Một câu hỏi hơi quá khả năng trả lời của chính người đặt ra câu hỏi, bởi chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thế giới là câu chuyện lắc léo chính trị, kinh tế, xã hội của cả đại cầu. Nhưng, trong thời đại công nghệ mạng bao phủ toàn cầu, vấn đề xã hội học lại chiếm vị trí hàng đầu trong các cuộc chiến tranh, xã hội học chi phối cả chính trị và kinh tế, thay vì trước đây kinh tế, chính trị chi phối xã hội. Có thể nói rằng nhân loại đang đứng rất gần bờ vực thế chiến và muốn thoát khỏi nó, không phải là những điều chỉnh chính trị hay những sách lược kinh tế nhằm vãn hồi tình thế. Không, thế giới muốn vãn hồi tình thế, muốn thoát khỏi chiến tranh, cần có một cuộc phục hưng xã hội học. Và đây là một nan đề bất khả giải!
Nguyên nhân từ đâu?
Người ta có quyền đặt câu hỏi do đâu mà xã hội loài người trở nên tệ hại, hung hăng, cay cú và bất chấp như hiện nay? Mà đáng sợ hơn cả là cả xã hội loài người trên mặt địa cầu chứ không riêng gì quốc gia nào, dường như mọi thứ đang nóng lên một cách khó có thể kiềm chế và các chính phủ, nhà nước của các quốc gia có thể vỡ trận bất kỳ giờ nào. Vậy nguyên nhân do đâu? Do các nền dân chủ trở nên cũ kĩ, nhàm chán? Do vấn đề dân chủ bị định nghĩa lệch lạc? Do ý thức dân chủ kém? Do nhu cầu mở rộng cương vực kinh tế biển của các nước lớn? Do yêu cầu sống còn về xác lập chủ quyền biển nhằm thao túng hàng hải và độc quyền, nhằm thủ đắc tài nguyên biển gồm dầu khí, đất hiếm và hải sản? Do sách lược của các siêu cường ngày càng trở nên bảo thủ bởi yếu tố dân tộc tính được nhấn mạnh? Do các ràng buộc quốc tế ngày càng trở nên lỏng lẻo bởi nó đã lạc hậu so với nhu cầu thực tế của các nước phát triển? Do các điều luật quốc tế chồng lấn với lợi ích quốc gia của các nước lớn? Do một vài nước lớn trỗi dậy và nuôi mộng bá chủ?... Có thể nói có hàng ngàn câu hỏi được đặt ra trước tình hình hiện tại.
Tình hình như một cái chảo lửa đang ngày càng tăng nhiệt bởi trước dịch cúm Vũ Hán thì mối quan hệ giữa các nước khối Ả Rập, các nước Trung Đông dường như chẳng có gì là tốt đẹp, hòa hảo mà có vẻ như các mũi tấn công luôn hướng vào nhau, có thể khai hỏa bất kỳ giờ nào. Dịch cúm xảy ra cùng lúc với hàng loạt mối quan hệ giữa các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương trở nên căng thẳng; mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xấu đi, đã có đụng chạm và tổn thất nhân mạng ở đường biên giới giữa hai nước; quan hệ giữa Nam – Bắc Triều Tiên cũng trở nên căng thẳng hơn bao giờ; quan hệ biên giới đất liền và biển giới biển đảo giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng xấu đi, Trung Quốc lấn lướt ra mặt, xây dựng một cách bất chấp trên các đảo tranh chấp… Đáng nói hơn cả là mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã chính thức trở thành đối đầu kể từ cuộc thương chiến vào năm 2019, sau đó đến dịch cúm Vũ Hán và gần đây là mối quan hệ quân sự ở biển Đông, mọi thứ rất khó lường.
