Tuần qua, các cơ quan truyền thông trong nước loan tin, hai tàu đánh cá Việt Nam với gần 40 ngư dân bị Indonesia bắt giữ khi đang đánh bắt trong hải phận Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ người nhà của chủ tàu cho biết, hôm 18/3, tàu của gia đình bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ khi đang đánh bắt ở tọa độ 6047’37" vĩ độ Bắc - 109033’41" kinh độ Đông, là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và được cơ quan chức năng cấp phép đánh bắt.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi xem lại định vị giám sát hành trình của tàu cá này đã xác nhận: "Vị trí tàu cá BV-4419TS vào sáng 18-3 thuộc vùng biển Việt Nam hoàn toàn chứ không phải vùng chồng lấn, tranh chấp".
Trong khi đó, một cơ quan truyền thông Indonesia dẫn theo thông cáo báo chí của Cảnh sát Quốc gia Indonesia hôm 24/3 nói rằng, hai tàu này đã xâm phạm vùng biển của nước này và “các hoạt động đánh bắt trộm của hai tàu này khiến Indonesia thiệt hại hơn 27,6 triệu đô la trong hơn hai thập kỷ”.
“Thuyền trưởng tàu đánh cá BV 4419 TS của Việt Nam, ông Trần Hùng Dũng, đã thừa nhận đánh bắt trộm trên biển Bắc Natuna trong hơn 20 năm qua. Một đồng phạm khác là tàu ĐỨC LỢI 6/BL 93333 TS, cất giữ hải sản đánh bắt, do ông Nguyễn Ngọc Sang điều khiển, đã hoạt động trên địa bàn này 6 năm nay”, nguồn tin dẫn lời chuẩn tướng Indonesia Yassin Kosasi cáo buộc.
“Tàu BV 4419 TS đi vào vùng biển Indonesia vào ban đêm, sau đó rời đi trước bình minh để tránh các tàu tuần tra của Indonesia. Các hoạt động về đêm của các tàu cũng giúp nó không bị ngư dân địa phương phát hiện,” tướng Yassin nói. “Ông Dũng cũng cải trang tàu của mình thành một tàu đánh cá Indonesia, để che mắt sự nghi ngờ của ngư dân Indonesia. Sau đó, anh ta sẽ gặp thuyền trưởng của tàu cất giữ cá ở ngoại ô Vùng Đặc quyền Kinh tế của Indonesia, trước khi tiếp tục đánh bắt trộm."
Cũng theo nguồn tin này, hai chiếc tàu Việt Nam bị cáo buộc vi phạm Luật Thủy sản và Luật Tạo việc làm của nước này. Nếu bị kết tội, họ sẽ đối mặt với án tù từ 3 đến 6 năm và bị phạt từ 82,976 đến 207,468 đô la.
Hiện Việt Nam và Indonesia vẫn chưa có thỏa thuận khai thác chung trên vùng biển chồng lấn, nên thời gian qua ghi nhận nhiều tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên các ngư trường truyền thống thường xuyên bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ.
Thiệt hại kép
Với các cáo buộc thường xuyên đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước khác, Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) phạt thẻ vàng cảnh cáo vào tháng 10/2017 vì 'làm chưa đủ để chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của các nước láng giềng'.
Hai cuộc kiểm tra của EC vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 vẫn không làm thay đổi tình trạng thẻ vàng của Việt Nam. Gần đây nhất, cuộc đối thoại trực tuyến giữa EC và Việt Nam vào tháng 10/2020 vẫn duy trì gia hạn sự trừng phạt này.
Theo một bản tin tiếng Anh từ Tổng Cục Thủy Sản Việt Nam, EC đánh giá phía Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét trong đợt kiểm tra lần 2. Cụ thể, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đánh dấu tàu cá theo lộ trình chưa đảm bảo theo quy định, và việc xử phạt các vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài chưa tương xứng với số vụ vi phạm. Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài tuy có giảm nhưng chưa vững chắc và còn diễn biến phức tạp.
EC khẳng định, khi nào Việt Nam vẫn còn để xảy ra tình trạng tàu cá của Việt Nam xâm phạm vùng biển quốc gia khác thì EC sẽ không rút lại “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị áp “thẻ đỏ”- cấm thủy sản Việt Nam vào EU.
Chiếc thẻ vàng của EC đã gây thiệt hại liên tục cho ngành thủy sản Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy Sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU liên tục giảm. Hiện nay mỗi năm Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 đến 350 triệu USD hải sản vào EU, và EU chỉ còn là thị trường đứng thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Hôm 27/3/2021, báo The Asean Post của Malaisia có bài phân tích đáng chú ý, nêu ra 3 lý do chính khiến Việt Nam thất bại trong việc chống nạn đánh bắt cá trái phép.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam có quan điểm khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ trong vùng biển tranh chấp dù là hợp pháp hay bất hợp pháp đều được coi như 'biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo', bất chấp các nước láng giềng phản đối gay gắt vì việc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển chồng lấn.
Thứ hai, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, quá trình chuyển đổi và nâng cấp từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản không thành công, buộc ngư dân phải chấp nhận rủi ro tiến hành các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp để sinh tồn.
Thứ ba, các cơ quan quản lý đôi khi thiếu khả năng giám sát việc đánh bắt bất hợp pháp do các yếu tố tài chính và công nghệ.
Tờ báo của Malaisia nhấn mạnh đến một giải pháp có thể gây tranh cãi, rằng “Việt Nam cần phải từ bỏ quan điểm cho rằng việc ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển tranh chấp là một biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình”.
Bài bình luận gần đây