You are here

NGUYỄN NĂNG TĨNH: "QUYỀN TỰ DO BÀY TỎ QUAN ĐIỂM KHÔNG KHUẤT PHỤC BẠO QUYỀN"

Một đặc điểm cơ bản dùng để nhận diện một chế độ dân chủ khác với một chế độ độc tài là ở quyền tự do bày tỏ quan điểm.

Ở chế độ dân chủ, người dân có quyền bày tỏ quan điểm dưới bất kỳ hình thức nào, như: nói, viết, vẽ, hát, sáng tác nhạc, làm thơ, làm văn... với mục đích chỉ trích đảng cầm quyền, phê phán chính phủ hay những người lãnh đạo quốc gia, mà không lo sợ trước bất kỳ mối đe dọa hay sự trừng phạt của pháp luật.

Tự do bày tỏ quan điểm chính trị không phải là sản phẩm riêng của các chế độ phương Tây, mà nó là một giá trị phổ quát của nền văn minh nhân loại, được Luật Nhân quyền Quốc tế ghi nhận thông qua Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Trong khi đó, ở các chế độ độc tài, bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán chính trị nhắm vào giới cầm quyền, sẽ khiến người bày tỏ quan điểm phải trả giá bằng việc bị sách nhiễu, bị đe dọa, bị bỏ tù, và đôi khi còn phải... bỏ mạng.

Tước đoạt quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị là một sản phẩm rất đặc trưng trong chế độ Phát xít hay Cộng sản, nhằm bảo vệ quyền lực tuyệt đối cho giới cầm quyền.

Qua việc tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế đối với giáo viên dạy âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, một lần nữa cho thấy giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam càng lún sâu hơn vào sự độc tài toàn trị.

Thật khó có thể hình dung được, khi thầy giáo Tĩnh chỉ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa trên facebook cá nhân, trong đó có việc đăng tải các bài hát có nội dung "trả lại cho nhân dân quyền tự do và quyền con người", lại chịu một hình phạt nặng nề như vậy.

Nếu so với một thập kỷ trước, mức án dành cho những người bất đồng chính kiến giờ đây đã tăng theo cấp số nhân. Không một dấu hiệu nào cho thấy sự dung thứ của nhà cầm quyền Hà Nội trước tội danh“tuyên truyền chống nhà nước” đang được áp dụng rộng rãi dựa trên một định nghĩa mơ hồ.

Dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị vào năm 1982, nhưng việc thụ hưởng các quyền này của người dân trên thực tế vẫn không được đảm bảo thực thi.

Nhà nước thông qua các chính sách và pháp luật đã tước đoạt đi quyền tự do bày tỏ quan điểm của dân chúng, chẳng hạn ban hành Luật An ninh mạng và Luật Báo chí, bên cạnh việc sử dụng Lực lượng 47 túc trực trên internet, với mục tiêu rõ ràng là kiểm soát truyền thông trên mạng lẫn ngoài đời, nhằm nhanh chóng dập tắt những tiếng nói phê phán chính quyền.

Tuy đứng trước sự trừng phạt nặng nề, nhưng những người hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam vẫn không lùi bước. Bất chấp những mối đe dọa, họ vẫn dũng cảm bày tỏ quan điểm chính trị của mình, khao khát về một đất nước tự do và dân chủ như là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược ở tương lai.

Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến”. Lời nói này của ông Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa vào hôm 15/11/2019 là sự khẳng định cho quyền tự do bày tỏ quan điểm sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền.