CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM, CHO THẦY GIÁO NGUYỄN NĂNG TĨNH VÀ GIÁO XỨ CẦU RẦM
Thưa quý ông bà và anh chị em
Hôm nay, chúng ta tập trung về đây, nơi Giáo xứ, và cũng là Giáo Hạt Cầu Rầm này để cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình. Để có công lý, hòa bình, đòi hỏi cần thiết đầu tiên, là sự hiểu biết về nó.
Công lý là gì?
Theo định nghĩa, thì Công lý là một khái niệm đúng đắn luân lý dựa trên nền tảng đạo đức, tính hợp lý, pháp luật, quy luật tự nhiên, tôn giáo, sự tương đối hay công bằng, cũng như việc quản lý của pháp luật, có tính đến quyền bất khả nhượng và bẩm sinh của tất cả mọi người và công dân, quyền của tất cả mọi người, cá nhân để bảo vệ bình đẳng trước pháp luật của các quyền dân sự của họ, mà không phân biệt đối xử dưa trên sắc tộc, giới tính, định hướng giới tính, nguồn gốc dân tộc, màu da, tôn giáo, tuổi tác, hoặc các đặc tính khác, và hơn nữa, coi như là bao gồm các luật công bằng xã hội.
Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Đây là khái niệm mang tính tổng quát và tuyệt đối, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy tắc chỉ là những cố gắng nhằm hệ thống, hiện thực và cụ thể hoá khái niệm này.
Theo Giôn Raols (John Rawls) là đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, định nghĩa công lý là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người, là sự công bằng và công lý chính là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân.
Hòa bình là gì?
Hòa bình được định nghĩa là trạng thái xã hội không có chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị xã hội.
Như vậy, hôm nay chúng ta về đây cũng nhau cầu nguyện, cùng nói lên những ước nguyện của mình, cầu xin Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta, cho gia đình, xã hội và đất nước chúng ta có Công lý – Hòa bình theo nghĩa đúng đắn vốn có. Khi có công lý – Hòa bình, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội được điều chỉnh trong những mối tương quan thân thiện, bình đẳng và tôn trọng phẩm giá của con người, của tạo vật mà Thiên Chúa bằng kỳ công của mình đã dựng lên.
Thưa quý ông bà và anh chị em
Vì sao chúng ta phải cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình?
Chỉ bởi điều đơn giản nhất, là công lý, hòa bình đang ngày càng thiếu vắng trên thế gian.
Đặc biệt là ở những quốc gia có chế độ độc tài, toàn trị, ở những quốc gia không có nền dân chủ, tự do thực sự, ở những quốc gia mà quyền lợi, lợi ích của nhân dân, của đất nước, chỉ nhằm phục vụ lợi ích ích kỷ của một nhóm người nhất định.
Ở những quốc gia đó, lợi ích của cộng đồng, của đất nước, của xã hội tập trung hầu hết vào những kẻ cầm quyền. Quyền lợi của người dân bị xem nhẹ hoặc cướp đoạt, nhân phẩm của người dân bị chà đạp, quyền con người của người dân bị đánh cắp.
Ở những quốc gia đó, tầng lớp thống trị được đặc cách, được nghiễm nhiên coi là là một lớp người khác với những ưu đãi vượt ra khỏi khuôn khổ quy định của luật pháp. Còn tuyệt đại đa số người dân, chỉ là hàng trâu ngựa, chỉ là hạng lợn bò dê chó, bất cứ khi nào cũng có thể bị đem đi thí mạng, bị lừa đảo, bị trấn cướp, bị cai trị bằng súng đạn, nhà tù và lừa dối.
Ở những quốc gia đó, để duy trì vai trò độc tài, độc trị của mình, súng đạn, nhà tù và mọi hình phạt của luật pháp luôn chỉ dành cho người dân khốn khổ nai lưng vắt mồ hôi xương máu của mình nuôi một đám người không chỉ ngồi mát, ăn bát vàng, mà còn là sự xa xỉ, phung phí và phá hoại tài sản chung chỉ nhằm phục vụ lợi ích của bản thân, gia đình và phe nhóm đảng phái của mình mà thôi.
Cũng ở những quốc gia đó, lãnh thổ của quốc gia, tiền đồ của dân tộc, của con cháu mai sau là điều không đáng để bận tâm.
Nhìn lại trên thế giới, khi những chuyển biến thời cuộc qua đi, khi cả loài người đã vững bước đi lên văn minh, hiện đại, dân chủ, tự do… kể cả những đất nước nghèo đói lạc hậu nhất như Châu Phi cũng đã cải tổ đi theo hướng tiến bộ, theo quy luật phát triển của loài người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, ban cho trí khôn, sự thông minh sáng suốt để nhằm phuc vụ cộng đồng dân chúng cách bình đẳng, thì chỉ còn lại một số quốc gia ít ỏi có thể đếm trên đầu ngón tay cố giữ khư khư chế độ độc tài nhằm thỏa mãn lợi ích ích kỷ của phe nhóm, đảng phái.
Chúng ta có thể chỉ đích danh những đất nước đó mà không ai có thể chối cãi. Khi hệ thống cộng sản thế giới đua nhau sụp đổ không thể cưỡng lại như một quy luật tất yếu, cả thế giới chỉ còn lại Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Cuba và “vinh dự thay” là cả đất nước Việt Nam chúng ta vẫn cứ bám theo mớ lý thuyết Cộng sản mà cả thế giới đã trải qua với đủ mọi sự kinh hoàng rồi đua nhau vứt vào sọt rác lịch sử.
Và những đất nước đó, là điển hình của sự lạc hậu, bất bình đẳng, sự đàn áp bằng bạo lực, dối trá, bất công.
Ở những đất nước đó, Công lý – Hòa bình là một món hàng xa xỉ.
Nhìn lại đất nước chúng ta.
Với truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, với nguồn tài nguyên dồi dào được Thiên Chúa ban tặng, đất nước chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu chế độ khác nhau. Kể cả chế độ thực dân, đế quốc, phong kiến rồi cộng sản.
Nhưng, chưa bao giờ và chưa khi nào, đất nước chúng ta rơi vào tình trạng suy đồi và suy sụp như ngày hôm nay.
Khi mà lãnh thổ cha ông để lại đang dưới gót sắt kẻ thù, Hoàng Sa, Trường Sa đang nằm dưới sự xâm lăng của ngoại bang. Sự xâm lăng không phải chỉ bằng cướp đoạt, chiếm đóng lãnh thổ mà còn là sự xâm lăng về văn hóa, về nếp sống, về mọi mặt đời sống xã hội. Từ miếng ăn hàng ngày bị nhiễm độc, từ thói vô cảm, giành giật lẫn nhau bất chấp lương tâm và lẽ phải cho đến sự suy kiệt về giống nòi. Tất cả đều xuất phát từ Phương Bắc với chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn Trung Quốc.
Nhưng, oan nghiệt thay, đảng và nhà nước lại lấy kẻ thù truyền kiếp của dân tộc làm bạn vàng.
Chưa bao giờ nền văn hóa chúng ta suy đồi như hôm nay, khi mà truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã bị thay thế bằng chủ nghĩa thực dụng, vô cảm, lừa đảo, cướp đoạt lẫn nhau, ngấm sâu vào mỗi con người Việt Nam. Điều đó bắt nguồn từ triết lý sống “Vật chất có trước, tinh thần có sau” mà chủ nghĩa Cộng sản coi là cội nguồn chân lý.
Chưa bao giờ, mà mỗi khi bước ra đường, ngồi vào mâm cơm, uống một cốc nước và thậm chí hít thở khí trời, người dân Việt Nam lại phải nơm nớp bởi độc tố.
Chưa bao giờ, đất nước chúng ta vốn có truyền thống chắt chiu gây dựng cơ đồ cho con cháu mai sau, lại đến tình trạng như hiện nay khi khai tác tận kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Gia tài để lại cho con cháu chúng ta là những món nợ khổng lồ từ việc đòi lại lãnh thổ cho đến mỗi người dân hiện nay mang trên mình mỗi người hơn 35 triệu đồng nợ công, chia đều cho những hài nhi mới sinh đến những cụ già sắp xuống lỗ.
