Ngày 14/8/2019, Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương, quản nhiệm Giáo họ Độc Lập Con Cuông, thuộc Giáo phận Vinh, Tỉnh Nghệ An đã nộp đơn tại Tòa Án nhân dân Huyện Con Cuông. Chính thức khởi kiện Vi Đình Tuyển, Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Tỉnh Nghệ an.
Giáo họ Con Cuông và lịch sử đàn áp của chính quyền Nghệ An
Tám năm sau sự kiện Giáo họ Con Cuông ở miền Tây Nghệ An, vấn đề lại được đặt ra khi nhà cầm quyền Việt Nam gây khó dễ cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo tại khu vực này.
Chúng ta còn nhớ, cách đây 8 năm, vào lúc 14 giờ ngày 13/11/2011, chính quyền huyện Con Cuông đã huy động lực lượng trên 300 người, trong đó có công an, dân phòng… đến ngôi Nhà nguyện ở Giáo điểm Con Cuông gây hỗn loạn đang khi linh mục và giáo dân dâng lễ. Hơn nửa tháng sau, vào lúc 0 giờ 30, ngày 30/11/2011, một quả mìn tự chế đã được ném vào Nhà nguyện, làm hỏng trần nhà, cửa sổ và nền nhà nguyện.
Chiều ngày 1/7/ 2012, linh mục G.B Nguyễn Đình Thục đến dâng Thánh Lễ cho các giáo dân thuộc Giáo điểm Con Cuông đã bị một nhóm côn đồ chặn lại đánh đập. Nhiều giáo dân đã phải đổ máu vì những cuộc tấn công tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN tại đây. Một phụ nữ đã bị đánh vỡ hộp sọ phải đi cấp cứu ở Hà Nội.
Đặc biệt, nhà cầm quyền đã huy động cả quân đội, công an và đủ loại lực lượng để trấn áp một giáo họ ít ỏi chỉ gần 500 giáo dân trải rộng khắp 3 huyện miền Tây Nghệ An.
Những sự việc trên, cả thế giới đã biết và theo dõi sát sao. Vụ việc tại Con Cuông đã kịp thời có mặt trên báo chí thế giới và đến nhiều nơi trên các diễn đàn quốc hội của nhiều nước, đặt nhà cầm quyền CSVN phải hết sức lúng túng và muối mặt trước những hành động tàn bạo này.
Sau các vụ việc trên, chính quyền huyện Con Cuông đã phủ nhận trách nhiệm. Chính quyền tỉnh Nghệ An cử công an đến điều tra vụ việc. Nhưng cho đến nay đã 8 năm thủ phạm gây ra vụ nổ vẫn bặt vô âm tín?
Hẳn nhiên người ta đều biết rằng vụ nổ sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng, bởi điều vô cùng đơn giản là chính thủ phạm lại đi điều tra thủ phạm thì chẳng đời nào điều tra được sự thật ở đâu.
Năm 2015, giáo điểm Con Cuông được nhận một linh mục mới: Linh mục Phalo Phạm Trọng Phương, một linh mục trẻ, năng động và giàu tình yêu thương người nghèo.
Đến nhận quản nhiệm Phó Giáo xứ Quan Lãng rồi quản nhiệm Giáo họ độc lập Con Cuông, linh mục Phương đã cố gắng để mọi vấn đề được bình thường, xoa dịu nỗi đau của giáo dân 3 huyện thuộc giáo họ Con Cuông này.
Tại đây, linh mục Phương đã huy động tiền của từ những nhà hảo tâm, từ các giáo dân khác để rồi lặn lội trong rừng núi không quản gian nan, giúp đỡ những người dân ở đây bất kể lương, giáo, đồng bào dân tộc hay người kinh.
Hơn chục ngôi nhà đã được xây dựng cho những người nghèo tại đây, chủ yếu là những người ngoài công giáo, những gia đình khó khăn, ốm đau và hoạn nạn được giúp đỡ từ lương thực, thực phẩm, quần áo và thuốc men.
Tình hình có vẻ bề ngoài ổn định, nhưng trong đó ẩn chứa nhiều âm mưu, thủ đoạn và những hành động trắng trợn của nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An, ngang nhiên hạn chế, ngăn cản không chỉ quyền tự do tôn giáo của giáo dân, mà cả quyền được sống, quyền được phục vụ, giúp đỡ của họ.
Tiếp tục vi phạm pháp luật, ngăn cản quyền tự do tôn giáo của người dân
Trao đổi với chúng tôi, linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương cho biết:
Kể từ khi lên quản nhiệm tại Giáo họ Con Cuông, linh mục Phương và những người đồng hành đã liên tục cố gắng để làm những việc mà người dân nghèo cần đến họ, đồng thời hoàn thành trách nhiệm của một công dân nhưng cũng là một mục tử coi sóc đoàn chiên khó khăn của mình.
Cùng từ đó, vị linh mục trẻ này đã phải đối diện với nhiều hình thức bách hại khác nhau từ phía nhà cầm quyền.
Những hoạt động của linh mục phục vụ người dân luôn được đặt dưới sự giám sát, theo dõi và rình mò của công an và các loại lực lượng khác nhau. Mọi hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo đều phải xin phép, nếu không sẽ bị cản trở bằng nhiều thủ đoạn.
Đặc biệt hệ thống tuyên truyền của nhà nước bằng nhiều hình thức đã liên tục rêu rao, bôi xấu linh mục và ngăn cản sự tiếp cận của người dân đối với Công giáo. Thậm chí, sự tuyên truyền với thái độ thù địch nhằm gây mâu thuẫn và chia rẽ những người dân có tôn giáo và không có tôn giáo tại đây.
Để phục vụ cho giáo dân và những người dân nghèo khổ, với hai bàn tay trắng của một linh mục mới được giao trách nhiệm, linh mục Phương đã vận động bằng nhiều cách để có được chút tiền bạc phục vụ những nhu cầu tối thiểu cần thiết cho đời sống tôn giáo và đời sống hàng ngày của người dân tại đây.
Linh mục Phương đã bỏ tiền mua một khu đất tại Giáo họ, xây dựng một trung tâm mục vụ, phục vụ đời sống bà con giáo dân và đồng bào bất kể tôn giáo nào. Thế nhưng, những việc làm tốt lành đó của linh mục Phương vẫn bị đặt vào sự khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất trong não trạng phân biệt và trấn áp của nhà cầm quyền tại đây.
Khu đất linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương mua lại của người dân để xây dựng trung tâm mục vụ phục vụ cộng đồng, cho đến nay vẫn bị gây khó dễ trong việc cấp các giấy tờ, sổ sách.
Mới đây, trước hiện trạng khi muốn gặp linh mục những giáo dân và lương dân ở cách nhà thờ, cách xa linh mục đến cả trăm km phải đi xe máy đường rừng mất cả vài ba tiếng đồng hồ. Sẽ là bất khả kháng với các bệnh nhân hấp hối cần gặp linh mục để được nhận các bí tích cuối cùng. Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương đã mua lại một ngôi nhà của một người dân tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An để có cơ sở làm nơi phục vụ cộng đồng tại đó.
Công văn lạ: Tước bỏ quyền công dân của linh mục
Thế nhưng, ngay lập tức linh mục Phương đã đối diện với những trò bẩn thỉu của nhà cầm quyền tại đây, bất chấp luật pháp và quy định của nhà nước, cán bộ đã tìm đủ mọi cách để không cấp giấy tờ cũng như công nhận việc mua bán này.
Cần phải nói rõ rằng: Linh mục Phalo Phạm Trọng Phương là công dân Việt Nam, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, từ việc đóng góp sức lực để cống hiến phục vụ xã hội cho đến việc đóng từng đồng tiền thuế cho nhà nước để nuôi hệ thống chính trị này không thiếu một xu, không được miễn trừ một đồng nào.
Vậy nhưng, khi linh mục Phương sử dụng quyền công dân của mình, mua bán tài sản thì ngay lập tức bị ngăn chặn và tước bỏ quyền công dân.
Công văn của Xã Lạng Khê, huyện Con Cuông do Chủ tịch UBND Xã Vi Đình Tuyển ký đã phải thừa nhận linh mục Phương là công dân, có quyền mua bán trao đổi tài sản.
Nhưng, điều oái oăm, là công văn này lại nại ra một điều rất mới: “Căn cứ Bộ giáo luật năm 1983 của Giáo hội Công giáo, “cha sở phải ở trong nhà xứ, nhà thờ. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, vì lý do chính đáng, đấng bản quyền địa phương có thể cho phép cha sở ở một nơi khác, nhất là tại nhà chung có nhiều tư tế, miễn là phải liệu sao để chu toàn nhiệm vụ thuận lợi và đều đặn” vì thế “Linh mục Phương muốn chuyển nhượng đất đai phải có sự đồng ý của Giám mục Giáo phận Vinh cho phép”.
Đây là một điểm mới trong hành động của nhà cầm quyền CSVN trong mọi mưu đồ trấn áp Công giáo với đủ mọi lý do có thể nghĩ ra được.
Cái gọi là công văn đó, chúng tôi thừa biết rằng kể cả một chủ tịch Huyện cũng chưa có thể viết nổi khi viện dẫn ra cả điều khoản trong Bộ Giáo Luật của Giáo hội Công giáo, chưa nói đến Vi Đình Tuyển, một anh chủ tịch xã người dân tộc miền núi này.
Thế nhưng, cần nói rõ rằng: Khi không thể có cách nào viện dẫn luật pháp để giải thích được hành động chà đạp pháp luật của mình, nhà cầm quyền đã phải dùng thủ đoạn trích Giáo Luật.
Cần nói thêm một chút về Giáo Luật và nhà cầm quyền CSVN.
Trong quá trình cướp đất đai của Giáo hội Công giáo, nhà cầm quyền CSVN đã hầu như cố tình bỏ qua những quy định ngặt nghèo và chặt chẽ trong Bộ giáo luật của Giáo hội Công giáo mà mọi người công giáo đều phải tuân theo chứ chưa nói đến hàng giáo sĩ.
