Sau hàng chục năm chờ đợi, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào năm 1995, lần đầu tiên người lao động Việt Nam được luật cho phép thành lập “tổ chức của người lao động” – là một tổ chức đại diện cho người lao động độc lập với Công đoàn Việt Nam và không nằm trong hệ thống chính trị hiện hành.
Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc Hội thông qua vào hôm 20/11 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tại Điều 170 quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện cho người lao động, bên cạnh tổ chức công đoàn truyền thống, giờ được bổ sung thêm “tổ chức của người lao động”.
Như vậy, theo luật mới sửa đổi này, sẽ có 2 chủ thể đại diện cho người lao động cùng tồn tại. Thứ nhất là “Công đoàn Việt Nam”- là tổ chức thuộc hệ thống chính trị, do nhà nước thành lập, trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam; và thứ hai là “tổ chức của người lao động”- một tổ chức độc lập với hệ thống chính trị, do chính người lao động thành lập tại doanh nghiệp và được nhà nước cấp phép hoạt động.
Khi Bộ luật Lao động được sửa đổi lần này theo hướng trao thêm quyền cho người lao động phù hợp với tiêu chuẩn lao động trên thế giới, đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng cải cách pháp lý này sẽ làm tiền đề thúc đẩy hình thành các tổ chức độc lập bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong tương lai.
Bất bình đẳng giữa công đoàn và tổ chức của người lao động
Bộ luật Lao động sửa đổi đã phân định ra 2 chủ thể đại diện cho người lao động là “Công đoàn Việt Nam” và “tổ chức của người lao động”. Tuy còn nhập nhèm về tên gọi, nhưng có thể phân biệt được qua đặc trưng công đoàn vẫn do nhà nước độc quyền nắm giữ, hoạt động trên phạm vi quốc gia, còn "tổ chức của người lao động" sẽ do chính người lao động lập ra và chỉ có thể hoạt động trong phạm vi tại doanh nghiệp.
Quy định này đã đặt vị thế pháp lý và khả năng hoạt động của “tổ chức của người lao động” yếu hơn nhiều so với công đoàn truyền thống được nhà nước bảo hộ. Cũng tại Khoản 3 Điều 172 của Bộ luật này quy định trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn. Điều này cho thấy tổ chức đầu mối – trụ cột chính trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động vẫn là Công đoàn Việt Nam, còn "tổ chức của người lao động" do chính người lao động lập ra chỉ mang tính phụ họa ở cấp cơ sở.
Vấn đề đáng quan ngại được đặt ra trong điều khoản này là liệu các "tổ chức của người lao động" sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, có bị áp lực chính trị để gia nhập công đoàn nhà nước hay không? Đây là vấn đề khó tránh khỏi vì việc thành lập tổ chức của người lao động đều phải thông qua sự phê duyệt cấp phép của chính quyền.
Việc định vị pháp lý giữ công đoàn và tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi rõ ràng đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa 2 chủ thể có cùng chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có thể hiểu quy định "mở" cho tổ chức của người lao động được gia nhập công đoàn như là sự dọn đường cho việc vô hiệu hóa tính độc lập của tổ chức do người lao động lập ra, và mục đích cuối cùng là đặt "tổ chức của người lao động" chịu sự lãnh đạo và kiểm soát của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam.
Sửa luật mang tính chất đối phó
Nhìn lại quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình cho thấy sự cải cách của luật này chỉ mang tính đối phó.
Bởi lẽ, quyền thành lập tổ chức độc lập đại diện cho người lao động chính là quyền tự do hiệp hội được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn như quyền tự do hiệp hội, bao hàm cả quyền thành lập tổ chức của người lao động được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập từ rất lâu như Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; hay Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)... Tuy nhiên dễ nhận thấy, trong suốt thời gian dài, quyền này đã không được nhà nước đảm bảo thực thi tại Việt Nam, khi các văn kiện pháp lý quốc tế này không có hình thức chế tài đối với các quốc gia không chấp hành hoặc vi phạm công ước.
