Miền Trung và miền Bắc Việt Nam là hai miền kinh niên thiên tai, theo định kỳ, hằng năm lại có thiên tai. Gần đây, miền Nam cũng bắt đầu chạm với thiên tai và nhân họa, đồng bằng Sông Cửu Long nhiễm hạn mặn và quả này nặng khó đỡ với người nông dân miệt sông nước vốn hiền hòa và trù phú này. Lẽ hiển nhiên, khi thiên tai, nhân họa kéo đến, con người nói chung ngán ngẫm, lo lắng, bất an và tuyệt vọng. Thế nhưng, có một bộ phận lại mong thiên tai đến, năm nào không có thiên tai, năm đó họ ăn không ngon, ngủ không yên. Cái khác giữa nhân dân và quan chức thời bây giờ là vậy. Vì sao?
Vì nhiều lẽ, nhưng trong đó, có ba lẽ căn cơ, chính yêu: Cái cớ đáo niên; Chỗ chấm mút và; Chỗ chối tội. Ở vấn đề thứ nhất là cái cớ đáo niên, dường như mọi cơ quan nhà nước đều trông chờ vào thiên tai, có thiên tai, dịch họa thì cơ may giảm được một khoản tiền đáng kể trong việc đóng ngân sách nhà nước, thậm chí những cơ quan đóng ở vùng bị thiên tại, dịch họa nặng có thể được miễn đóng khoản ngân sách định kỳ. Trong khi đó, chưa chắc đã có thiệt hại và nếu có thiệt hại cũng không đáng kể hoặc đã có những khoản viện trợ bù vào.
Nói về chuyện chấm mút trong giới quan chức địa phương sau thiên tai thì miễn bàn. Bởi chuyện này lộ liễu và ai cũng biết nhưng chẳng biết tính làm sao để khắc phục. Thường thì sau mỗi đợt mưa bão, trưởng thôn sẽ đi gõ cửa từng nhà, trình ra một cuốn sổ, trong đó gồm các hộ gia đình trong thôn. Ở mỗi gia đình ông trưởng thôn sẽ hỏi mức độ thiệt hại và khuyên người ta khai tăng mức độ lê gấp đôi, gấp ba so với thực tế. Thường thì kê khai xong, chủ nhà sẽ ký vào cột cuối của cuốn sổ, xem như có bằng chứng đầy đủ về người khai và mức thiệt hại là thật.
Các gia đình (hầu hết cũng chả thật thà gì, hoặc thụ động gian lận theo trưởng thôn) khai xong, ký xong thì chờ đợi, với hi vọng nếu như chính phủ hỗ trợ chừng 30% thiệt hại thì xem như mình nhận đúng mức thiệt hại thực sự. Nhưng, năm nào cũng giống năm nào, con số báo cáo lên trung ương là con số thiệt hại khủng, trung ương viện trở xuống cũng không nhỏ. Nhưng đến tay người dân thì thường là vài gói mì tôm và vài ký gạo, may mắn lắm mới có thêm vài chục ngàn đồng. Có nghĩa là từ cấp tỉnh đã chấm mút, xuống cấp huyện lại chấm mút, đến cấp phường, xã lại chấm mút, đến thôn lại chấm mút thêm một miếng nữa. Và ở cấp xã, phường và thôn là đáng sợ nhất, vì khả năng ăn bẩn rất là cao. Có nhiều trường hợp dân kéo đến nhà trưởng thôn, chửi mắng, thậm chí đòi đánh nhau bởi trưởng thôn đã ếm mất phần mì tôm và gạo của họ.
Trường hợp người thân, gia đình của cán bộ được ưu ái nhận quà cứu trợ mặc dù không bị thiệt hại và cũng không khó khăn, họ có thể nhận quà về để bán là chuyện thường ngày, không có gì để bàn. Có trường hợp gia đình cán bộ đến nhận quà đến hai, ba lần trong ngày, hết khoác áo mưa lại cởi áo mưa ra nhận quà, cởi áo mưa xong lại cởi áo gió, rồi cởi khẩu trang… Thay đổi nhân dạng để nhận. Đương nhiên người ta thừa biết rằng đối tượng này nhận về rồi chia lại cho cán bộ. Đó là phần thấy được, còn phần không thấy được, chấm mút qua giấy tờ thì miễn bàn.
Đó là chưa kể đến chuyện các đoàn từ thiện đến địa phương thì bị chặn từ ngay ủy ban, các thành viên ủy ban đưa ra một danh sách riêng gồm người thân, người quen biết của họ để hoặc là đoàn từ thiện phải trao trước các suất trong danh sách rồi mới đi đến từng nhà để tặng, hoặc là quay lui xe và không được vào địa phương tặng quà. Rồi thêm chuyện các thành viên ủy ban gửi danh sách đến các doanh nghiệp để xin viện trợ bằng tiền mặt. Nhưng khi phát quà lại vài gói mì tôm, vài ký gạo. Có một ngàn lẻ một kiểu ăn bẩn, chấm mút ở các cơ quan nhà nước mỗi khi có thiên tai, dịch họa.
Và, mỗi khi có thiên tai, dịch họa, đây là chỗ chối tội tốt nhất cho giới quan chức. Bởi hầu hết các khoản mờ ám trong năm, chỉ trông chờ vào thiên tai, khi có mưa bão quét qua, xem như máy móc hư hỏng, cơ sở hạ tầng cần khắc phục, giấy tờ trôi nổi… Có cả trăm lý do để báo cáo mất số liệu thống kê và nếu có khoản nào chi bất thường thì chuyển nó sang mục cứu trợ. Xem như mọi chuyện huề vốn.
Ngược với quan chức, mỗi lần thiên tai, dịch họa thì người dân méo mặt, vì thiệt hại, vì nhiều chuyện tế nhị không thể nói ra, vì người ta mượn thiệt hại của mình để ăn mập, vì hàng trăm cái vì. Nhưng cái vì nào cũng khiến cho người ta cảm nhận thêm xót xa của thân phận dân đen, không hơn không kém.
Đó là chưa kể tới chuyện thân phận người dân bị đẩy xuống tận đáy bởi cách hành xử đầy lộng quyền, hách dịch và tàn nhẫn của giới chức địa phương. Vừa được đoàn từ thiện phát cho suất quà và tiền, chưa kịp mừng thì bị cán bộ gọi lên ủy ban, bắt đem nộp toàn bộ quà để chia lại. Cách hành xử, đối đãi như vậy, không những đầy tính trẻ con mà quá sức rẻ rúng và khinh thị người dân. Coi người dân chẳng còn ký lô nào, muốn lấy thì lấy, muốn thu thì thu. Không có chữ nghĩa, sách vở nào để tả nỗi khốn nạn giữa con người với con người.
Và mọi thứ cứ đến hẹn lại lên, hễ có thiên tai thì cán bộ mừng râm rang, nhân dân buồn thúi ruột. Hễ bão đi qua, thiên tai tránh địa phương nào thì nhân dân địa phương đó mở cờ trong bụng, ăn mừng tạ ơn trời đất. Nhưng cán bộ lại đánh trống chiến trong bụng và có hàng loạt các vấn đề mờ ám chỉ có thể giải quyết được nhờ vào thiên tai, dịch họa.
Thế mới thấy, muốn cho đất nước này phát triển và lành mạnh, có lẽ phải có một trận bão quét sách các quan tham. Nhưng, quan tham lúc nhúc khắp thị thành, thôn quê, bão nào mà quét cho sạch được!
Bài bình luận gần đây