--- Chào 45 năm, sự biến mất của một nước Cộng hòa miền Nam ---
Tôi là ai, giữa dòng định mệnh mang tên Việt Nam? Câu hỏi đó vẫn theo đuổi tôi, buộc tôi phải luôn nhìn lại mình, nhìn những khát vọng co rút lại như miếng da lừa, và đếm lại tuổi trẻ hoang phí, ngu ngơ trước cối xay gió thời cuộc bên đường.
Ký ức lớn nhất của những ngày thơ ấu mà tôi luôn bị ám ảnh, đó là một buổi sáng nắng gắt, trên mặt đường đầy quân trang vứt la liệt khắp nơi. Tiếng người gọi nhau. Tiếng xe hỗn loạn. Tay mẹ nắm chặt tôi như sợ tôi vụt mất đi, y như một quốc gia miền nam Việt Nam đã tan biến kỳ lạ sau cuộc chiến tranh dai dẳng hai mươi năm.
Từ lúc đó, tôi lớn lên, loay hoay nhiều năm với việc lựa chọn mình phải là gì, phải như thế nào để được chấp nhận là một sinh linh hợp pháp trong một quốc gia mới, có tên Cộng sản.
Cuộc sống của một người Việt Nam không đơn giản đâu bạn ạ. Nếu mười năm hay hai mươi năm nữa, khi được hỏi, tôi cũng sẽ nhắc lại, y như vậy không khác gì. Nhưng chúng ta vẫn có thể vẽ lại nó.
Năm lớp ba, tôi học ở ngôi trường cách không xa trung tâm Sài Gòn, nhưng hẻo lánh và nghèo nàn như một ngoại ô. Thằng bạn cùng tuổi có cuốn truyện tranh của chế độ mới, kể về anh bộ đội chiến đấu giỏi, mà tôi mượn mãi không được. Cuối cùng thì nó đồng ý cho mượn xem, nếu như tôi mang đồ ăn cho nó. Ấy vậy mà sau khi ngồm ngoàm hết món tôi đưa, nó vẫn không cho mượn. Giận quá, tôi gào lên với nó bằng một câu nói mà thời đó, tôi hay nghe người lớn chỉ vào mặt nhau: “Đồ bợ đít cộng sản”.
Thằng bạn cũng nổi giận- dường như câu nói đó vào cuối những năm 1970 là rất nặng nề thì phải. Nó lập tức chạy vào lớp và kể với cô chủ nhiệm rằng tôi đã gọi nó là “cộng sản”. Bà cô nghiêm mặt, trầm giọng nói tôi ở lại cuối giờ để nhận mức trừng phạt.
Tôi sợ hãi, co ro ở cuối lớp và chờ sự trừng phạt vào chiều hôm ấy. Thế nhưng kỳ lạ thay, cô chủ nhiệm nhìn quanh khi không còn ai, bước tới nắm tay tôi, nói dịu dàng và lo lắng: “Con không được nói như vậy nữa, rất nguy hiểm biết không?”. Sau này, tôi mới biết cô có người em trai là sĩ quan của chế độ cũ phải đi tù- mà nhà nước mới gọi là học tập cải tạo.
Nhà trường vẫn là nơi đổ đầy vào đầu trẻ con miền Nam những câu chuyện thú vị về những con người mới đến từ miền Bắc, về một ông cụ có râu dài, da mặt hồng hào được gọi là Bác Hồ.
Là trẻ con, tôi cũng bị hút theo những điều mới lạ như vậy. Một ngày kia, tôi đeo khăn quàng đỏ chạy về nhà ăn cơm với mẹ và các chị. Tôi khoe học được rất nhiều điều, và kể cho mẹ tôi “Bác Hồ biết nói đến sáu mươi thứ tiếng, trong khi Đức Giáo Hoàng chỉ biết có năm thứ tiếng thôi, thầy con nói vậy”. Cả nhà tôi im lặng ăn, không ai nói với ai tiếng nào. Nhà tôi lúc đó vắng người. Các anh rể thì đi học tập cải tạo, còn các chị thì đang ngồi tù vì vượt biên không thành.
Sau các câu chuyện kể từ bài học mới của tôi, mang từ nhà trường xã hội chủ nghĩa về, ở nhà có thêm những tiếng thở dài.
Dù chỉ là trẻ con, tôi vẫn nhận ra có những điều gì đó mâu thuẫn, rách nát trên một bề mặt cuộc sống được đậy kín, ca vang những bài ngợi ca đời mới tươi đẹp. Nó là tiền đề để tôi nhìn, nhận thức của mình bị cào cấu, và cuối cùng nát vụn mọi thứ trong tôi qua từng niên kỷ, khiến tôi phải tự khâu vá đời mình cho đến hôm nay.
Cuộc sống niên thiếu trôi qua lãng đãng trong thống khổ. Tôi nhớ những chén bo bo dành cho ngựa ăn với đường chảy mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào những mùa miền Nam đói quặn. Tôi nhớ những ngày xếp hàng rã rượi để lãnh được mấy ổ bánh mì theo nhân khẩu, vác vội về nhà rồi ăn ngấu nghiến như ngày mai là tận thế. Tôi nhớ những đêm bọn trẻ đua xe đạp điên cuồng, gào thét trong những đêm cúp điện triền miên để giải trí.
Nhà trường, các anh chị cán bộ dạy dỗ nói rằng tội ác xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh khiến người Việt Nam phải chịu khổ như vậy. Mọi người nghe, và hò hét vỗ tay như trò giải trí của bọn trẻ chúng tôi vào những đêm cúp điện, nóng hực.
Rồi mọi thứ dần đổi thay, tôi cũng đổi thay.
Thật cám ơn những thùng sách vở từ chế độ cũ mà gia đình tôi, mẹ tôi quyết tâm giấu giữ lại, bất chấp việc truy lùng, bắt, đốt của chính quyền như thời chống dị giáo. Như đứa trẻ may mắn tìm được lối đi bí mật đến được vùng đất phép thuật Narnia, tôi tìm thấy một thế giới khác cho mình, chìm đắm vào đó. Thậm chí có những ngày tôi trốn học về nhà chỉ để ôm sách ra vườn đọc.
Sách giúp tôi vượt qua những bữa ăn cơm độn khoai lẫn cát. Sách giúp tôi chỉ hô vang một lần ở những buổi mít-ting bắt buộc, rồi dành thời gian để quan sát đám đông đỏ mặt, hổn hển vô nghĩa.
Từ sách, tôi biết nước Việt mình rõ hơn. Biết số phận dân tộc mình nhiều hơn, và ý thức được về bản thân mình trong một nhà nước cộng sản là như thế nào. Và tôi cũng biết nhiều hơn về ông cụ có bộ râu dài, da mặt hồng hào, mà mọi người gọi là Bác Hồ.
Không biết từ khi nào, tôi đã bị ám ảnh về sự thật. Và thật may mắn- hay xui rủi, tôi cũng không biết- tôi lại khao khát muốn được sống cuộc đời cống hiến cho hiện thực. Tôi muốn làm một công dân Việt nói lên sự thật và trình bày những gì tôi thấy, bất chấp điều đó có thể tước quyền, không cho tôi làm thần dân trong vương quốc Cộng sản.
Tôi là ai vậy? Có lúc tôi tự hỏi.
Mang trong đầu đầy những điều khác lạ so với các bài giảng, với nhà trường, với các buổi học chính trị, và âm thầm khác biệt ngay cả trong thời kỳ tôi được ưu ái, bầu chọn là phó bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản, được coi là “hạt giống quốc gia”.
Những ngày tháng đó, tôi cũng đã tự hỏi mình: phải ra sao? Và khi nào thì có thể sống nguyên vẹn là mình mà không cần tung hô, là một người Việt Nam thuần túy với danh dự, trách nhiệm và duy chỉ tổ quốc mà thôi?
Nhiều năm trước, khi được gọi là nhà báo và là nghệ sĩ, tôi thấy mình quá mệt mỏi với trò hai vai trong một vở kịch đời, nên tôi tự quyết định rút lui và chỉ chọn một bộ mặt để sống. Một trong số rất đông học trò của tôi lúc ấy, dũng cảm nói thẳng vào mặt tôi rằng “Tội nghiệp thầy, nếu thầy không phản động, thầy đã có hết mọi thứ”.
Thật là một nhận xét đáng nhớ và cần thiết.
Tôi có hèn yếu không, khi không gánh nổi cái trò một đời-hai vai mà hàng triệu người già trẻ Việt Nam vẫn đang làm, hay bị buộc phải vào vai? Chọn một bộ mặt đúng như mình muốn, tôi đã nếm thất bại rất nhiều, từ chuyện bị đuổi việc liên tục hết nơi này đến nơi khác, bị hành hạ tinh thần bởi các cơ quan văn hóa lẫn an ninh…
Hóa ra, đôi khi không nhận hai vai, mọi thứ lại còn phức tạp hơn, nhất là trong cuộc sống phải được cho phép từ một nhà nước độc tài.
Có những lần nghĩ ngợi như vậy, tôi thường tự đặt câu hỏi rằng, một trí tuệ như đại công thần Nguyễn Trãi, khi đón Lê Thái Tông ở Chùa Côn Sơn, ắt đã biết lành ít dữ nhiều. Vậy sao Nguyễn Trãi không cúi đầu van xin, không quỳ xin sống? Người có thể viết một bản văn, đã xua được cả một đạo quân phương Bắc lại không cất lời thuyết phục vua?