Sự trao quyền cho người lao động Việt Nam được phép thành lập tổ chức đại diện độc lập chỉ thật sự thay đổi khi nhà nước Việt Nam đặt bút ký kết các Hiệp định Thương mại gần đây. Đáng kể nhất là việc EU liên tục gây sức ép Việt Nam gia nhập Công ước số 87 của ILO về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể trong lao động, như là một điều kiện để ký Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào hôm 30/6/2019. Theo Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA), quốc gia có thể bị chế tài bằng cách đình chỉ hoạt động thương mại bởi đối tác nếu vi phạm các cam kết về nhân quyền của người lao động.
Do đó, khi nhìn lại quá trình luật cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện độc lập, cho thấy đây không phải là một tiến trình cải cách pháp lý đến từ sự chủ động trong ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền cho người lao động của chính quyền, mà chỉ là sự thay đổi một cách thụ động do áp lực chế tài từ các hiệp định kinh tế mang lại.
Cách thức vô hiệu luật
Khi sự cải cách pháp lý không xuất phát từ ý chí chủ động của giới chức chính quyền, có thể dẫn đến tình trạng luật chỉ ở trên giấy, chỉ dùng để đối phó với cam kết về nhân quyền trong thương mại, mà không có khả năng thi hành trên thực tế.
Không quá khó để giới chức chính quyền vô hiệu hóa quyền thành lập tổ chức độc lập của người lao động bằng các công cụ là Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Chẳng hạn như Chính phủ có thể đặt ra các điều kiện khắt khe và bất hợp lý về thủ tục và điều kiện thành lập, qua đó có thể hạn chế quyền của người lao động, ngăn chặn sự ra đời của các tổ chức độc lập đại diện cho người lao động.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi Khoản 4 Điều 172 Bộ luật Lao động đã trao quyền cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, và cấp phép hoạt động cho "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp". Như vậy trong thời gian tới, bất kỳ việc thành lập “tổ chức của người lao động”, ngoài việc tuân thủ điều kiện do chính phủ đặt ra, còn phải thông qua sự cấp phép của cơ quan chức năng nhà nước thì mới được công nhận và được phép hoạt động.
Thực tế cho thấy Chính phủ có nhiều kinh nghiệm vô hiệu hóa đối với các quyền con người dù đã được luật hóa. Điều này thể hiện rõ qua nhiều trường hợp đăng ký thành lập tổ chức tôn giáo, hay các tổ chức xã hội dân sự đã bị từ chối, bị ngăn cản bởi cơ quan cấp phép mà không có lý do thích đáng.
Cơ chế “xin-cho” một lần nữa được áp dụng đối quyền thành lập "tổ chức của người lao động" khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của giới chức chính quyền khi thực hiện quyền này dẫn đến việc người lao động khó có thể thiết lập nên một tổ chức độc lập đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó cũng cần nhắc đến sự cảnh giác cao độ của giới chức chính quyền đối với các tổ chức độc lập của người lao động, bởi trong quá khứ, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan – một tổ chức độc lập của người lao động đã mở đầu cho quá trình đánh đổ thành trì chế độ Cộng sản ở Châu Âu.
Vì vậy, ngay cả khi luật đã cho phép, việc người lao động thực thi quyền của mình theo theo luật định cũng khó được đảm bảo trên thực tế. Vấn đề này dễ dàng nhận thấy ở quyền đình công của người lao động dù được luật cho phép, nhưng trên thực tế là bị tước đoạt, người lao động phải đình công trong tình trạng bất hợp pháp và chịu nhiều rủi ro. Điều này sẽ không bao giờ được thay đổi ở Việt Nam khi an ninh quốc gia hay an ninh chính trị vẫn còn được giới chức hiểu một cách mơ hồ và áp dụng tùy tiện như hiện nay.
Bài bình luận gần đây