Mười lăm ngày giãn cách xã hội tại Việt Nam sắp qua, nhưng, rất có thể thời gian giãn cách sẽ tiếp tục kéo thêm 15 ngày nữa, cho đến 30 tháng Tư nếu như dịch cúm Vũ Hán chịu dừng, không có thêm ca dương tính nào nữa. Nhưng, mọi chuyện bây giờ, không riêng gì Việt Nam, tất cả đều là ẩn số. Cũng từ cái ẩn số ấy, lại có thêm hàng trăm chuyện khác phát sinh, từ người nghèo thiếu ăn cho đến óc công thần, nguy cơ bùng phát tính côn đồ và cả việc người ta phản tĩnh, suy tư về thân phận của con người cũng như ý nghĩa, giá trị của ngôi nhà, mái ấm gia đình.
Ở vấn đề người nghèo đối mặt với nguy cơ thiếu ăn, có thể nó đã rõ, có nhiều người nghèo bị ảnh hưởng rất nặng vì giãn cách. Nhưng bù vào đó, cả chính phủ và những nhà hảo tâm đã kịp thời có chương trình hỗ trợ người nghèo bằng tiền (của chính phủ, vẫn chưa tới tay dân) và gạo (của nhà hảo tâm). Đương nhiên, cả chính phủ và nhà hảo tâm không thể nào đến từng nhà hay đi từng làng, từng xã để biết được đâu là người nghèo thật, đâu là người nghèo giả. Bởi cái nghèo của Việt Nam, đặc biệt là nghèo có giấy chứng nhận cũng có lắm vấn đề, nó phụ thuộc vào mối quan hệ quen biết giữa chủ hộ với cán bộ địa phương, nên cũng khó nói!
Trong cuộc giãn cách lịch sử này, có thể nói đây là một ấn chứng lịch sử, một động thái chính trị mà ở đó, mọi người dân, mọi người trên mặt địa cầu này có cơ hội để biểu lộ tâm tính, căn để của mình nhiều nhất. Có thể nói là vậy! Và, có nhiều người, rất mừng là người Việt trên mọi nơi, mọi đất nước đã trải lòng mình, đã góp tay, may từng chiếc khẩu trang, quyên từng ký gạo cho những người đang cần nó. Điều này vô hình trung gợi lại những câu tục ngữ tưởng chừng đã bụi mờ nhưng chứa máu lệ của ông bà, tổ tiên, rằng “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”… Dường như người Việt, đại đa số người Việt đã quay trở lại với bản thể thuần nhiên, hồn hậu của mình trong cơn đại dịch này!
Nhưng, khi đã lộ căn tính, thì đương nhiên có căn tính tốt, cũng có căn tính xấu. Rất tiếc, những kẻ lộ căn tính xấu đều liên quan tới quan chức địa phương và những đầu gấu, cô hồn các đảng. Có nhiều vụ ma cô xông vào đánh công an, đánh cán bộ y tế khi được dừng xe, yêu cầu đo thân nhiệt và phát khẩu trang miễn phí để đeo, có vài vụ tai nạn xảy ra do tài xế xe tải nhân lúc cảnh sát giao thông không tác nghiệp, chở đất đá đi bán cho khách và phóng nhanh, vượt ẩu, gây ra những cái chết thương tâm cho người đi đường. Và, đặc biệt có những vụ cán bộ không đeo khẩu trang, khi đi qua trạm thì chống đối, đập bàn, quát tháo, cự cãi với cán bộ y tế, công an… Điển hình là vụ một ông Phó chủ tịch huyện ở tỉnh Bình Phước, nhưng qua các video clip, còn rất nhiều vụ cán bộ ăn nói thô thiển, vô văn hóa, thậm chí văng tục, không đeo khẩu trang, sỉ vả người thi hành công vụ…
Rõ ràng, ở đây, những cán bộ này tự cho họ cái quyền đạp lên trên pháp luật, đạp lên trên trách nhiệm làm người và không cần xét đến văn hóa hay lịch sự, bởi họ có quyền, nên họ thích gì thì nói vậy. Thậm chí, họ tự cho mình cả cái quyền đạp lên trên sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng và cả cái quyền được ngu dốt một cách hợp thức! Chưa dừng ở đây, có rất nhiều cán bộ khi vào các cơ quan để theo dõi tình hình chống dịch thì lại không chịu đeo khẩu trang, đi tụm năm tụm ba như không hề biết dịch là gì, thậm chí họ cũng không cần rửa tay bằng cồn trước khi cầm bút ký giấy xác nhận hay làm một việc gì đó… Dường như não trạng công thần vẫn còn rất nặng trong thế hệ cán bộ địa phương hiện tại. Và đương nhiên, nếu tìm những người trong danh sách chia sẻ với cộng đồng, hầu như khó, rất khó, vô cùng khó để tìm ra tên của một cán bộ nào đó. Có thể có những người mẹ nghèo, vượt cả chục cây số để đi góp chục trứng, góp vài ký gạo, góp vài trăm ngàn đồng hoặc vài triệu đồng ủng hộ khu cách ly. Thế nhưng, khi nói về các cán bộ địa phương, họ chỉ nổi trội trong việc quậy phá các khu cách ly. Trong vấn đề quậy phá, hình như cán bộ đại phương và giới ma cô có gì đó rất gần nhau! Thật đáng buồn!
Nhưng, trong chuyện buồn của thế giới, của Việt Nam, trong nỗi đau của biết bao nhiêu gia đình phải mất người thân, mất trong đau đớn, rồi thêm chuyện mất việc, mất thu nhập do đại dịch Vũ Hán gây ra, dường như trong sâu thẳm của câu chuyện, của tai họa vẫn có viên ngọc sáng. Điều đó giống như cái cây đã chịu nhiều vết thương, tự nó phải tiết ra sinh chất để bảo tồn mạng sống và cưu mang, bảo bọc vết thương mà tạo sự sống, tạo lõi cứng cho mình (như cây dó bầu tạo trầm hay cây xương rồng, cây thông tạo kỳ nam hay hổ phách chẳng hạn!). Dường như những khái niệm, giá trị về ngôi nhà, căn nhà hay gia đình đã được định dạng lại một lần nữa.
Nếu như trước đây, vì công việc, vì mọi thứ tham vọng trong đời sống, người ta phải gắn với nhiều thứ giá trị bên ngoài mà đa phần có tính phù phiếm hơn là gắn với ngôi nhà, gia đình. Thì đến khi có lệnh cách ly, mọi người lại có cơ hội gắn với ngôi nhà, gắn với gia đình nhiều hơn. Có người lấy làm ngỡ ngàng vì ngôi nhà của chính mình xây ra, gắn với nó lại quá đỗi mới lạ với mình khi phát hiện ra những chi tiết, những đường nét vốn cố hữu nhiều năm nay nhưng mình không hề biết, thậm chí một góc ngồi quen thuộc đã bỏ quên. Và, với vợ con, hay với cha mẹ cũng vậy. Người ta chợt nhận ra có quá nhiều sơ xuất, sai sót với cha mẹ, vợ con. Và khi mọi người ra vào, quanh quẩn trong khuôn viên gia đình, ngôi nhà, người ta mới có cơ hội để nhìn nhận lại những giá trị tình cảm của tha nhân và của chính mình.
Điều đó cũng mơ hồ lý giải tại sao lâu nay có chuyện ngoại tình hoặc ly hôn, bởi có những thứ vì lý do công việc, người ta quá bận, và cũng chẳng biết chia sẻ, trải lòng ra sao với bạn đời, hơn nữa, do công việc thôi thúc, ràng buộc, người ta giải bày với đồng nghiệp… Và mọi thứ sinh sự cũng bắt đầu từ chỗ này, ngoại tình, phản bội cũng hình thành từ chỗ này. Mãi có đến khi có lệnh cách ly, người ta mới nhận ra rằng dường như cho dù có làm gì, vùng vẫy cỡ nào thì đến khi chết đi, gia đình vẫn gắn bó bên mình, và vui buồn, đau khổ hay hạnh phúc gì nữa thì cũng chỉ có bạn đời là chia sẻ với mình nhiều nhất. Mọi thứ tình cảm bên ngoài gia đình, có vẻ như đó là ảo giác và giờ không có nó, người ta vẫn sống được, thậm chí sống tốt hơn lúc không có nó… Và, vô hình trung, đại dịch lại giúp cho người ta nhìn thấy được căn tính của mình!
Nhưng, giá như loài người chúng ta cũng từng và đã sống chậm như thế này lúc chưa có dịch, giá như mọi giá trị cuộc sống cũng tràn đầy như lúc này, giá như con người không bị cuốn theo trận gió đen, trận gió ma quái của những loại sản phẩm local đầy tội ác của Trung Cộng ngay từ đầu?! Rất tiếc, khi nói “giá như” thì mọi chuyện đã quá muộn màng! Vấn đề là từ bây giờ, chúng ta sẽ sống ra sao. Và, khi viết bài này, tôi cũng mong một thứ ước mong có chút gì đó nghịch lý, nghịch nhĩ. Đó là tôi mong thời gian giãn cách kéo dài thêm chút nữa, để lòng lân mẫn con người, đặc biệt là người Việt được nối dài thêm chút nữa và để cho những kẻ hợm hĩnh, kệch cỡm, vô văn hóa đang giấu mình trong các cơ quan nhà nước có cơ hội lộ mặt thêm. Bởi tất cả những biểu lộ lúc này là cần thiết.
Bởi hơn bao giờ hết, lúc này, con người đủ rảnh rỗi và yên tĩnh để soi lại chính mình và soi lại thế giới mình đang sống! Bởi hơn bao giờ hết, nguy cơ bùng phát dịch vẫn treo lơ lửng trên đầu, và nguy cơ bùng phát não trạng công thần cũng là một đại họa của dân tộc!
Bài bình luận gần đây