Ông Trương Duy Nhất tại tòa (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Phiên tòa xét xử Trương Duy Nhất tại Hà Nội được mở vào sáng ngày 28/2 phải hoãn lại vì vắng mặt những người liên quan và luật sư (do không được tòa triệu tập). Phiên xử dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 9/3 theo thông báo của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Ông Trương Duy Nhất bị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố ra tòa về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.
Theo cáo trạng cáo buộc, vào năm 2004, khi Nhất đang là Trưởng Văn phòng đại diện Trung Trung Bộ của báo Đại Đoàn Kết, được giao nhiệm vụ liên hệ với chính quyền Đà Nẵng xin cấp hoặc thuê nhà đất công sản để mở Văn phòng đại điện. Tuy nhiên, Nhất đã làm sai công vụ khi tiến hành mua nhà đất công sản với giá ưu đãi có địa chỉ tại số 82 Trần Quốc Toản, nhưng sau đó bán lại cho Công ty Xây dựng 79, gây ra thiệt hại cho nhà nước gần 14 tỷ đồng.
Nhiệm vụ khó, muốn thành công phải “vượt rào”
Vào năm 1995, báo Đại Đoàn Kết có chủ trương mở Văn phòng đại diện đặt tại Đà Nẵng, nhưng vì tài chính eo hẹp, báo này không có khả năng mua nhà đất, mà chỉ xin cấp hoặc thuê, và giao cho Trương Duy Nhất liên hệ với chính quyền địa phương để tiến hành công việc.
Nhất đã hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn sự kỳ vọng khi kiếm được địa điểm làm việc cho Văn phòng đại diện của báo Đại Đoàn Kết đặt tại vị trí đắc địa ở trung tâm TP. Đà Nẵng mà không phải trả bất cứ một đồng nào, được sử dụng miễn phí trong vòng 30 năm.
Nhất đã làm việc này bằng cách tận dụng chính sách, mối quan hệ và ... vượt rào.
Một mặt, Nhất ký công văn xin mua nhà đất công sản tại số 82 Trần Quốc Toản theo chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của chính quyền Đà Nẵng với giá ưu đãi theo Nghị định 61-CP, mặt khác Nhất ký hợp đồng với Công ty Xây dựng 79 để hoán đổi công sản này lấy cơ sở hạ tầng sử dụng.
Tháng 7/2004 UBND TP. Đà Nẵng đồng ý bán nhà đất công sản này cho báo Đại Đoàn Kết với mức giá ưu đãi là hơn 674 triệu đồng. Chỉ một tháng sau, Nhất ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), trong đó nêu rõ nội dung: “Vì báo Đại Đoàn Kết không đủ tài chính để mua và đầu tư xây dựng trụ sở, nên báo này đồng ý để Công ty Xây dựng 79 trả số tiền hơn 674 triệu cho UBND TP. Đà Nẵng và bỏ thêm 800 đến 1 tỷ để đầu tư xây dựng trên khu đất này. Đổi lại Công ty Xây dựng 79 được toàn quyền sở hữu, sử dụng nhà đất này và báo Đại Đoàn Kết được quyền sử dụng toàn bộ diện tích tầng 2 của ngôi nhà này để đặt trụ sở văn phòng đại diện trong thời hạn 30 năm”.
Đầu tháng 10/2004, Nhất trình báo cáo gửi lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết về các nội dung đã ký kết và xin ý kiến chỉ đạo. Tại báo cáo này, ông Lê Quang Trang, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết có bút phê “chấp thuận hợp đồng đã ký và tiếp tục giải quyết theo nội dung đã ký”.
Đến ngày 12/11/2004, ông Lê Quang Trang đã ký Quyết định số 112/DDK, nội dung nêu rõ “chấp nhận Hợp đồng nguyên tắc đã ký với Công ty Xây dựng 79, và ông Trương Duy Nhất có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng đã ký kết, trong đó có việc tiến hành các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79”. Ngoài ra, Quyết định này còn nêu rõ nội dung “ủy quyền” cho ông Trương Duy Nhất liên hệ với cơ quan chức năng Đà Nẵng tiến hành các thủ tục pháp lý để thực hiện Hợp đồng.
Như vậy, nhờ vào sự “vượt rào” của Trương Duy Nhất, nhiệm vụ được giao đã thành công ngoài mong đợi. Cách làm này đều được lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết, cũng như UBND TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ chấp thuận.
Đến ngày 23/11/2004, sau khi được mua nhà đất công sản tại số 82 Trần Quốc Toản từ chính quyền Đà Nẵng, theo sự ủy quyền của Tổng biên tập, Nhất ký quyết định bán lại nhà đất công sản này cho Công ty Xây dựng 79. Ngày 17/12/2004, UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng nhà đất này cho Công ty Xây dựng 79.
Cơ chế phải “quan hệ cộng sinh” mới làm được việc
Vấn đề được đặt ra nếu ông Nhất không có quan hệ với Vũ “nhôm” liệu có được chính quyền Đà Nẵng bán công sản với giá ưu đãi cho báo Đại Đoàn Kết? Lưu ý rằng từ tháng 10/1996, báo Đại Đoàn Kết đã có công văn gửi chính quyền Đà Nẵng xin được cấp hoặc thuê một căn nhà để mở Văn phòng đại diện, nhưng ít nhất 6 năm sau đó báo này vẫn không có nơi để cắm dùi tại miền Trung.
Việc này chỉ thay đổi khi mối quan hệ giữa Vũ “nhôm” và Trương Duy Nhất được thiết lập. Công ty Xây dựng 79 của Vũ nhôm ra đời vào năm 2002, và chỉ một năm sau đó quá trình kiếm địa điểm mở Văn phòng đại diện của báo này được xúc tiến nhanh chóng, mà chính ông Nhất đã gửi báo cáo cho lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết nêu rõ rằng, có được kết quả này nhờ “Công ty Xây dựng 79 tác động lên UBND TP. Đà Nẵng”.
Như vậy, trong vụ việc này có thể nói rằng ông Trương Duy Nhất (đại diện của báo Đại Đoàn Kết) thực hiện mối “quan hệ cộng sinh” với Công ty Xây dựng 79 và UBND TP. Đà Nẵng để có được trụ sở làm việc cho Văn phòng đại điện báo Đại Đoàn Kết. Nhờ vào mối quan hệ này, Công ty Xây dựng 79 đã tác động lên UBND TP. Đà Nẵng bán công sản cho báo Đại Đoàn Kết với giá ưu đãi. Sau đó báo Đại Đoàn Kết bán lại công sản này cho Công ty Xây dựng 79 để đổi lấy hạ tầng sử dụng trong thời hạn 30 năm. Về mặt kinh tế, ông Nhất đã làm lợi cho báo Đại Đoàn Kết khi giúp cơ quan này mở Văn phòng đại diện ở vị trí đắc địa, được quyền sử dụng trong 30 năm mà không phải trả một phí tổn nào.
Truy tố không công bằng
Cơ sở pháp lý để truy tố Trương Duy Nhất trong vụ án này được dựa vào kết quả giám định của Hội đồng Định giá Tài sản Trung Ương kết luận việc được mua giá ưu đãi từ UBND TP. Đà Nẵng rồi bán liền tay cho Công ty Xây dựng 79 đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 301 triệu đồng tại thời điểm năm 2004, nhưng tính tại thời điểm vụ án được khởi tố vào tháng 4/2018 là gây ra thiệt hại gần 14 tỷ đồng.
Việc sử dụng kết quả giám định này để truy tố ông Nhất rõ ràng là có vấn đề. Bởi việc xác định thiệt hại được dựa vào giá trị gia tăng của bất động sản theo thời gian, cộng với sự chênh lệch giá của đồng tiền sau hàng chục năm để nâng số thiệt hại từ 301 triệu thành 14 tỷ là thiếu cơ sở về mặt pháp lý hình sự.
Cũng với cách tính như vậy, liệu 14 tỷ đồng có đủ thuê địa điểm tại vị trí đất vàng tại số 82 Trần Quốc Toản ở TP. Đà Nẵng trong vòng 30 năm hay không? Điều đó cho thấy việc xác định thiệt hại theo cách tính của Hội đồng Định giá Tài sản Trung Ương vừa không thực tế lại vừa thiếu cơ sở pháp lý.
Ban đầu ông Nhất bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên trong suốt quá trình biệt giam ông Nhất để điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã không chứng minh được ông Nhất có hành vi chiếm đoạt tài sản. Cũng như không chứng minh được hành vi đưa nhận hối lộ giữa Nhất và Vũ “nhôm”. Cuối cùng phải chuyển tội danh từ "chiếm đoạt tài sản" thành tội “thi hành công vụ sai gây thiệt hại cho nhà nước”, và áp đặt cách tính giá trị thiệt hại từ 301 triệu lên gần 14 tỷ đồng, nhằm đưa vào khoản 3 điều 356 BLHS (có khung hình phạt thuộc trường hợp phạm tội “rất nghiêm trọng” theo luật định) nhằm loại bỏ yếu tố miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Nhất khi áp dụng thời hiệu truy tố.
Trong khi đó người chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất ở báo Đại Đoàn Kết cho vụ mua bán này chính là ông Lê Quang Trang – Tổng biên tập, cùng với các Phó Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết lúc bấy giờ lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều đó cho thấy ông Trương Duy Nhất đã không được đảm đảm quyền xét xử công bằng trong quá trình tố tụng. Ở vụ án này, giới chức chỉ đang nỗ lực tìm cách hợp pháp hóa việc đưa ông Nhất vào tù vì lý do chính trị hơn là chống tham nhũng.
Bài bình luận gần đây