Ngay sau nhiều tờ báo như Insider, Washington Post… đồng loạt đưa tin về việc công ty Facebook lâu nay đã bí mật hợp tác với công an Cộng sản Việt Nam trong việc kiểm duyệt và chống lại người dùng trong nước vì quan điểm chính trị, giới phóng viên nước ngoài đang thường trú tại Việt Nam cũng đã làm những cuộc khảo sát và phỏng vấn nhiều người. Nhiều bài bình luận về việc này cũng đã xuất hiện ngay trên Facebook.
Cựu giám đốc sản phẩm và nhà phân tích dữ liệu của Facebook, Bà Frances Haugen, đã tiết lộ nhiều thông tin quan trọng. Theo đó thì vào cuối năm ngoái, Mark Zuckerberg phải đối mặt với một lựa chọn: tuân theo yêu cầu của Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam trong việc kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến hoặc có nguy cơ bị ngăn chận không thể thu lợi tại Việt Nam, một trong những thị trường châu Á được coi là béo bở nhất của Facebook.
Đây là một bộ mặt khác của Mark. Ở Mỹ, CEO này có vẻ là người rất dứt khoát để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, xóa các tin giả gây hiểu lầm khỏi nền tảng. Nhưng tại Việt Nam, Facebook đang ngày càng hiện rõ việc lùi sâu vào các thỏa thuận của nhà cầm quyền, đổi lại mạng xã hội kiếm được hơn 1 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo ước tính năm 2018 của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vì vậy, dù trên bề mặt có vẻ là giằng co cho quyền con người, nhưng cá nhân Mark dường đã quyết định rõ rằng Facebook sẽ tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội. Các tài liệu rò rỉ cho thấy Hà Nội đã liên tục đưa ra các yêu sách, và Mark đã nhóm họp nội bộ của mình để tìm cách chấp hành trơn tru.
Kết quả đó, được thể hiện rất rõ trên bề mặt của Facebook tại Việt Nam. Theo các nhà hoạt động và những người ủng hộ tự do ngôn luận, trước thềm đại hội đảng của Việt Nam năm ngoái, Facebook đã tăng cường kiểm duyệt đáng kể các bài đăng “chống nhà nước”, giúp chính phủ kiểm soát gần như toàn bộ nền tảng này. Mark nhiệt tình thể hiện quyết tâm làm hài lòng các quan chức Hà Nội bằng cách đặt thêm một tầng thống trị kỹ thuật số, bên cạnh bộ máy đàn áp bằng nhà tù và các điều luật mơ hồ của nhà nước. Thậm chí Mark đã không ngần ngại phản bội lại các tuyên bố về việc bảo vệ giá trị tự do ngôn luận hay nhân quyền mà anh ta đã từng nói trước Quốc hội Mỹ. Các cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên cũ đã tập hợp chung với hồ sơ tố giác từ bà Frances Haugen.
Trong bản tin mới nhất, AFP đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với người Việt Nam về sự kiện này. Thật ngạc nhiên, khi hầu hết những người có tiếng nói trên các trang mạng đều không mấy ngạc nhiên về tiết lộ này. Với tất cả những gì mà người Việt Nam đã chứng kiến về Facebook suốt bao nhiêu năm nay, mạng xã hội này đã không còn là một người bạn, mà chỉ còn là một phương tiện giải trí.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từ Hà Nội nói rằng ông không có gì nghi ngờ, và khẳng định “Facebook đã tự biến mình thành công cụ truyền thông tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Còn với ông Tuấn Khanh, từ Sài Gòn, thì nói “Nhiều người dân trong nước đã thất vọng khi thấy Facebook chọn lợi nhuận thay vì bảo vệ những giá trị của một công ty đến từ Hoa Kỳ, nơi của một quốc gia chọn dân chủ và tự do”.
Mark đã ngày càng lộ rõ quyết tâm bắt tay với công an Cộng sản Việt Nam, khi đưa ra vô số quyết định kiểm duyệt và hết sức cứng rắn đối với quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam trên mạng xã hội này. Phát biểu về trò chơi hai mặt ở Việt Nam, đại diện công ty nói với tờ The Post rằng lựa chọn kiểm duyệt của Facebook là hợp lý “để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi luôn khả dụng cho hàng triệu người tin cậy vào chúng mỗi ngày”. theo một tuyên bố được cung cấp cho tờ The Post.
Theo mô tả của Washington Post, thì cũng có đôi lúc Mark cân nhắc về việc có nên cho phép tăng cường kiểm duyệt ở Việt Nam hay không. Vì trong một cuộc họp, Mark đã cảnh báo rằng việc phục vụ cho một chế độ đàn áp có thể gây tổn hại đến danh tiếng toàn cầu của Facebook, nhưng rồi cũng rất nhanh sau đó, anh ta tự lập luận rằng việc mạng xã hội này bị ngăn chận hoàn toàn ở Việt Nam cũng sẽ gây tổn hại lớn hơn đến quyền tự do ngôn luận trong nước.
Mark Zuckerberg, 37 tuổi, thành lập Facebook cách đây 17 năm trong phòng ký túc xá đại học của mình, hình dung ra một cách mới để các bạn cùng lớp kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook đã trở thành một tập đoàn bao gồm WhatsApp, Instagram và một doanh nghiệp phần cứng. Mark là chủ tịch hội đồng quản trị và kiểm soát 58% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, khiến quyền lực của anh gần như bao trùm trong nội bộ công ty và hội đồng quản trị.
Marc Goldstein, người đứng đầu nghiên cứu của Institutional Shareholder Services (tạm dịch: Dịch vụ Thể chế Cổ đông) tại Hoa Kỳ, nhận định “Cho đến thời điểm này, Facebook là công ty lớn nhất tập trung toàn bộ quyền lực vào tay một người”.
Bên cạnh những lời chỉ trích, cũng có những nhận xét từ nhiều người làm việc tại Facebook, giấu tên, cho biết rằng Mark lâu nay bị ám ảnh bởi các chỉ số đo lường, tăng trưởng và tìm cách vô hiệu hóa các mối đe dọa cạnh tranh. Và để đạt được mục đích của mình, những bước chân của Mark đã không ngại giẫm lên quyền tự do ngôn luận và quyền con người.
(tổng hợp)
Bài bình luận gần đây