You are here

Tử tế, ở đời...

Status trên facebook của nhà báo Nguyễn Như Phong, nay đã đóng.

Một trong những văn bản thất truyền, luôn là niềm tiếc nuối cho các nhà nghiên cứu sử Việt Nam, đó là Thất trảm sớ của quan văn Chu Văn An (1292-1370). Có thể văn bản đó đã bị hủy bởi triều đại của vua Trần Dụ Tông (1336-1369), hoặc bị nhà Trần lưu vào vào dạng văn bản tối mật, rồi thất lạc. Đời làm quan của bậc đại thần Chu Văn An không chỉ là trí tuệ, mà là sự thanh cao chính trực. Ngài được mời vào chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho con vua Trần Minh Tông (1300-1357), và được kính trọng như là một giảng sư vĩ đại của nhà Trần, đóng góp cho giáo dục và phát triển triết học Khổng tử (thời đó, triết học Khổng tử là nền tảng học thức của nhiều nước châu Á).

Đến đời vua sau, ngài Chu Văn An sớm nhận thấy đất nước loạn ly, quan lại trở thành một đảng phái, bao che cho nhau để cướp bóc, tàn hại dân lành, cướp đất giết người, xa hoa đạo đức giả. Kẻ gần gũi chính quyền, bị tội chỉ có kiểm điểm, cảnh cáo. Còn không, chỉ có thể bị xử tội khi phe nhóm thanh lọc lẫn nhau. Đã vậy, còn nổi lên những kẻ lạm dụng, nịnh hót rỉ tai, dối lừa che án. 

Dù chỉ có chữ nghĩa và tấm lòng là quan trọng trong đời mình, biết cũng không thể chống lại nổi với hệ thống thị vệ và mật báo đã ăn tiền thuế thân, tô tức mà luôn phản dân hại nước, nhưng ngài Chu Văn An đã không ngại hiểm nguy, tự mình dâng Thất trảm sớ. Trong đó, sớ kêu gọi vua Trần Dụ Tông cho chém bảy gian thần hợp lại như một đảng phái, đang lũng đoạn đất nước.

Với kẻ cầm quyền không được nhân dân chọn lựa, tội ác, hưởng thụ, hãm hại lương dân, dí gươm cướp đất… là thảm nạn sinh ra không đếm sao cho xuể. Muôn đời vẫn vậy, cái ác vẫn luôn có thế đứng của chúng trên nỗi đau của nhân dân. Thất vọng vì lẽ đời bất toại, ngài Chu Văn An cáo lão từ quan, tự đặt cho mình biệt hiệu là “Tiều ẩn” (có nghĩa là người hái củi một mình, không muốn gặp ai). Từ lúc làm quan cho đến khi cáo lão về quê, và qua đời, ngài chưa bao giờ tự xưng mình là người tử tế.
Kể lại chuyện xưa, chỉ để nhắc lại rằng, ông Nguyễn Đức Chung, một trong những nhân vật chủ chốt của đại án Đồng Tâm, vẫn được vài cây bút nhận định rằng ông là một người tử tế. Mỉa mai thay, hai chữ “Tử Tế”, không thể cậy vào người khác tô vẽ cho mình, hay về hưu rồi có thể tuyên bố làm người tử tế. 

Tử tế nơi quan trường là một vệt sáng trên nền trời tăm tối, chỉ có thể tạo ra tự nhiên bằng cuộc đời và hành động thật sự. Tử tế không thể có bằng suy đoán và tưởng tượng trong quan hệ chính trị.

Năm 2018, nhà báo Huy Đức từng viết trên Facebook ca ngợi về một tính cách tử tế của ông Chung, thông qua sự quen biết để dự báo về tương lai của Đồng Tâm. Năm 2020, nhà báo Nguyễn Như Phong thì ca ngợi tính cách tử tế của ông Nguyễn Đức Chung, qua nguồn tin riêng, cho là ông Chung đã không đồng ý âm mưu tấn công bất hợp pháp vào làng Đồng Tâm. Còn nhớ, tháng 2-2019, nhà báo Hoàng Hải Vân cũng có bài viết trên Facebook ca ngợi tính cách tử tế, sống có “tình huynh đệ” của Bộ Trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. Và nếu thử dùng Google để tìm lại, chắc các bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều bài ngợi ca sự tử tế của ai đó, khi họ kết thúc vị trí chính trị của mình, từ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... đến cả Lê Đức Anh.

Tử tế không phải là lương bổng, cũng không phải là huân chương chiến công... nhưng khi đã sống đủ phần đời của mình, có cả danh và lợi, không ít các nhà làm chính trị vẫn cố vơ vào khái niệm đó của nhân dân. Thiếu phần đó, họ có vẻ như sợ chết không yên dưới nấm mồ, có thể vì sợ nhân dân quay mặt mỉm cười. 

Với Nguyễn Đức Chung, từ thời làm giám đốc công an, phải nói rõ đó là một tay sắt máu. Dùng côn đồ để đánh đập luật sư, nhà báo, cựu đảng viên cộng sản… và tất cả những ai lên tiếng cho đất nước là một trong những phương thức lành nghề của ông.

Giai đoạn chuyển qua làm chủ tịch của Hà Nội, ông Chung cũng lừng danh không ít về việc làm ăn sân sau với công ty Nhật Cường, với chuyện lọc nước sông Tô Lịch, và cả sự lật lọng trong vụ án Đồng Tâm. 

Vậy đó.

Tử tế, là sống ở đời, và là sống cả đời với ý nghĩa đó. Tử tế không thể được tô vẽ vài phút trên truyền hình, dăm ba trang báo, in thành sách… đã là có thật. 

Tử tế thật là nhân dân nhìn nhận và kính trọng, thờ phụng. Hoa ở các ngôi mộ những người tử tế, nhân dân mang đến. Đền đài, nhang khói và tu sĩ của những kẻ ác, chỉ có tự dựng và hốt hoảng trong nỗi cô đơn.

À quên nói, văn bản Thất trảm sớ bị thất lạc, có thể do triều đình đời sau tự xấu hổ mà hủy đi. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài triều đại, tên những kẻ như vậy lại được đưa vào sách giáo khoa hay đặt tên đường...

--------------
Đời sau không ai biết bảy “đảng viên” bị dâng sớ là ai. Nhưng trong truyện dã sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải thì bảy cái tên bị ngài Chu Văn An dâng sớ là:
- Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức
- Ngự y Trâu Canh (là Hán gian leo cao luồn sâu trong lãnh đạo)
- Chính chưởng phụng ngự Bùi Khoan
- Nội quan Văn Hiến
- Tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương
- Hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu
- Đổng binh Đoàn Nhữ Cẩu