(Từ trái qua: Phùng Thủy, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thành)
Xã hội Việt Nam đón nhận tin tức về Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam bằng những lời thì thầm, liên quan đến các vụ bắt bớ và khủng bố con người ở khắp nơi. Từ ngay trong thời gian giãn cách xã hội, các sự kiện cứ dồn dập, nhắm vào những người Việt Nam có thái độ chính trị khác biệt với nhà cầm quyền.
Rất nhiều vụ bắt giữ và kết án tù từ việc sinh hoạt trên các trang mạng từ đầu năm 2020, như đối với trường hợp Chung Hoàng Chương (Cần Thơ), Phan Công Hải (Nghệ An), Đinh Văn Phú (Dak Nông), Đinh Thị Thu Thủy (Hậu Giang), Nguyễn Văn Nghiêm (Hòa Bình)… trước đó, cũng có những trường hợp như ông Lê Văn Sinh (Ninh Bình), Trần Đình Sang (Yên Bái)… Không khi xã hội Việt Nam căng như dây đàn. Luật An ninh mạng đang phát tác như một ung nhọt, làm thối nát cuộc sống bình thường của 90 triệu dân, thì ngay sau đó, nhân ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, nghị định 15/2020 lại được tung ra, như một loại lưới cào, lạnh lùng và phi lý, thêm vây chặn với con người.
Sáng 22/5/2020, khắp trên các trang mạng loan nhanh tin nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bị bắt giải đi. Hình ảnh cho thấy hai nhân viên an ninh thường phục cặp tay Nguyễn Anh Tuấn dẫn đi ngay trên đường phố, vào lúc anh ngồi quán café cùng bạn bè. Chung quanh đó, thì có không ít nhân viên an ninh khác đón lỏng. Cách mà Nguyễn Anh Tuấn bị bắt vào thời điểm này, được dự đoán rằng vụ thảm sát ở Đồng Tâm sẽ được đưa ra giải quyết theo cách của nhà cầm quyền, trong thời gian sắp tới. Và đó có thể là một món quà của bộ phận nào đó trong nhà cầm quyền muốn lập công mừng đảng, đại hội 13 sắp tới.
Trước đó một ngày, blogger Phạm Thành (Bà Đầm Xòe) cũng bị bắt đi vì tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN. Điều ngạc nhiên nhất, là cả vụ bắt cóc Nguyễn Anh Tuấn và lẫn chuyện áp giải blogger Phạm Thành đi giam 4 tháng điều tra, công an đã không làm rõ những người này bị tội gì, vì sao. Thậm chí gia đình của của ông Phạm Thành, 68 tuổi, cũng không nhận được giấy tờ, biên bản nào thông báo về vụ bắt giữ.
Trước đó, anh Phùng Thủy, một người giao sách giúp cho Nhà xuất bản Tự Do, đã bị công an tổ chức săn đuổi và bắt giữ. Sau đó, anh Thủy bị an ninh tra tấn suốt nhiều tiếng đồng hồ, với các thủ thuật vô nhân tính có thể giết hại một người có tuổi bằng cha, anh của mình, chỉ vì anh không biết là các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do ở đâu, tổ chức hoạt động thế nào.
Trước Đại hội 13, hai vấn đề lớn sắp tới, là những rất điều mệt mỏi với nhà cầm quyền, là vụ thảm sát ở Đồng Tâm, với cái chết chấn động dư luận thế giới của cụ Lê Đình Kình, và vụ án Hồ Duy Hải, vốn đang bộc lộ những thối nát tận chân của nền tư pháp nhà nước Việt Nam. Điều kinh hoàng hơn, người dân Việt Nam lại nhận ra chân tướng những người đang cầm quyền là ai.
Nếu đúng như dự đoán, thì để đối phó với lực lượng truyền thông tự do, nhà cầm quyền đã áp dụng cách bẻ bút trước, mở rộng khủng bố với những người phản biện, và giới hoạt động xã hội dân sự. Mọi thứ nhằm chuẩn bị cho những vấn đề phải đưa ra dư luận sắp tới, đặc biệt là vụ thảm sát Đồng Tâm. Cách làm này của nhà cầm quyền, tương tự như trò cúp điện hay tắt micro hèn hạ ở các phiên tòa, khi phía nhà nước độc tài đuối lý trước các luật sư.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hay blogger Phạm Thành đều là những người hoạt động bằng ngôn luận và hoàn toàn không phải là mối nguy của xã hội. Rất khác với nhiều biểu hiện và tội lỗi của nhiều quan chức đảng Cộng sản, cả hai người bị bắt nói trên luôn chọn đứng về lẽ phải, đứng về nhân dân - những kẻ thấp cổ bé miệng. VIệc bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Thành, tựa như làm vỡ òa sự căng thẳng theo dõi tình hình xã hội của người dân lâu nay.
Ông Phạm Thành là người có nhiều tác phẩm tạo tiền lệ, khẳng định quyền tự do của một công dân trong thời đại độc tài. Cò Hồn Xã Nghĩa hay Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo... Những quyển sách đó đã chứng minh sức mạnh tinh thần của ông, vượt xa những cáo trạng sắp tới đây mà nhà cầm quyền sẽ áp cho ông.
Năm 2011, Nguyễn Anh Tuấn công khai tuyên bố rằng mình đang tàng trữ những tài liệu phản biện xã hội mà nhà cầm quyền gọi tên là phản động, là thứ bị quy kết thành tội trạng. Anh thách thức nhà cầm quyền bắt anh vì điều này. Hơn nữa, việc kiên trì đòi công lý cho các nạn nhân Formosa và Đồng Tâm, khiến Tuấn luôn là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Hôm nay, việc im lặng bắt và áp giải Nguyễn Anh Tuấn ở một quán cafe, cho thấy cách thức của một hệ thống, còn thấp kém hơn cả suy nghĩ tự do của một thanh niên.
Dù ngay trong buổi chiều của ngày bị bắt giữ, Nguyễn Anh Tuấn được trả về nhà, nhưng ai cũng hiểu rằng, mọi thứ sẽ căng thẳng hơn, từ đây.
Trước đại hội 13, tình trạng bắt bớ lại bùng phát. Nó cũng là thông lệ trước các đại hội của người cộng sản. Hiển nhiên, thông lệ này nhắc người dân rằng trước những sự kiện trọng đại hay niềm vui của những đảng Cộng sản, lvẫn uôn kèm theo tình trạng bắt bớ và tù đày như một khúc dạo đầu muôn thuở của nhà nước độc tài.
Bài bình luận gần đây