Ở đó quy định rõ ràng rằng: Chỉ có đấng bản quyền của Giáo hội mới được quyết định chuyển nhượng, mua bán trao đổi tài sản Giáo hội sau khi đã có bàn bạc thống nhất bằng văn bản với cả hội đồng linh mục và ban tư vấn.
Thế nhưng, nhìn lại hầu hết các vụ cướp đất của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, điển hình như tại Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Dòng Thánh Phaolo Hà Nội, các giáo xứ ở Hải Phòng và rất nhiều nơi khác, tại Vinh như ở Cầu Rầm… nhà cầm quyền CSVN không đếm xỉa Giáo luật và pháp luật mà sử dụng biện pháp của một nhà nước côn đồ: Cướp.
Để giải thích cho hành động cướp đó, nhà cầm quyền CSVN đã cho rằng các linh mục quản lý, các bà sơ đã hiến, tặng, trao cho nhà nước số tài sản trên. Và nhà cầm quyền đã đánh lận con đen khi buộc những vị quản lý kia kê khai tài sản do mình quản lý rồi lấy đó và lu loa rằng: Đã giao, hiến, tặng cho nhà nước thống nhât quản lý.
Mặc dù Giáo hội công giáo đã chỉ ra rằng: Đó chỉ là những người được giao giữ sổ sách, quản lý mà thôi, họ không hề có quyền quyết định số phận tài sản của Giáo hội Công giáo.
Điều này đã bị chúng tôi vạch trần rất nhiều lần. Bởi nguyên tắc luật pháp không cho phép đã đành mà Giáo luật càng không để sơ hở như vậy.
Nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn cứ muối mặt, lỳ lợm dùng vũ lực cướp khi đuối lý.
Và lần này khi đuối lý, nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An đã nại ra Giáo Luât.
Có điều là họ đã nhầm lẫn một cách đáng thương.
Bởi họ đọc mà không hiểu được điều họ đã đọc. Trong khi họ trích dẫn rõ ràng rằng: “vì lý do chính đáng, đấng bản quyền địa phương có thể cho phép cha sở ở một nơi khác, nhất là tại nhà chung có nhiều tư tế, miễn là phải liệu sao để chu toàn nhiệm vụ thuận lợi và đều đặn ” trong khi linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương hoàn toàn tuân thủ yêu cầu của “đấng bản quyền” và đang ở ngay trong Giáo xứ, giáo họ được giao quản lý, bao gồm ba huyện Miền Tây Nghệ An.
Và khi trích bừa như vậy nhưng không thể hiểu, thì họ vẫn kết luận rằng “Linh mục Phương muốn chuyển nhượng đất đai phải có sự đồng ý của Giám mục Giáo phận Vinh cho phép”.
Và Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã trả lời bằng một văn bản, rất nhẹ nhàng nhưng rất thấm thía, vạch cho hệ thống cầm quyền Nghệ An một điều đơn giản mà họ không hiểu: “Việc chuyển nhượng, mua bán là hoạt động dân sự của linh mục Phạm Trọng Phương, điều đó phù hợp với pháp luật và là quyền chính đáng của công dân, yêu cầu chính quyền thực hiện nghĩa vụ của mình với quyền chính đáng của linh mục Phương”.
Lẽ ra, với một chính quyền, chỉ cần như vậy thì cũng đủ để thấy sự nhục nhã do sự thiển cận thiếu hiểu biết, đặc biệt là thiếu đạo đức của mình mà công khai hoặc âm thầm sửa chữa.
Thế nhưng không, nhà cầm quyền vẫn cứ lỳ lợm chây ỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình khi ăn những đồng thuế của người dân.
Tiến hành vụ kiện
Trước tình hình trên, ngày 14/8/2019, linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương đã nộp đơn kiện Vi Đình Tuyển, Chủ tịch UBND xã Xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Tỉnh Nghệ An về hành vi không thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất đai và các giấy tờ liên quan đến hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được chuyển nhượng.
Đây là một việc làm đúng luât pháp quy định của linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương, thể hiện thêm một bước của sự chấp hành luật pháp cách mẫu mực, đẩy nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An vào thế khó: Hoặc chấp nhận thua kiện, cấp đầy đủ giấy tờ cho công dân - linh mục Phương - theo quy định của luật pháp. Hoặc chấp nhận bộ mặt thật nham nhở của họ bị bóc trần về cái gọi là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” dưới cái vỏ bọc tự xưng là “Nhà nước Pháp quyền XHCN”.
Trao đổi với chúng tôi, linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương cho biết, ngài sẽ theo đuổi việc này đúng quy định của luật pháp đến khi nào sự việc được giải quyết.
Đây là sự kiện khá lý thú hiếm hoi xảy ra tại Việt Nam trong cái gọi là nhà nước XHCN.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh sự kiện này.
Video: Cuộc trao đổi với linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương:
Ngày 15/8/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây