Phiên tòa xử một số quan chức tham nhũng hối lộ ở Việt Nam diễn ra cuối năm đã gây nhiều chú ý trong dư luận.
Trước Tòa, là hai cán bộ nguyên Ủy viên trung ương Đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phó Ban Tuyên giáo của Đảng và các quan chức liên quan của Mobifone.
Những cán bộ này là những “đảng viên xuất sắc, những người cộng sản ưu tú” được đảng chọn để đặt vào những chức vụ nhiều khi sử dụng quyền lực và tiền bạc không giới hạn.
Cùng với các cán bộ nhà nước chức trọng quyền cao ra tòa, còn cón Phạm Nhật Vũ, một người nổi tiếng bởi nhiều lẽ nhưng trước hết có lẽ là lý do Vũ là em trai Phạm Nhật Vượng, người được mệnh danh là “Giàu nhất Việt Nam”, đứng vào hàng tỷ phú của thế giới.
Điều đặc biệt làm dư luận chú ý ở đây không phải là vì vụ án tham nhũng này là lớn nhất hoặc thất thoát nhiều tiền của nhất. Trong thời đại mà “một bầy sâu” thi nhau đục khoét đến mòn rỗng cả núi rừng sông biển này, thì những con số của vụ án không gây quá nhiều ấn tượng. Điều mà người ta chú ý, đây là những kẻ mạnh mồm nhất, lớn giọng và cao ngạo rao giảng khá nhiều về đạo đức cộng sản, về sự cần thiết phải trừng trị những người dùng Internet mà cứ vạch những cái thối của đảng ra trước bàn dân thiên hạ.
Nguyễn Bắc Son, từ anh lính gác lăng, được nâng đỡ leo lên đến chức Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, phó ban Tuyên huấn Trung Ương. Là Bộ trưởng Thông tin, truyền thông, lẽ ra anh ta phải là người khuyến khích tự do ngôn luận và bảo vệ quyền đó của người dân. Thế nhưng ngược lại, Nguyễn Bắc Son là một kẻ thù của Internet.
Nhất là Trương Minh Tuấn, một Bộ trưởng Truyền thông vốn thích chơi trội, luôn là tên lính xung kích dẫn đầu các vụ việc bưng bô, nịnh đảng nhiều khi đến mức sống sượng và lố bịch. Trong thảm họa Fomosa, bất chấp tính mạng người dân, sự suy đồi của dân tộc, đất nước anh ta là người đã đánh mất đi sự khách quan cần có của một quan chức làm nghề Truyền thông. Trái lại, anh ta đã trực tiếp đến tận vùng biển nhiễm độc diễn màn tắm biển và ăn cá… nhằm xúi giục người dân lao vào chỗ chết.
Chưa đủ, cuốn sách “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa…” anh ta để lại mới là điều đáng nói, là nỗi ô nhục nhiều đời không rửa nổi của những kẻ mà cha ông đã từng đề cập: Kẻ cắp già mồm.
Thế nhưng, ngoài những điều được chú ý trong phiên tòa như cách đối xử với các can phạm, cách bố trí phiên tòa, lời lẽ của các cơ quan ở trước và trong Tòa… thì điều xảy ra trước và ngoài phiên tòa cũng làm nhiều người chú ý.
Đó là sự phân biệt hết sức rõ ràng giữa những phiên tòa xử quan chức cộng sản và dân thường, đặc biệt ngược lại những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến.
Đặc biệt, báo chí cho biết: Hơn 2.000 cá nhân và tổ chức xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ.
Trong đó, có Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và nhiều tỉnh đã viết đơn xin khoan hồng cho tội phạm này.
Trước hết, điều cần nói rõ ràng rằng: Có lẽ đây là lần hiếm hoi các Giáo hội Phật giáo Việt Nam động lòng trắc ẩn trước một bản án chưa tuyên.
Đây cũng là một trường hợp hiếm hoi mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam quốc doanh quan tâm đến những vụ án trong xã hội cộng sản. Ở những vụ án trong xã hội, số lượng án oan, dân bị xử oan là một con số khủng khiếp. Theo báo cáo chính thức của nhà nước được báo chí đăng tải, cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ án oan đã hơn 10%.
Nghĩa đã có và đang có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân đang chịu án tù tội thậm chí mất mạng oan.
Thế nhưng, trên diễn đàn Quốc hội, nhà sư Thích Thanh Quyết còn lớn giọng ca ngợi ngành công an và bào chữa cho việc oan sai là hết sức ít ỏi, và “Nhà Phật chúng tôi có nghìn tay, nghìn mắt mà vẫn làm oan Thị Kính” – Một ví dụ nói lên sự ngô nghê trong việc so sánh để bào chữa lấy được.
