You are here

MỘT SẢN PHẦM CỦA SỰ “NHAI LẠI”

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một bài viết “Quan trọng”

Bỗng nhiên gần đây, hệ thống báo chí lại nhắc lại một cụm từ mà lâu lắm không thấy xuất hiện trên báo chí và hệ thống truyền thông tuyên truyền: “Bài viết quan trọng”.

Bởi lẽ ngày xưa, hễ đã có bài viết hoặc lời nói, chỉ thị hoặc nhiều khi chỉ là ý nghĩ của lãnh đạo cao cấp cộng sản, thì tất cả đều được hệ thống báo chí xu nịnh gọi là “quan trọng”. Cái “quan trọng” đó, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, miễn là quan chức của ngành tuyên giáo phát hiện ra điều có thể tâng bốc trong bất cứ hành động nào của lãnh đạo. Có thể là bài nói chuyện soạn sẵn mà lãnh đạo rút trong túi ra đọc, có thể là bài viết mà thư ký soạn sẵn, có thể là một hành động nào đó biểu diễn trước thiên hạ, một cuộc gặp gỡ… nhiều lắm, miễn là những điều đó gắn với lãnh đạo, người có chức quyền, có khả năng ban phát quyền lực và tiền bạc.

Cái gọi là “Bài viết quan trọng” này, là bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Cái quan trọng của bài viết này, là ở chỗ nó là của Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN.

Cái mà hệ thống tuyên truyền, báo chí và cả hệ thống chính trị tung hứng không ngừng về bài viết, đó là vì bài viết đã “mạnh dạn” đề cập đến một vấn đề mà từ lâu đến nay, nhiều người biết rõ đó là cái vũng lầy, là sự bí bách, khủng hoảng của cả hệ thống chính trị. Mọi lý luận và thực tế chứng minh đã hoàn toàn ngược lại cái mớ lý thuyết cộng sản về cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên CNXH” ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Đã từ lâu, trên thế giới cũng như trong nước, đề tài “Tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH và Chủ nghĩa Cộng sản”, hoặc “con đường quá độ đi lên CNXH” mà bao nhiêu chục năm trước nhà cầm quyền VN cứ ra rả, nay đã im bặt vì “chỉ nghe đã thối” và những ai mở miệng ra những điều đó, chỉ làm đề tài cho mọi sự hài hước trêu chọc và đàm tiếu của xã hội.

Họ nhìn người đó như một kẻ ngáo đá, một thằng hoang tưởng, một bệnh nhân tâm thần… đại loại là kẻ không thèm chấp.

Thế nên, khi Nguyễn Phú Trọng đưa ra bài viết, như một hành động hùng dũng chiến đấu với chiếc cối xay gió, người ta đã thấy phát hiện bóng dáng của một anh chàng Don Quijote mới tại Việt Nam.

Đó là một hành động mà ít ai trong thời buổi này dám mê sảng hoặc đứng ra tự nhận mình là kẻ ngáo đá, làm bia cho những kẻ ném đá trong xã hội.

Cơ hội cho đám xu nịnh

Bài viết đăng trên các tờ báo lớn ở Việt Nam vào ngày 16/5/2021. Từ đó đến nay, cả hệ thống báo chí đảng cứ nhai đi nhai lại  và khai thác bằng đủ mọi trò có thể làm được với một sản phẩm báo chí nhưng lại là sản phẩm tưởng tượng của một bộ óc xơ cứng đến mức khó ngờ.

Khỏi phải nói cả hệ thống xúm lại ca tụng hết sức công phu bài viết như thế nào. Những cái đầu của các “Nhà lý luận Mác – Lê” xơ cứng, gạo cội đã “tắt đài” từ rất lâu trước thực tế cuộc sống đã từng phỉ nhổ vào mớ lý thuyết Mác – Lenin mà cả đời họ đã theo đuổi và mê hoặc, tự huyễn hoặc hoang tưởng không chỉ bản thân mà cả xã hội như Nguyễn Đức Bình và nhiều nhiều bộ óc “đồ cổ” khác đã lại được dịp moi lên, phủi bụi và đánh bóng mớ lý luận của mình nhằm tô vẽ thêm cho bài viết.

Dàn phóng viên, đại sứ, đại diện Việt Nam ở nước ngoài được dịp làm công tác khảo cổ, đi tìm những cỗ máy nói tương tự tại Nga, tại Pháp hoặc những nơi khác còn tàn tích của những đảng cộng sản, nhằm khai thác những lời nói hoặc hình ảnh - Không rõ thật hay giả, bởi chẳng mấy ai mất thời gian đi kiểm chứng những điều này, mà cái trò gian lận trong thông tin, thì VNCS xưa nay vẫn là bậc thầy thiên hạ -  nhằm tô vẽ cho bài viết.

