You are here

“BIÊN GIỚI TRỊ”

Một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng xã hội loài người là vẽ ra đường biên giới giữa các quốc gia.

Có thể bạn không tán thành với nhận định này, nhưng tất cả chúng ta đều đồng thuận với nhau về một thực tế rằng, đã có hàng triệu người phải bỏ mạng vì cố gắng liều mình vượt qua biên giới giữa các quốc gia, và điều không may là tình trạng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Vậy thì chúng ta đặt ra biên giới để làm gì? Để đày đọa lẫn nhau hay để bảo vệ chính mình? Trong khi chúng ta dễ dàng nhận ra biên giới không có khả năng bảo vệ một quốc gia này trước sự xâm lược từ một quốc gia khác, hay có thể bảo vệ một sắc tộc này được an toàn hơn trước một sắc tộc khác, và càng không thể duy trì hay gìn giữ cho cái gọi là bản sắc dân tộc.

Biên giới - truy tìm nguồn gốc khởi nguyên của nó không có lý do nào phù hợp hơn ngoài việc phân định lãnh thổ cho những nhóm người nắm quyền cai trị, và đảm bảo cho những người bị trị không thể thoát khỏi sự cai trị đó. Tôi gọi tình trạng này là “biên giới trị”.

Tình trạng “biên giới trị” đáng tiếc vẫn còn hiện diện cho đến thời điểm này, như Bắc Triều Tiên là quốc gia thể hiện rõ ràng nhất. Các quốc gia khác dù có sự thay đổi cởi mở hơn theo nhiều mức độ khác nhau, nhưng vẫn không thể thoát khỏi bản chất “biên giới trị”, với đặc trưng là biên giới luôn gắn liền với một thể chế chính trị, trong đó các hàng rào an ninh biên giới như một vành đai bảo hộ quyền lực cho người nắm quyền và dùng để kiểm soát di dân.

Tại sao con người không ngăn con chim bay từ Á sang Âu, không ngăn con cá bơi từ Phi sang Úc, mà con người lại ngăn cản sự di cư của đồng loại mình trong việc tìm kiếm một vùng đất sống phù hợp hơn đối với họ? Một câu hỏi hơi ngô ghê nhưng có thể làm sáng tỏ sự độc hại của biên giới - đó là tạo ra rào cản ngăn cách con người chia sẽ và kết nối với nhau và thay vào đó là sự kỳ thị, chia rẽ, và đối xử tệ bạc lẫn nhau.

Xu hướng "biên giới trị" ngày nay có vẻ càng được củng cố, khi giới cầm quyền theo chủ nghĩa quốc gia nói rằng thắt chặt biên giới, hạn chế di dân nhằm bảo vệ cho an ninh và lợi ích cho chính bạn hay cho quốc gia của bạn. Nhưng khi bình tâm suy xét, từ Bức tường Berlin trước đây dùng cho mục đích ngăn chặn người chạy ra, hay Bức tường Mỹ-Mexico hiện nay dùng để ngăn chặn người chạy vào, hay sự việc Brexit ở Anh Quốc cũng đều chỉ dẫn cho đầu ra cuối cùng là quyền lực chính trị và uy tín cho giới cầm quyền. 

Trong khi sự thật là, mỗi một con người chúng ta, ai ai cũng luôn khao khát được tự do tung tăng bơi lượn như loài chim loài cá, từng đôi lần ao ước được đi đến tận chân trời góc bể, nên đã đến lúc chúng ta thôi lừa dối chính mình bằng những thiệt hại tưởng tượng do dân nhập cư mang đến, mà thắt chặt hàng rào biên giới để... "nhốt chính mình".

Cơ chế bảo vệ người dân tốt nhất giữa các quốc gia không phải là việc khóa chặt biên giới, ngăn chặn di dân mà là việc tạo ra hành lang rộng mở để người dân dễ dàng chạy thoát ra khỏi biên giới khi đối diện với các cuộc xung đột quân sự hay thảm họa quốc gia.

Bức tường biên giới càng dày, càng cao sẽ luôn tỉ lệ thuận với xác người di cư chồng chất lên nhau khi vượt biên. Mưu cầu cuộc sống hạnh phúc không bao giờ là miễn phí, nhưng loài người còn phải đợi đến bao nhiêu cái chết phơi thây ngoài biển cả hay chết ngộp trong các thùng conteiner thì chúng ta mới tỉnh ngộ để thay đổi?

Biên giới trị cần được xóa bỏ trong xã hội loài người. Tương lai văn minh nhân loại, biên giới không còn được hiểu theo cách hiện nay, mà nó chỉ còn một cách hiểu duy nhất như là sự chỉ dẫn về khu vực địa lý hay tập quán và nếp sống của một cộng đồng người. Tấm hộ chiếu kèm cái visa đẹp là niềm tự hào của con người hiện đại, sau này chỉ nên là một di sản đầy hổ thẹn của nhân loại khi nhìn lại quá khứ.

Đây không phải là một xã hội trong trí tưởng tượng của nhân loại, nếu ngay lúc này mỗi người trong chúng ta có sự bao dung và cởi mở hơn đối với đồng loại di cư của mình và cần nói không với các quyết định chính trị nhằm hạn chế di dân.