Chúng ta nhớ đến câu thơ của cô giáo Trần Thị Lam, ở Hà Tĩnh:
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Cũng chưa bao giờ, hoàn cảnh đất nước lâm vào tình trạng “trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán” như hôm nay.
Thưa quý ông bà và anh chị em
Vẫn là câu hỏi nhức nhối của nữ giáo viên nhà thơ nói trên:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Trong hoàn cảnh đó, trong những điều kiện “dân không chịu lớn” đó, khi mà cả dân tộc đang chìm đắm trong sự sợ hãi, ngủ mê bằng thói vô cảm, co kéo cho lợi ích cho riêng mình, thì vẫn có những con người dám đứng lên nói lên sự thật.
Và như một quy luật tất yếu khi mà chế độ chính trị chỉ nhằm phục vụ một nhóm độc tài, họ đã phải bước vào nhà tù, chấp nhận bị tù đày, lăng nhục và trả thù.
Những ngày này, khi mà chúng ta vừa trải qua những trận nóng lịch sử kéo dài. Cái nóng xứ Nghệ kéo theo khí hậu khắc nghiệt đến mức chúng ta ngồi nơi râm mát, quạt điện, máy lạnh, nước đá phục vụ tận nơi vẫn không chịu nổi, thì những ngày qua tại miền Tây Nghệ An, nới trại giam số 6, hàng loạt tù nhân vẫn ngày ngày ngồi trong những chiếc xà lim chật chội chen chúc lợp tôn ngột ngạt. Và quái gở hơn, họ bị cắt luôn cả quạt điện vì… quạt bị hỏng?
Các tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc, ký giả Trương Minh Đức, thầy giáo Đào Quang Thực, tù nhân Trần Phi Dũng… đã buộc phải tuyệt thực, đã phải dùng chính mạng sống mình đấu tranh chỉ để có cơ may sống sót. Cho đến hôm nay, họ đã bước sang ngày tuyệt thực thứ 18 trong nhà tù Thanh Chương.
Họ đã phạm tội gì?
Xin thưa, tội của họ lớn lắm.
Họ đã không chịu chấp nhận im miệng để kiếm ăn, để chỉ lo nồi cơm của nhà mình. Họ đã gắng sức đem khả năng và nhiệt huyết của mình, để đòi lại cho chính chúng ta, con cháu chúng ta, nòi giống chúng ta quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Họ không chịu học tập và làm theo những cán bộ tham nhũng cướp bóc, trái lại đã hy sinh không chỉ họ mà cả gia đình họ, và có thể cả tương lai của họ để đòi hỏi sự công bằng, công lý, hòa bình cho tất cả chúng ta.
Họ đã chấp nhận tù đày, chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình, chỉ vì noi theo đức Công chính của Đức Giê su là đường, là Sự Thật.
Mới đây, cháu gái Maria Nguyễn Hải Giang vừa từ trần khi tròn 16 tuổi bởi căn bệnh ung thư xương.
Điều đau đớn nhất của cháu ngoài bệnh ung thư quái ác đã cướp đi mạng sống cháu ở độ tuổi đẹp nhất với bao mơ mộng cho cuộc đời, là cháu đã phải chứng kiến ông nội mình cũng bị chết bởi căn bệnh ung thư mới một năm trước.
Nhưng, đau đớn hơn, là bố cháu, anh Nguyễn Nam Phong đã bị nhà cầm quyền Cộng sản bỏ tù không thể về để được nhìn mặt cha và đứa con mình đứt ruột đẻ ra một lần cuối.
Tội của anh, là đã giúp đỡ bà con Nghệ An đòi công bằng, quyền lợi khi bị đối xử phân biệt và bất công trong vụ việc nhà nước đã rước Formosa về gây đại thảm họa môi trường, gây bao mầm bệnh chết chóc và suy vong nòi giống chúng ta.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta biết đến thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, một giáo viên nhiệt thành, trung tín và tận tụy hy sinh vừa bị bắt cóc cách đây 1 tháng.
Nếu theo cách suy nghĩ thông thường trong xã hội này, thì thầy là một kẻ “điên”, một người không bình thường.
Trong khi người ta lo đi dạy thêm dạy nếm, bóp nặn từng đồng hào đồng cắc của học sinh, hoặc đổi tiền, đổi tình lấy điểm như chúng ta thường thấy ở các giáo viên đảng viên, thì thầy lại đi lo cho những thai nhi bé bỏng bị từ chối và giết chết ngay từ trong lòng mẹ, là hậu quả của thói ăn chơi sa đọa của quan chức, của những cô gái nhẹ dạ, cả tin thậm chí nhiễm lối sống vật chất sa đọa.
Trong khi người la lo co kéo về cho gia đình từng đồng tiền ăn cắp được từ tiền thuế của dân nghèo, thì thầy lại đi lo cho từng hoàn cảnh của những người nghèo, những người bất hạnh. Những bệnh nhân phong, những hoàn cảnh cơ hàn, những ngư dân miền Hưng Nguyên không có chốn dung thân vẫn nhớ hình ảnh luôn tươi cười của thầy khi đến với họ.
Còn thầy, hai vợ chồng với hai đứa con, vẫn cứ mỗi người một phương, trú ngụ trong những khu nhà trọ tạm bợ.
Trong khi người ta lo dạy dỗ cho con trẻ thói ăn cắp, đánh lộn, bạo lực, gian dối bằng thi cử gian lận, nâng điểm thì thầy lo dạy cho con trẻ biết đứng lên đòi “quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn, được nghe, được nói, quyền được chọn chân lý tự do và quyền xóa bỏ độc tài, độc tôn”.
Thế rồi thầy bị bắt cóc dọc đường.
Thế rồi nhiều báo chí đồng loạt đăng tin, và tặng cho thầy cũng như những người như thầy đã dám hy sinh vì mọi người, một danh từ rất vui tai là “phản động”.
Phản động là gì?
“Phản động” nghĩa là tất cả những gì đi ngược lại hay trái với quy luật của tự nhiên và xã hội. Mà quy luật của tự nhiên và xã hội là phải đi lên theo chiều hướng tiến bộ của xã hội loài người. Muốn được vậy, phải có nền dân chủ, tự do thật sự. Tất cả mọi hành động, lời nói đi ngược với xu thế tiến bộ, trái quy luật thì mới được coi là phản động.
Vậy thì kẻ cố tình duy trì một chế độ độc tài, tước đoạt quyền tự do dân chủ của người dân cho một nhóm người, và người đấu tranh cho một xã hội bình đẳng, bác ái, thương người và đòi tự do dân chủ thì ai là kẻ phản động?
Trên thực tế, những người được mệnh danh là “phản động” kia đã làm điều gì nên tội?
Họ có làm như bà cán bộ đảng viên Trương Thị Lan Anh, chỉ mới là chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương mà đã ăn chặn 237 triệu đồng tiền hỗ trợ mua máy gặt lúa và máy cày cho các hộ dân hay không?
Họ có làm như đảng viên Trần Văn Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vẽ dự án để chiếm tận 5ha đất công không?
Họ có thông đồng với vài cá nhân chặn đường người dân trấn lột tiền ngang nhiên dù dân không dùng đường tránh Tp Vinh như BOT cầu Bến Thủy kia không?
Họ có làm được như đám “đầy tớ của dân”, lương ba cọc ba đồng nhưng nhà nọ xe kia ăn chơi xả láng nhầy nhụa trên những đồng tiền xương máu của người dân hay không?
Họ có giành quyền độc tài về chính trị, đè đầu cưỡi cổ người dân để mặc sức mình muốn làm gì thì làm trên xương máu mồ hôi nước mắt của người dân hay không?
Họ có rước được Formosa về đây để giết chết dân, làm suy vong nòi giống rồi đưa quân lực, đàn áp người dân đòi quyền lợi của mình không? Họ có bằng mọi cách bao che cho kẻ đã gây thảm họa cả vùng biển miền Trung và đầu độc cả nước không?
Họ có bán nước cho ngoại bang, nhận kẻ thù dân tộc làm bạn vàng, để chính thức làm kẻ thù dân tộc không?