Những lời ca ngợi nói về bài viết đó như một phát hiện mới, như một khái niệm, phát minh mới của Tổng bí thư ĐSCN được trịnh trọng giới thiệu là “Giáo sư, Tiến sĩ xây dựng đảng” đã từng là “Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hài hước hơn, đám ăn theo, nói leo của Tổng bí thư đã không ngần ngại đưa ra những lời lẽ xu nịnh đến mức không chỉ những người có liêm sỉ cảm thấy xấu hổ khi nói, mà lẽ thường, ngay cả người được khen nịnh sẽ cũng cảm thấy xót xa và ngượng chín mặt khi được nịnh một cách lố bịch.

Nào là bài viết đã làm sáng tỏ nhận thức về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã và đang xây dựng, về mô hình, con đường, cách thức thực hiện để đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Và vô số những ca tụng, những mỹ từ được sử dụng một cách cẩu thả và bừa bãi khi hệ thống tuyên giáo và các thợ nịnh chuyên nghiệp được sử dụng để “bơm vá, thổi” lên bài viết của một cái đầu được mệnh danh là Lú và đã từng là Chủ tịch Hội đồng Lú lẫn Trung ương.

Vậy, bài viết nói về những điều gì?

Bài viết dài lê thê đến hơn 8.000 chữ.

Cố gắng bỏ thời gian đọc toàn bộ bài viết để tìm một điều gì khả dĩ có sự mới mẻ, có tính tổng kết hoặc có nội dung gì có thể thuyết phục người đọc, người nghe…

Nhưng hỡi ôi.

Đọc bài viết, người ta thấy điều gì?  

Cả bài viết lê thê, chỉ là sự nhai lại một cách sống sượng với tư duy bất chấp cái mớ lý thuyết Mác – Lenin mà đã cả thế kỷ nay, người Cộng sản đã nhai đi, nhai lại, nhổ ra liếm vào không biết bao nhiêu lần.

Mục đích bài viết được Nguyễn Phú Trọng ghi rõ là nhằm trả lời các câu hỏi sau: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Và cách trả lời của Nguyễn Phú Trọng ra sao?

Đọc cả bài viết, người ta không tìm đâu ra một bóng dáng của định nghĩa, như thế nào là Chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội là con đường nào? Một điều gì mới mẻ xuất hiện trong bài viết là hoàn toàn không có.

Ở đó Nguyễn Phú Trọng đã không có câu trả lời. chỉ vẫn là tình trạng lúng túng như từ xưa đến nay mỗi khi nói đến cái quái thai “Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam” mà Nông Đức Mạnh thì nói rằng “sẽ dần dần sáng tỏ” còn Nguyễn Phú Trọng thì nói rằng “đến cuối thế kỷ này vẫn chưa nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội” ở đâu.

Dù trên thế giới và kể cả ở Việt Nam có một hệ thống Viện nghiên cứu, Hội đồng lý luận mà tại Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dù ĐCS đã từng tuyên bố “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội” từ thế kỷ trước. Thậm chí, những năm 1977, phe cộng sản đã tuyên bố Liên Xô đã xây dựng xong cơ sở vật chất của Chủ nghĩa Xã hội để bước đầu xây dựng Xã hội Cộng sản…

Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa hình dung được mặt ngang mũi dọc của cái Chủ nghĩa xã hội nó như thế nào. Chỉ biết rằng, sau đó nó đổ sụp và bị chôn vùi không ai thương tiếc.

Vậy nhưng đến nay, Nguyễn Phú Trọng lại moi từ đống rác lịch sử đó ra những sự giáo điều, nhằm chỉ ra rằng Chủ nghĩa Tư bản là xấu xa, là không hoàn thiện và là đi ngược lại Chủ nghĩa Xã hội, để vẽ ra một điều mà người ta biết rõ nó từ lâu là điều gì.

Hãy nghe Nguyễn Phú Trọng viết:

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. 

Và Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi mà không dám khẳng định rằng: “Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội…”.

Vâng, giấc mơ đó không chỉ bây giờ, mà có từ thời đảng cộng sản mới manh nha vào Việt Nam, hệ thống tuyên truyền viên và hệ thống truyền thông cộng sản đã bao nhiêu chục năm nay, gần thế kỷ nay vẫn nói thế, vẫn vẽ ra như thế và hơn như thế, có gì lạ đâu.

Ngay từ những năm 1938, nghia là gần 100 năm trước, Tố Hữu đã dụ khị những lão đầy tớ ít học ngồi mơ như sau:

…” Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.

Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm

Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng”.