Nghĩa là với nhà sư giữ chức vụ lớn lao không chỉ trong Phật giáo quốc doanh, mà cả trong nhà nước cộng sản này, thì tính mạng của hàng chục, hàng trăm ngàn người dân chịu án oan là chuyện không có gì phải quan tâm.
Thế nhưng, giờ đây Giáo hội Phật Giáo Việt Nam lại quan tâm đến một vụ án mà người được quan tâm và đề nghị khoan hồng, là một kẻ đã ăn cắp hàng mấy ngàn tỷ đồng tiền nhà nước, nghĩa là tiền dân, nghĩa là mồ hôi, nước mắt và xương máu chúng sinh ngay chỉ trong có 1 dự án, một vụ áp phe.
Lý do rất đơn giản: Chỉ là vì Phạm Nhật Vũ đã chi cho nhà chùa, cho Giáo hội Phật giáo hàng ngàn tỷ đồng.
Nghĩa là trong số tiền cướp được kia, Vũ đã trích ra một khoản để chia chác cho các Giáo hội Phật giáo Quốc doanh trung ương và địa phương.
Điều đó cũng có nghĩa là: những đồng tiền mồ hôi nước mắt, tính mạng xương máu của người dân, từ những cô gái đi bán dâm khắp các nước, cho đến những người dân đi làm nô lên khắp địa cầu, và cả những xác chết trong container trốn lậu sang Anh… đã được móc nối, để chi vào những cuộc bán mua như AVG hiện nay. Và số tiền đó được trích lại để “công quả” cho nhà chùa, cho Phật giáo Quốc doanh.
Và khi bị phát hiện đưa ra tòa thì Giáo hội Phật giáo quốc doanh lập tức động lòng trắc ẩn xin khoan hồng.
Việc Giáo hội Phật giáo quốc doanh xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ vì đã trót nhận những đồng tiền của Vũ nói lên điều gì? Đó là sự đồng lõa, là vì tiền mà che mất bản năng lý trí cũng như những điều cần có ở mỗi con người chứ không nói đến một tổ chức mang danh Phật Giáo.
Thử hỏi điều này có đúng với Giáo lý nhà Phật?
Phật dạy rằng: "Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử".
Rõ ràng, điều này vi phạm vào Giới trộm cắp của nhà Phật. Trộm cắp hoặc đồng lõa với trộm cắp đều là vi phạm Giới trong Phật giáo.
Sẽ không là điều gì để cần nói khi có một số người xin khoan hồng cho tội phạm. Bởi nếu có một nhà nước Pháp quyền, thì điều đó không có mấy ý nghĩa vì tất cả đều được hành xử theo luật pháp.
Người ta còn nhớ, cách đây hơn chục năm, một hành khách người Úc gốc Việt là Nguyễn Tường Vân đã mang ma túy quá cảnh sân ban Changgi của Singapore để về Úc và bị phát hiện. Tòa kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Một chiến dịch vận động cho Nguyễn Tường Vân đã được phát động khắp thế giới. Không chỉ tại Singapore hay nhiều nơi trên thế giới, mà cả nước Úc khắp nơi thắp nến cầu nguyện.
Thế nhưng, luật pháp là luật pháp và Nguyễn Tường Vân đã bị treo cổ vào 6 giờ sáng ngày 2/12/2005.
Vấn đề ở đây, chỉ là thái độ của mỗi người đối với tội nhân và tội ác.
Người ta đặt câu hỏi: Những người đang bị án oan đối diện với mất mạng sống như Hồ Duy Hải đang ở trong tù, Hàn Đức Long với 10 năm bị giam, Trần Văn Thêm với 40 năm là tử tù… chẳng thấy bất cứ một lời nào của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam kêu cứu hoặc “Xin khoan hồng” cho họ. Trong khi nhà Phật dạy rằng: Cứu một người phúc đẳng hà sa, cứu một người còn hơn xây 7 tòa tháp Phù đồ.
Vậy một Giáo hội Phật giáo ngang nhiên bỏ đi những việc làm phúc, làm việc tốt cho chúng sinh, lại đi bào chữa và kêu xin cho tội phạm chỉ vì đã nhận những đồng tiền có được từ trộm cắp, gian dối thì bản chất của Giáo hội đó là gì?
Phải chăng, đồng tiền có thể chi phối không chỉ một cá nhân sư sãi thích xài sang, chơi đồ hiệu, tệ nạn xã hội mà đã đủ sức chi phối cả một Giáo hội với hàng chục triệu tín đồ?
Phải chăng, Giáo hội Phật Giáo quốc doanh ngày nay, đang tạo nghiệp qua những việc làm của mình?
Ngày 26/12/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây