Khu vực số 7 Thiền Quang có ba dãy nhà xếp thành hình chữ U, cầu thang ở phía tay trái, mình đến làm việc ở gần cuối dãy phía trong tầng 3. Vừa định đứng dậy về thì nhận được điện thoại Hiếu Buôn gió gọi:
- Anh chuẩn bị về chưa? Chung con mới về rồi đấy, em ở ngoài này thấy nó mới đi đâu về đấy.
- Tớ định về, nhưng mấy chú bảo sếp muốn gặp, để xem thử ai định gặp đây chút đã.
Một chú công an vừa ngồi hút thuốc với mình lúc nãy đi từ phía cầu thang đi lại, phía đó, bên cạnh là phòng làm việc của Nguyễn Đức Chung. Chú lấy một gói thuốc Vinataba mới tinh, bóc giấy bóng và mở gói thuốc trước mặt mình rồi nói:
- Mời anh Vinh hút điếu thuốc đã, chờ một chút, sếp bọn em về rồi đấy.
- Tôi vừa hút xong rồi. Ai gặp thì gặp để còn về.
Anh ta vội bảo:
- Thì chẳng mấy khi anh em gặp nhau, nghe tiếng anh lâu lắm giờ mới gặp mời điếu thuốc cho vui và anh chờ chút. Có gì đâu.
Và anh ta đưa gói thuốc mời mình, mình nhớ rõ anh ta vừa hút thuốc ngựa trắng. Có lẽ gói thuốc Vinataba này mới được chuẩn bị, mình cũng thấy bình thường và bảo:
- OK, chờ cũng được nhưng nhanh nhé.
Và mình cầm điếu thuốc ra hành lang lúc nãy ngồi châm lửa hút.
Vừa hút được vài khói, bỗng nhiên một tiếng gầm rất mạnh làm mình giật mình ngoái lại. Một người thấp lùn vừa đi với dáng bộ rất hùng hổ đi từ phía cầu thang đi lại quát lớn:
- Anh kia, bỏ ngay điếu thuốc lá xuống. Ai cho anh được phép hút thuốc lá ở đây.
Thoáng nhìn thấy dáng bộ hùng hổ và nhớ điếu thuốc trên tay mình do một công an mời, mình trở lại trạng thái bình thường và lại đưa lên hút tiếp.
Người kia đang hùng hổ xông lại phía mình bỗng chững lại quát tiếp:
- Tôi bảo anh bỏ điếu thuốc mà anh không bỏ phải không?
Tiếng quát lớn làm cả dãy nhà hình chữ U ba tầng mọi người đổ ra cửa nhìn về phía mình. Mình nghĩ ngay đến một âm mưu, một mẹo vặt nho nhỏ mà công an thường dùng: Tạo mội cơ hội để trấn áp tinh thần người đối diện ngay từ đầu. Mình vẫn điềm nhiên ngồi hút thuốc quay mặt ra phía trước, coi như anh ta đang mắng ai đó chứ không phải mình.
Anh ta mặt đỏ tía tai tức giận và lồng lộn vừa đi về phía mình vừa nói rất lớn làm cả mấy dãy phòng im phăng phắc nhìn mình như người từ trên trời rơi xuống.
Viên công an tên Hải và mấy người trong phòng mình vừa làm việc chạy ra:
- Sếp về rồi, mời anh Vinh vào làm việc.
Mình hút thêm vài khói thuốc, dụi cái mẩu còn lại bỏ vào thùng rác và đứng dậy. Viên sĩ quan công an quát lớn một thôi một hồi dài:
- Anh vào đây không phải cái chợ muốn làm gì thì làm nhé. Anh biết đây là chỗ nào không, anh đừng có mà coi thường cơ quan công an nhé…
Mình im lặng đi theo mấy viên công an vào một phòng ở đầu dãy nhà. Viên sĩ quan chỉ huy cấp hàm Đại tá vẫn đi theo quát oang oang.
Phải nói rằng cách bố trí của căn phòng này cũng rất “hình sự”. Một dãy bàn gỗ rất chắc kê sát bức tường dài từ bên này sang bên kia, mặc dù giữa phòng rất rộng. Hầu hết ghế được xếp phía ngoài. Giữa bàn phía sát tường có duy nhất một chiếc ghế, muốn vào đó, phải len người đi từ đầu tường đến giữa mới ngồi xuống được. Khi ngồi xuống, có cảm giác rằng những người bên ngoài nếu nóng tính lên, chỉ cần đẩy cái bàn là mình bẹp gí ngực vào tường.
Viên sĩ quan Đại tá chỉ chỗ mình vào trong ngồi. Và phía ngoài bên phải và bên trái anh ta, 7 công an mặt mũi hầm hố ngồi hai bên, anh ta ở giữa vung tay múa chân:
- Tôi, đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự công an Thành phố Hà Nội, Đội trưởng đội đặc nhiệm công an Hà Nội. Tôi nói cho anh biết: Anh sống ở Làng Tám thì anh vào Đồng Chiêm làm gì? Như vậy là anh vi phạm pháp luật về tôn giáo. Khi ở ngoài đó đang lộn xộn anh vào đó làm gì? Chúng tôi có cơ sở để kết tội anh có âm mưu khi vào đó. Anh đi lễ thì mang máy ảnh đi làm gì? Ngày mai, triệu tập tiếp làm việc tiếp chứ không phải như vừa rồi đâu nhé.
Mình ngồi dựa lưng vào chiếc ghế gấp Xuân Hòa nhìn anh ta không chớp, cũng không hề nói câu nào. Được thể, anh ta nói một thôi một hồi rằng thì là chúng tôi là nọ là kia, sẽ làm thế này, thế khác…
Đợi anh ta hết cơn cao hứng, mình hỏi:
- Anh nói xong chưa?
Anh ta trả lời:
- Tôi nói thế đấy. Anh đừng tưởng chúng tôi không biết anh như thế nào đâu nhé.
Mình vươn người dậy lớn tiếng:
- Trước hết, anh hãy nhìn đây: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” nghe chưa? Anh là ai và quyền gì mà chửi tôi như chửi con anh như vậy từ nãy đến giờ? Anh bao nhiêu tuổi, có bằng tuổi tôi không mà dám chửi tôi?
Mình vừa nói vừa chỉ tay vào tấm bảng ghi trên đó “6 điều Bác Hồ dậy Công an Nhân dân”. Anh ta giật mình ngồi xuống ghế chống chế:
- Tôi, tôi có chửi anh đâu, nhưng anh vào đây phải theo quy tắc của cơ quan công an. Anh vào đây còn hút thuốc lá. Anh có thấy cái bảng cấm hút thuốc đó không?
Mình dõng dạc nói to:
- Tôi thấy, và tôi ngồi đó hút thuốc là có lý do. Công an chỉ cho tôi ngồi đó hút, và công an cũng vừa ngồi ở đó hút với tôi rồi mời tôi hút điếu thuốc đó.
- Nhưng anh là khách chứ không phải công an.
- Tấm biển đó không ghi là chỉ cấm khách hút thuốc mà ghi là cấm hút thuốc. Dù cấm nhưng công an hút được thì tôi hút được. Cũng như ra đường, dù đèn đỏ mà công an chỉ tôi đi là tôi có quyền đi. Vậy tại sao anh không chửi công an hút thuốc mà chửi tôi? Tôi nghĩ là anh chửi lính anh chứ không phải chửi tôi chứ nếu không là tôi đã chửi lại rồi đấy.
Điều thứ hai: Tôi cảnh cáo anh, là một Đại tá trưởng phòng của Công an Hà Nội mà chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên quyền tự do tôn giáo của tôi được luật pháp bảo vệ.
Tôi ở Làng Tám, nhưng nếu vào Sài Gòn, sang Bắc Kinh, sang Mỹ hoặc Nga, bất cứ chỗ nào có nhà thờ thì tôi đều được đi dự lễ. Anh căn cứ vào đâu để nói rằng tôi ở đâu chỉ đi lễ ở đó? Có văn bản nào nhà nước quy định vậy không? Nếu có anh đưa cho tôi xem.
Anh ta ú ớ:
- Được, mai tôi sẽ đưa cho anh xem.
- Anh nhớ nhé. Anh đã hứa với tôi là có văn bản đó. Nếu không có, anh phải chịu trách nhiệm cá nhân. Ngày mai, tôi sẽ đến để đòi anh cái văn bản đó, anh phải có cho tôi.
Điều thứ ba: Anh bảo ở đó đang lộn xộn tôi vào đó để làm gì? Là có tội, là âm mưu? Tôi nói cho anh biết: Tôi là công dân Việt Nam, được quyền đi bất cứ chỗ nào pháp luật không cấm. Việc lộn xộn là trách nhiệm của công an chứ không phải của tôi, ở đó không có lệnh, không có biển cấm là tôi có quyền đến, có phải vì thế nên công an đánh tôi và cướp của tôi tại đó?
Điều thứ tư: Anh hỏi đi lễ thì mang máy ảnh làm gì? Tôi mang máy ảnh là để chụp ảnh, hoặc mang cho… oai. Vậy thì tôi có tội gì không? Có văn bản nào cấm đi lễ không được mang máy ảnh không? Anh nên nhớ máy ảnh không phải là mìn và nếu có văn bản nào cấm, đề nghị anh cho tôi văn bản đó.
