Nghịch lý ở chỗ, đất nước càng nhiều tòa án thì bất công càng cao, càng nhiều nhà tù thì tội phạm càng manh động, bội phát, càng nhiều cơ sở tôn giáo thì niềm tin, tâm linh càng trở nên lu mờ, vô định, càng nhiều công an, cảnh sát thì kẻ trộm cướp cũng tăng tỉ lệ. Đó là một nghịch lý khôi hài của lịch sử mà Việt Nam đang trải qua. Sở dĩ mọi thứ đang trở nên tệ hại như hiện nay là vì ngay từ đầu, Việt Nam không có một mục tiêu vĩ mô rõ ràng, cụ thể cho tương lai.
Và một khi không có sự đồng bộ, không có mục tiêu cho tương lai thì bất cứ sự trương nở của một nhóm ngành/nghề nào trong hệ thống nhà nước, hệ thống đảng cũng có nguy cơ trở thành một cái ung nhọt tiềm ẩn. Chuyện cảnh sát, công an, quân đội trở nên thiếu tinh nhuệ, không thiện chiến, thậm chí kém cỏi như hiện tại là một bằng chứng.
Có một chuyện rất khôi hài là hệ công an chính qui hay cảnh sát cơ động bán chính qui, cũng như sĩ quan quân đội hiện nay được tuyển đầu vào khá kĩ và được đào tạo rất bài bản, có trình độ cao hơn rất nhiều so với thế hệ trước họ nhưng thực tế chiến đấu trong bất kì tình huống nào cũng tỏ ra lúng túng và yếu kém, thậm chí họ không thể tinh nhuệ hay giỏi chiến đấu được bằng 10% so với thế hệ trước họ. Điển hình những vụ gần nhất trong năm 2020 đã cho thấy rất rõ nhiều yếu kém.
Từ đầu năm 2020 đến nay, có nhiều vụ chấn động có liên quan đến lực lượng cảnh sát cơ động: Vụ vài ngàn cảnh sát cơ động vây thôn Hoành và đổi ba mạng sĩ quan cấp tá và cấp úy để giết chết cụ Lê Đình Kình, một cụ ông 84 tuổi; Vụ vây bắt tội phạm cầm lựu đạn cố thủ trong nhà ở thành phố Sài Gòn và sau một thời gian gằng co, bố ráp, cảnh sát cơ động xông vào nhà thì tên tội phạm đã chạy không để dấu vết nào và; Mới đây nhất là vụ 500 cảnh sát với đầy đủ phương tiện chiến đấu cơ động và tối tân vây bắt Tuấn Khỉ - tên tội phạm đã nã súng vào sòng bạc giết chết 5 mạng người. Nghiệt nỗi, sau hai ngày bao vây, bố ráp, một chốn nào trong rừng cao su bỗng dưng thành nơi nghỉ mát tạm thời và sau đó ung dung của Tuấn Khỉ, mọi sự như tìm kim đáy bể!
Vì sao ngành cảnh sát cơ động, công an chính qui hay quân đội lại rất yếu kém trong thời gian gần đây mặc dù giáo trình đào tạo của họ là tinh hoa của thế hệ trước, đầu vào chọn kĩ và gắt gao, hơn hẳn thế hệ trước một cái đầu về kiến thức nhưng vào thực tiễn thì thua quá xa?
Vì ngay từ đầu, cả đảng Cộng sản, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã không có mục tiêu đồng thời cũng không đặt được mục tiêu nào cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, bản thân của các thế hệ sau hoàn toàn không có mục tiêu và đương nhiên họ không có lý tưởng hay niềm tin nào vào chỗ họ đang phục vụ. Mục tiêu nghề nghiệp không có, động cơ lợi tức quá cao và bất chấp trong công vụ sẽ là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các yếu kém sau này. Nghiệt nỗi, đây là yếu kém không thể khắc phục được!
Vấn đề đầu vào của bất kì một ngành nào cũng đóng vai trò tiên quyết trong tương lai phát triển của ngành. Tại Việt Nam, câu hỏi khi lựa chọn ngành nghề của đại đa số sinh viên là “ngành/nghề này có nhanh giàu, dễ xin việc hay không?” Chứ không phải là câu hỏi “ngành/nghề này có phù hợp với mình, có giúp mình sáng tạo, sống với nghề hay không?”. Chính vì câu hỏi ban đầu mang động cơ thực dụng, đầy tính vật dục nên một khi đã chọn ngành/nghề, người ta bất chấp danh dự hay tri đức mà sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để có tấm bằng và sau đó tiếp tục bỏ hàng núi tiền để có chỗ làm việc. Và một khi có đầu tư thì phải có thu hồi vốn và sinh lãi. Tham nhũng, thụt két công quĩ, hối lộ, nhũng nhiễu… cũng hình thành từ chỗ này. Và niềm tin của đương sự xói mòn, đương nhiên dẫn đến hệ lụy mất dần niềm tin giữa người với người trong xã hội.
Và, niềm tin nhân dân từ chỗ bị mất dần do hệ thống công quyền ngày càng thể hiện sự bất cập và gian manh của họ (bởi những thành phần vừa nói) cũng song hành với một vấn đề khác đáng sợ hơn, đó là lệch chức năng và năng lực. Hầu hết những người bước vào ngành đều không có đầy đủ tố chất để trở thành người có năng lực của công việc bởi lựa chọn từ đầu của họ không phù hợp với ước mơ hay lý tưởng mà chỉ ám thực dụng. Đương nhiên năng lực yếu kém sẽ kéo theo hệ thống kém và kéo dây chuyền cả hệ thống đến chỗ suy đồi, bệ rạc.
Tình trạng các sĩ quan quân đội và công an mặc dù được đào tạo bằng những giáo trình cao cấp, tinh vi nhưng khi cận chiến, họ lại không những thiếu tinh nhuệ mà còn thiếu cả sự năng động, thiếu rất nhiều thứ và thiếu cả sự quả cảm hay thiện chiến là vì ngay từ đầu, đại đa số không vào ngành quân đội bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc mà động cơ chính nằm ở chỗ lương ngành quân đội rất cao, ngành an ninh cũng vậy, đại đa số thi vào ngành an ninh không phải do động cơ hay lý tưởng bảo vệ an ninh quốc gia mà vì ngành an ninh được ưu tiên (nhất là dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và quyền lực ngành. An ninh có thể hô mưa gọi gió. Và đây là nguyên nhân chính để cho thấy vì sao ngày càng xuất hiện nhiều sĩ quan quân đội hay sĩ quan an ninh, thậm chí sĩ quan cấp cao của hai ngành này dính đến những vụ tham ô, tội phạm ma túy, đường dây cờ bạc. Đơn giản, động cơ ban đầu của họ là kiếm tiền, có thứ nào có thể giúp họ kiếm tiền nhanh hơn những thứ đó?!
Điều này cũng lý giải tại sao 500 cảnh sát cơ đông lại để lọt một tên tội phạm dễ dàng. Bởi bất kì dự tính xấu nào cũng có thể xảy ra, chẳng hạn bị tên tội phạm mua chuộc trực tiếp hoặc nghiệp vụ của lực lượng vây bắt kém, sức chiến đấu không có bởi không tìm thấy sự hữu lý để chiến đấu. Khi cần cho những vụ việc nổi cộm thì lực lượng cảnh sát cơ động được thả ra để trực chiến. Trong khi đó, cảnh sát cơ động là một dạng nghĩa vụ quân sự, bán chuyên nghiệp, họ chỉ được dạy những kĩ năng chiến đấu nhưng không có lý tưởng bảo vệ nhân dân và không được dạy đâu là nhân dân, đâu là kẻ thù, và họ cũng không được hứa hẹn một tương lai tốt trong ngành, nói cho cùng, họ là những con tốt thí của ngành công an. Chính vì tính thiếu chuyên nghiệp này cộng thêm với lý tưởng hụt hẫng nên hầu như mọi cuộc vây bắt hay bố ráp của họ đều không cho kết quả tốt đẹp mà chỉ có thể chọn đến giải pháp cuối cùng, tệ hại nhất, đó là nổ súng.
Nói cho cùng, những chuyện lệch lạc và không cân xứng giữa lý tưởng và công việc trong các ngành/nghề như vậy (kể cả ngành y tế, sư phạm, ngân hàng… đều nằm trong tình trạng này!) làm phát sinh một hiện tượng xã hội là nhóm ngành nghề nào có quyền lực, có ăn thì phình to, trương nở, khủng hoảng thừa.
Mà đáng sợ nhất của một quốc gia nằm ở chỗ khủng hoảng thừa quân đội mà biên giới quốc gia cứ hẹp dần, khủng hoảng thừa công an mà an ninh càng lúc càng tệ hại, khủng hoảng thừa trại giam mà tội phạm ngày càng gia tăng, khủng hoảng thừa cơ sở tôn giáo mà niềm tin, tâm linh con người ngày càng câm điếc, ù cạc, khủng hoảng thừa tòa án và cơ quan bảo vệ pháp luật mà công lý mờ nhòa! Việt Nam đang trong tình trạng này, bởi thiếu một kế hoạch vĩ mô mang mô hình lý tưởng và khoa học ngay từ trứng nước!
Và đặt giả sử, Việt Nam có địa lý như Nhật Bản hay Hàn Quốc, thậm chí như Singapore, Phillipines… không có rừng vàng biển bạc, không có điều kiện khí hậu và đồng bằng trù phú, không có nhiều tài nguyên như chúng ta đang có. Thì với hệ điều hành hiện tại, sợ rằng chúng ta còn kém hơn cả những quốc gia châu Phi. Bởi tất cả đều có ý hướng làm giàu, người Việt thông minh, nhưng lại bâu bám vào tài nguyên, giành giật từng tấc đất và cào vét lòng biển, tham vọng manh mún… Nhưng tìm một ý hướng chung để phát triển cái vốn của tổ tông để lại, của thiên nhiên ban tặng thì dường như hoàn toàn thiếu vắng! Đó mới thực sự là một bi kịch!
Bài bình luận gần đây