu hết sự vụ được che chắn bởi nhiều cơ quan chính quyền, ép gia đình nạn nhân phải im lặng hoặc chấp nhận trong tủi nhục. Cũng như các trường hợp người dân chết bất minh trong đồn công an, các thi thể đầy thương tích của các quân nhân trẻ luôn bị gán cho lý do là “tự chết”.

7./ Vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm với sự kiện “đớp thịt bò dát vàng” trở thành nỗi nhục nhã của cả chế độ nhưng hơn 800 tờ báo, truyền hình của nhà nước CSVN đều im bặt không hé nửa lời, dù câu chuyện đó trở thành câu chuyện đàm tiếu tầm quốc tế. Việc kiểm soát nghiêm ngặt này, cho thấy Tô Lâm và ngành công an đang là một loại chính quyền thứ hai, kiểm soát cả vận mệnh đất nước.

8./ Vụ án công ty Việt Á và giám đốc là Phan Quốc Việt nâng giá khống các bộ kit test COVID-19 và ăn chia với ngành, quan chức y tế là một vụ bê bối lớn khó tin trong hệ thống. Ngoài việc tha hóa của các cán bộ cộng sản, người ta nhìn thấy một hệ thống cầm quyền mục ruỗng và mê mãi vơ vét. Lớn hơn cả ý nghĩa tham nhũng, sự man rợ của kẻ có quyền trong việc chọn hưởng lợi và bỏ mặc dân tộc và đất nước trong đại dịch khốn đốn, đã cho thấy bộ mặt thật của một đảng cầm quyền.

9./ Sự kiện cầu Cà Mau có giá 54 tỷ đồng bị sập, đường sắt Cát Linh- Hà Đông có giá hơn 18,000 tỷ đồng vận hành trễ và chập chờn, cùng với nhiều vụ việc khác, cho thấy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thật ra chỉ là những sáng tạo ăn chia của giới chức cầm quyền theo giai đoạn. Tiền thuế của người dân Việt Nam bị bóc lột đến tận xương tủy chỉ để phục vụ những dự án bánh vẽ, làm giàu cho các gia đình quan chức và đảng viên, tạo nên một giai cấp khác trong xã hội luôn tự xưng là của giai cấp công nông.

10./ Bế tắc giáo dục toàn diện trong đợt dịch COVID-19. Suốt gần hai năm, từ 2020 cho đến hết năm 2021, Bộ Giáo dục CSVN vẫn không đưa ra được một đường hướng chung về giáo dục online, mà gần như phó mặc cho thầy cô giáo trong việc níu kéo học sinh. Ngoài việc các bất cập từ chương trình sách giáo khoa luôn bị đặt vấn đề, các chương trình dài và nặng đè trên vai tuổi thơ, giáo dục Việt Nam được nhìn thấy rõ chỉ có hai vai trò: nhồi sọ chính trị và tận thu giới phụ huynh.