Lão ngơ ngác nhìn tôi
Rối rít: “Ồ hay nhỉ!
Ai già nua được nghỉ
Cũng no ấm trọn đời?

Ai cũng có nhà cửa
Cũng sung sướng bằng nhau?
Đã không ai đè đầu
Làm chi có đầy tớ?:…

(Trích Tố Hữu, Lão đầy tớ 6-1938)

Thế rồi những lão đầy tớ ấy, những con sen, thằng ở ấy đã theo đảng vùng lên, đấu tố, cướp tập thể, chiến đấu bỏ thây bỏ xác nơi sa trường, chốn biên cương, nơi trận mạc trong lửa đạn để “đúc nên cỗ máy” ngày hôm nay. Cỗ mãy còn khốn nạn hơn ngàn lần cỗ máy mà lão đầy tớ đã có hơn 100 năm trước.

Đọc cả bài viết, chúng ta không thấy câu trả lời đâu, chỉ thấy nó như một bản tố cáo xã hội Việt Nam hiện thời. Tất cả những điều Nguyễn Phú Trong mơ ước về cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội kia, tệ hại thay là chỉ có thể xuất hiện và được nuôi dưỡng ở các đất nước có chế độ dân chủ, tư bản và đã xuất hiện ở đó, còn ở các “Thiên đường XHCN” thì ngược lại.

Và những điều Nguyễn Phú Trọng hăng hái, mạnh mẽ lên án như “vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người” “gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” “"cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm” “khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường” “hệ thống chính trị mà quyền lực thực chỉ cho một thiểu số giàu có”… thì oái oăm thay, lại là đặc trưng của nhà nước cộng sản độc tài mà Chính quyền CSVN hiện tại do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Tuyệt nhiên, trong bài viết hầu như không hề chỉ ra được cái tăm hơi của Chủ nghĩa Xã hội đã xuât hiện được hình, bóng hay chiếc vẩy, dấu chân của nó chút nào ở Việt Nam hay chưa? Cũng như con đường đi lên CNXH đó hiện nay đang ở đâu? Nó dẫn đến vũng lầy nào hay nơi tự diệt cả một dân tộc?

Sản phẩm của sự nhai lại

Khỏi mất công phân tích nhiều về bài viết, chỉ đọc qua, ai cũng hiểu một điều: Đây là sản phẩm của hệ thống nhai lại trong đời sống động vật.

Ở đó, chẳng có gì mới, chỉ là đám cỏ khô hoặc thức ăn đã ôi thiu, nhầy nhụa mà đám động vật ăn cỏ ợ lên nhai lại khi đói, nhằm tiêu hóa nốt cái đã trót nuốt vào bụng.

Chỉ có điều thấy rõ là ở bài viết này, cái bệnh cộng sản rất rõ ràng là chiếc bánh vẽ được vẽ lại rất thơm tho, rất hấp dẫn và đẹp đẽ. Tiếc thay, muôn đời chỉ là chiếc bánh vẽ điển hình và nó không bao giờ xuất hiện trong xã hội được gọi là Thiên đường XHCN. Ngược lại, nó đã là hiện thực rõ ràng trong những đất nước tự do, dân chủ.  

Chỉ có điều, chiếc bánh vẽ này chỉ đủ sức hấp dẫn và bắt mắt những kẻ mà đầu óc không còn minh mẫn, bị chứng “Nhũn não” như Nguyễn Đức Bình và hệ thống bưng bô xu nịnh của đảng.

Vậy mà, nói theo ngôn ngữ dân gian thì cả hệ thống vẫn cứ nhai đi nhai lại như “Chó nhai giẻ rách” ăng ẳng, ư ử suốt đêm làm thiên hạ khó ngủ mà không biết xấu hổ.

Điều người ta thấy lạ, là ở chỗ không hẳn vì bài viết không có gì mới, là sản phẩm tưởng tượng bệnh hoạn thì ai cũng đã thấy rõ, nhưng ở vào cái thời mà Internet phổ cập, mọi điều từ xa đến gần rõ rành như trước mắt, mọi thực tế đã và đang diễn ra hàng ngày mà vẫn cứ có những kẻ khi đọc không thấy lợm mửa mà vẫn bịt mồm để đi tâng bốc bài viết. Thế mới lạ.

Và điều lạ nhất, là trong thời đại này, vẫn có những kẻ thiếu liêm sỉ đến mức vục đầu vào mà ngấu nghiến cái thứ sản phẩm nhai lại của một kẻ tâm thần, hoang tưởng và bệnh hoạn.

Bởi điều ai cũng biết: Với loại động vật nhai lại này, nếu không có những thứ kia làm thức ăn, chúng sẽ chết.

28/7/2021

J.B Nguyễn Hữu Vinh