Thứ năm: Anh ký giấy hẳn hoi triệu tập tôi lên để hỏi về việc tôi bị “Mất máy ảnh ở Mỹ Đức”. Vậy thì tôi là nạn nhân, trong khi những lời anh vừa nói ra, là có một âm mưu rõ ràng muốn biến nạn nhân thành tội phạm. Rõ ràng anh không hề quan tâm đến việc tôi bị mất tài sản ở Mỹ Đức. Bởi anh biết rõ ai đã là kẻ cướp của tôi ở đó. Tôi cảnh cáo anh, một Đại tá mà làm việc không nhất quán, không rõ ràng và có âm mưu hãm hại người dân, làm sai lệch vụ việc.
Anh không cần phải triệu tập, mà anh đã hứa với tôi là sẽ có văn bản trả lời về những điều anh vừa nói ra: Luật nào cho phép buộc giáo dân chỉ được đi lễ nơi mình ở? Luật nào cấm đi lễ mang máy ảnh? Luật nào cấm người dân đi đến Đồng Chiêm? Anh không có đủ cho tôi theo lời hứa hôm nay trước mặt các sĩ quan binh lính của anh, thì anh nên nhớ rằng: Sự gương mẫu của lãnh đạo chính là thước đó lòng tôn trọng của cấp dưới đối với mình ra sao. Đồng thời, tôi sẽ khiếu nại cá nhân anh trong việc này.
Càng nói mình càng hào hứng chẳng còn chút ốm đau nào nữa. Còn anh ta và đám sĩ quan dưới quyền cứ ngồi im như tượng.
Chừng như thấy ngồi lâu nghe mình nói thì ngại, anh ta lầm lũi tự đi ra khỏi phòng. Mình tiếp tục ngồi nói với các sĩ quan dưới quyền anh ta về nguyên tắc làm việc, về những vấn đề đã xảy ra, về sự cậy chức cậy quyền của đám lãnh đạo, về những điều người dân nói về công an.
Điều lạ thay, là các sĩ quan dưới quyền anh ta cứ im lặng thin thít và chẳng ai ngăn cản mình. Ngược lại, thái độ của họ khi mình cãi thẳng tay vào mặt Nguyễn Đức Chung, họ tỏ thái độ hết sức hả hê một cách không hề giấu diếm.
Cho đến sau này, khi nói điều lạ lùng này với một tay an ninh, hắn ta bảo: thì cả đời, chúng nó cứ bị lãnh đạo chửi như chửi chó, hôm nay có người chửi lãnh đạo thì chúng nó chẳng khoái là sao.
Giọng nói của mình to vang cả ra ngoài hành lang, trong khi các phòng khác vẫn cứ đứng ngoài hanh lang thì nghe tiếng mình nói. Một lúc sau, tên Hải phó phòng chạy sang:
- Thôi anh Vinh ơi, anh về được rồi anh ạ, rồi có dịp khác anh em gặp nói chuyện sau.
Mình cáu tiết bảo:
- Không được, không thể có chuyện anh ta bắt tôi chờ cả buổi để về chửi tôi rồi nó trốn là không được, anh gọi ngay Nguyễn Đức Chung về đây cho tôi.
Anh ta đi ra và một lát quay lại:
- Anh ơi, anh Chung lại bận đi họp mất rồi, có lẽ để hôm khác rồi mời anh lên gặp lại nói chuyện sau. Em vừa điện cho anh ấy thì anh ấy đã đi họp rồi.
Mình đứng dậy và bảo:
- Chú về nói với Nguyễn Đức Chung rằng: Anh ta nợ tôi một số văn bản luật pháp như đã hứa nhé. Anh ta đã hứa không chỉ trước mặt tôi mà trước mặt mọi người nhé.
Rồi không im lặng, mình nói rất to từ tầng 3 xuống đến hết cầu thang tầng 1, tố cáo việc cán bộ cơ quan luật pháp là chà đạp lên luật pháp một cách trơ tráo, ngang nhiên… chẳng thế mà dân mất lòng tin và thấy công an là ghét… cho đến khi ra cổng cầm Chứng minh nhân dân và bạn bè đón về nhà.
Phải nói rằng: Nguyễn Đức Chung không phải là người lợi khẩu và chính vì thế, sau này khi làm đến chức Giám đốc Công an Hà Nội và Chủ tịch Thành phố, Nguyễn Đức Chung ít khi đối diện với báo chí để trả lời phỏng vấn một cách tự nhiên.
Sau lần gặp đó trở đi, Nguyễn Đức Chung không còn triệu tập mình thêm lần nào nữa. Rồi mỗi lần có sự kiện nào đó giáp mặt, hầu như anh ta lảng tránh ít khi đối mặt lẫn nhau.
(Còn nữa)
Ngày 24/9/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây