Cho đến thời điểm hiện nay, khi mà đại dịch corona Vũ Hán hoành hành Trung Quốc và có mặt gần như khắp các châu lục trên thế giới, Việt Nam là quốc gia “núi liền núi sông liền sông” với Trung Quốc thì vấn để ảnh hưởng không hề nhỏ chút nào. Nằm trong tâm ảnh hưởng và có thể hứng nhận nguy cơ thành đại dịch bất kì giờ nào, thế nhưng, qua câu chuyện đã hiện rõ hai mặt của một vấn đề: Thân bệnh (dịch) mới rình rập nhưng tâm bệnh đã phát khởi!
Câu chuyện mua khẩu trang, thông tin về dịch bệnh, cho học sinh nghỉ học, giám đốc sở giáo dục phát biểu, giám đốc sở du lịch hành động mù quáng, Hội Chữ thập đỏ im lìm không lên tiếng, rồi thêm chuyện tưởng không dính dự gì, đó là cơ quan quản lý thị trường Việt Nam. Tất cả đều vẽ nên một bức tranh chung là tâm bệnh quá nặng.
Mà bệnh ở đây là bệnh gì? Thưa, trước nhất là bệnh lầy, thứ đến là bệnh dốt, hoang mang và đùn đẩy trách nhiệm và; một căn bệnh chiếm số đông người Việt là bệnh ích kỉ.
Bệnh lầy thì chiếm số đông nhưng đông nhất có vẻ như là giới cán bộ, đặc biệt là cán bộ ngành giáo dục, du lịch, sau đó là nhóm hội viên hội chữ thập đỏ, họ cũng là cán bộ kiêm nhiệm. Ở ngành giáo dục, du lịch, dường như khả năng nhận xét tình hình và đưa ra quyết định của các giám đốc sở giáo dục và sở du lịch ở các địa phương là quá thấp, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có. Khi dịch đã báo động, nhiều người chết ở Vũ Hán và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc. Nhưng, thay vì bằng mọi giá phải ngăn chặn lưu lượng khách du lịch từ bên ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là chận đứng lượng khách Trung Quốc và tìm hiểu về các nhóm khách phương Tây và khu vực từng du lịch qua Trung Quốc, qua các nước rồi vòng vào Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch… Thì không, chính Giám đốc sở du lịch Đà Nẵng còn trực tiếp dắt khách Trung Quốc đến khách sạn và yêu cầu chủ khách sạn phải nhận khách. Hành vi này có thể gây hậu quả khôn lường!
Về phía ngành giáo dục, việc cho học sinh nghỉ học của các địa phương hoàn toàn thụ động, nó không phải là vì trách nhiệm hay vì thương học sinh mà vì thành tích, vì chỉ tiêu. Ngày đi học trong tuần đầu tiên sau Tết, các trường đi học trở lại ngay giữa mùa dịch, hầu hết các phụ huynh thương con đều quyết định cho con nghỉ học, tỉ lệ ngày đầu năm tới lớp ở các thành phố trên cả ba miền đất nước không quá 60% học sinh. Như vậy, vì chưa đạt chỉ tiêu đến trường, mặt khác, vì dư luận và vì công văn yêu cầu cho nghỉ học của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Vũ Đức Đam nên hai ngày sau, các giám đốc sở giáo dục địa phương buôc phải thụ động đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học. Nhưng chỉ nghỉ một tuần, sau đó lại học, lại chần chừ cho nghỉ thêm tuần nữa và tuyên bố sẽ cho học tuần tiếp theo nhưng “nếu như trong tỉnh có hai lớp bị nhiễm thì sẽ cho nghỉ học tiếp” hoặc “giáo viên phải quan sát học sinh thử có bệnh hay không mà kịp thời báo lên nhà trường”… Chỉ chừng đó cũng đủ thấy kiểu tư duy hết sức thậm thò thậm thụt của các giám đốc sở giáo dục tỉnh và gần như họ không có kiến thức gì về dịch cũng như họ hoàn toàn vô trách nhiệm, vô cảm với học sinh. Nếu một tỉnh có hai lớp nhiễm corona thì xem như báo động đỏ, còn gì để nói thêm không?!
Về phía người dân, đi mua khẩu trang chụp giật, cứ mua càng nhiều càng tốt, không cần nghĩ đến người khác cũng là một thứ tâm bệnh, bệnh tham, bệnh bất chấp. Nếu như mỗi người thấy được mối nguy của bệnh dịch và mua đôi ba hộp vừa đủ gia đình xài, tiết kiệm và hạn chế đi lại, thì người khác sẽ có để mua, nhà sản xuất cũng đều tay đưa hàng vào thị trường, không gây khan hiếm cục bộ. Ở đây, mọi thứ nháo nhào, đảo lộn lên, người ta đua chen, lấn lướt nhau để mua và cứ lo thủ phần mình thật nhiều, không nghĩ được rằng nếu mình có để đeo nhưng người khác không có để đeo thì bị nhiễm và sự lây lan cũng chẳng chừa ai. Tinh thần cộng đồng hoàn toàn không có và sự ích kỉ quá cao! Đó là thứ tâm bệnh mà số đông người Việt chen lấn, giành giật, vơ vét kia có đợi đến kiếp sau cũng không đủ tư cách đứng nhìn người Nhật. Sau sóng thần ở Nhật Bản, câu chuyện một cậu bé xếp hàng nhận cứu trợ, khi được anh cảnh sát cho hộp lương khô khẩu phần ăn tối của mình, cậu lẳng lặng mang hộp lương khô lên xếp vào chỗ hàng cứu trợ, anh cảnh sát lấy làm lạ, hỏi cậu vì sao thì cậu trả lời rằng “mọi người ở đây đều đói giống cháu, cháu không thể no một mình!”. Chúng ta chưa trưởng thành và chưa đủ tư cách để nói chuyện với một đứa trẻ Nhật Bản nếu tiếp tục kéo dài tình trạng hiện tại!
Và nhiều nhà buôn, hiệu thuốc ở Việt Nam đã làm gì? Đã thi nhau nâng giá, đã mượn các trang mạng xã hội để kêu gọi nhau ém hàng, không bán ra thị trường nhằm chống lại lệnh của Bộ Y tế, trong lúc mạng sống, sức khỏe của đồng loại đang phụ thuộc vào cái khẩu trang! Đó là chưa nói đến những kẻ vô đạo đức đến mức trong lúc nhân dân, đồng bào của mình rồng rắn tìm mua khẩu trang, trong lúc những nghệ sĩ, nhà hảo tâm Việt Nam đã không quản mưa nắng tìm mua khẩu trang phát miễn phí cho người dân… Thì chính bọn họ đã tuồn ra ngoài hàng chục triệu chiếc khẩu trang để kiếm lãi. Đây không còn là vấn đề trách nhiệm, lương tri hay nhân đạo nữa mà là tội ác!
Và, trong lúc mọi thứ trở nên dầu sôi lửa bỏng do tâm thế người Việt nháo nhào, hỗn loạn, thì lẽ ra, cơ quan Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phải lên tiếng với đầy đủ năng lực và trách nhiệm của họ. Vì, Bộ Y tế, xét cho cùng là một cơ quan chuyên môn, họ không gần người dân và không hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân bằng Hội Chữ thập đỏ. Bởi sự hình thành của hội này như một cơ quan dân ý về lĩnh vực sức khỏe, hội sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và quan tâm đến sức khỏe người dân trong cương vực quan sát và quản lý của mình để đề xuất ý kiến lên Bộ y tế, thậm chí phải nói lên tiếng nói của nhân dân để có lợi cho dân. Nhưng không, ở đây, họ im lìm và chẳng có động thái gì. Sự hiện diện của họ như một bức tượng quá khổ và tốn kém không gian cũng như chi phí bảo trì. Thù lao hằng năm cho hội này lên đến vài trăm tỉ đồng nhưng hóa ra, họ chẳng khác nào đám ăn hại!
Bên cạnh Hội Chữ thập đỏ, một ngành khác trực thuộc nhà nước, đó là ngành quản lý thị trường cũng cho thấy sự bất lực, vô nghĩa của họ. Mặc dù họ không liên quan gì đến lĩnh vực y tế nhưng chính ngành này lại tác động xấu đến mọi chuyển biến sức khỏe của người dân trong mùa dịch này. Họ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động. Cụ thể, họ không hề có bất kì biện pháp nào để can thiệp vào thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản.
