Đã nhiều đêm như thế, không chừng cũng đã hàng triệu đêm, kể từ khi con người còn là một sinh linh vô hình trôi nổi đâu đó trong vũ trụ cho đến khi máu đỏ xương trắng thành hình và đi suốt chặng đường làm người… Tiếng đất buồn thở than chưa bao giờ nguôi vọng.
Đã nhiều đêm như thế, đất mẹ rền vang tiếng buồn. Từ tiếng buồn đạn bom chiến tranh đến tiếng buồn than thở giun dế, tiếng buồn của người sống khóc cho người ngừng thở, tiếng buồn của người đi khóc cho người ở lại và người ở lại khóc cho người đi, tiếng buồn của những côn trùng dần vắng, tiếng buồn của không gian trầm đục bụi trần, tiếng buồn của hàng cây ngoi mình trong khói bụi, tiếng buồn của trùng trùng nỗi buồn vọng lại quanh ta.
Đã nhiều đêm như thế, nỗi hoang mang của con người đã chiếm trọn mặt đất này, khi người ta chưa kịp hoàn hồn về chiến tranh, chết chóc thì giật mình vì cái đói, lời đe dọa. Và chưa kịp nghỉ ngơi sau một chặng đường dài kiếm cái ăn mệt mỏi thì phải tiếp tục chạy, chạy mải miết vì dịch bệnh, lòng đố kị hay cả sự thù hận sâu xa giữa loài người với nhau. Và cả cây cối cũng đã bỏ mạng vì lòng tham và thù hận của con người.
Nhiều đêm, rất nhiều đêm người ta đã phải sống trong một khí quyển mà những vì sao thơ mộng cứ như một lời đe dọa bởi ngay cả bông hồng cũng không có quyền trổ bông thì làm sao con người có quyền lãng mạn ngắm sao.
Và cuộc sống trở nên trở trọi hơn bao giờ hết giữa những thứ giá trị phù ảo thoáng qua. Con người, ngay cả người đang ngồi nhấn bàn phím và người đang vô tình đọc qua những chữ này đều mang một chút gì đó bất an trước mọi thứ, mặc dù lòng yêu thương chúng ta không thiếu, mặc dù chúng ta luôn tìm trắc ẩn quanh mình và sẵn sàng chia sẻ, mặc dù chúng ta luôn an trụ trong niềm xác tín rằng chúng ta không làm việc xấu và tôn vinh cái đẹp, sự lương thiện và sẵn sàng trả giá cho điều đó nếu có. Nhưng chúng ta vẫn bất an, nỗi bất an cũng không phải từ bên ngoài. Bởi, nỗi bất an tự sâu thẳm lòng đất, nơi đã gắn cuống rốn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em và cả chính chúng ta vào đó, nỗi bất an, tiếng buồn rền nơi mặt đất làm chúng ta bất an mơ hồ và lo lắng cho bản thân, cho đồng loại.
Những tiếng rền ấy, hơn bao giờ, nó đang hiện hữu, đang tăng công suất và cường độ, dộng thẳng vào bức tường tâm can mỗi người và không dừng ở đó, chúng xuyên vào tâm linh, xuyên qua mọi thứ linh giác của vạn vật để hoành hành theo cách thế của nó. Chúng ta hoang mang và đớn đau nhưng chẳng thể làm gì!
Một ngày mùa Xuân, có tiếng súng giữa đêm khuya, lúc tờ mờ rạng đông, có một người già chết đi vì đạn bắn nát đầu gối, một người kia ngất đi vì mất chồng, và một người già khác bị bắn nát hông, thủng phổi nhưng may sao chưa phải chết liền, đã kịp thời được cứu sống với thân thể bầm dập, và cả một ngôi làng trở nên hoang mang tột độ bởi chính cái biểu tượng mà họ tin yêu, tôn kính ngày nào đang lạnh lùng mở cửa tử cho họ, chỉ dành cho họ!