Chắc chắn vì Nguyễn Trãi không thể sống hai vai. Kẻ sĩ có thể mang nhiều giai đoạn của thời thế trong đời mình, nhưng chỉ có một bộ mặt để ngẩng lên và cất tiếng cười ngạo nghễ với đời.
Thầy Thích Tuệ Sỹ cũng ghi lại những câu chuyện như vậy, và trong bài Trí Thức Phải Nói, thầy viết: “Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược”.
May mắn thay, tôi biết viết, biết đọc, và hơn nữa, tôi là người Việt Nam. Giờ thì tôi chỉ còn phải cố gắng tập để mình không khiếp nhược, và giới thiệu sự không khiếp nhược đó cho những người chung quanh, đặc biệt trước thời đại cái ác ngày càng lộ nguyên hình.
Ai đó đã gửi đến một câu hỏi cho tôi “Người Việt hiện nay cần nhất là điều gì?”. Đó là câu hỏi rất lớn, mà cũng rất nhỏ.
Người Việt hôm nay đã có đủ tất cả, và thậm chí dư thừa hơn ngày trước rất nhiều. Từng bữa ăn của đầu thập niên 1980, gia đình tôi phải dành miếng thịt ít ỏi có được cho bà ngoại, đau yếu quanh năm. Nhưng những đưa trẻ hôm nay đang phát ốm vì được ép ăn quá nhiều thịt. Không những vậy, hãnh tiến nhiều hơn, chia rẽ nhiều hơn và thù hận vì lý tưởng cũng được tổ chức công phu hơn ở cấp nhà nước.
Người Việt cần nhất điều gì? Tôi chỉ xin chọn một điều, đó là người Việt trở về là người Việt, biết chọn lẽ phải và sự thật, biết nổi giận trước cái ác và biết nhục khi còn bao biện trong việc quỳ gối trước cường quyền.
George Orwell kể rằng khi những con lợn con được nuôi dạy và quay lại trang trại, chúng chỉ còn biết máng ăn và tuân lệnh.
Người Việt phải là người Việt thì mới có thể chọn những thứ khác hơn là máng ăn và thuần phục. Người Việt phải là người Việt mới có thể nhìn vào núi sông, tổ tiên ngàn năm đã đổ máu để gìn giữ sự tự do cho con cháu hôm nay.
Vì sao đó là điều cần nhất?
Vì bởi một tương lai sẽ tới của một dân tộc Việt tự do và trường tồn với lòng kiêu hãnh, không cần những kẻ đã quen làm nô lệ, không cần những kẻ hai vai, hai mặt. Đất nước phát triển lộng lẫy làm gì khi con dân Việt trở thành bầy đàn đớn hèn và chỉ còn biết máng ăn của mình?
Khi đọc đến đây, ai đó sẽ nói rằng tôi đang chống cộng? Nhưng đúng nhất, là tôi chống sự mất mát của người Việt, mất mát màu da, tiếng nói mà tôi đã nhận mình là một phần trong đó.
Sinh ra làm người Việt là điều không thể chọn, tôi thấy mình đã đứng trong đời Việt như một định mệnh đầy biến động và trắc trở. Nhưng dù định mệnh như thế nào, thì chúng ta vẫn có thể chọn không làm kẻ hèn, không làm nô lệ cho bất kỳ ai, cho triều đại nào.
Cộng sản cũng là những người đã chọn hai vai: giả vờ yêu nước và mưu mô cầm giữ quyền cai trị mãi mãi với dân tộc. Nhưng rồi cũng đến lúc họ phải chọn một, và một đó thuộc về sự thật.
Không có gì không thể thay đổi- lịch sử đã cho thấy như vậy- và mỗi người Việt đều có thể thay đổi bản thân mình từ một kẻ vong quốc, vô dân tộc ngay trên quê nhà, trở lại là một người Việt đúng nghĩa.
Từng niên kỷ, tôi đã đập vỡ sự hào nhoáng ngu muội của mình, bật máu, rồi khâu vá lại mình.
Một buối sáng mùa xuân, tôi soi lại mình trong gương. Tôi là tôi tầm thường, tôi dại dột giữa khó khăn, tôi không thể nhận ơn huệ từ kẻ khác, nhưng tôi đã trên con đường trở về nơi chốn của mình: Tôi là người Việt.
-----------
(tựa khác: TỪNG THIÊN NIÊN KỶ, KHÂU VÁ LẠI MÌNH)
Bài bình luận gần đây