Một đoàn người rồng rắn xếp hàng hơn 30 phút để vào ăn một bát phở truyền thống tại Hà Nội.
Một rừng cờ hoa và một đoàn người khắp đất nước kéo về Hà Nội để đón mừng đại hội Đảng 13.
Một rừng cờ hoa ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quảng Ngãi, thành phố Lệ Thủy, Quảng Bình, thành phố Đông Hà, Quảng Trị… nơi đang xảy ra lũ lụt và rất nhiều thành phố khác trên đất nước này rực rỡ, sặc sỡ cờ hoa để đón chào đại hội Đảng 13.
Một người chồng quì lạy giữa mưa gió, lũ lụt để cầu xin thần nước hãy trả lại vợ con cho anh ta. Bởi người vợ mang bầu đang chuyển dạ của anh đã bị dòng nước nhấn chìm trong lúc đến bệnh viện để sinh con.
Mười ba người (cũng con số 13, trùng với đại hội 13 của Đảng Cộng sản, có điềm triệu gì chăng?!) gồm các quan chức, chuyên gia và sĩ quan cấp cao quân đội đã bị nhấn chìm do sụt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế, cho đến lúc này, sau hơn 24 giờ đồng hồ vẫn chưa tìm ra tung tích.
Hai mẹ con gia đình nghèo loay hoay sửa chữa dây điện sau bão, bị điện giật tử vong, gia đình neo đơn, xóm làng phải vận động, kêu gọi tiền mua áo quan ở Quảng Nam.
Hai cháu bé đi thả lưới bị nước cuốn. Hai người đi săn chuột bị nước cuốn ở Huế.
Và nhiều cái chết thương tâm khác diễn ra trong vòng chưa đầy hai ngày.
Đặc biệt, ngày hôm nay, 13 tháng 11, một thanh niên ở Phú Yên đã rủ bạn về nhà để giết mẹ ruột của mình bằng nhiều cách, từ dùng dao đâm cho đến dùng dây siết cổ đến chết, lấy đi tiền và vàng trên người của mẹ y, sau đó rủ cả nhóm bạn ra quán nhậu nhẹt, bù khú vui vẻ với nhau…!
Tất cả nói lên điều gì? Số phận chăng?
Đương nhiên, số phận là một khái niệm rộng và mơ hồ, hay nói khác đi, số phận là một thứ gì đó thuộc về hệ quả của một chuỗi dài có thể trực tiếp mà cũng có thể là gián tiếp, do những thế hệ trước để lại, do những tác nhân bên ngoài và do sự thích ứng của chính đối tượng với các tác nhân, ngoại cảnh. Nói như vậy, vấn đề chính trị, xã hội, gia đình và giáo dục là những tác nhân chính cho số phận. Một người sống trong xã hội tốt, có nền giáo dục tốt, có nền chính trị cởi mở và không hà khắc, có một mái ấm giá đình giàu yêu thương, che chở thì chắc chắn không thể có một số phận tồi cho dù bản thân người đó có khiếm khuyết gì đó chăng nữa!
Ngược lại, một người sinh ra có tố chất, căn cơ tốt nhưng sống trong bối cảnh quá xấu thì may mắn lắm, người đó không bị chuyển đổi căn cơ, không đánh mất lương thiện đã là quí lắm rồi. Ngược lại, có hàng triệu đứa trẻ ra đời trong sự lạnh lùng, dửng dưng, thậm chí vứt bỏ của cha mẹ, gia đình, nhà trường, xã hội… Và để tồn tại, chúng phải vượt qua mọi thứ trở ngại, mọi thứ thử thách đầy máu và nước mắt, đương nhiên, bất kì thành tựu nào mà chúng đạt được phải là “thần thánh”, phải là đạp trên rất nhiều máu và nước mắt của các số phận khác cũng na ná như chúng.
Đáng sợ là trong một nền giáo dục ngủ dòm, tức vừa ngủ vừa hé mắt dòm thử chung quanh có ai dòm mình không, một thứ tâm lý đấu tố còn lẫn trong xương máu, cốt tủy của giáo dục như vậy thì chắc chắn rằng đạo đức con người đã bị thay thế bằng đạo đức cộng sản, đạo đức xã hội chủ nghĩa hoặc giả đạo đức Hồ Chí Minh. Ở đây, cho dù Hồ Chí Minh có đạo đức cao vời chừng nào đi nữa thì cũng chỉ là một cá thể, không thể mang cái cá thể này làm mẫu, làm căn cội cho hàng triệu sinh linh, cá thể khác. Bi kịch giáo dục nằm ở chính chỗ này. Cũng như đạo đức Cộng sản hay đạo đức xã hội chủ nghĩa vô sản gì đấy, nó thuộc về một nhóm người, một đảng phái mà trong đó, chưa chắc ai cũng đồng điệu, nhất quán với ai, giờ lại khái quát thành một loại đạo đức phổ biến chung cho giáo dục thì hệ quả của nó tất nhiên là bi kich chồng bi kịch.
Nói như vậy để thấy rằng từ việc người Cộng sản vẫn ung dung tổ chức đại hội đảng 13 trong khi dân tình rên xiết vì thiên tai nhân họa cũng là chuyện thường tình trong xã hội hiện tại, một xã hội được tích hợp từ rất nhiều cái sai trái, lỗi hệ thống từ rất xưa, chí ít cũng từ những năm đầu của thập niên 1950 thế kỉ trước.
Nói như vậy để thấy rằng người ta chịu bỏ ra hàng giờ đồng hồ để xếp hàng, chờ đợi ăn một bát phở cũng là chuyện bình thường bởi sống và được đào tạo trong một xã hội lấy cái ăn làm nền tảng, lấy vật dục làm triết thuyết, làm kim chỉ nam thì chuyện chờ cả đời để ăn một món có khi cũng là bình thường chứ nghĩa lý gì chuyện nửa giờ với một giờ. Bởi thời gian dành cho cái ăn, sắp hàng chờ đợi cái ăn đã rất quen thuộc. Người ta không bận tâm đến sách vở, kiến thức, thậm chí đi học cũng đã có người học giùm, đọc sách cũng có nhà nước đọc giùm trên đài, tivi mà bằng cấp không suy suyễn… nên cái ăn nó quan trọng, chờ là chuyện thường.
Và đến một lúc nào đó, con cái giết cha mẹ vì miếng ăn, vì một bữa nhậu, anh em giết nhau cũng vì miếng ăn, tấc đất… Tất cả đang diễn ra đó thôi! Bởi đạo đức đã được thay máu, từ đạo đức con người thành đạo đức xã hội chủ nghĩa. Chỉ mấy chữ đạo đức xã hội chủ nghĩa đã nói lên tất cả.
Và trong cái đạo đức xã hội chủ nghĩa ấy, thứ vốn dĩ mơ hồ là số phận lại được làm rõ nét, được cụ thể hóa một cách sắc sảo. Người có thân phận dân đen thấp cổ bé miệng thì mãi mãi là dân đen, cánh tay của họ chỉ có thể đưa ra để cầu xin hoặc lạy lục. Kẻ làm chốn quan trường thì cánh tay của họ đưa ra để xun xoe, nịnh nọt và đương nhiên, họ mập láng, càng giỏi xuin xoe họ càng bóng láng…
Nói cho cùng, ranh giới giàu nghèo, ranh giới đau khổ và cường quyền ở Việt Nam rất rõ nét, mặc dù kinh tế phát triển trong thời gian gần đây thuộc vào hàng thần tốc, khả năng xử lý bệnh dịch cũng rất tốt. Nhưng, có một thứ dịch khác đang len lỏi, nó sẽ phá hoại nền kinh tế, nền tảng dân tộc này trong chốc lát, đó là dịch đạo đức. Một thứ dịch mà nó càng phát triển thì cơ thể càng mập mạnh, đến khi nó phát tác, công phá thì mọi thử đổ nào, hết đường đỡ!
Loại dịch này hiện rõ trên một đất nước với những biểu hiện, những số phận khác nhau: Dịch đạo đức xã hội chủ nghĩa!
Bài bình luận gần đây