Khác với nước Mỹ, đương nhiên, khác với nước Nhật, đương nhiên, khác với nước Hàn, đương nhiên… Có đến hàng trăm cái đương nhiên khi nhắc tới không khí bầu cử Việt Nam khác với không khí bầu cử của các quốc gia khác, từ tiến bộ, văn minh cho đến đang phát triển. Bởi lẽ, hiếm có quốc gia nào trên địa cầu này lại có chuyện người dân hoàn toàn không biết, không quan tâm khi bầu cử chức vị cao nhất trong hệ thống lãnh đạo đất nước như Việt Nam.
Tại Việt Nam, mỗi khi có bầu cử, cho dù cấp địa phương hay cấp trung ương, đều có không khí chung là vô cùng rầm rộ, cờ xí đầy đường, trống đánh kèn thổi… Thế nhưng người dân lại có chung tâm lý là thây kệ nó, bởi có bầu hay không bầu thì cũng như nhau, nhờ ai đó đi bỏ phiếu giùm cho đỡ tốn thời gian. Không biết cấp trung ương, trong nội bộ đảng có tâm lý này hay không. Nhưng với người dân, bốn vị trí tứ trụ triều đình như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, có vẻ như việc bầu cử hay nghe kết quả bầu cử, người ta dùng kết quả của nó để đoán già đoán non, trà dư tửu hậu không hơn không kém.
Vì sao có chuyện tréo ngoe này? Vì hiện thực, vì hiệu quả, vì những gì liên quan đến quyền lợi thiết thân và vì cả chén cơm manh áo.
Ở khía cạnh hiện thực, nói cho cùng thì hiện thực chính trị Việt Nam là thứ hiện thực ảo mà người nắm bắt nó chưa bao giờ chạm vào sự thật hay chạm vào bản chất của nó cho dù mảy may. Bởi một khi cái hiện thực ấy đã được phổ biến, nó cũng đồng nghĩa với một thứ hư cấu, thậm chí siêu hư cấu chính trị đã được trình bày trước công chúng. Và nó cho công chúng nhìn thấy một gương mặt hoàn toàn khác với bản chất của nó. Sống trong một hiện thực siêu hư cấu, thứ mà người ta cần nhất là nước uống và thức ăn. Bởi những thứ ấy không phải hư cấu mà có được. Và một chính thể độc tài chỉ có thể tồn tài trong sinh quyển chính trị hiện thực siêu hư cấu của nó.
Vì hiệu quả, ở khía cạnh này, hiệu quả lãnh đạo của chính quyền Việt Nam là một loại hiệu quả đã được sơn phết nhiều lớp màu và tỉ lệ pha chế, trộn lẫn giữa các thành tích cũng là một thứ tỉ lệ ảo thuật. Nghĩa là mọi thứ hiệu quả lãnh đạo được báo chí trình bày đều không nằm trong hiệu quả thực, có tính tiên quyết của lịch sử. Nó như một bài toán đố cho đến ba, bốn đáp án bởi bản chất nó là một thứ toán mẹo vặt. Chính vì vậy, chỉ cần đơn cử chỉ số hạnh phúc, thang hạnh phúc Việt Nam vẫn cứ phát triển đều đều khi người ta chọn một nhóm những người đã được chỉ định để đánh giá. Và đương nhiên nhóm người chỉ định này chưa bao giờ, thậm chí không bao giờ nếm phải trái đắng cần lao hay sự khó khăn của đại bộ phận dân chúng. Việc trả lời của họ về hạnh phúc chắc chắn là thật, năm sau hạnh phúc hơn năm trước. Nhưng để trả giá cho cái thang hạnh phúc này, người dân thêm một lần nữa nếm trái đắng của công dân hạng hai ít được nhắc tới và không có tiếng nói trong xã hội.
Vì những gì liên quan đến quyền lợi thiết thân, điều này dễ nhận biết hơn bất kì điều gì. Người dân dù muốn hay không muốn, cũng phải tự biết bảo vệ chén cơm của mình. Bởi ở một xứ sở, chịu sự chi phối của một chế độ mà con người có chén cơm đầy hay lưng lại tùy thuộc vào khả năng vâng phục của họ. Xã hội không đảm bảo cho con người các quyền tự do tối thiết và cũng không bao giờ đảm bảo nhân quyền tối thiểu cho công dân. Thì chắc chắn, công dân sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ chén cơm của họ để đảm bảo con cái học hành, gia đình không tan vỡ. Nguyên nhân làm cho người dân Việt Nam trở nên bạc nhược trước mọi léo hánh và hỏng hóc từ phía nhà cầm quyền, thậm chí tráo trở của nhà nước, đảng cầm quyền lại nằm ở chỗ cái thang tuổi. Ở độ tuổi thanh niên, đây là độ tuổi cần được ổn định, lập gia đình, nuôi con ăn học và hi sinh cho con cái. Vì phải hi sinh mọi thứ cho thế hệ kế tiếp – niềm hi vọng của thế hệ đang trưởng thành nên người ta cam chịu nhiều uất ức để giữ chén cơm cho con cái. Chính cái độ tuổi sáng suốt, mạnh mẽ và nhiệt huyết nhất của người Việt đã bị chôn vùi trong vòng cơm áo và cuống cuồng vật dục. Hay nói khác đi, vì quyền lợi thiết thân, người Việt trở nên thụ động trước một nền chính trị chuyên chế và độc tài. Đáng sợ hơn nữa là họ hi vọng và trông chờ vào sự tử tế của chính quyền.
Bởi hiện thực siêu hư cấu, bởi hiệu quả lãnh đạo là một thứ ảo thuật, bởi chén cơm manh áo chi phối, dường như người Việt chẳng còn quan tâm đến chính trị và không cần quan tâm đến hệ thống lãnh đạo là ai. Bởi cái hệ thống ấy thuộc về một kiến trúc khác, nó không có mối liên hệ công chính nào với công dân cụ thể. Nó là một thứ mã hóa của quyền lực và mọi thứ sản phẩm quyền lực được đóng gói, số hóa cho đến lúc chính quyền cấp địa phương mở gói, giải thích theo sở đắc của họ. Đương nhiên sự giải thích này bao giờ cũng có hàng trăm dị bản và các dị bản này khác xa với cái gói mã hóa từ bên trên, nó phải là có lợi cho chính quyền cấp địa phương.
Và hệ lụy của nó, người dân không muốn quan tâm đến chính trị. Bởi chính trị như một sân khấu hài không có khả năng gây cười. Và chính trị Việt Nam là một thứ nghệ thuật siêu hư cấu trong sân chơi của một nhóm người ít ỏi, tự tung tự tác và họ tin vào khả năng của họ bằng một thứ siêu hư cấu khác!
Bài bình luận gần đây