Những câu trả lời của các câu hỏi trên, tự nó đã định nghĩa và phân biệt rạch ròi: Ai là phản động trong đất nước này hiện nay.
Chúng ta cầu nguyện cho những con người đã dám hy sinh cả bản thân mình cho cộng đồng, cho xã hội đó.
Chúng ta mang ơn họ, chúng ta mắc nợ họ và chúng ta cần phải có trách nhiệm với họ, chính là có trách nhiệm với chính chúng ta, con cái chúng ta.
Họ đã là những con người dù theo bất cứ tôn giáo nào, thì chính họ cũng đã và đang làm theo lời Chúa dạy. Bởi chính Chúa Giê su đã nói: “Ta là đường, là Sự thật và là Sự sống. Ai mến ta, hãy vác Thánh giá mọi ngày mà theo ta”.
Thưa quý ông bà và anh chị em
Thánh lễ cầu nguyện hôm nay, trên Giáo xứ Cầu Rầm. Một giáo xứ đã có 131 năm tuổi chỉ kể từ khi thành lập Giáo xứ.
Ngôi Thánh đường Cầu Rầm của chúng ta cũng đã được xây dựng từ trước đó rất lâu trên mảnh đất mà cha ông chúng ta đã khai khẩn, mua bán và làm chủ, Thánh hiến từ hơn nửa thế kỷ trước khi chính quyền Cộng sản cướp được chính quyền ở đất nước này.
Điều hiển nhiên, là ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên cho đến các bản Hiến pháp sau đó đều ghi rõ: Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân, các cơ sở tôn giáo được nhà nước bảo hộ.
Vậy mà điều hết sức hài hước là, không rõ cái sự “tôn trọng” và “bảo hộ” đó được thực hiện như thế nào mà cho đến nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn bị nhà nước Cộng sản mượn, thuê, chiếm, cướp 2.500 cơ sở tôn giáo có từ xa xưa, đến nay vẫn không trả lại.
Riêng Giáo xứ Cầu Rầm của chúng ta, mọi sự còn đó, nó đã trải qua những năm tháng thăng trầm dưới thời đại cộng sản. Ngôi nhà thờ tồn tại trên khu đất hơn 3ha, là công trình văn hóa, là chốn tôn nghiêm, đã là kỷ niệm trong tiềm thức của biết bao nhiêu người dân Thành phố Vinh không kể tôn giáo nào.
Khi chiến tranh khốc liệt, cả thành phố Vinh bị san bằng. Năm 1968, nhà thờ Cầu Rầm cũng bị bom ném sập.
Nhân cơ hội đó, nhà cầm quyền đã cắm Biển Căm thù ngay trên đất Nhà thờ. Điều này như một sự trái khoáy trớ trêu, nhưng cũng như một sự ác ý khi đất Thánh, nơi gieo rắc ươm mầm Tình yêu thương đối với mọi người, lại trở thành Bia Căm thù.
Chúng ta không phải không rõ những ý đồ của nhà cầm quyền đối với Giáo hội chúng ta nói chung và đối với Cầu Rầm nói riêng. Khi làm con đường đi từ Nam Đàn về Vinh, lẽ ra con đường đi thẳng qua khu sân Vận động, thì nhà cầm quyền lại bẻ góc ngoặt vào chiếm đất nhà thờ với dụng ý rõ ràng là triệt tiêu một cơ sở tôn giáo tồn tại từ lâu đời không chỉ trên thực tế mà còn là trong lòng mỗi người dân Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.
Thế rồi, khi giáo dân xin được làm lại nhà thờ, nhà cầm quyền lấy cớ rằng đó là “Bia căm thù”, là “Di tích tội ác đế quốc Mỹ”.
Thế nhưng, khi cơn khát tiền đã đến, thì di tích cũng chẳng là gì. Ban đầu nhà cầm quyền đã lấy làm khu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Rồi sau đó âm thầm bí mật bán cho công ty Trường Giang.
Đã từ lâu, rất nhiều lần giáo xứ đề nghị nhà cầm quyền trả lại đất cho nhà thờ, nhưng hết lý do này đến lý do khác, nhà cầm quyền bằng mọi cách chầy bửa với quyền của người dân là lấy lại tài sản của mình. Năm 2010, Công ty Trường Giang tiến hành xây dựng ngang nhiên trên đất Thánh của giáo dân làm khu khách sạn, ăn chơi.
Đến lúc đó, giáo dân mới được biết và sự phẫn nộ của người dân bùng nổ.
Trước sự phẫn nộ, đoàn kết của người dân Giáo xứ Cầu Rầm hết sức nhiệt thành và kiên cường, Công ty Trường Giang đã phải tháo chạy để lại hiện trạng dang dở.
Chúng ta cũng đã thấy nhiều trò được diễn với mảnh đất này, sau khi công ty Trường Giang buộc phải rút lui, nhà cầm quyền cũng đã bày trò “Trưng cầu dân ý” để mục đích lấy đất nhà thờ làm Đài liệt sĩ.
Than ôi, chẳng lẽ các liệt sĩ đã bỏ xương máu cho đất nước, cho chế độ này để các quan chức ngày nay có chỗ ngồi kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt người dân, hương hồn họ không còn chỗ để cư ngụ, lại phải chui vào một vùng đất Thánh thiêng của tôn giáo khác?
Sự phản ứng quyết liệt của không chỉ giáo dân, mà cả những người dân bình thường, thân nhân liệt sĩ cũng như người dân Thành phố Vinh và khắp nơi, đã chặn mưu đồ này lại.
Thế rồi, gần đây, thấy miếng mồi béo bở là khu đất vàng chưa nuốt được, nhà cầm quyền lại lập mưu “Trưng cầu dân ý” là có trả lại đất cho Cầu Rầm hay không?
Xin nói ngay rằng: Trò này đã quá xưa cũ. Bởi ai cũng thừa biết, nhà cầm quyền cộng sản xưa nay coi ý kiến người dân như thế nào.
Nếu định giở trò này, nhà cầm quyền nên đọc lại bản Hiến pháp 1946, dù đã quy định về trưng cầu dân ý hẳn hoi. Rằng “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều 21); “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý” (Điều 32) và “Những điều thay đổi (Hiến pháp) khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” (Điều 70).
Thế nhưng, 73 năm qua, nhà cầm quyền CSVN đã làm như thế nào với những điều ghi trong Hiến pháp này thì ai cũng hiểu không cần nói nhiều.
Điều mà người giáo dân chúng ta cần nhận được câu trả lời thỏa đáng và cấp thiết là:
1- Lấy cơ sở nào, để đất đai Thánh Thất của chúng ta, được nhà nước bảo hộ lại lấy đem đi bán cho người khác? Nhà nước đang bảo hộ cái gì?
Xin lưu ý rằng đừng nói cùn theo kiểu vô luật vô pháp của Báo Nghệ An rằng đất đai nhà thờ Cầu Rầm đã bị ai bán cho HTX Hợp Đức nào đó. Thực chất là khi nhà thờ sụp đổ do chiến tranh, một số gạch vụn và vật liệu đổ xuống đã được thanh lý. Và nhà cầm quyền căn cứ vào lý cớ đó để nhập nhèm, lập lờ đánh lận con đen.
Trước khi nói, cần hiểu một điều đơn giản nhất là việc bán đất đai, tài sản nhà thờ, thánh thất không phải bất cứ ai cũng có thể làm. Người công giáo tuân thủ theo Giáo luật rất nghiêm khắc và rõ ràng. Mà tai hại thay cho nhà cầm quyền là đã thừa nhận Tôn giáo này với Giáo luật rõ ràng và cụ thể. Vì thế Giáo luật của Giáo hội mặc nhiên được thừa nhận.
Theo đó, chẳng ai được phép bán đất đai nhà thờ, kể cả linh mục quản xứ. Vì đất đai, tài sản Giáo xứ không thuộc quyền sở hữu của linh mục hay giáo dân tại đây.
Chỉ đơn giản, là muốn công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, thì cũng phải có công văn của Phạm Văn Đồng với chức danh Thủ tướng Chính phủ, chứ Chủ tịch một Thành phố hoặc Tỉnh như Nghệ An thì việc bán đó không hề có giá trị pháp lý.
