Điều này không loại trừ một ai, đã là doanh nhân hay nghệ sĩ xứ Việt từ quá khứ đến hiện tại dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, có một qui ước chung: Hoặc là làm con hát mua vui cho giới chính trị nếu là nghệ sĩ, làm con lợn thịt cho giới chính trị nếu là doanh nhân. Vấn đề là bao giờ sẽ vứt bỏ con hát ra đường và bao giờ sẽ thịt con lợn. Đây là một thứ số phận nghiệt ngã, là mẫu số chúng của doanh nhân và nghệ sĩ.
Bởi có một vấn đề mà cả giới nghệ sĩ và giới doanh nhân đều không nhìn thấy hoặc cố tình không nhìn thấy hoặc giả có nhìn thấy nhưng cố né tránh bằng một thứ ánh sáng huyễn hoặc khác: Đảng Cộng sản không bao giờ chấp nhận ai hơn mình!
Và ngoài tính chất căn bản này ra, tính vụ lợi của một hệ thống đảng hình thành và tồn tại hoàn toàn dựa vào lý thuyết chống bất công do tư bản gây ra sẽ không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của tư bản cho dù đó là tư bản đỏ. Bởi một khi tư bản tồn tại, lựa chọn của con người hoặc giả chia làm hai hướng trong câu hỏi: Tư bản hay Cộng sản? Và, khi kinh tế thị trường phát triển đến ngưỡng chạm tư bản, tức các mối quan hệ giao lưu kinh tế đều tương tác mật thiết với thế giới tư bản, lúc đó sự tồn tại của Cộng sản sẽ rơi dần về số không. Với qui luật này, chắc chắn người Cộng sản muốn tồn tại, họ phải triệt tiêu tư bản hoặc giả vỗ béo con lợn tư bản đỏ dưới trướng của họ cho đủ to, đủ mập để họ có thể ngồi ăn tiệc ngay trên lưng của nó bằng cách khoét từng mảng thịt của chính nó mà dùng.
Bởi tư bản không bao giờ là bạn hay là đồng minh của Cộng sản, nó càng không được tiếm quyền của Cộng sản. Chính vì vậy, các doanh nhân tại Việt Nam, cho dù họ có thể hô mưa gọi gió tứ phương nhưng chắc chắn một điều, khi cần thiết, đảng sẽ thu hồi mọi phép màu của họ và không ngần ngại cho vào lò quay trước một bữa tiệc có tính đại sự của họ. Điều này có gì đó tương đồng với giới nghệ sĩ, giới hoạt động tinh thần, thiên về tâm hồn và có khả năng tạo ra những xung động tình cảm về phía công chúng, đương nhiên một khi giới nghệ sĩ có chỗ đứng trong lòng công chúng thì tiếng nói của họ chi phối xã hội không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó đối với nhà độc tài. Họ buộc phải lựa chọn hoặc là nuôi giới nghệ sĩ trong chuồng trại nghệ thuật xã hội chủ nghĩa để biến giới này thành con hát xun xoe, ca ngợi và ton hót họ, hoặc là đẩy ra khỏi xã hội, triệt tiêu mọi khả năng chi phối và tác động xã hội của nghệ sĩ. Đương nhiên, cho dù được đảng vỗ béo trong chuồng trại nghệ thuật xã hội chủ nghĩa chăng nữa, thì số phận của người nghệ sĩ cũng khó mà thoát được bi thảm.
Bài học của hàng loạt nghệ sĩ cũng như một số doanh nhân Việt trong thời gian gần đây vô hình trung gợi nhắc đến những gì đã từng xảy ra trong lịch sử hình thành và hoạt động của đảng Cộng sản. Từ những vụ trước năm 1975 ở miền Bắc với cái tên mỹ miều là “vận động sức dân” bằng các cuộc kêu gọi góp gạo nuôi quân, góp vàng xây dựng chính phủ, tuần lễ vàng… cho đến những cuộc đánh tư sản ở miền Nam sau 1975 đã khiến cho hàng trăm doanh nhân máu mặt phải tả tơi, không còn đất dung thân và chết tức tưởi… Rồi với giới văn nghệ sĩ, từ những cuộc thanh trừng với Tự Lực Văn Đoàn cho đến Nhân Văn Giai Phẩm, rồi những Lộc Vàng, Toán Xồm và Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Mọi khổ nạn và cái chết của các nghệ sĩ đều nằm trong một kịch bản rất ư chi tiết, rành mạch và tính toán kĩ lưỡng. Nhưng đó là những cái chết rành mạch, không mờ ám.
Bởi, khi người Cộng sản tràn vào miền Nam, ngoài chủ nghĩa Cộng sản, họ còn mang vào miền Nam thứ tính chất giảo hoạt và tinh ranh. Chính cái tính chất giảo hoạt và tinh ranh này của họ đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới nghệ sĩ trẻ. Thay vì chống đối hay thể hiện quan điểm, phần đông các nghệ sĩ trẻ chọn con đường đen trắng lẫn lộn miễn sao có được thứ mình muốn. Và cái thứ mình muốn trong thời đại kim tiền này không có gì khác là quyền lực sàn diễn và thu nhập tài chính. Hai thứ này vừa là chất xúc tác vừa là mục đích tối thượng của người làm nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ hội để đảng chơi nước đôi với các nghệ sĩ, vừa thẳng tay loại bỏ những nghệ sĩ không “cùng chí hướng” như Thành Lộc, Kim Chi, Tuấn Khanh… (Những người không chấp nhận nhuộm đen mình để nhảy vào ao bùn), đảng cho nuôi thả vườn các nghệ sĩ khác, sẵn sàng lăng xê họ thành những ngôi sao đắt giá trong làng showbiz và đương nhiên, về chất lượng nghệ thuật của họ thì không có gì đáng bàn. Bởi có một thứ tâm lý rất rõ, nghệ sĩ càng sâu sắc càng không dễ thỏa hiệp với nhà cầm quyền và những người càng ham tiền, háo danh càng dễ trở thành tay sai của thế lực lớn.
Bài học các nghệ sĩ từng được tung hô, bưng bê lên đài vinh quang của đảng và từng được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân… cho đến một ngày bị bóc phốt và nguy cơ trắng tay, khóc mếu, giả bệnh, đổ bệnh… là bài học trước mắt. Bởi chắc chắn không có bất kỳ nghệ sĩ nào được bỏ qua và những nghệ sĩ bị bóc phốt không hẳn xấu hơn các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa còn lại nhưng vì họ không may mắn, họ cá tính hơn các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa khác và họ bị biến thành lời đe nẹt của đảng trước đám đông nghệ sĩ đang phục tùng, phụng sự, làm con hát chính trị.
Có một thứ chu kì, vòng giáp ranh của nó không giới hạn, có khi mười năm, hai mươi năm hoặc ba mươi năm dành cho giới doanh nhân và nghệ sĩ. Và điểm chung của chu kỳ này là triệt tiêu, mất dấu. Bởi sau mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, khi mà các doanh nhân, nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa đủ trưởng thành, đủ nguôi ngoai về những cái chết và khổ nạn của đàn anh, đàn chị, họ lạc quan và quên mất mình là ai trước sức hút tiền bạc và quyền lực, lúc đó, chu kỳ ấy sẽ lặp lại. Mỗi vòng chu kì càng tinh vi hơn.
Cái chết của chu kỳ trước tức tưởi bao nhiêu thì cái chết của chu kỳ sau nghe hợp lý và chịu ném đá của đám đông bấy nhiêu, bởi khi cái bẫy quyền lực và kim tiền được giăng ra, con mồi sẽ chết trong kinh sợ và hết đường thoát. Đó là số phận chung của doanh nhân và nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, ngoài những số phận khác chúng tôi chưa nhắc tới.
Bài bình luận gần đây