Chuyện miếng thịt heo (lợn) khan hiếm hay thịt heo tăng giá vùn vụt ngày Tết mà lại nghĩ đến tư duy xã hội chủ nghĩa thì nghe có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng kì thực, vấn đề cũng quanh quẩn đâu đó chứ chẳng ở đâu xa. Việt Nam nào ở đâu xa/ Thịt heo lên giá ấy là Việt Nam. Cái vấn đề thịt heo lên giá nhìn từ bên ngoài nó là sự biến động thị trường do dịch tả gây ra. Nhưng nhìn sâu vào cả bên trong và nhìn rộng ra bên ngoài, nhìn cả châu Á thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc bị biến động giá thịt heo/lợn. Và, chỉ có ở những quốc gia Cộng sản xã hội chủ nghĩa này mới có những câu chuyện khôi hài xoay quanh miếng thịt heo/lợn, mới có chuyện người ta ăn mặc lịch sự, đi vào chợ để lén lút ăn cắp thịt heo bỏ vào túi veston. Và, sở dĩ câu chuyện trở nên khôi hài như vậy bởi vì đây là các quốc gia Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Vì sao quốc gia Cộng sản xã hội chủ nghĩa mới có chuyện thịt heo tăng giá làm ảnh hưởng thế giá xã hội của con người? Cái này phải hỏi vì sao người Cộng sản lại nghĩ ra được cái mô hình kinh tế chính trị quái thai mang tên Tập trung Bao Cấp, và ở đó, người ta giành giật từng miếng ăn, chụp giật, cướp cạn, tranh giành, đội trên đạp dưới… có đủ! Và cũng chính cái mô hình này đã nhanh chóng biến người Việt thành một tộc người vốn yêu nước, vốn quen với chiến trận giữ nước đã nhanh chóng chuyển sang yêu miếng ăn, dùng chiến thuật trận mạc để cướp, giật, giành miếng ngon của nhau.
Và thứ tư duy ấy, mặc dù chỉ phủ sóng qua miền Nam Việt Nam 11 năm, từ tháng 6 năm 1795 đến tháng 8 năm 1986 rồi sau đó chuyển sang thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là lúc nỗi thao thức về miếng ăn không còn ghê gớm như trước nhưng sự tranh giành miếng ngon lên đỉnh điểm. Bởi định hướng xã hội chủ nghĩa luôn gắn liền với con người xã hội chủ nghĩa mà con người xã hội chủ nghĩa ấy là ai nếu không phải là các đảng viên Cộng sản cũng như những con người vốn quen sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại?! Hay nói khác đi, con người gắn với xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đồng nhất với con người gắn với Cộng sản, yêu Cộng sản. Nói như vậy để vỡ lẽ rằng, nguồn thức ăn có phần nhiều, dư dả hơn nhưng tâm lý tranh giành, chụp giật của người Việt vẫn cứ như cũ theo cái định hướng xã hội chủ nghĩa này. Mạnh được yếu thua, một người làm quan ba họ được giàu… Và, con người xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, từ chỗ tranh nhau từng lạng gạo, lạng thịt thời tem phiếu, người ta chuyển sang tranh miếng ngon thời thị trường. Và chính cái tâm lý tranh giành ấy đẩy thị trường đến chỗ khủng hoảng.
Thử nhìn lại, khủng dịch tả heo châu Phi không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc bị ảnh hưởng, nhưng chỉ có hai quốc gia này có giá thịt heo bị thổi liên tục và chỉ có hai quốc gia này mới có tình trạng người ta ăn cắp thịt, hoặc hình ảnh giễu nhại đẳng cấp bằng cách đeo một xâu thịt heo dài trước ngực, ăn mặc sang trọng… Tất cả điều đó như một chỉ dấu cho thấy rằng thịt heo đã lên ngôi, đã đi vào quan niệm về tầng bậc xã hội cũng như đẳng cấp tiêu dùng tại Việt Nam. Và nó cũng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia có mức thu nhập bất cân xứng bậc nhất. Người giàu thì có thể mua cả con heo, vơ cả cái chợ thịt heo về đãi khách nhưng người nghèo phải cân nhắc, ăn nhín uống nhịn mới mua nổi miếng thịt heo Tết. Và tỉ lệ người nghèo mua không nổi thịt heo trong dịp cuối năm này không phải là thấp.
Và nói tới miếng thịt heo, một thứ thực phẩm thuần túy, tưởng như không quan trọng gì cho mấy bởi nhịn thịt một tháng cũng không khiến cho người ta trở thành nô lệ hoặc vong thân, vong nô, thậm chí nhịn thịt, chay tịnh càng giúp cho người ta trở nên thanh tĩnh, tỉnh thức hơn. Nó hoàn toàn không giống với việc mất nước, mất đảo, mất tự do hay mất danh dự… Nhưng nghiệt nỗi, tại Việt Nam, câu chuyện chính trị, câu chuyện chống tham nhũng hoặc câu chuyện ngoại xâm tuy có nóng sốt cả khu vực thì với người Việt, chỉ một bộ phận nhỏ quan tâm. Nhưng miếng thịt heo tăng giá thì cả xã hội quan tâm và nháo nhào, cuống cuồng theo nó. Chuyện này chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam. Và có một vấn đề cũng đáng quan tâm nữa: Là tại sao cả Trung Quốc và Việt Nam đều có cơn sốt thịt heo lúc này trong khi các nước khu vực cũng bị ảnh hưởng giống mà lại không sốt? Phải chăng miếng thịt heo là một loại đề tài thay thế cho rất nhiều bận tâm về Hồng Kông, biển đảo và chống tham nhũng?!
Câu hỏi này không phải vô căn cứ khi hỏi. Nhưng rõ ràng, để có được những cơn sốt vì miếng ăn như hiện tại, đó là một quá trình dài xây dựng tâm lý xã hội của người Cộng sản, kể cả Việt Cộng và Trung Cộng đều từng trải qua thời kỳ kinh tế tập thể, di chứng của nó sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Và mỗi khi trái gió trở trời, nó lại mưng đau. Cơn gió thị trường thịt ngày Tết ở Việt Nam và Trung Quốc đang vô tình chạm vào nỗi đau, chạm vào vết thương mưng mủ của các dân tộc chịu ách độc tài quá lâu và ý nghĩa đời sống không có gì khác ngoài xoay quanh chuyện ăn, mặc, ở. Đây chính là mấu chốt của tư duy xã hội chủ nghĩa.
Và khi tư duy xã hội chủ nghĩa còn thì con người xã hội chủ nghĩa còn và hành xử xã hội chủ nghĩa còn. Khi những thứ đó còn thì miếng ăn vẫn mãi đứng trên vị trí tối thượng của xã hội và con người, ngoài việc sùng bái lãnh tụ một cách thụ động, người ta còn sùng bái miếng ăn, sùng bái miếng ngon một cách chủ động, tự thân! Vô tình, miếng thịt heo ngày Tết lại nhắc nhớ những điều tưởng chừng đã qua lâu lắm rồi, không bao giờ lặp lại nữa. Nhưng hỡi ôi, nó vẫn đang tiếp diễn và phát triển một cách đáng sợ!
Bài bình luận gần đây