Thanh long rớt giá, dưa hấu rớt giá, nông sản rớt giá hàng loạt, nhà buôn nhỏ, thậm chí học sinh cũng nắm bắt điều này, một nhà sản xuất bánh mì ngoại quốc đã sang mua một lượng thanh long lớn của bà con nông dân Việt để vừa cứu bà con, vừa tạo cho mình một sản phẩm mới ăn khách. Trong khi đó, cả một hệ thống ngành quản lý thị trường hoàn toàn bất động. Sở dĩ nói họ bất động bởi các can thiệp của họ hoàn toàn vô nghĩa, chưa kịp can thiệp thì đã phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu kiếm ăn. Trong khi đó, chi phí lương cho ngành quản lý thị trường mỗi năm lên vài trăm tỉ đồng, đây là thuế của dân.
Bình thường, khi nền kinh tế phát triển ổn định và không có thiên tai, đại dịch hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì ngành quản lý thị trường có thể tạm ngồi chơi xơi nước, để “bàn tay vô hình” của thị trường tự điều tiết. Nhưng, khi có thiên tai, dịch họa và khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì ngành thị trường phải kịp thời đưa ra chính sách vĩ mô, vạch ra những phương án vi mô để cứu nền kinh tế và cứu lấy nhân dân. Trong đợt đại dịch này, dưa hấu, thanh long và các loại nông sản mũi nhọn không thể xuất sang Trung Quốc, người nông dân kêu trời, khóc than trên cánh đồng, còn nhà buôn thì tha hồ tới mua giá ép, giá thấp nhất có thể từ ruộng, nhưng về bán với giá cao ngất, giá như không hề có khủng hoảng nông sản. Như vậy, hệ quả của việc này là lượng tiêu thụ hoàn toàn không thay đổi trong thị trường, ví dụ như một gia đình chuẩn bị cho mỗi ngày bốn mươi ngàn đồng tiền dưa hấu thì chỉ mua được một trái và chỉ dùng nhín nhịn trong chừng đó. Trong khi nếu bán theo giá cập thời thì bốn mươi ngàn đồng có thể mua được bốn hoặc năm trái. Và nhà buôn vẫn có lãi bởi bốn mươi ngàn đồng họ có thể mua trên đồng ruộng tới mười trái dưa hấu. Và khi giá rẻ, lượng mua trên thị trường sẽ tăng tỉ lệ, vòng quay từ cánh đồng ra chợ của nhà buôn cũng tăng tỉ lệ.
Nhưng ở đây, dường như ngành quản lý thị trường không dùng “bàn tay sắt” của mình để can thiệp mà chỉ im lặng, ngồi chơi xơi nước, mặc cho người nông dân kêu trời, mặc cho các mạnh thường quân và các sinh viên xắn áo cứu bà con nông dân, mặc cho nhà buôn ì ạch bán với giá của họ. Và chọn bán giá cao vậy thì khỏi phải tốn vòng quay hàng hóa, khỏi phải ra đồng mua dưa về chợ nhiều lần, chỉ cần mua một xe về bán giá cao ngất thì sướng hơn mua nhiều xe về bán giá thấp cũng lãi ngần đó tiền, các mặt hàng nông sản khác như thanh long, cam, bưởi, xoài, sầu riêng… Đều gặp y tình trạng này. Đây là thứ bệnh hoạn và thiển cận của cả nhà buôn lẫn ngành quản lý thị trường.
Thử nghĩ, đụng đâu cũng thấy bệnh hoạn, đụng đâu cũng thấy bất cập, đụng đâu cũng thấy hoang mang và vô lý, đầy tâm bệnh như vậy thì có cần phải đợi dịch đến hoành hành chúng ta mới chết hay không? Xin thưa là chúng ta đã chính thức chết từ trong sâu thẳm, chết trong tâm hồn, chết trong nhân cách, chết trong đạo đức xã hội, chết trong nỗi điên dại của lòng ích kỉ và chết trong sự quằng quại của tham lam, vô minh ngay từ khi dịch mới phát tán ở một nơi xa chúng ta. Bởi chúng ta đang bị dịch cúm tâm hồn quá nặng, bao giờ tâm bệnh chúng ta mới khỏi đây thưa các ngài lãnh đạo?!
Bài bình luận gần đây