Nếu như cấp độ toàn cầu thì các nước, các khu vực đều trở nên nóng nảy, khó lường thì mối quan hệ giữa người với người trong mỗi quốc gia đều có vấn đề đáng bàn. Nếu như tại Hoa Kỳ, cuộc nổi dậy nhằm kêu gọi chống phân biệt chủng tộc (và rất có thể bên trong những cuộc nổi dậy này là một sự đầu cơ và là một thứ âm mưu chính trị không liên quan gì đến chủ trương gốc của nó) thì tại Trung Quốc, các thế lực đối trọng với đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang nổi dậy một cách đáng sợ. Tại Việt Nam, vấn đề nổi dậy của các thế lực đối trọng với đảng Cộng sản không đáng kể nhưng mối nguy loạn mười hai sứ quân ngay trong nội bộ đảng là quá cao. Biểu hiện của sự loạn lạc này là các nhóm lợi ích nổi dậy và mượn tay xã hội đen, hoạt động trên phương thức cò cuốc, lách luật một cách manh động, sẵn sàng thanh toán nhau bằng dao búa chỉ vì một chút tư lợi hết sức nhỏ. Và những nhóm cò cuốc kèm dao búa này đang phục vụ cho các đầu sỏ lợi ích nhóm, sẵn sàng đổ máu vì lệnh của “bề trên”. Điều này gây ra một sinh quyển xã hội hết sức lộn xộn và mọi thứ quyền lợi cơ bản của người dân bị các nhóm cò thò tay chọc khuấy, thao túng, quậy phá… Hệ quả của tình trạng nổi dậy của các đám cò là nhìn bề ngoài thì tình hình an ninh, chính trị của Việt Nam rất ổn định, nhất là sau đợt dịch cúm khủng khiếp, thế giới tổn thất không biết bao nhiêu nhân mạng, tiền của nhưng Việt Nam vẫn trụ vững, không có tình trạng chết do dịch xảy ra, Việt Nam trở nên hấp dẫn vô cùng trong mắt giới đầu tư, giới kinh doanh lữ hành và các lĩnh vực khác. Điều này là một hứa hẹn phát triển toàn diện nếu chính phủ Việt Nam biết tranh thủ cơ hội.
Mối nguy bùng nổ tai họa...
Nhưng, nếu như nhìn từ bên ngoài, Việt Nam hấp dẫn bởi nhiều thứ thì, nhìn từ bên trong, đụng đâu tại Việt Nam cũng thấy lắm vấn đề, từ nhân tâm cho đến cơ chế hoạt động kinh tế sau dịch cúm và các phát sinh xã hội, dường như đụng đâu cũng thấy có chuyện để bàn, mà toàn chuyện đáng sợ. Việt Nam phát triển công nghiệp du lịch đồng thời với phát triển dịch vụ nhà đất, có thể nói rằng giá đất tại Việt Nam tăng vùn vụt, tăng nhanh vào bậc nhất nhì khu vực. Và kéo theo giá đất tăng là hệ lụy tình cảm giữa người với người càng lúc càng xấu đi. Nếu như vài năm trở lại đây, tình cảm anh em, xóm làng bị sứt mẻ vì đất đai thì gần đây, câu chuyện tình cảm sứt mẻ như nó vốn có vẫn tiếp tục diễn ra song hành với tình trạng nổi lên và cát cứ một vùng của các nhóm cò đất. Mà nói chính xác hơn là các nhóm cò này chỉ đóng vai trò bình phong, đóng vai trò chó săn cho các nhóm lợi ích. Để phục vụ cho bề trên của họ, họ sẵn sàng đạp qua mọi luật chơi về mua bán, sẵn sàng lừa đảo khách hàng và sẵn sàng chém người chỉ vì một chút tiền nhỏ nhoi.
Và không riêng ở bất kì tỉnh nào, nếu như trước đây hầu hết các tỉnh đều có hàng loạt nhóm cò đất hoành hành dựa trên cơ chế xã hội đen thì dạo gần đây, các nhóm cò đất hoạt động trên nguyên tắc bất chấp nguyên tắc. Nghĩa là để đạt được mục đích lấy tiền từ túi người khác, họ không từ bỏ bất kì thủ đoạn hay chiêu trò nào, kể cả bịp bợm, lừa gạt và đe dọa tính mạng. Thử nghĩ, với một nhóm nghành nghề, nhóm kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành du lịch, hay nói khác, nhóm kinh doanh đặt nền móng cho dịch vụ du lịch là dịch vụ đất đai, nhà cửa, mà cung cách hành xử của những người có liên quan đều rất gấu, rất đáng sợ, đáng tránh như vậy thì liệu có bao nhiêu nhà đầu tư dám dịch chuyển, dám đặt bút ký một giao dịch nào đó để chuẩn bị cho tương lai kinh doanh?!
Chuyện nghe đơn giản là những nhóm cò nổ dậy, nhưng trên thực tế, nó phản ánh bề mặt và căn cốt văn hóa của xã hội. Một xã hội không thể phát triển được dựa trên nền tảng lừa bịp, đe dọa, léo hánh và cò cuốc. Một xã hội không thể thu hút bất kì nhà đầu tư nào một khi hành trạng con người trong xã hội đó đầy manh động và áp chế, hồ đồ.
Từ chỗ mối quan hệ xã hội Việt Nam hiện tại, hay nói khác đi là hiện trạng hoạt động kinh tế của Việt Nam đầy tính manh mún và manh động như vậy, rất khó để hi vọng vào một nền kinh tế phát triển trong tương lai. Có thể nói rằng sau đại dịch, không riêng gì Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đều có những biến động, thậm chí náo loạn và bạo loạn. Nhưng, sau đại dịch, cơ hội khép lại với quốc gia này thì nó lại mở ra với quốc gia khác. Việt Nam là một quốc gia mà tương lai phát triển có rất nhiều cơ hội. Rất tiếc là người Việt không nhìn ra cơ hội để phát triển nhưng số đông những người có liên quan đến lĩnh vực phát triển mạnh như đất đai lại chỉ thấy thời cơ để đục tiền người khác và bất chấp danh dự, uy tín, tình người để lấy cho được đồng bạc, bằng mọi giá lấy nó và không suy nghĩ gì thêm cho bản thân cũng như cộng đồng, quốc gia.
Từ một quốc gia đầy tiềm năng như Việt Nam hiện tại, nhìn rộng ra các quốc gia khu vực, các siêu cường, chỉ thấy toàn những mâu thuẫn và để giải quyết nó, hình như là cần một cuộc thay máu toàn triệt về mặt xã hội học. Nghĩa là cần một cuộc tổng sắp xếp các qui chuẩn đạo đức, thậm chí có tính áp đặt, chế tài để vãn hồi tình thế. Bởi với đà hiện tại, khi mà người trong nước tự mâu thuẫn với nhau, các quốc gia trong khối tự mâu thuẫn với nhau và hình như mượn mâu thuẫn bên ngoài để đề cao dân tộc tính nhằm cứu vãn tình thế là lựa chọn của không ít quốc gia… Tất cả đều đang làm một việc chung, đó là đổ thêm dầu vào chảo lửa chiến tranh. Thế giới trở nên bất an và con người trở nên hoang mang, khó lường!
Chính vì vậy, ngay trong lúc này, một người, nhiều người, một tộc người, nhiều tộc người cần phải giữ bình tĩnh. Bởi sự bình tĩnh không chỉ có lợi cho bản thân mà có tính đảm bảo cho tương lai cộng đồng, đất nước. Thậm chí sự bình tĩnh và suy nghĩ nhiều hơn về giá trị yêu thương có thể giải cứu thế giới khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nổ ra bất kỳ giờ nào! Bĩnh tĩnh, đó là câu thần chú của loài người lúc này, khi mà mọi giá trị đã bị đánh tráo bằng khả năng xung đột và lấn lướt thay vì giá trị thật của con người là yêu thương và khám phá khoa học, tu bổ tri thức của mình! Hãy yêu thương, hãy tập yêu thương khi chưa muộn!
Bài bình luận gần đây