Một ngày mùa xuân, từng đoàn người dắt díu nhau chạy trốn dịch bệnh, và không có nơi nào có thể dung cứu họ trên mặt đất này, bởi con người đều yếu đuối, mong manh như nhau trước dịch bệnh, và có nhiều người đổ xuống, hàng ngàn người, rồi hàng chục ngàn người mưu tìm sự sống nơi phòng cách ly, sống chết chẳng biết bao giờ… Dường như tiếng buồn đã tràn trên mặt đất, nước mắt của người không kịp sống và người sống muộn màng tràn khắp các châu lục, cả thế giới này, dường như chỉ còn các nước Bắc Âu là chưa bị cuống cuồng vì dịch. Nhưng cũng chưa biết đến bao giờ!
Đã nhiều lần như thế, tôi tự huyễn hoặc mình và hi vọng rằng Châu Phi sẽ là nơi không bị nhiễm Covid_19. Bởi châu lục này quá nghèo, bởi chẳng có ai muốn đi du lịch sang đây, bởi nơi đây có nhiều nắng gió, bởi người dân ăn còn chưa đủ nữa thì lấy đâu ra tiền mà đi du lịch để rồi mang dịch về quê hương! Và hi vọng rằng sẽ không có những biến cố nặng nề đến với châu lục nghèo đói này. Thế nhưng, bệnh vàng mắt vàng da cướp đi hàng ngàn sinh mạng chỉ chưa đầy một tháng. Mặt đất khô cằn nơi châu Phi nghèo khổ lại rên xiết vì những giọt nước mắt khô và mặn, đau mà trơ lì của những phận người băng qua gió cát và đói nghèo để tồn tại!
Và hằng đêm, tiếng buồn rền vang mặt đất, nơi người đã giết người, nơi máu của oan khiên và đau đớn đã đổ xuống một cách phi lý, không còn tình người, nơi của hàng triệu tấn rác sản sinh từ lòng ích kỉ và vụ lợi đã đổ vào dòng nước uống của đồng loại, nơi của hàng tỉ mét khối nước uống của con người, nước sinh hoạt và nước cho cây cối, mùa màng, thiên nhiên, vạn vật đã đã bị lòng ích kỉ chặn đứng. Tội ác này rồi sẽ phải trả giá. Nhưng đợi đến khi kẻ thủ ác trả giá thì có không biết bao nhiêu sinh mệnh, số phận đã đổ gục trong hạn hán.
Rõ ràng, ở đây, hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long là thứ hạn mặn của lòng ích kỉ và tội ác con người. Mà cụ thể, chính quyền Trung Quốc hiện tại phải chịu trách nhiệm về điều này. Bởi khi thế giới con người đã rộng mở vòng tay nhân ái, anh không thể viện lý do vì lợi ích của một nhóm nhỏ trong dân tộc của anh mà đè nén, cắt đứt mạch sống của dân tộc khác! Và, việc chặn đứng dòng chảy, nếu xét về bản chất, đó cũng là hành vi xâm lược. Bởi mục tiêu cuối cùng của xâm lược là chiếm lãnh thổ, tài nguyên. Ở đây, anh chặn đứng dòng tài nguyên của quốc gia, dân tộc khác và biến một vùng sinh thái trở thành vùng đất chết thì còn đáng sợ và tội ác còn ghê gớm hơn cả xâm lược!
Đã nhiều đêm, mặt đất buồn bởi lòng tham của kẻ này và sự nhẫn nhục của người khác, cả tội ác và sự chịu đựng đều không xứng đáng tồn tại trên mặt đất này. Bởi mặt đất này chỉ trở nên sinh động khi lòng yêu thương, sự chan hòa với thiên nhiên, vạn vật được xem trọng, được đặt lên thành ý nghĩa sống còn hay tồn tại. Rất tiếc, đã nhiều đêm, tiếng buồn cứ vang vọng nơi mặt đất này. Và con người cứ phải cúi mặt, lầm lũi chịu đựng mà đi.
Đến bao giờ con người ngẫng mặt như một con người lương thiện và có lòng tự trọng thì ắt hẳn, lúc ấy chúng ta không phải hoang mang hay bất an, lo lắng điều gì nữa. Bởi lúc ấy, lòng trắc ẩn và yêu thương đã trở lại, nó trở lại một cách tự nhiên, hiền hòa và không nhân danh bất kì thứ chủ thuyết nào! Đơn giản, yêu thương là yêu thương!
Bài bình luận gần đây