Ngày 8 tháng 11 năm 2016, cùng với cả thế giới, chúng tôi theo dõi diễn biến hết sức căng thẳng đầy kịch tính của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Theo dõi các diễn biến cuộc bầu cử từ Việt Nam qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, chúng tôi cũng như rất nhiều người khác mà chúng tôi trao đổi, rất ít ai nghĩ đến việc ông Donal Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Thế nhưng, điều không ngờ đã trở thành sự thật khi truyền thông loan tin Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là Donal Trump.
Một cuộc bầu cử nhiều bất ngờ
Với người Việt Nam, điều người ta thường quan tâm tới các sự kiện là hy vọng điều gì có lợi cho mình từ kết quả của những sự kiện đó.
Chính quyền Cộng sản Việt Nam hy vọng ở một Tổng thống Mỹ dễ dãi hơn về những vấn đề hóc búa mà Việt Nam không thể gỡ được là nhân quyền, là tù nhân lương tâm... để Việt Nam có thể bước vào sân chơi của thế giới trong khi vẫn giữ thói độc tài và tàn bạo tại đất nước này như hiện tại.
Nhà cầm quyền CSVN sẽ rất vui mừng nếu những tổng thống được bầu sẽ như Bill Clinton, người đã tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc như Tổng thống George W. Bush, người đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và bỏ qua những đạo luật như Jackson-Vanik đối với Việt Nam.
Với những người đấu tranh, dấn thân cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, người ta mong nước Mỹ có một tổng thống Hoa Kỳ chú ý nhiều đến các giá trị dân chủ, nhân quyền và dùng ảnh hưởng, áp dụng các biện pháp trong khả năng của mình buộc nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ của người dân.
Đa số những người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước trước họa xâm lăng của Trung Cộng, đều có mong muốn một Tổng thống Hoa Kỳ lãnh đạo đất nước này đối mặt với Trung Hoa cộng sản.
Đối diện với những mong muốn của như thế, chúng ta thấy không có gì lạ, bởi với một đất nước đã bị đặt vào thế nhược tiểu như Việt Nam với kinh tế, xã hội suy sụp, kiệt quệ như hiện nay, thì sự cầu mong, mơ ước dựa dẫm vào một đất nước, một thế lực mạnh hơn để được an toàn cho mình là điều dễ hiểu.
Donald Trump, nhà doanh nghiệp và trùm tư bản bất động sản, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của The Trump Organization. Từ một nhà kinh doanh, không có bất kỳ kinh nghiệm trong dịch vụ công cộng, đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Khi nhận được tin Donal Trump thắng cử trong sự ngạc nhiên, bất ngờ, có người hỏi tôi về sự kiện này, tôi trả lời họ: “Chúc mừng Donal Trump trở thành Tổng thống bởi sự lựa chọn tự do, dân chủ của người dân Hoa Kỳ. Nếu ở Việt Nam có một cuộc bầu cử như vậy mà người dân chọn ra một thằng điên làm Tổng thống, tôi sẽ chấp nhận kết quả đó. Chỉ tiếc rằng ở Việt Nam vẫn có một thằng điên làm lãnh đạo nhưng lại không do dân bầu lên”.
Việc ông Donal Trump vượt qua mọi chướng ngại được mô tả là hết sức lớn để đến ngồi vào cái ghế Tổng thống Hoa Kỳ, đã làm khá nhiều người thất vọng. Bởi đó không phải là một chính khách được đào tạo trong môi trường chính trị bài bản, do vậy từ cách nói năng, từ lối hành xử bất nhất cũng như những vụ việc trong một quãng đời kinh doanh được báo chí và công luận lôi ra mổ xẻ.
Thế nhưng, người Mỹ đã chọn ông.
Bởi nước Mỹ và người dân Mỹ cần một sự thay đổi.
Nhiều năm qua, qua nhiều đời tổng thống Mỹ, lịch lãm, học thức, là những nhà chính trị điêu luyện đã lãnh đạo nước Mỹ giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về nhiều mặt.
Tuy nhiên, điều đó hình như chưa đủ với người dân Mỹ.
Donal Trump làm tổng thống, điều ông quan tâm trước hết và trên hết, là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Điều đó không có nghĩa là nước Mỹ đang không vĩ đại. Thế nhưng, ai cũng biết và hiển nhiên, là trật tự thế giới đã có nhiều thay đổi và điều đó không làm cho nhiều người bằng lòng.
Vài dòng thời cuộc
Bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh lạnh giữa khối cộng sản do Liên Xô đứng đầu với hệ thống các nước dân chủ hết sức căng thẳng. Trong quá trình đó, lợi dụng sự bất đồng lớn giữa Liên Xô và Trung Quốc, các đời Tổng thống Mỹ đã hòa hoãn và bằng nhiều cách, bắt tay, với chế độ Trung Hoa cộng sản, lôi kéo Trung Hoa cộng sản với phương châm “Xây dựng và hợp tác” nhằm cô lập, chống lại Liên Xô.
Và như mọi người dân Việt Nam đều biết, với sách lược đó, Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa trong thế cô đơn, để rồi đi đến kết cuộc bi thảm là cuộc xâm lăng của Bắc Việt đã thành công.
Cũng từ đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng sản được cải thiện mạnh mẽ.
Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Liên Xô tuyên bố giải thể, cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã bày tỏ cảm xúc sung sướng của mình rằng: "Sự kiện vĩ đại nhất từng diễn ra trên thế giới trong suốt cuộc đời của tôi, trong toàn bộ cuộc đời của mỗi chúng ta, chính là sự kiện này đây: Nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, nước Mỹ đã chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh".
Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh trật tự thế giới đã có những thay đổi mới. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn những điều mà nước Mỹ phải đối mặt.
Một đất nước rộng lớn với hơn 1 tỷ dân, bị kìm kẹp bởi đảng Cộng sản Trung Quốc sau mấy chục năm “Kiên định Chủ nghĩa Mác – Lenin” đã là điển hình cho sự nghèo đói và tụt hậu. Bằng những “Cuộc cách mạng” nhằm thỏa mãn tham vọng từ ngàn đời là vươn lên làm bá chủ thế giới. Thế nhưng, chính quyền Trung Hoa Cộng sản đã thất bại thảm hại, đưa cả đất nước Trung Hoa vào sự suy đồi. Khi mớ lý thuyết đó bị cả thế giới vứt vào sọt rác, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới giật mình vứt bỏ sự kiêu ngạo cộng sản lần mò tìm ra thế giới bên ngoài.
Với phương châm “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình, chính quyền Trung Hoa cộng sản đã thực hiện “Chính sách đối ngoại” mà bản chất là mở cửa bắt tay với Mỹ.
Và các đời Tổng thống Mỹ đã không cần cảnh giác trước một đất nước nghèo đói lạc hậu và suy kiệt nhưng có một thị trường dân số khổng lồ. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO trong sự tin tưởng của Tổng thống Bil Clinton và giới chủ chính trị Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do và quan niệm giá trị cũng tiếp cận tự do dân chủ kiểu Mỹ.
Chính sách phát triển kinh tế của chính quyền Trung Hoa cộng sản đã rõ ràng có hiệu quả sau một thời gian mấy chục năm được các đời Tổng Thống Mỹ tạo nhiều cơ hội để giao lưu và hội nhập với thế giới.
Có lẽ sẽ không là vấn đề lớn, nếu nền kinh tế Trung Quốc được phát triển bình thường theo đúng quy luật thị trường công bằng, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế như bao quốc gia khác. Điều trái ngược ở đây, là nền kinh tế của Trung Hoa Cộng sản được phát triển bằng những biện pháp rất… Cộng sản. Đó là ăn cắp bản quyền trí tuệ và gian lận thương mại.
Có thể nói rằng, bản chất của một chế độ cộng sản thì khó có thể thay đổi dù cho được hội nhập vào thế giới văn minh. Những biện pháp để phát triển kinh tế của Trung Hoa Cộng sản được sử dụng hết sức đa dạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản độc tài.
Đảng Cộng sản sẵn sàng can thiệp vào mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, thương mại, đối nội và đối ngoại. Đặc biệt là việc ăn cắp các sáng chế, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đã trở nên chuyện bình thường ở quy mô nhà nước trong chế độ này.
Ở đó, từ những sản phẩm nhỏ nhặt nhất trong đời sống tiêu dùng hàng ngày, cho đến những siêu sản phẩm trí tuệ như máy bay, tàu chiến và các sản phẩm tinh vi khác, đều được Đảng Cộng sản lãnh đạo khuyến khích bằng con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất với phương châm “Đi tắt đón đầu” mà hành động cụ thể là ăn cắp trí tuệ nhân loại.
Với dân số khổng lồ, thị trường sức lao động rẻ mạt, Trung Hoa đã thu hút rất nhiều các công ty nước ngoài đổ xô vào đầu tư tại đó. Và hẳn nhiên, khi làm ăn có lãi, các công ty đã không ngần ngại nhiều trước những yêu cầu về chuyển giao công nghệ, sở hữu sáng chế, trí tuệ của mình cho Trung Hoa.
Trung Hoa được coi như công xưởng của thế giới, từ cái chiếc tăm trên bàn ăn cho đến chiếc Laptop của quan chức chính quyền Mỹ sử dụng, tất cả đều được gắn hàng chữ “Made In China”.
Và nền sản xuất của Trung Hoa phát triển nhanh chóng đến giật mình.
Với phương châm phát triển, tích lũy bằng mọi giá, Trung Hoa Cộng sản đã nhanh chóng làm giàu bằng mọi cách, bất chấp sự phát triển bền vững của môi trường, xương máu người dân, quyền con người và luật lệ quốc tế.
Hàng chục năm sau đó, tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc liên tục gia tăng, hình thái ý thức cũng ngày càng xa dần sự kỳ vọng của người Mỹ. Trung Quốc đã từ đối tác biến thành đối thủ của Mỹ.
Rồi đất nước Trung Hoa cộng sản khi tích lũy được một số tiền nhất định đã nổi lên trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới và ngang nhiên thách thức vị trí cường quốc của nước Mỹ.
Khi đã cảm thấy mình đủ tầm vóc, cảm thấy việc “ẩn mình chờ thời” là không cần thiết, nhà cầm quyền Trung Hoa Cộng sản đã thể hiện rất rõ tham vọng của mình trước toàn thế giới mà không cần giấu diếm.
Và lúc đó, câu nói của Mao Trạch Đông: “Mỹ chỉ là con hổ giấy” trở thành quan niệm chính thức trong suy nghĩ của chính quyền Trung Hoa Cộng sản.
(Còn nữa)
Ngày 3/9/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây