You are here

KHÍ TIẾT CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN: NHỮNG THỰC TẾ TRÁI NGƯỢC

Ảnh của nguyenhuuvinh

Khí tiết

Trong một bài báo của Phan Khôi, 1924 có viết về khí tiết như sau:

“Chữ khí tiết cũng chẳng khác gì với chữ nhân cách. Chẳng qua khí tiết là một danh từ cũ, còn nhân cách là một danh từ mới; nhân cách thì nghĩa nó hơi rộng, mà khí tiết nghĩa nó thiết thực hơn. Vì chữ khí tiết có ý thiết thực, lại vì đã lâu trong học giới ta ít nghe nói đến nó nữa, thành ra nó lại trở nên một danh từ mới, không như chữ nhân cách đã thành một câu sáo ở miệng người ta, quen quá mà hóa nhờn; bởi thế trong bài này dùng chữ khí tiết mà không dùng chữ nhân cách. (Những áng văn hay (Thử phê bình nhơn vật và văn thơ cổ kim). Hà Nội: Nam Ký thư quán, 1933, tr. 21-27

Một thời, người Việt Nam luôn được nghe, được học những bài học, câu chuyện về khí tiết của người cộng sản. Những câu chuyện, và bài học đó ở nhiều lĩnh vực, ở mọi mặt của cuộc sống nhưng nhiều nhất vẫn là trước những khó khăn trong đời sống cá nhân, tập thể, trước nhiệm vụ nặng nề, gian nan và nhất là trước tòa án, trước những cái chết, đặc biệt là chốn lao tù.

Ở những câu chuyện được người ta thêu dệt, truyền tụng bằng cả hệ thống tuyên truyền từ cao xuống thấp, đông đảo và duy nhất, mọi nơi và mọi lúc đã dần dần ngấm sâu vào não của những người dân sống trong chế độ cộng sản.

Những câu chuyện thêu dệt làm mẫu gương về khí tiết

Những câu chuyện về chí khí bất khuất của người cộng sản thì có vô vàn và nhiều lĩnh vực, chỉ riêng trong cuộc chiến Bắc – Nam nhưng câu chuyện đó trở thành món ăn tinh thần hàng ngày mà đảng đưa ra để cả đất nước từ già đến trẻ học tập và coi đó nhưng những mẫu gương trong đời sống hàng ngày. Ở đó, người cộng sản được vẽ nên như những con người siêu việt, thần thánh vượt ra khỏi ranh giới đời thường và làm những việc con người bình thường khó có thể làm được, vượt qua được.

Rằng thì là đã là người cộng sản thì chí khí bất khuất, hiên ngang và luôn nêu cao tấm gương, giữ vững lý tưởng, mẫu mực trong hành động và việc làm trước quần chúng, trước đồng bào và thể hiện khí tiết của mình trước quân thù làm cho kẻ thù kính phục, kinh hoàng và khiếp sợ.

Những câu chuyện đó, có tác dụng rất lớn cho đảng trong việc động viên, cổ vũ và đẩy cả dân tộc vào những cơn binh lửa ngút trời, hàng triệu người đã bỏ mình vì những câu chuyện huyền thoại được nghe, được dạy và đã ngấm sâu vào trí não của họ cho đến khi chết, chỉ để tôn thờ một điều: Chết vì lý tưởng cộng sản và chết vì “lãnh tụ thiên tài” cộng sản.

Những người dân Miền Bắc không ai không biết đến những câu chuyện được thêu dệt về người cộng sản kiên cường bất khuất như thế nào trong chốn tù đày của thực dân Pháp và “đế quốc Mỹ” đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho trẻ nhỏ như sự mẫu mực của con người. Ở đó người cộng sản đã đấu tranh từng giờ, từng phút để giữ vững chí khí của mình từ những miếng ăn cho đến trước mặt kẻ thù. Câu chuyện “Con cá, chột nưa” của Tố Hữu – một thi sĩ được mệnh danh là biểu tượng của nền văn học bưng bô, nô dịch của CSVN – viết về cuộc đấu tranh đó như sau:

Ăn đi vài con cá
Dăm bảy cái chột nưa
Có ai biết, ai ngờ
Thế vẫn tròn danh dự
Nhưng mà tôi lưỡng lự
Suy nghĩ rồi lắc đầu
Đành không ai biết đâu
Vẫn không làm thế được

Từ khi chân dấn bước
Trên con đường đấu tranh
Tôi sẵn có trong mình
Đôi mắt thần: chủ nghĩa
.

Đó là trong đời sống lao tù với chỉ miếng ăn, còn trước mặt kẻ thù thì cái gọi là khí tiết của người cộng sản còn cao hơn, còn ghê gớm hơn nhiều, nhất là khi đối diện với cái chết.

Cũng Tố Hữu chứ không ai khác đã miêu tả cái chết của Nguyễn Văn Trỗi. Ở đó, Nguyễn Văn Trỗi được mô tả bằng những lời thơ thể hiện chí khí bất khuất và anh hùng trước kẻ thù. Để rồi sau này được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và làm gương cho thế hệ trẻ noi theo về lòng yêu đảng và yêu bác đến khi chết.

Trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu “sản xuất” vào ngày 23/10/2964, ông ta mô tả:

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

Anh thét lớn: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!

Câu chuyện đã được cả hệ thống tuyên truyền nhào nặn, tô vẽ thành một huyền thoại với hàng triệu con người ở Việt Nam một thời kỳ dài.

Chỉ trong vụ việc này, đã có nhiều điều khác thường mà những người Việt ở Miền Bắc đã không bao giờ biết được, bởi tất cả chỉ có một hệ thống tuyên truyền cộng sản nhồi nhét vào đầu họ những sự “độc ác, tàn bạo và bất lương”của chế độ Mỹ - Ngụy ở Miền Nam”. Ngoài ra, không có một thông tin phản hồi, so sánh hoặc phản biện nào khác.

Nguyễn Văn Trỗi, người đã thực hiện vụ ám sát nhằm vào phái đoàn quân sự cao cấp do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara và đại sứ Henry Cabot Lodge, Jr. đến thăm Việt Nam Cộng hòa vào tháng 5/1964. Sự việc không thành, anh ta bị bắt và bị Tòa án Quân sự Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình.

Sự thật được hé lộ

Điều khác lạ mà người dân Miền Bắc lúc bấy giờ không hiểu vì không có thông tin, mà nếu có cũng không thể hiểu được rằng: Hành động đặt mìn giật sập cầu ám sát là hành động khủng bố. Hành động khủng bố không được bất cứ một luật lệ nào chấp nhận và dung dưỡng ở những xã hội văn minh. Nó chỉ được ca ngợi là chiến công, là phương thức hành động của người cộng sản trong cuộc chiến của họ. Những hành động đó đã diễn ra bằng những việc đánh bom khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ… và hàng loạt dân thường đã mất mạng vì những chiến công của họ.  

Và điều lạ nữa, đó là dù là với một kẻ khủng bố, thì đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tại Miền Nam Việt Nam vẫn có những phiên Tòa để xét xử và tuyên án. Ở phiên tòa đó, vẫn có luật sư, và Nguyễn Văn Trỗi vẫn được nói lời bào chữa, vẫn có đầy đủ các thủ tục tố tụng bình thường.

Đó là điều mà người dân miền Bắc không bao giờ hiểu được. Bởi những năm tháng đó và tận cả vài chục thập kỷ  sau, ở “Miền Bắc XHCN”vẫn nhiều người không biết khái niệm Tòa án, nhiều vụ bắt bớ, giam cầm hàng chục năm cho đến khi chết mất xác những người dân lành, họ vẫn chưa biết họ có tội gì và họ vi phạm điều gì với đảng, với nhà nước của đảng. Hầu hết đất nước được điều hành, xử lý bằng mệnh lệnh hoặc chỉ thị của đảng.   

Thế rồi, khi những đoạn phim tài liệu được đưa ra về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi, cả xã hội mới thấy một sự thật về cái chết đó như thế nào. Chẳng hề có chuyện “giật phắt mảnh băng đen” hay “Phút giây thiêng anh gọi bác ba lần” hay bảy lần nào cả. Ở đó cũng là cái chết bình thường của một tử tù, có sự hoảng sợ thường có của một con người khi đối diện với tử thần.

Và điều đó cũng là sự bình thường của con người vốn bằng xương, bằng thịt. Điều khác lạ, chỉ là ở cái miệng của hệ thống tuyên truyền cộng sản mà thôi.

Đó chỉ là một câu chuyện, trong muôn vàn câu chuyện tương tự hoặc thêu dệt hoàn toàn như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé… mà người dân Việt Nam nhiều thế hệ đã nghe, đã chứng kiến và thậm chí rất nhiều người đã coi là mẫu gương để noi theo, để “biến căm thù thành hành động”. Để rồi sau đó, hệ thống tuyên truyền lại thêu dệt lên các câu chuyện khác đẩy các thanh , thiếu niên, các em bé vào con đường bạo lực của người lớn trong cuộc chiến.

Những câu chuyện thêu dệt nên “Huyền thoại” về khí tiết của người cộng sản không chỉ nhiều mà còn rất nhiều trong một thời mà bức màn sắt cộng sản đã bao trùm, phủ kín cả đất nước trong hệ thống tuyên truyền nhồi sọ một chiều. Nhưng không phải là đã hết.

 Và “Khí tiết” của người cộng sản trong thực tế hôm nay

Cả thế hệ những người cộng sản mới được “giáo dục và học tập làm theo” những câu chuyện huyền thoại do hệ thống tuyên truyền đã nhào nặn ra trong một thời kỳ dài bao nhiêu thế hệ, ngày nay đã là tầng lớp lãnh đạo đất nước. Những tưởng rằng, họ càng được nâng cao hơn, chí khí hơn, có khí tiết hơn trong thực tế cuộc sống xã hội để nói như đảng là “kế tục sự nghiệp cách mạng với những phẩm chất cao quý của người cộng sản”.

Thế nhưng, khi mà hệ thống truyền thông độc tài đã vấp phải một hệ thống mạng xã hội, khi internet được phổ biến đến mọi người dân, thì những câu chuyện về cái gọi là “Khí tiết của người cộng sản”đã dần dần sụp đổ và cái gọi là “liêm sỉ, chí khí, khí tiết” của họ được chứng minh trong thực tế một cách rõ ràng khó biện minh.

Người ta thấy nhiều, rất nhiều hình ảnh của những người cộng sản và bản lĩnh, bản chất cũng như khí tiết, liêm sỉ của họ ra sao khi đối diện với thực tế cuộc sống, công việc cũng như trách nhiệm của mình.

Đó là hơn 131.000 đảng viên đã bị lôi ra kỷ luật trong đảng vì tham ô, tham nhũng… nói tóm lại là cướp tiền dân bằng mọi cách, hủ hóa, gây tội ác trên mọi lĩnh vực chỉ có mấy năm từ 2013 đến 2020 mà đảng đã công bố. Mà sau đó, còn hàng loạt “các đồng chí chưa bị lộ” và con số này chắc chắn là hàng chục, nhiều chục lần con số đã bị phát hiện. Chỉ đơn giản là vào đảng mà không có lợi thì chẳng ai vào. Bởi “đảng ta là đảng cầm quyền”, có quyền ắt có lợi, có lộc và có cơ hội tham nhũng, hối lộ, cướp bóc.

Đó là những Bí thư, chủ tịch từ Huyện đến Tỉnh, thể hiện đầy đủ bản chất của đám quan chức cộng sản ngày nay, ngoài tham nhũng, mua quan bán chức, bằng giả, bao che nuôi dưỡng tội phạm, thì còn là sự dối trá, lươn lẹo và đầy đủ mọi sự tha hóa, bẩn thỉu trong tư cách một con người bình thường với cờ bạc, rượu chè, trai gái, bồ bịch cũng như lắm những điều quái gở khác.

Chỉ tính riêng cấp Tỉnh, ở một tỉnh như Thanh Hóa, chúng ta đã thấy đầy đủ mọi thứ đặc trưng của những điều trên đây.

Chẳng cần nói đến cấp cơ sở như cấp xã, mà chỉ tính từ cấp Huyện đã thấy nhan nhản các ví dụ cụ thể.

Đó là những người như Nguyễn Thị Hà, bí thư Huyện đoàn Yên Định, chuyên đi giáo dục Thanh thiếu niên sống theo đạo đức Hồ Chí Minh, đã bị chồng tố cáo về việc có mối quan hệ bất chính với cán bộ khác cấp cao để sản xuất 2 trong 3 đứa con ngoài luồng và rồi bị kỷ luật.

Đó là những người như Ngô Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy Sở Xây Dựng, Phó Chủ tịch Tỉnh Thanh Hóa. Dù chỉ mới là Phó Chủ tịch, đã kịp thời kéo được bồ nhí từ một đứa không học hành làm hợp đồng lên làm đến Trưởng Phòng, vào Ban chấp hành đảng ủy và làm nguồn để làm Giám đốc sở. Chỉ vậy mà đã có tài sản hàng chục tỷ đồng. Đơn giản, chỉ vì là bồ nhí của một Phó Chủ tịch Tỉnh.

Ở cấp cao hơn, là Ủy viên Trung ương Đảng, hàng loạt các quan chức với con số 24 Ủy viên, hơn 30 nhân vật cấp tướng, đã bị kỷ luật vì những vụ án động trời, mà mỗi vụ đến con số cả ngàn tỷ, chục ngàn tỷ trong mọi lĩnh vực.  

Cao hơn nữa, ở cấp Ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật.

Cho đến nay, đã có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đang thụ án trong tù. Đó là chưa kể những người đang được cái thẻ đỏ bao che như chiếc Kim bài miễn tội và các lý do khác.

Đó là cái “Khí tiết, liêm sỉ” của cả hệ thống đảng hiện nay.

Về con người cụ thể trong đảng, chỉ khi đối diện với thực tế, chúng ta thấy rõ ràng nhất về họ.

Họ có thể giữ những chức vụ quan trọng đến mức mà không ai nghĩ rằng ở những chức vụ đó, họ lại có thể thể hiện sự hèn hạ, sự bạc nhược về thể chất cũng như tinh thần của mình đi ngược lại cái được tuyên truyền xưa nay về “Khí tiết của người cộng sản”.

Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ Chính Trị, ở cái chức vụ mà chỉ dưới một người trên muôn triệu người, là đại diện cho sự đạo đức, tài tình, bản lĩnh của đảng trên nhiều cương vị từ Tổng cục trưởng, Bộ trưởng, đến Bí thư Thành ủy Tp HCM. Là một người được gọi là “tư lệnh”, ăn sóng nói gió những nơi xuất hiện.

Thế nhưng, sau những chức vụ đảm nhận hết nơi này sang nơi khác và đi kèm theo đó là những hậu quả khủng khiếp với con số ngàn tỷ, chục ngàn tỷ của dân bị bốc hơi chẳng ai hay biết. Chỉ đến khi cuộc chiến nội bộ đảng khốc liệt và trở thành “đồng chí bị lộ” thì khi đó, bản lĩnh được thể hiện đầy đủ nhất.

Người ta thấy những giọt nước mắt, xin xỏ trước tòa của Đinh La Thăng không vì ân hận, mà vì để được xin giảm án, trưng ra nhiều công lao để xin hưởng khoan hồng.

Người ta cũng thấy Trịnh Xuân Thanh, người mà trước đó, thể hiện khí phách, khí tiết cộng sản rất hăng hái khi đã chuồn được ra nước ngoài và tưởng rằng đã bình an nên đã tố cáo chính Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Nhưng, khi bị bắt cóc về VN, đã khóc lóc trước Tòa để “xin lỗi bác Trọng” và “xin được coi như con cháu trong nhà”.

Người ta cũng thấy những màn khóc lóc của Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín, những người đã từng là Phó Chủ tịch UBND Tp HCM trước tòa, nghẹn ngào vì đã từng vướng vào chuyện “bắc thang lên hỏi ông Trời” mà ra cơ sự, tài sản, đất đai người dân biến sang túi người khác.

Rồi những hình ảnh các tướng tá, các anh hùng công an, quân đội… khóc lóc trước tòa ra sao đầy rẫy trên mặt báo.

Có thể kể rất nhiều những hình ảnh, những sự kiện mà qua đó, người cộng sản thể hiện “bản lĩnh, khí tiết” cũng như nhân cách của mình ra sao. Nó ngược lại hoàn toàn những gì người dân đã nghe, đã được học từ đảng.

Có lẽ trên hết, phải kể đến “khí tiết” tư cách cũng như bản lĩnh của Nguyễn Tấn Dũng, nguyên là Thủ tướng chính phủ. Trước hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng, những sự việc động trời mà người ta vạch rõ, ông ta cứ nhơn nhơn rằng: “Tôi theo đảng mấy chục năm, nay đảng giao cứ làm, chỉ chịu trách nhiệm chính trị”. Và rồi cố thủ đến cùng tại vị trí của mình cho đến khi buộc phải “về làm người tử tế”.

Người ta cũng có thể nhắc đến “bản lĩnh” của những lãnh đạo Việt Nam, đã thể hiện cái liêm sỉ ngược, cái chầy bửa của mình ra sao khi leo lẻo nói không biết ngượng về những điều họ tưởng thiên hạ không ai biết hoặc hay quên.

Không ai không nhớ việc Nguyễn Tấn Dũng từng thề nguyền “sẽ từ chức nếu không diệt được tham nhũng” để rồi cố thủ đến cùng bởi cái ghế quyền lực có sức hấp dẫn lớn.

Cũng như ai cũng rõ Nguyễn Phú Trọng đã từng kêu gọi chống kẻ tham quyền cố vị, chạy chức chạy quyền, phải chịu trách nhiệm người đứng đầu ra sao… để rồi cố tình xé bỏ điều lệ đảng ngồi lỳ thêm một khóa nữa bất chấp mọi điều sỉ nhục.

Rõ ràng, người ta thấy người cộng sản đã rất có “bản lĩnh và khí tiết” khi dám bỏ đi liêm sỉ và nhân cách, dám liếm lại những bãi nước bọt đã nhổ ra trước mặt dân chúng chỉ nhằm bảo vệ mục đích cuối cùng của mình là quyền lực và tiền bạc kiếm lợi từ chiếc ghế của mình.

Tạm kết

Người xưa đã viết: “Khí tiết là gì? Là chí khí, tiết tháo của người ta. Giải cho rõ nghĩa ra nữa thì nó là cái lòng biết tự trọng, biết quý danh dự mình, chuộng công nghĩa, không mê phú quý, không sợ quyền thế, không quản sinh tử, vụ giữ lấy cái thái độ của mình cho hiệp với đạo đức luân lý mà mình vẫn sùng phụng: ấy gọi là khí tiết. Từ xưa đến nay, năm nào cũng vậy, khí tiết ấy không hề thay đổi, không hề sai lạc. Khí tiết của người ta cũng dựa theo đó mà được lên. (Phan Khôi, sách đã dẫn ở trên)

Đã có một thời, người cộng sản cũng vẽ nên cho mình cái gọi là “Khí tiết cộng sản” để rồi thời gian đã chứng minh những lời người cộng sản nói, đã thêu dệt, đã vẽ vời chỉ là sự hư cấu trong tưởng tượng và là sự lừa đảo mà thôi.

Trái lại, trong cuộc sống vẫn có những con người có khí tiết, có liêm sỉ và nhân cách ở mọi nơi, mọi lúc không thể dập tắt được.

Đó là những người đã dám đấu tranh cho quyền được làm người, cho độc lập, tự do của Tổ Quốc, vì nòi giống không bị nô lệ, vì sự thật, công lý và hòa bình… mà đã trở thành những kẻ thù của nhà nước độc tài.

Trước những phiên tòa, những bản án nặng nề nhằm trả thù họ, họ đã ra sao? Hãy nghe những lời nói của họ để hiểu cái khác nhau giữa khí tiết và những chiếc sự bịa đặt về khí tiết cộng sản ra sao.

Trước phiên tòa kết án mình thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh nói rằng: “… Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc. Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến…”

Còn Nguyễn Văn Túc, bị lôi ra tòa với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Trước tòa ông nói:  “Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không giải quyết được.”, “Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm.”

Và khi bị nhà cầm quyền tuyên án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế, ông không hề run sợ, xin xỏ mà chỉ một câu trả lời rất nông dân và rất cụ thể: “Đ. Mẹ Tòa”.

Có thể kể rất nhiều những người đấu tranh cho công lý, sự thật và hòa bình ở Việt Nam đã thể hiện niềm tin, chí khí của mình trước bạo quyền cộng sản.

Chỉ khi bản thân họ không hề mưu tính lợi danh cho bản thân, tin tưởng vào con đường mình đi là chính nghĩa, là sự thật, họ mới có thể giữ vững khí tiết của mình trước bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào.

Ngày 28/2/2021

J.B Nguyễn Hữu Vinh