Vụ án phức tạp và có vẻ như khó nhằn của nhà nước Việt Nam, là vụ đưa ông Trương Duy Nhất ra xét xử, mà tin cho hay có lẽ sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Khác với ông Trịnh Xuân Thanh, được cho là cùng hoàn cảnh bị bắt giữ, ông Trương Duy Nhất là một người hết sức cứng cỏi và quyết không khoan nhượng. Bạn cùng trại giam và cũng là ngoài đời với ông Nhất là tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có lý giải một số thắc mắc mà hiện nay đang có trên các trang mạng xã hội.
Tin cho hay nhà báo Trương Duy Nhất đã được gặp gia đình, và có lẽ vụ án này cũng sẽ sớm đưa ra xét xử trong năm nay. Điều đáng chú ý là dù đã kết thúc điều tra, nhưng gia đình cho biết mỗi khi thăm gặp, ông Nhất luôn bị các điều tra viên kèm chặt. Điều này có nghĩa thế nào, theo ông?
Mục đích theo sát Trương Duy Nhất như vậy, theo tôi, chỉ là nhằm bịt mọi tin tức mà Trương Duy Nhất có thể đưa ra bên ngoài, phục vụ cho con đường thăng tiến của ông Nguyễn Xuân Phúc vào đại hội đảng sắp tới. Cứ nhìn lại sẽ thấy việc đưa người sang tận Thái Lan bắt cóc đem về, kết tội rồi lúng túng thay đổi tội danh: đó là động cơ chính trị chứ không phải là kinh tế như nhà nước CSVN vẫn nói. Đặc biệt là cho đến giờ phút này, Hà Nội vẫn không sao công khai giải thích được việc Trương Duy Nhất có mặt ở Việt Nam, cho thấy bản lĩnh của Nhất đã “cứng” như thế nào.
Lý giải về việc Nhất được gặp gia đình nhưng có đến 2 điều tra viên theo sát bên cạnh, là từ đầu, Nhất có một thời gian dài làm báo về mảng nội chính ở Quảng Nam-Đà Nẳng nên anh ta chắc chắn có một kho dữ liệu quan trọng, liên quan đến nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc.
Từ năm ngoái, khi ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) bị bắt, rồi năm nay là vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất, mọi suy luận đều nghe đến cái tên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng lẽ nào một ông Phúc lại có thể tung hoành cho riêng mình liên tục như vậy mà không ngại bất kỳ ai?
Tôi nghĩ rằng cuộc chiến nội bộ của Đảng CSVN đang hết sức quyết liệt. Và diễn biến thì phức tạp đến mức mọi trường hợp đều không loại trừ. Và việc im lặng không có nghĩa là có không có kế sách nào, mà phải đợi vào phút cuối mới hiểu hết. Chính trường Việt Nam lâu nay vẫn vậy.
Việt Nam lâu nay vẫn có nhiều tin đồn, trong đó có tin ông Trần Bắc Hà vì nắm giữ nhiều bí mật mà chết ở trại tạm giam, sự việc rất mờ ám. Nếu ông Trương Duy Nhất được coi là người nắm giữ các bí mật quan trọng tầm quốc gia như vậy, liệu có yên ổn trong trại giam không, theo ông?
Tôi nghĩ là khó mà làm điều như vậy với Nhất. Khi Nhất mất tích một tuần, hầu như giới truyền thông quốc tế đã bùng lên các tin tức, và dồn dập cập nhật từng ngày nên Nhất không bị quên lãng. Thật khó mà làm hại nhất lúc này, khi gia đình và luật sư đã được tiếp cận và quan sát Nhất liên tục.
Chúng ta vẫn phải buộc theo dõi trong thời gian sắp tới, xem có những tay đổi gì trong cuộc chiến ở thượng tầng chính trị Việt Nam hay không. Và tôi cũng hy vọng là có những bất ngờ, đem lại tự do cho Nhất.
Trước đây, trong thời gian tạm giam có tin nói về ông Nhất bị tra khảo và bị đánh gãy răng, nhưng rồi lại không có gì. Ông nghĩ sao về tin đồn rất chủ ý này?
Khi một người được cộng đồng quốc tế quan tâm, mọi tin tức gì đưa ra từ gia đình hay trong nước cũng có thể trở thành sự kiện. Cơ quan điều tra vẫn hay giăng bẫy để gia đình và giới quan tâm bị hút theo, sập bẫy và nản lòng với những tin không thật, từ đó lơi dần hay dè dặt việc cập nhật tin tức.
Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, tôi thấy rõ việc này. Trước đây, gia đình đến thăm nuôi tôi ở số 4 Phan Đăng Lưu (thật ra Công an CSVN đang giam tôi ở B34, nhưng giấu thông tin với gia đình) và bảy lần gửi thức ăn vào, không thấy tôi ký nhận nên thắc mắc yêu cầu được gặp. Trung tá Lê Hồng Điệp đã mớm cho gia đình tôi câu nói là “nhỡ ông ấy bị mất một tay thì sao?”. Khi nghe vậy gia đình tôi đã rất hoảng loạn và thông tin cho bạn bè. Khi tin tức này lan đi, họ cho tôi xuất hiện và không bị gì cả, nhưng giới tuyên truyền và công an sử dụng câu chuyện đó để làm xấu đi hình ảnh tôi và gia đình như là những kẻ dựng chuyện hay có ý làm tin giật gân thu hút mọi người chú ý. Uy tín các nguồn tin nói chung về giới tranh đấu cũng sẽ dễ bị lung lay.
Trương Duy Nhất là một ví dụ như vậy. Khi gia đình Nhất nghe có tin Nhất bị tra khảo và đánh gãy hai răng cửa đã rất lo sợ. Tôi đã nhắc lại thủ đoạn “Điếu cày mất tay”, và khuyên gia đình bình tĩnh. Vì vào lúc công luận đang quan tâm, một nguồn tin bị coi là dựng chuyện, tin giả sẽ khiến người bên ngoài mất lòng tin. Kết quả là ngày gia đình anh Nhất vào tháng 8/2019 vừa rồi, đã thấy anh ta hoàn toàn nguyên vẹn. CSVN đã thất bại với thủ đoạn này.
Dư luận VN có vẻ như chia rẽ về chuyện ông Trương Duy Nhất. Có người lên tiếng ủng hộ ông ta, nhưng cũng có người nói rằng không nên dây vào vì đó là một phần của cuộc thanh trừng nội bộ…
Tôi muốn nhắc lại rằng năm 2011, Trương Duy Nhất đã trả thẻ nhà báo, và bước vào con đường phản biện, viết tự do và lên tiếng cho nhiều trường hợp mà báo chí nhà nước im tiếng. Và anh Nhất cũng đã trả giá cho quyền tự do ngôn luận của anh bằng một án tù.
Tôi đã ở trong trại cùng với Trương Duy Nhất, và hiểu anh ta là người như thế nào. Đó là một người bạn, một người mạnh mẽ.
Việc anh Trương Duy Nhất có những nguồn tin riêng từ giới nội chính do mối quan hệ của anh, không thể là lý do bỏ mặc anh ta, và coi đó chỉ là một “cuộc chiến phe phái”. Nếu không phải là Nhất, mà là bất kỳ một công dân Việt Nam nào khác mà bị bắt cóc, bị biệt giam rồi ghép cho một cái tội, cũng là bất hợp pháp, cũng là bất công cần phải lên tiếng. Việc vẽ ra hình ảnh Trương Duy Nhất là “công cụ thanh trừng phe phái” cũng có thể là một cách của tuyên truyền cộng sản nhằm làm giảm nhiệt một sự kiện bất minh, mà không ít người tin và hưởng ứng.
Nhất bị bắt cóc, bị giam và bị áp đặt tội danh – tức đó là một con người đang chịu bất công thì lại đi tấn công vào anh ta, nói vu vạ khi anh ta không có khả năng trả lời thì tôi cho là hèn.
Nếu không là Nhất, mà là người nhà của chính anh hay tôi, hay người khác thì sao? Giữa những chuyện như vậy mà trước tiên là không nhận ra sự sai trái, chà đạp lên luật pháp của chính quyền CSVN thì rõ ràng không am hiểu các quy cách ứng xử trong đời sống văn minh, và không minh bạch với suy nghĩ của mình. Đừng quên rằng, cuối cùng thì Nhất cũng là một công dân.
Bài bình luận gần đây