2- Lấy cơ sở nào, để từ đất đai, tài sản đang thuộc sở hữu của người dân, của tôn giáo, lại đi “Trưng cầu dân ý” những người không có quyền lợi, không có chức năng pháp lý ở đây để quyết định?
Bởi đơn giản rằng, dù nhà cầm quyền Nghệ An có muốn thì cũng không thể trưng cầu dân ý của người dân Nghệ An để bán Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.
3- Cũng xin đừng nại ra rằng, nhà cầm quyền đã đổi khu đất hơn 3ha của Giáo xứ Cầu Rầm với mảnh đất nhà thờ Cầu Rầm hiện nay. Bởi lẽ Giáo xứ chưa bao giờ chấp nhận hiến đổi hoặc mua bán khu đất của Giáo xứ. Mặt khác Hiến pháp và pháp luật quy định rõ ràng: Khi cá nhân, tổ chức tôn giáo có nhu cầu, thì nhà nước phải xem xét và cấp đất đai.
Giáo xứ Cầu Rầm từ xưa với một số lượng giáo dân rất nhỏ, đã phải sử dụng khu đất hơn 3ha, ngày nay, lượng giáo dân tăng gấp nhiều lần, nhu cầu hẳn nhiên tăng lên không cần bàn cãi. Và đây chỉ là khu đất nhỏ nhoi không thể đáp ứng đủ nhu cầu giáo dân. Chưa cần so sánh với những ngôi chùa lấy cả hàng ngàn ha đất của dân mà ngay tại Quốc Hội đã có ý kiến về việc các quan chức chóp bu có cổ phần kinh doanh ở đó.
Với tất cả những lý do trên, trắng đen đã rõ ràng, việc nhà cầm quyền Nghệ An phải trả lại đất đai Giáo xứ Cầu Rầm là việc không nên bàn cãi nhiều. Bởi chỉ làm lộ sáng những mảng tối của một số quan chức đã bất chấp lương tâm, đạo đức nhằm cướp đoạt đất Thánh thiêng của giáo xứ.
Còn tất cả giáo dân chúng ta, là con cháu của những bậc sinh thành, tổ tiên chúng ta đã bao đời chắt chiu, xây dựng nên mảnh đất này, đó là nơi yên nghỉ của các linh mục, của các thai nhi, của những bậc tiền bối. Chúng ta sẵn sàng bằng tất cả khả năng, sức lực và sự đoàn kết của mình, bảo vệ những gì cha ông, Giáo hội đã để lại.
Lời cuối bài giảng này, tôi muốn nhắn gửi đến các cán bộ còn có lương tâm trong hệ thống công quyền rằng: Những hành động của chính chúng ta hôm nay, đều tuân theo quy luật “Nhân - quả”. Do vậy, chúng tôi kêu gọi lương tâm con người, sự chấp hành chính sách, luật pháp nơi quý vị, nhanh chóng trả lại mảnh đất của Giáo xứ Cầu Rầm.
Kinh Thánh đã dạy: “Của Xeda hãy trả lại Xeda, của Thiên Chúa hãy trả về Thiên Chúa”. Và "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh."
Còn nếu quý vị không có lòng tin vào Thiên Chúa, thì hãy nhớ lời Phật dạy: “Những việc ác mà ngươi đã phạm, không phải là tại cha ngươi, không phải là tại mẹ ngươi, không phải tại thầy, chủ ngươi. Chính một mình ngươi đã phạm, và một mình ngươi phải chịu quả báo” (Kinh Đề Bà Đạt Ma) và: “Dẫu rằng ngươi chạy lên trời cao, ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi thẳm, không có nơi nào mà ngươi trốn khỏi cái quả ghê gớm về tội ác của ngươi”… (Kinh Pháp Cú).
Xin cảm ơn quý ông bà và anh chị em.
Ngày 30 tháng 6 năm 2019
Giảng lễ: Linh mục Giuse Nguyễn Đức Nhân.
Chánh xứ Mỹ Dụ - Giáo phận Vinh
Video bài giảng:
Bài bình luận gần đây