Đất nước tiến bộ là nhờ vào nền giáo dục dẫn đường chứ không bao giờ có qui trình ngược lại. Mà nhắc tới giáo dục, yếu tố nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh phải đặt làm nền tảng. Trên nền tảng nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh, mọi cây trái tri thức sẽ đâm chồi nảy lộc. Một khi cái nền nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh không vững, độc hại và xám xịt thì khó mà có cây xanh trái ngọt của tri thức. Điều này như một qui luật bất di bất dịch trong phát triển loài người. Rất tiếc, hiện tại, nhìn theo góc nào cũng thấy Việt Nam có nền giáo dục quá tuột hậu so với chính Việt Nam.
Nói Việt Nam có nền giáo dục tuột hậu so với phương Tây, Mỹ hoặc các quốc gia tiên tiến là chuyện đương nhiên và khó bàn khó nói hơn bởi khác nhau về hệ qui chiếu. Nhưng nói giáo dục Việt Nam tuột hậu so với chính Việt Nam là chuyện cần phải nói ngay bây giờ vì nó có quá nhiều vấn đề để bàn, từ khía cạnh lịch sử đến đạo đức, xã hội học và đặc biệt là chính trị và văn hóa.
Bởi, điều đáng sợ nhất đang xảy ra, nhu cầu tri thức của người dân đã phát triển rất nhanh nhưng nền giáo dục đang đi rất chậm, thậm chí giáo dục đang đóng vai trò hòn đá tảng trì kéo con tàu Việt Nam chạy chậm lại.
Ở khía cạnh lịch sử, vấn đề giấu nhẹm những diễn biến lịch sử và biến bộ môn khoa học lịch sử trở thành một thứ tuyên truyền giáo điều đã vô hình trung đẩy nhiều thế hệ học sinh rơi vào tình trạng mù lịch sử. Một dân tộc mù lịch sử thì tương lai của nó sẽ ra sao, khi mà thế giới phẵng đang chi phối mọi thứ, mọi mối quan hệ không còn bị giới hạn trong cương vực quốc gia mà nó lan tỏa trên khắp mặt địa cầu, thậm chí tầm nhìn con người có thể phóng vào cả vũ trụ? Trong khi đó, có một dân tộc, quốc gia mà ở đó, con người biết về quá khứ, biết về tổ tông và biết về sử lịch của chính bản thân mình một cách què quặt, phiến diện, thậm chí biết ít hơn một người bên ngoài quốc gia?
Ở khía cạnh đạo đức, dường như câu cửa miệng “học tập noi gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã ăn lặm vào nền giáo dục, đến bây giờ thì không riêng gì nền giáo dục mà mọi lĩnh vực đều trưng câu này ra làm bình phong, làm bùa hộ mệnh. Kết quả của mấy mươi năm học tập đạo đức Hồ Chí Minh, các con cháu của ông, cụ thể là các đảng viên Cộng sản ra sao? Đạo đức của họ dừng ở tầm mức nào? Và cho đến hôm nay, luận điệu thù hận Mỹ - Ngụy vẫn còn đầy rẫy trong các trường học, trong các sách sử của bộ giáo dục, trong khi đó, kẻ xâm lược Việt Nam một cách tàn bạo và gian ác, ranh ma thì chưa bao giờ được nhắc tới. Hơn nữa, nếu nói đến đạo đức giáo dục, thì phải nhắc tới đạo đức của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng giáo dục Việt Nam hiện nay có đủ tư cách đạo đức của một con người bình thường hay chưa? Đủ để làm tấm gương cho ngành giáo dục chưa?
Về khía cạnh xã hội học, một khi nhu cầu tri thức của xã hội không được khảo sát, các phản ứng từ cha mẹ học sinh không được tôn trọng, từ việc nâng giá sách quá cao, không sát thực tế và trái với đạo đức. Cung cách phát hành sách không mang dáng dấp của nền giáo dục mà lại mang không khí của chợ đen, của kẻ chợ. Đây là vấn đề gây hiệu ứng cực kỳ xấu về mặt xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu tri thức của xã hội cũng đa chiều, không còn lệ thuộc như trước đây, hầu hết cha mẹ học sinh bây giờ là thế hệ có chữ, chí ít cũng được xóa mù chữ, và tú tài, cử nhân, thậm chí trên đại học không phải là ít. Hơn nữa, họ là thế hệ của các cư dân mạng, tầm nhìn, tầm nhận thức của họ về xã hội không còn bị giới hạn trong cái vũng của đài tuyền hình và đài tiếng nói Việt Nam như trước đây. Họ cũng không phải là thế hệ phụ thuộc, thụ động và không coi trọng tương lai con cái. Chính vì coi trọng tương lai con cái, xem con cái là lẽ sống nên việc đầu tư giáo dục cho con cái được đặt lên hàng đầu. Tìm tòi, nghiên cứu, phân tích về giáo dục đối với các bậc cha mẹ bây giờ đóng phần chính yếu của cuộc sống.
Thế nhưng tiếng nói của cha mẹ học sinh về vấn đề giáo dục lại bị giới chức, chuyên gia giáo dục nhà nước bỏ qua, thậm chí có “chuyên gia giáo dục” cho rằng cha mẹ học sinh là lực cản của giáo dục. Đương nhiên vẫn có những luồng ý kiến của phụ huynh không liên quan đến vấn đề dạy và học, thậm chí không liên quan đến câu chuyện giáo dục nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ cho vấn đề giáo dục. Nhưng đây chỉ là thiểu số, còn lại, các luồng ý kiến đóng góp có lợi cho tương lai giáo dục không nhỏ, thậm chí bao quát nhưng đều bị bỏ qua và mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Nhu cầu xã hội như thế nào thì mặc, bộ giáo dục cứ làm chuyện họ thích, họ muốn và có lợi cho họ. Và kết quả như thế nào, chắc cũng không cần bàn thêm!
Lại nói đến vấn đề chính trị, đương nhiên nền giáo dục nào cũng có yếu tố chính trị lồng ghép, nhưng mức độ lồng ghép sâu chừng nào, mật độ dày thưa thì tùy thuộc vào phẩm cách chính trị của từng quốc gia và thể chế. Với Việt Nam, không còn dừng ở mức độ lồng ghép chính trị với giáo dục mà giáo dục là chính trị và chính trị là giáo dục. Nền giáo dục sẽ bị chính trị làm cho dập nát nếu không cõng trên lưng nó nền chính trị. Bởi ngay từ đầu, nền giáo dục được sắm ra để phục vụ chính trị. Và hệ quả của chuyện này là mọi ngóc ngách giáo dục đều có tính giáo điều và không được phép vượt thoát khuôn khổ xã hội chủ nghĩa cũng như không được phép bước ra khỏi vòng giới hạn của tuyên truyền Cộng sản.
Cái giá của việc này là các nhà lãnh đạo giáo dục sẽ được lựa chọn, “đề cử” trên chất lượng đảng chứ không dựa trên chất lượng tri thức, bệ phóng của giáo dục đứng trên nền đất Cộng sản chứ không phải đứng trên nền đất khoa học, mọi tiêu chí, tiêu chuẩn giáo dục, từ lãnh đạo cho đến nhân viên, giáo viên, từ hình thức cho đến nội dung đều phải dựa trên tính đảng, căn cứ vào tính đảng để quyết định nó được hoạt động thông suốt hay phải chấm dứt, được tạo lực đẩy mạnh hay yếu, được nâng cánh tới đâu…
Và với kiểu tư duy về giáo dục như thế này, người ta cũng sẵn sàng mạnh miệng nói rằng giáo dục Việt Nam hiện tại là một nền giáo dục có triết lý giáo dục (manh nha của vấn đề này, dễ thấy nhất là người ta đang chuẩn bị hình thành nền triết học xã hội chủ nghĩa!), một loại triết lý Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Không có gì đáng sợ và khủng khiếp hơn nếu điều này xảy ra. Nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra, vì vấn đề được quyết định bởi hệ thống chính trị có tính sinh sát đối với giáo dục.
Nhưng, điều thật sự cần thiết cho một nền giáo dục Việt Nam trong tương lai là là một bệ phóng tri thức, ở đó các nhà khoa học sẽ ký thác ước mơ vào giáo dục và các nhà chính trị sẽ học hỏi, tìm ra một mô hình chính trị tốt cho dân tộc, thậm chí cho thế giới một khi thế giới đang dần rơi vào khủng hoảng. Rất tiếc, muốn làm được điều này, phải đục bỏ đi thứ tư duy lạc hậu đã ăn thành nếp trong não trạng các nhà lãnh đạo giáo dục và nó trở thành bóng ma phủ lên tương lai dân tộc. Phải đục bỏ nó đi, một khối u quá khủng khiếp có tên giáo dục xã hội chủ nghĩa!
Bài bình luận gần đây